Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Sức mạnh nội sinh phòng, chống "xâm lăng văn hóa" (bài 2)

(Chính trị) - Trên thị trường văn hóa đang phát tán, trôi nổi nhiều sách, báo, tranh, ảnh, phim, băng đĩa… có nội dung lai căng, độc hại, đồi trụy.
Bài 2: “Gió lành” chưa thổi bạt “gió độc”
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Tổng hợp và Phối hợp liên ngành (Cục quản lý thị trường- Bộ Công Thương), các văn hóa phẩm độc hại thường đi theo hai đường chính: Từ bên ngoài “tuồn” vào trong nước và phát sinh, phát tán ngay trong nội địa.
Đại tá Vũ Thành Trung, Phó trưởng phòng Tham mưu tổng hợp (Cục Trinh sát – Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết: Trong 3 năm qua (2011-2013), các lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, thu giữ 13.111 cuốn sách, 4.955 tài liệu, 5.174 VCD có nội dung độc hại, phản động. Bên cạnh việc nhập lậu trái phép các văn hóa phẩm độc hại, một số người lợi dụng danh nghĩa đi du lịch, tham quan, thăm thân để vận chuyển văn hóa phẩm có nội dung xấu vào nước ta. Tinh vi hơn, họ cất giấu trong các thiết bị, ổ nhớ (USB, các loại đĩa DVD, VCD, CD Rom…) rồi cho vào trong lõi của những loại hàng hóa được phép nhập cảnh để dễ bề “qua mắt” các lực lượng chức năng của ta.
Từ đầu năm 2010 đến giữa tháng 3-2014, thông qua quy trình làm thủ tục hải quan, tiến hành kiểm tra hàng hóa, hành lý và phương tiện vận tải tại các tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, tuyến biên giới đường bộ, cảng biển, cảng sông quốc tế, lực lượng hải quan cả nước đã phát hiện, thu giữ hơn 3.100 tài liệu có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước, văn hóa phẩm độc hại, bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam từ nước ngoài nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Theo nhận định của ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính), số lượng các tài liệu có nội dung xấu, văn hóa phẩm độc hại mà ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ trong mấy năm qua có xu hướng gia tăng. Điều đó cho thấy tình hình vận chuyển trái phép các tài liệu, văn hóa phẩm độc hại vào Việt Nam diễn biến rất phức tạp.
Trong nội địa, từ năm 2011-2013, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, thu giữ, xử lý, tiêu hủy hơn 207.000 băng, đĩa lậu có nội dung không lành mạnh, phản văn hóa và 245.300 đồ chơi nguy hại.
Một bộ phận giới trẻ Việt đã thần tượng hóa một số ngôi sao ca nhạc nước ngoài quá mức. Ảnh: P.V
Một bộ phận giới trẻ Việt đã thần tượng hóa một số ngôi sao ca nhạc nước ngoài quá mức. Ảnh: P.V
Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, văn hóa phẩm có nội dung độc hại đã gây tò mò, thu hút, lôi cuốn một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là giới trẻ. Nhiều người trẻ đã bị tác động xấu vào suy nghĩ, lối sống… mà không hề hay biết.
Góp phần làm vẩn đục thêm môi trường văn hóa, còn có một số cơ quan báo chí đang chạy theo xu hướng “lá cải hóa”. Theo khảo sát của chương trình “Chuyện đương thời” trên VTV gần đây, 40% ý kiến người dân được hỏi cho rằng, khi truyền thông liên tục đăng tải các vụ án nghiêm trọng như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa tức là “đang vô tình hướng dẫn cách giết người tàn bạo, man rợ”. Hậu quả kéo theo là rất nhiều vụ thảm án xảy ra, đối tượng trẻ hóa ngày càng nhiều. Thậm chí trên một số trang mạng xã hội còn xuất hiện “Hội những người phát cuồng vì Lê Văn Luyện”(!).
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong 15 năm qua (1998-2013), cả nước có hơn 200.000 trẻ em (dưới 18 tuổi) vi phạm pháp luật, bình quân mỗi năm có trên 13.300 trẻ em phạm pháp, nghĩa là trung bình mỗi ngày có 36 trẻ em phạm tội. Sự gia tăng tội phạm trong giới trẻ có nhiều nguyên nhân, nhưng theo các nhà tâm lý học, có một nguyên nhân bắt nguồn từ chính hậu họa của rất nhiều sản phẩm văn hóa độc hại như đồ chơi bạo lực, trò chơi game online chỉ toàn “đánh, đấm”, khiêu dâm và phim ảnh đầy cảnh máu me, đồi trụy…
Du nhập văn hóa thiếu chọn lọc
Thời gian qua, dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng về tình trạng nhiều hoạt động văn hóa, nhiều sân chơi giải trí bị “Tây hóa”, rất xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc. “Đình đám” nhất là cách đây 3 năm, một lễ hội hôn tập thể ở Hải Phòng được quảng cáo rầm rộ và định tổ chức phô trương, nhưng sau khi công luận lên tiếng buộc cơ quan quản lý văn hóa địa phương phải dẹp bỏ vì nó trái với thuần phong mỹ tục của người Việt. Việc cấp phép cho “nở rộ” các vũ trường, tụ điểm karaoke ở khắp các địa phương, dù có thể tạo ra một “luồng gió mới” trong đời sống văn hóa giới trẻ như ai đó từng nói, nhưng đã có rất nhiều vụ “ngáo đá”, “thuốc lắc” sử dụng trong vũ trường, hàng trăm vụ mại dâm trá hình ở các tụ điểm karaoke bị triệt phá, đã nói lên hệ lụy phức tạp của những cơ sở văn hóa nhạy cảm này. Theo thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đến nay cả nước có 57 vũ trường, gần 14.200 điểm karaoke. Qua kiểm tra, từ năm 2010-2013, thanh tra bộ này đã phát hiện, xử phạt 55 lượt vũ trường và 1.371 điểm karaoke vì đã vi phạm trong hoạt động kinh doanh văn hóa.
Sự du nhập ồ ạt, tràn lan nhiều trò chơi trực tuyến, nhiều bộ phim, nhiều dòng nhạc ngoại vào nước ta là một trong những lý do chủ yếu làm cho một bộ phận người trẻ bị mắc những căn bệnh mà các nhà tâm lý học gọi là “tâm thần mới” như “nghiện game online”, “nghiện phim sex”, “phát cuồng thần tượng”, “nô lệ của thế giới ảo”… Cũng do sùng ngoại một cách thái quá, một số bộ phim mà dư luận gọi là phim “thảm họa” vừa ra đời đã vội “chết yểu” bởi nội dung thiếu lành mạnh, lai căng, dễ làm “vẩn đục” tâm hồn công chúng. Năm 2013, Hội đồng duyệt phim quốc gia đã kiên quyết cấm phổ biến hai phim nhựa “Gái ngoan nổi loạn” và “Bụi đời Chợ Lớn” đã phần nào nói lên điều đó.
Không những vậy, nhiều khung “giờ vàng” trên truyền hình ở nước ta thời gian qua cũng bị lấn át bởi các phim ngoại. Theo Nghị định 54/2010/NĐ-CP của Chính phủ, thời lượng phát sóng phim Việt Nam trên mỗi đài truyền hình phải bảo đảm tối thiểu 30% tổng thời lượng phát sóng. Nhưng thực tế hiện nay, chỉ có 3 cơ quan là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Truyền hình Bình Dương bảo đảm định mức này; còn lại 60 đài truyền hình tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn để phim ngoại lấn lướt phim nội.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh, 4 năm qua (2010-2013), Việt Nam sản xuất được 124 phim truyện nhựa và phim video. Trong khi tổng số phát hành trên thị trường là 847 phim. Như vậy, số phim của Việt Nam chỉ chiếm gần 15% thị phần, còn lại hơn 85% thị phần là chiếu phim nước ngoài.
Không riêng nền công nghiệp điện ảnh non yếu, ngành công nghiệp văn hóa nước ta cũng còn ở giai đoạn sơ khai, sản phẩm xuất khẩu nghèo nàn. Số liệu sau đây khiến chúng ta không thể không suy nghĩ một cách nghiêm túc. Trong 4 năm (2010-2013), nước ta mới xuất khẩu được 362.000 đơn vị văn hóa phẩm, nhưng đã phải nhập khẩu 3.640.000 đơn vị văn hóa phẩm (gấp hơn 10 lần số lượng xuất khẩu). Đây là một tỷ lệ rất chênh lệch, thể hiện nền công nghiệp văn hóa của nước ta bị lép vế, yếu thế trong thế giới hội nhập hiện nay.
PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho rằng: Một nền văn hóa mà “nhập siêu” quá lớn thì nguy cơ văn hóa ngoại lai “lên ngôi” cũng không có gì khó hiểu. Đây là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến vị thế văn hóa, diện mạo quốc gia của nước ta trên trường quốc tế. Nếu không sớm có chính sách xây dựng nền công nghiệp văn hóa đủ mạnh để cân bằng cán cân xuất – nhập khẩu văn hóa phẩm, thì nguy cơ các “làn sóng văn hóa” ngoại quốc tiếp tục xâm lấn ngày càng sâu vào nước ta sẽ có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường. 
THIỆN VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét