Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC ViỆT NAM VÀ CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM



                                PGS,TS Đàm Đức Vượng
      Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam
      Trong thời gian gần đây, trên các trang mạng, một số người không thiện chí đã gào to, thét lớn, đả kích vào chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Có ông giáo sư xã hội học, tay vung lên chém gió, tung lên trang mạng với bài “Chớ cao giọng dạy dân lòng yêu nước”, đả kích vào một số vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay, khi họ nói về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, thực chất là đả kích vào chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Bài báo của ông đó viết:
      “Những ngày vừa qua, để đối phó với làn sóng biểu tình dâng lên mạnh mẽ phản đối “Luật Đặc khu kinh tế” mở đường rước kẻ cướp đảo, cướp biển của Việt Nam vào trấn giữ ba vị trí xung yếu của duyên hải Việt Nam, và “Luật An ninh mạng” tạo cơ sở pháp lý cho việc bịt miệng dân, đang lan rộng ra cả nước, cùng với việc dùng bạo lực trấn áp, đánh đập dân rất tàn nhẫn, một cơn dịch vu cáo dân, cao giọng dạy dỗ dân phải “biết yêu nước đúng cách”…
      “Vậy đó, thưa các vị. Các vị đang giương cao khẩu hiệu “Học tập và làm theo đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh’ nhằm tìm kiếm một tấm bình phong che giấu cho những việc làm tệ hại của các vị theo cách “quỷ dẫn Kinh Thánh” vừa nói ở trên, tôi buộc phải chép lại, vì e rằng, có vị ngập chìm trong cuộc chiến quyền lực, chẳng còn hơi sức và thời gian mà học tập và làm theo Hồ Chí Minh. Vả chăng, nếu theo như vậy, thì làm còn cái ghế các vị đang ngồi!”. 
      “Cho nên, họ biết các vị quá rõ, biết từng đường đi nước bước trong “quy trình” tiến thân của các vị. Khi các vị cao giọng dạy họ “phải biết yêu thương đúng cách”, thì họ cũng đã biết các vị đã yêu nước như thế nào. Có những vị đã từng biết cách thu xếp sao để không cần phải “xếp bút nghiên” theo tiếng gọi cứu nước đúng vào lúc chiến trường đang giục giã, mà vẫn miệt mài “bút nghiên” để cứ thể yên ả “cống hiến cho đất nước” một cách ngoạn mục bởi những nấc thang danh vọng ra sao”…
     Rồi ông dẫn ra những câu của Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu,… để biện minh cho những nhận thức sai trái của ông nhận thức về chủ nghĩa yêu nước. Trích dẫn câu của các nhà yêu nước và cách mạng chân chính cũng phải có cái tâm. Nếu không có cái tâm mà vẫn trích dẫn, chẳng qua chỉ là sự lợi dụng câu trích để mưu toan ý đồ khác. Bài viết trước đó, ông ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam và đả kích vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vậy thử hỏi Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam là hai Đảng hay sao?
      Với sự trung thực của lịch sử, tôi phải nói ngay rằng, không có chuyện nhà chức trách “đánh đập dân rất tàn nhẫn”. Có thể nói, đây là một sự vu cáo của một người bất mãn với chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay, và cũng chẳng có ai cao giọng dạy dân lòng yêu nước một cách sai trái, chỉ có những tiếng nói chân chính về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, mong sao người dân đừng để các thế lực chống đối lợi dụng lòng yêu nước để phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới.
      Trong bài này, tôi muốn trao đổi với vị giáo sư xã hội học và với các vị  có quan điểm nhận thức sai trái về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Trước hết, phải hiểu rằng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã có từ thời xa xưa, khi giặc ngoại xâm đến xâm chiếm cõi bờ của đất nước, chứ không phải bây giờ mới nảy sinh lòng yêu nước. Khi nước Đại Cồ Việt đánh quân xâm lược Tống, thì chủ nghĩa yêu nước được dấy lên trong lòng mỗi người dân. Khi quân Nguyên, sang xâm lược, quân và dân nước Đại Việt “sát thát”, nêu cao hào khí “Đông A”, trên dưới một lòng, nguyện chiến đấu đến cùng chống quân xâm lược đến từ phương Bắc, và đã ba lần đánh thắng quân Nguyên. Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã đánh cho quân Minh xâm lược nước Đại Việt những đòn “gãy xương sống”. Quân Minh thua trận chạy táo tác về nước, xin cầu hòa. Nguyễn Huệ (Quang Trung) đã từng đánh tan tác quân Thanh xâm lược, thì chủ nghĩa yêu nước lại bùng lên, khí thế “xung thiên” của quân và dân nước ta ầm ầm như thác đổ. Khi Pháp, rồi Nhật, Mỹ sang xâm lược Việt Nam, ngọn cờ yêu nước lại bùng cháy, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Cuối cùng, thì quân và dân Việt Nam đã đánh tan ba tên xâm lược thời cận, hiện đại, và cuối cùng, đã ghi được dòng chữ vàng “Độc lập – Tự do” lên lá cờ đại nghĩa của mình. Đất nước thống nhất, giang sơn quy về một mối, người dân Việt Nam  được hường độc lập, tự do, hạnh phúc, làm chủ vận mệnh của mình.
      Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thể hiện lòng trung thành của nhân dân lao động Việt Nam đối với chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa của mình.
      V.I.Lênin nói: Chủ nghĩa yêu nước nói chung là “một trong những tình cảm sâu sắc nhất, đã được củng cố qua hàng trăm hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập” (V.I.Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, bản dịch. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tập 37, tr. 226). V.I. Lênin còn nói: “Chủ nghĩa yêu nước của con người thà chịu đói ba năm chứ không bao giờ trao tổ quốc cho người nước ngoài – đó là chủ nghĩa yêu nước chân chính, mà thiếu nó, chắc hẳn chúng ta không đứng vững được ba năm” (V.I.Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, bản dịch. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tập 42, tr. 151).
      Có điều là tổ quốc là một môi trường kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa thay đổi theo lịch sử, cho nên chủ nghĩa yêu nước ở những thời đại khác nhau cũng có những nội dung khác nhau. Nó được quy định không phải bởi một tinh thần dân tộc hoặc chủng tộc thần bí nào đó như một số nhà tư tưởng tư sản đã quả quyết, mà do bởi những điều kiện kinh tế - xã hội. Chủ nghĩa yêu nước có ý nghĩa đặc biệt trong thời kỳ hình thành dân tộc, khi nó đã trở thành ngọn cờ đấu tranh chống lại tình trạng cát cứ phong kiến và áp bức dân tộc. Do mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp trong xã hội tư bản chủ nghĩa càng trở nên gay gắt, cho nên chủ nghĩa yêu nước tư sản đã trở thành lừa dối và giả tạo, bởi vì giai cấp tư sản ngày càng hy sinh quyền lợi của tổ quốc, của dân tộc cho những quyền lợi ích kỷ và tham vọng cố hữu của một số người trong giới chóp bu.
      Giở lại những trang lịch sử, thấy rằng, vào đầu cuộc Chiến tranh đế quốc chủ nghĩa thế giới thứ nhất, khi những phần tử sôvanh đưa ra khẩu hiệu “bảo vệ tổ quốc”, thực chất là lừa bịp và xuyên tạc lòng yêu nước của nhân dân.
      Nhân dân lao động là những người yêu nước chân chính, những người biểu hiện lợi ích dân tộc thật sự. Nhờ có chủ nghĩa yêu nước mà nhân dân Liên Xô đã chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Nhờ có chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh húng cách mạng Việt Nam, mà nhân dân nước Đại Cồ Việt, rồi nước Đại Việt và nước Việt Nam ngày nay đã làm nên kỳ tích trong các cuộc chiến đấu chống xâm lược qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ngày nay, nhờ có chủ nghĩa yêu nước trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trải qua hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, nhân dân Việt Nam đã làm nên kỳ tích, mang lại nền độc lập, tự do thật sự cho Tổ quốc. Một tình cảm có nội dung mới về chất đã xuất hiện, đó là lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam chúng ta trong lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và kỹ thuật, công nghệ, về lối sống xã hội chủ nghĩa, về những giá trị đạo đực và những lý tưởng mới. Đó là chủ nghĩa yêu nước đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam.
     Trong thời bình và trong công cuộc đổi mới, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lấy chế độ sở hữu xã hội xã hội chủ nghĩa làm cơ sở kinh kế, lấy nền dân chủ và tính ưu việt xã hội chủ nghĩa làm cơ sở chính trị - xã hội; lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận – tư tưởng. Ngoài ra, nó còn được nuôi dưỡng bằng một cách sâu xa của các truyền thống tiến bộ, yêu nước của người Việt Nam.
      Chủ nghĩa yêu nước biểu hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong lao động hằng ngày, trong phong trào thi đua của những người lao động tiền tiến trong cuộc phấn đấu vì năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều. Nó cũng biểu hiện thái độ đấu tranh không khoan nhượng của những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện làm sói mòn đạo đức, tư cách, chống đối, đả kích vào chế độ xã hội chủ nghĩa.
      Chủ nghĩa yêu nước bao gồm lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, tình yêu Tổ quốc và nhân dân, những người sẵn sàng lao động vì lợi ích chung của dân tộc Việt Nam. Tất cả những biểu hiện chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa bằng mọi hình thức đều phải được phê phán và lên án.
      Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
     Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy rực rỡ trong Cách mạng tháng Tám và qua hai cuộc chiến đấu chống xâm lược, cùng như trong hòa bình xây dựng và trong công cuộc đổi mới đất nước. Hàng loạt những tấm gương của thời kỳ dựng Đảng như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Võ Văn Tần, Phùng Chí Kiên,… và những tấm gương thời kỳ chiến tranh cách mạng như Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn và biết bao đồng chí khác đều biểu hiện lòng cao cả của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, biểu tượng sáng ngời của khí phách Việt Nam trong thời đại mới. Những cô gái làm nhiệm vụ tại ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh, trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Mỹ, cứu nước cũng là một biểu hiện tuyệt vời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
     Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện khí phách Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Từ ngày đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta đã phải chịu biết bao cảnh đau thương, chết chóc bởi sự bóc lột của đế quốc và phong kiến. Chúng câu kết với nhau, đàn áp, bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy. Không chịu sống đời nô lệ cho kẻ xâm lược, nhân dân ta đã cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
      Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện ở sự lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn, đó là con đường dân tộc gắn với giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, dân tộc gắn với thời đại nhằm giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
     Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện rực rỡ nhất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Việt Nam và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, trong đó, có biết bao người con đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Những năm, tháng nhân dân ta gian khổ chiến đấu, “nằm gai nếm mật”, vào sống ra chết, người và của mất mát rất nhiều, thể hiện đức anh hùng, đức hy sinh vô bờ bến của nhân dân ta.
       Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện ra các phong trào thi đua yêu nước trong xây dựng hòa bình và tái kiến thiết đất nước. Trên các công trường, xưởng máy, trên cánh đồng lúa xanh bát ngát hiện lên một tinh thần cách mạng tiến công vào đói nghèo, lạc hậu. Từ xưa tới nay, dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, điều đó được minh chứng bằng những cuộc chống ngoại xâm và chống giặc nội xâm và trong xây dựng hòa bình.
      Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện ở tinh thần quyết tâm bảo toàn vẹn lãnh thổ, không để cho bè lũ xâm lược lấn tới và chiếm đóng; khẳng định và quyết tâm bảo vệ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Đảo Hoàng Sa và đảo Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị quân xâm lược đến từ phương Bắc chiếm đóng, trước sau cũng phải trả lại cho Việt Nam. Các quần đào khác ở Biển Đông thuộc Việt Nam từ trước tới nay cũng cần được bảo vệ một cách vững chắc. Nhân dân Việt Nam quyết “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn/Đem chí nhân mà thay cường bạo”, như Nguyễn Trãi đã tổng kết.
      Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, việc phòng chống tham nhũng quyết liệt cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Dư luận xã hội mong mỏi đừng để cho cuộc đấu tranh này “quyết” rồi “liệt” luôn, vì nó đang còn dang dở. Còn rất nhiều vụ tham nhũng lớn mà chưa được phanh phui.
      Bên cạnh những cuộc đấu tranh chống tham nhũng là những cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội dưới mọi màu sắc, nhất là trong công tác cán bộ, cũng cần phải được tiếp tục.
     Đó là những biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, chứ không phải như trong bài viết mang tính chất đả kích của một số người và của ông giáo sư xã hội học.


Những kẻ đang “húc đầu vào đá” !




                                                                                TS. Cao Đức Thái[1]

Cứ vào những dịp Toàn Đảng, toàn Dân, các Lực lượng Vũ trang ta có những hoạt động hướng đến ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì những kẻ tự xưng là “ người yêu nước”, người “bất đồng chính kiến”, những thế lực thù địch trong và ngoài nước lại lợi dụng internet, mạng xã hội- thế giới ảo, để xuyên tạc, bóp méo và bôi nhọ thân thế, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức của Người. Chúng viết rằng: Hồ Chí Minh “ chẳng có tư tưởng gì”, chỉ là người “ du nhập chủ nghĩa Mác, Lênin vào Việt Nam” và gây ra các cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn”, “nồi da nấu thít”. Đã trên 40 năm, kể từ ngày 30/4/1975 đến nay “dân tộc Việt Nam vẫn chưa được hòa hợp” vì chế độ “ độc tài đảng trị”. 
Thời đại ngày nay là thời đại Toàn cầu hoá. Các giá trị chung của nhân loại về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa nhanh chóng lan tỏa trên internet, mạng xã hội. Đây là cơ hội cho các dân tộc có thể chia sẻ những giá trị của dân tộc mình với các dân tộc khác. Đây cũng là cơ hội để nhân loại nhìn lại những hệ tư tưởng, học thuyết, tư tưởng trong những thời đại lịch sử đã trôi qua, đáng giá lại những gì đã bị lịch sử vượt qua, những gì vẫn còn và cần vận dung phát triển. Dân tộc Việt Nam có thể và có quyền tự hào chia sẻ với các dân tộc, bè bạn quốc tế về tư tưởng, đạo đức, triết lý sống Hồ Chí Minh. Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết, nói trong nhiều gia đoạn Cách mạng Việt Nam như bản Tuyên ngôn độc lập, 1945, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước-“Không có gì quý hơn độc lập tự do”, 1966 là những tư tưởng vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay nói về Tư tưởng Hồ Chí Minh người Việt Nam có thể tự tin khẳng định rằng, những tư tưởng của Người là sự tích hợp những giá trị tư tưởng của nhân loại, đó là Tự do, Độc lập, Dân chủ, Bình đẳng, Trách nhiệm và Đoàn kết.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập, 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng trích lại Bản “Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ”, 1776 : “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp”, năm 1789 : “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ những tiền đề tư tưởng lớn đó, Người đưa ra một chân lý mới có ý nghĩa thời đại, đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” ( Tuyên ngôn độc lập, 1945).
Đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin để giành độc lập dân tộc, giải phóng xã hội song Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa biệt phái, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa yêu nước cực đoan, ích kỷ. Người luôn luôn đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc lên trên lên trên lợi ích giai cấp. Sau khi cách mạng thành công Người chủ trương xây dựng nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, của dân, do dân, vì dân với đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng.
Không theo mô hình nhà nước Xô Viết – là mô hình ra đời sau Cách mạng Tháng Mười. Một cuộc cách mạng mà Người đã từng đánh giá là “ Cách mạng đến nơi”, là “quyền giao cho dân chúng số nhiều”…Nhưng đối với Việt Nam, cuộc cách mạng tháng Tám, 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và giải phóng khỏi xã hội thoát khỏi chế độ thực dân-phong kiến, Người đưa ra quyết định sáng tạo- xây dựng nhà nước theo mô hình “ dân chủ, cộng hòa” với nguyên tắc: Chính quyền các cấp, từ  thấp đến cao đều do nhân dân bầu ra, đại diện cho quyền và lợi ích của đại đa số nhân dân. Mô hình nhà nước dân chủ, cộng hòa vốn là mô hình nhà nước TBCN (đến nay vẫn là mô hình phổ biến nhất trong cộng đồng quốc tế). Sự khác biệt mô hình nhà nước dân chủ cộng hòa của Việt Nam với nhà nước dân chủ cộng hòa TBCN chỉ là ở vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Vai trò đó vốn được hình thành trong lịch sử.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh độc lập Dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn là phẩm giá của một dân tộc. Các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ là vì những những giá trị đó. Là một Dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng Dân tộc ta không thể vì hòa bình mà chấp nhập sự thống trị của bất cứ thế lực xâm lược nào, cho dù chúng hùng mạnh, hung bạo, nham hiểm đến đâu. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “ Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa!…Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”[2] .
Trong các cuộc kháng chiến, nhất là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân, dân ta không thể không đồng thời đánh đổ chính quyền tay sai, quân đội tay sai do Mỹ dựng lên, nhằm “ thay đổi mầu da trên xác chết” ( chết thay cho lính Hoa Kỳ). Bởi vậy không thể nói cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là “ nội chiến”, là “ nồi da nấu thịt” được.  Tư tưởng đặt của độc lập của dân tộc,  tự do của nhân dân lên trên hết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh  nhắc lại vào năm 1966, khi đế quốc Mỹ tăng cường cuộc chiến tranh xân lược Việt Nam, mở rộng cuộc chiến tranh không quân ra Miền Bắc, Người nói: “ Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khái niệm dân chủ là Chế độ xã hội, trong đó “nhân dân là người chủ; là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”; “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân”[3]
Là một người macxit, nhưng không phải là một người giáo điều mà luôn luôn vận dụng và phát triển sáng tạo những tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin vì lợi ích của quốc gia dân tộc. Mặt khác với Người, cách mạng không phải là “ đạp đổ”, xóa bỏ mọi giá trị của xã hội cũ mà phải biết giá trị gì cần thay đổi, những giá trị gì cần bảo vệ và phát triển. Mục tiêu đầu tiên của cách mạng giải phóng Dân tộc là giành lại độc lập dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân. Trên nền tảng của 2 giá trị đó đi đến mục tiêu cuối cùng của cách mạng là Tự do và Hạnh phúc của nhân dân. Trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh huyện và làng”, 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “ Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nức Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[4]
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu rực rỡ cho trí tuệ và phí phách của Dân tộc  ta. Tại Khóa họp lần thứ 24 tại Paris (20/10 - 20/11/1987) Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, vào năm 1990. Đây là sự ghi nhận công lao vĩ đại và tài năng xuất sắc trên lĩnh vực Văn hóa của Người của cộng đồng quốc tế.
Có thể nói những kẻ chống Hồ Chí Minh, xúc phạm Người cho dù họ là ai, lập luận như thế nào, chứng cứ ra sao, thái độ thô bạo hay bóng gió chỉ là hành vi chống lại Dân tộc Việt Nam, tự vạch trần sự thấp hèn của mình, và điều đó chẳng khác nào tự húc đầu vào đá.






[1] -Giảng viên cao cấp nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
[2] - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, t 4, tr 480
[3] -Trích theo Những câu nói về dân chủ của Hồ Chí Minh Theo NQCC. ngày 19 tháng 5 năm 2013 5:37 AM
[4] -Hồ Chí Minh Toàn tập, T 4, NXB CTQG, HN,1980, tr 56

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Nút ấn - nhấn nút - đột phá đi lên!



Cũng như tôi, nhiều người Việt luôn hướng về quê hương. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, tuy nhiên chúng tôi đều mong muốn đất nước ngày một giàu mạnh. Và nhiều người trong chúng tôi đã trở về làm ăn, đầu tư phát triển kinh tế và tham gia một số dự án lớn tại quê nhà. Hiện nay, cơ chế chính sách cũng cởi mở hơn, mời gọi nhiều nhà đầu tư quốc tế đến VN, đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi đối với một số địa bàn và tập đoàn lớn.
Là một người con dân Việt, tôi luôn hướng về Tổ quốc với biết bao niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp của đất nước, bởi sau những cuộc trường chinh có được nền độc lập tự do, người dân ta bước vào xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh trong điều kiện vô cùng khó khăn. Rồi chúng tôi phải xa quê làm ăn và dõi theo sự đổi mới của quê hương. Được thấy qua từng giai đoạn, kinh tế khá dần lên, Tôi thấy vui mừng và cho rằng, Chính phủ VN đã rất cố gắng xây dựng kinh tế xã hội và chăm lo cuộc sống cho người dân.
Trên thực tế, cũng như các quốc gia khác, VN có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, có vị trí địa lý rất quan trọng, lại liền kề với một nước lớn là Trung Quốc luôn tham vọng làm bá chủ, và tìm cách thôn tính VN trong hàng nghìn năm lịch sử. Với cả chiều dài đất nước tiếp giáp Biển Đông, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước thèm muốn thôn tính VN.
Thời gian gần đây, trên nhiều trang báo đều đưa tin về việc quá nhiều người dân Trung Quốc sang mua đất, nhất là vùng ven biển của VN; nhiều khu du lịch hầu như toàn người Trung Quốc, rồi cả nhóm người mặc áo hình lưỡi bò ngang nhiên đi du lịch vào VN. Quả thực nhiều người thấy lo ngại vì nếu không cảnh giác thì đây cũng là kiểu mưa dầm thấm lâu, họ sẽ lợi dụng chính sách để gom đất, biến đất của chúng ta thành khu riêng của họ, tác động ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ, gây lo ngại cho người dân.
Hiện nay, một số cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của VN cũng đang được đưa lên nghị trường để bàn bạc, quyết định. Thông tin về Kỳ họp thứ 5 Quốc Hội VN khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội sẽ thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đây là nội dung đang được dư luận hết sức quan tâm. Trong nhiều ngày qua, ở đâu cũng bình luận, bàn tán với nhiều góc độ khác nhau, đến anh xe ôm, chị bán rau ở chợ cũng nhiệt tình tham gia, có một số ý kiến và câu hỏi cho rằng tại sao phải xây dựng đặc khu hành chính kinh tế? những lắng ấy cũng là điều dễ hiểu, vì chúng ta là người VN.
Nhưng chúng ta cũng phải thật bình tĩnh, trước những vấn đề lớn của đất nước, nhất là quy hoạch và xây dựng đặc khu kinh tế, trên thực tế nhiều nước đã làm và làm thành công, trở thành hình mẫu phát triển mới năng động, sáng tạo từ những đặc khu như thế. Tôi tin rằng từ những kinh nghiệm của những nước đi trước sẽ giúp cho chúng ta nhiều bài học lớn về phát triển đặc khu kinh tế. Một vấn đề nữa, chắc chắn vấn đề này được Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của các bộ, ngành nghiên cứu, khảo nghiệm kỹ lưỡng, dựa trên những căn cứ thực tiễn xác đáng, phù hợp và yêu cầu cấp thiết của tình hình thực tiễn và đưa ra mô hình phù hợp với VN để trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến. Đồng thời còn phải xem xét các khía cạnh để đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia của Tổ quốc.
Trở lại nhiều năm trước, ai cũng mong ước làm sao để đất nước mình giàu có, dân mình hết nghèo khó, mọi người đều ấm no, hạnh phúc, con trẻ được đến trường, được thỏa sức học hành, sáng tạo, cùng sánh với bạn bè 5 châu. Về thăm quê tôi mới thấy mơ ước ấy đã thành hiện thực. Nhìn vào những thành quả kinh tế, xã hội hiện nay mà Đảng cộng sản VN, Chính phủ VN đã làm được, tôi đã thấy được những quyết tâm của Chính quyền từ cơ sở đến Trung ương muốn đưa VN thành nước công nghiệp phát triển. Theo đó cần mạnh dạn, có những đột phá và các cơ chế đặc thù, nhất là quan tâm đến những vùng có lợi thế, với quan điểm vừa làm, vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm.
Từ những năm đầu của thế kỷ 21, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị mới,... được thành lập và hoạt động; cũng có những tên gọi nhưng chưa thấy phát huy hết tiềm năng sẵn có. Sau hàng chục năm, những khu công nghiệp, kinh tế mở này đã phát huy được hiệu quả, nhưng thực sự đạt được yêu cầu như mục tiêu đề ra, và đến lúc VN cần một mô hình thực sự mang lại hiệu quả cho kinh tế đất nước, làm cỗ máy để dẫn dắt đoàn tàu chuyển động nhanh hơn. Xét trong điều kiện tự do hóa thương mại, làn sóng toàn cầu hóa đã thay đổi về cơ bản phương thức thu hút đầu tư của các quốc gia. Trong khi đó, môi trường đầu tư của VN lại đang mất dần tính hấp dẫn. Mặt khác, hiện nay nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp. Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn. Đây là lý do vì sao VN cần một mô hình phát triển mới chưa từng có và sự lựa chọn đó là đặc khu hành chính kinh tế. Những thành công, tác động tích cực về kinh tế có thể rất lớn, nhưng ý nghĩa hơn cả đó là nơi thử nghiệm những chính sách mới, thể chế mới làm căn cứ để nhân diện rộng. Và đã thử nghiệm thì nó có thể thành công hay thất bại, nhưng đương nhiên các cơ quan có trách nhiệm phải cân nhắc kỹ lưỡng ở từng khâu trong lộ trình xây dựng đăc khu. Điều quan trọng, theo tôi, là cần thực tiễn đối với các chính sách áp dụng tại đây, lấy làm kinh nghiệm cho quá trình phát triển chung của đất nước. Chỉ khi không nặng nề về hiệu quả kinh tế thì sẽ không mời gọi đầu tư bằng mọi giá gây tác động tiêu cực. Và đó phải là hình mẫu của phát triển bền vững, chứ không phải bằng con đường “ưu tiên kinh tế đánh đổi môi sinh” như đã từng làm trong những năm qua.
Được biết vấn đề xây dựng đặc khu được Đảng và Chính phủ VN nghiên cứu suốt hơn chục năm qua, đã khảo nghiệm, dựa trên những căn cứ thực tiễn xác đáng, phù hợp và yêu cầu cấp thiết; cũng tổ chức tham vấn từ nhiều quốc gia có kinh nghiệm tổ chức đặc khu hiệu quả; nhiều hội thảo khoa học, kỳ họp hội đồng, lấy ý kiến của nhân dân địa phương, thảo luận của các bộ ngành chức năng; đồng thời xem xét để đảm bảo an ninh quốc gia, nếu thiếu cẩn trọng sẽ nguy cơ ảnh hưởng lớn đến chủ quyền. Để có được đề án để thông qua Quốc hội thì Chính phủ đã phải qua rất nhiều bước và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân được biết. Tại kỳ họp lần này, tôi thấy Quốc hội đã thảo luận kỹ và thông qua dự thảo Luật đặc khu, nếu đảm bảo tỷ lệ đại biểu nhất trí thì Dự án Luật này mới được ban hành.
Trên một số trang mạng và có cả một số ý kiến bên ngoài xã hội, có nhiều quan điểm trái chiều, viện dẫn ý kiến của tác giả Kông Kông trên tờ báo Đàn Chim Việt ngày 01/6/2018 cho rằng: “Như vậy chỉ còn bấm nút nữa là xong! Và nhắc cho ai bấm nút “nhất trí” thì hãy biến ngôi nhà đang ở của gia đình giòng họ thành “đặc khu” ngay. Xây thành lô cốt cho nó an toàn thêm được ngày nào hay ngày đó trước sự phẫn nộ của toàn dân! Và cũng nên nhớ là giữa thời buổi bây giờ đừng nghĩ dại là chỉ bí mật bấm nút “nhất trí” nên không một ai hay biết!”. Điều này không đúng với thực tế đã nêu ở trên.
Tác giả còn cho rằng: “vụ “3 đặc khu” đang xảy ra sẽ khủng khiếp vô cùng. Có thể đây là biến cố cuối cùng, mà thời gian chẳng phải chờ đợi đến những 99 năm, thì VN đã trở thành một tỉnh của Tàu cộng rồi. Vì nếu có biến động quân sự, thì vị trí của 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được coi như 3 mũi tiến công trực tiếp từ biển vào đất liền để hỗ trợ cho lực lượng Tàu cộng đang ẩn mình sẵn trên khắp VN, nội công, ngoại kích”,..“Hay “khách du lịch” Tàu đang nườm nượp, thái độ ngông nghênh, trịch thượng với vô số tệ nạn, lại thêm kiểu mặc áo hình lưỡi bò vừa mới xảy ra”.
 Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, VN có quan hệ đối ngoại với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc và đảm bảo nguyên tắc về hoạt động đối ngoại giữa các quốc gia. VN đã tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn quốc tế đầu tư vào VN. An ninh quốc gia vẫn được giữ vững, VN được đánh giá là một trong các quốc gia an toàn nhất trên thế giới, vì vậy không ít du khách quốc tế đã đến VN, đương nhiên có cả người Trung Quốc; họ sang mua đất ở vùng ven biển rồi xây khách sạn, kinh doanh; nhiều người sang du lịch,... Và các cấp chính quyền luôn đảm bảo việc tạo cơ chế thuận lợi cho người nước ngoài đến làm ăn, và thực hiện quản lý địa bàn theo luật pháp VN. Đâu phải vì có một nhóm người mặc áo hình lưỡi bò sang du lịch mà lo lắng thái quá thì không nên. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng chính quyền địa phương cũng cần phải cảnh giác đối với những biểu hiện bất thường và nên tăng cường tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ VN.
Mô hình đặc khu được học tập, nghiên cứu từ nhiều mô hình của các nước phát triển và được vận dụng phù hợp với VN, cùng với đó là thể chế, là phát luật, là hệ thống bộ máy quản lý, vận hành và điều kiện đảm bảo chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Là đặc khu thì có cơ chế đặc thù, song không thể tách rời thể chế chung của đất nước; vẫn phải đúng Hiến pháp và pháp luật của quốc gia. Việc thông qua Luật là do các đại biểu thảo luận và thống nhất, việc nhấn nút chỉ là một thao tác cuối cùng của đại biểu Quốc hội khi đã được thảo luận kỹ và có đủ căn cứ. Việc nhấn nút của đại biểu Quốc hội cũng là thể hiện ý chí nguyện vọng của người dân cả nước, vì đại biểu Quốc hội là đại diện của nhân dân, và cái nhấn nút lần này chắn chắn sẽ tạo ra đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của 3 đặc khu nói riêng và của cả nước nói chung. Nếu thực hiện thành công “Đặc khu kinh tế VN” sẽ mở màn cho công cuộc đổi mới tiếp theo. Có thể với thành công của 3 đặc khu này thì chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, VN sẽ thực sự trở thành một nước công nghiệp phát triển, giàu mạnh. Đây cũng chính là ước mơ của mọi người dân VN chúng ta.

             Đỗ Thanh Sơn

NÊN ĐẶT SỰ KIỆN TẾT MẬU THÂN NĂM 1968 VÀO MỤC TIÊU THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC ĐỂ BÌNH XÉT




                                                                                   Jiny Tuấn

Nghẹ mẹ tôi kể, tôi được sinh ra vào thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968 tại quê hương Quảng Trị của Việt Nam. Trong ký ức ba mẹ tôi, đây là cái Tết rất đặc biệt của gia đình và của đất nước Việt Nam. Ký ức đó cứ kéo dài theo thời gian gắn với tuổi đời của tôi. Nghĩa là tôi có bao nhiêu tuổi đời thì sự kiện ấy lùi vào quá khứ bấy nhiêu năm. Mặc dù gia đình tôi hiện nay không định cư ở Việt Nam, nhưng có lẽ vì ngấm quá sâu lời mẹ kể về thời khắc tôi được chào đời, nên đến mỗi lần sinh nhật, tôi lại tìm hiểu sự kiện này với một ý nghĩa tìm về quá khứ của quê hương, hình dung lại cơn đau của mẹ trong cơn đau của đất nước có chiến tranh.
Năm nay, ở Việt Nam kỷ niệm 50 năm Xuân Mậu Thân, còn gia đình tôi ở nước ngoài xa quê hương thì chúc mừng sinh nhật lần thứ 50 của tôi với bao câu chuyện, ôn lại một thời khói lửa chiến tranh. Để chuẩn bị cho sinh nhật sắp tới, tôi có ý tưởng viết một bài thật xúc động kể cho mọi người dự buổi sinh nhật suy tư, hiểu thêm về chiến tranh và cảm thương mẹ tôi trong thời khắc sinh ra tôi: súng nổ ngoài trời - con đạp trong dạ. Để có thêm tư liệu viết bài, tôi lên mạng tìm đọc, thấy nhiều bài viết đánh giá khác nhau về Tết Mậu Thân, nhưng có thể tựu trung vào 2 góc cạnh đánh giá:  (1) Ca ngời sự kiện, tự hào về một quyết định sáng suốt của những người cộng sản, vì nhờ quyết định này mà làm thay đổi bước ngoặt của cuộc chiến tranh Việt Nam, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để rồi sau đó ký kết hiệp định Pari năm 1973. (2) Cho rằng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là sai lầm, chỉ là làm đau thêm nồi da nấu thịt và thảm sát tại Huế; từ đó tố cáo tội ác của Bắc Việt Nam, tức là của những người đi theo cộng sản lúc bấy giờ. Thậm chí, có người còn cho đây là sự kiện hoàn toàn thất bại, là tôi ác, là sự điên cuồng của cộng sản.
Đáng chú ý là một số bài viết đăng ở Danlambao như: “Những người lính Bắc Việt bị xiềng vào súng trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân” của tác giả Trần Quốc Việt; “Đón xuân này nhớ xuân xưa” của Ngọc Trương; “50 năm Tội ác Mậu Thân Huế” của Đinh Tấn Lực;Tại sao đổi lịch tết Mậu Thân?” của Trần Gia Phụng; “50 năm - Mậu Tuất (2018) uất nghẹn Mậu Thân (1968)” của Lê Thiên; “Những hố chôn người trong cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế” của Cao Đắc Tuấn; “Cuộc tấn công Mậu Thân 1968 trong hoàn cảnh chính trị lịch sử thế giới” của Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm… Tuy các bài viết đó phân tích nhiều khía cạnh, cũng có chỗ có lý, nhưng tôi có cảm nhận đang nhầm lẫn lịch sử, hoặc là đang nhìn ở một góc độ không khách quan, thậm chí nhiều chỗ sai sự thật, dễ gây kích động hận thù.
Tôi phải nói trước, tôi không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, cũng không có kinh nghiệm viết lách, càng không phải là người cố chấp quá khứ. Tôi chỉ là một luật sư tầm trung, gia đình tôi không có hận thù gì với lực lượng nào cả. Nhưng tôi tìm hiểu nhiều tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh và có cả tiếng Trung viết về Xuân Mậu Thân (tất nhiên là tôi không thể đọc hết tất cả các bài viết), không phải là cảm nhận chủ quan, tôi xin làm người đứng ngoài cuộc (không phải là Việt Nam cộng hòa, cũng không phải là Cộng sản miền Bắc) để bàn luận vài ý, nếu có gì chưa thật sự chuẩn chỉ, mong bạn đọc góp ý cho tôi.
Thứ nhất, từ khi Nguyễn Ái Quốc xác định đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga để cứu nước, cứu dân cũng để đảm bảo giá trị ngàn đời là giành độc lập dân tộc, thoát khỏi ách thống trị, áp bức của ngoại xâm, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cách mạng tháng 8-1945 thắng lợi đã cho ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng vì sau đó thực dân Pháp quay lại xâm lược, buộc dân tộc Việt Nam phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ độc lập. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp bại trận, nhưng các thế lực phản động vì chống lại mục tiêu thống nhất đất nước, nên cấu kết với bên ngoại để phá vỡ Hiệp định Giơnevơ, bác bỏ cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam dự kiến vào tháng 7-1956.
Khi đó, chính quyền Ngô Đình Diệm có sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ tìm cách cản lại con đường thống nhất đất nước Việt Nam, phá bỏ Hiệp định Geneve. Cho nên, Mỹ viện trợ, thúc đẩy Ngô Đình Diệm thành lập một chính quyền, bầu ra Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp, biến miền Nam Việt Nam thành điểm chống cộng mạnh mẽ, chia cắt Việt Nam. Âm mưu ấy của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc Việt Nam, phản lại giá trị chính đáng mà nhân dân Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, bảo vệ từ bấy lâu. Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân đánh dẹp các thế lực đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc là việc làm chính đáng, phù hợp nguyện vọng lòng dân, đảm bảo mục tiêu cách mạng đặt ra từ đầu thế kỷ XX. Do đó, với những ai biết yêu hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam thì sẽ thấy được vì sao cộng sản miền Bắc lãnh đọa nhân dân thống nhất đất nước.
Thứ hai, trên thực tế, lực lượng cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo không chủ động gây chiến, cũng không hề khiêu khích, không tạo ra mâu thuẩn để dẫn đến cái gọi là “nội chiến huynh đệ tương tàn”, càng chưa bao giờ đem quân đi đánh Hoa Kỳ. Vậy tại sao Hoa Kỳ lại đem quân đến đánh Việt Nam! Mọi sự việc không xảy ra nếu không có nhận thức và hành động của những con người đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc, rồi còn dựa vào thực dân ngoại quốc, kéo kẻ thù về dày xéo nhân dân mình, cản lại con đường thống nhất Tổ quốc. Với đế quốc Mỹ, không chỉ viện trợ, chu cấp mọi mặt cho chính quyền Ngô Đình Diệm để thực hiện mưu đồ chống cộng mà còn đưa quân đội Mỹ và quân các nước chư hầu trực tiếp sang chiến trường Việt Nam, gây nên cảnh đổ máu tang thương, làm cho tình hình ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng mà hậu quả của nó đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Vì thế, không phải như tác giả của danlambao nhầm lẫn đã viết rằng: “Khi cầm quyền ở Bắc Việt Namm từ tháng 10-1954, đảng Lao Động lo ổn định tình hình, cải cách công thương nghiệp, tổ chức công tư hợp doanh ở thành phố, cải cách ruộng đất ở nông thôn, quốc hữu hóa toàn bộ sinh hoạt kinh tế và làm chủ tuyệt đối Bắc Việt Nam. Sau đó, cộng sản nhìn về phương Nam, dự tính xâm lăng Nam Việt Nam, bành trướng chủ nghĩa cộng sản”. Chỉ cần đặt một câu hỏi là: việc gì miềm bắc lại đi xâm lược đất nước của mình, một phần máu thịt của dân tộc mình?
Thứ ba, việc nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng chỉ là sự kiện trong hành trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà lịch sử đặt trọng trách lên vai những người cộng sản miền Bắc. Từ tiếng súng mở màn Tết Mậu Thân 1968, các đợt tổng tiến công và nổi dậy tiếp theo trong năm 1968 làm cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị phá sản, buộc phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari từ năm 1968. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, nếu không có Mậu Thân 1968, sẽ không có đàm phán tại Pari để đi đến ký kết hiệp định đình chiến năm 1973 và sau đó kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam vào Xuân 1975, đất nước Việt Nam được thống nhất như ngày nay.
Bởi vậy, sự kiện Mậu Thân 1968 cuốn hút nhiều học giả, nhà sử học trên thế giới nghiên cứu, lý giải; được hệ thống báo chí nhiều nước vào cuộc, đưa thông tin lan tỏa nhanh chóng khắp thế giới, thu hút sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, trở thành chủ đề nóng của báo chí và dư luận quốc tế; tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh ở Mỹ đòi kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam; gây chấn động dữ dội trọng dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Nhà bình luận Mỹ B.Ridgway ví cuộc tấn công Tết Mậu Thân với trận Waterloo năm 1815, có người so sánh với trận Trân Châu Cảng năm 1941. Nhà sử học Mỹ G. Kolko nêu trong tác phẩm Giải phẩu một cuộc chiến tranh: Với Mậu Thân 1968, Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh ngoài nước đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1882, gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, nội bộ sâu sắc và một cuộc phân hóa về chính trị. Những bất ngờ thực sự mà cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 không phải là việc đối phương mở cuộc tiến công lớn mà là mở một lúc nhiều trận tiến công mãnh liệt . Bộ trưởng Quốc phòng R.Mc. Namara cho rằng, cuộc chiến ở Việt Nam như một cái thùng không đáy, dù Mỹ gửi bao nhiêu quân sang thì đối phương vẫn có thể đáp trả.
Từ đó, Tết trở thành nỗi ám ảnh, bàng hoàng đối với nhiều người Mỹ, ngụy. Diễn viên Dick Hughes là một trong 16 triệu thanh niên Mỹ đốt thẻ và chống lệnh quân dịch kể về ám ảnh của Mậu Thân 1968: Cuộc chiến tranh này luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Trên tivi, chúng tôi luôn nhìn thấy những trận đánh, những xác người chết và những gì đang diễn ra thật khủng khiếp tại Việt Nam. Tôi quyết định mình phải làm một điều gì đó cho Việt Nam. Thế là tôi đến Việt Nam làm công tác xã hội. Sự thất bại nặng nề liên tiếp ở Việt Nam làm cho lực lượng và địa vị của Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng. Năm 1969, R.Nixon lên làm Tổng thống phải đưa ra học thuyết mới nhằm điều chỉnh lại chiến lược, chủ trương sẵn sàng thương lượng nếu thấy có lợi cho Mỹ. 
Thứ tư, trong cuộc tiến công Xuân Mậu Thân 1968 Việt cộng không đạt được đầy đủ mục tiêu đặt ra và bị tổn thất nhiều lực lượng, thậm chí là không tránh khỏi một số vấn đề sau này phải rút ra bài học, đặc biệt là nhầm lẫn dẫn đến làm chết chóc nhiều người ở Huế năm 1968. Nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một sự cố xẩy ra trong chiến tranh, chứ không phải là chủ mưu của Việt cộng. Vì đời nào, lại đi tàn sát người dân tộc mình như một số tác giả đã nói.
Vì vậy, cũng không nên như tác giả Ngọc Trương (danlambao) đánh giá: “Tàn sát ở miền Trung, nhất là ở Huế là tội ác của Hồ Chí Minh và bè lũ Hà Nội không thể che giấu được”.50 năm sau, hồ sơ Tội Ác Diệt Chủng Mậu Thân Huế vẫn chưa thể xếp lại...”. Càng không phải như Vũ Đông Hà (danlambao) kết luận: “50 mươi năm trôi qua. Những thân xác đầu bị đập vở, cổ bị cắt đứt bởi búa liềm đã trở về với cát bụi... Tập đoàn cộng sản Ba Đình từ đời trước đến đời sau không chỉ là tội đồ đối với người sống mà còn đối với người chết. Hồ Chí Minh và đám con cháu của hắn không những chỉ sát hại những người dân xứ Huế và đồng bào miền Nam mà còn liên tục bắn vào linh hồn của họ bằng những viên đạn vô luân, bất lương, khốn nạn khi mỗi độ xuân về.” Càng không thể vội vàng như tác giả Phạm Trần (danlambao) viết: “Vì vậy, dù có mồm loa mép giải đến đâu thì 50 năm sau thảm họa Mậu Thân, người Cộng sản vẫn không thể xóa đi tội ác họ đã gây ra cho nhân dân miền Nam, vì những dòng máu oan khiên của hàng ngàn đồng bào vẫn chưa khô trên thành phố Huế”.
Lịch sử đã diễn ra, không làm lại được. Nhưng con người nhận thức về lịch sử thì không hoàn toàn giống nhau khi đứng trên lập trường, quan điểm, lợi ích và mục đích khác nhau. Tôi cũng chỉ là hậu thế, không phải là người trực tiếp tham gia vào sự kiện Mậu Thân 1968, nên cũng không đủ thực tiễn để nói hết ngọn nguồn. Tôi chỉ mong chúng ta không nên vì động cơ nào đó để xuyên tạc quá khứ, bóng gió chửi bới người đang sống mà phải đặt sự kiện này trong mục tiêu thống nhất dân tộc Việt Nam thì mới có thể đánh giá về nó được.
Québec, Canada, 2/2/2018