Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Quản lý "xã hội ảo" trên Internet: Khó cũng phải làm

Internet là một "thế giới ảo" nhưng lại tác động không nhỏ vào đời sống thật. Bước vào thế giới này, người ta không phải xuất trình… hộ chiếu hay visa. Chẳng ai biết ai là ai nên từ đó đã nảy sinh những vấn đề phức tạp, rắc rối không chỉ trong đời sống xã hội, mà còn tác động đến cả lĩnh vực an ninh quốc gia. Do vậy, việc quản lý "xã hội ảo" trên Internet là việc làm cần thiết, dù khó đến mấy cũng phải thực hiện bằng được. 
Thông tin trên Internet cần được quản lý chặt chẽ, phù hợp với quy định của pháp luật. Ảnh: N.Đ. Hùng
Nhiều vấn đề đáng lo
Những năm qua, công nghệ Internet ở nước ta đã có những bước phát triển nhảy vọt. Theo một thống kê, Việt Nam hiện đứng trong top 20 quốc gia có người sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới, trong đó, chủ yếu lớp trẻ, tuổi đời từ 15-25 chiếm khoảng 42%, từ 25-34 khoảng 32%. Trong bối cảnh các thế lực phản động đã và đang xây dựng, duy trì rất nhiều các trang thông tin trên mạng Internet có nội dung khiêu khích, lôi kéo, kích động, chống phá Nhà nước ta, thì những con số trên cho thấy, có nhiều điều đáng lo bởi, bên cạnh mặt tích cực của "tấm huy chương Internet", mặt trái của nó còn chứa đựng rất nhiều vấn đề gây phương hại cho an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trong thời gian gần đây, không chỉ các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài lợi dụng Internet để chống đối, phá hoại Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, mà các phần tử bất mãn, chống đối trong nước cũng lợi dụng công cụ này để hoạt động. Chúng thường lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí để thu thập, đăng tải những thông tin "đen" dựng chuyện, bịa đặt, xuyên tạc để vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Với sự đồng lõa, tiếp tay của các tổ chức, cơ quan truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam, các trang thông tin phản động do các đối tượng trong nước duy trì trái phép tràn ngập các tin, bài kích động sự hằn thù dân tộc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền và tự do tín ngưỡng. Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng các tệ nạn xã hội, nhất là nạn tham nhũng, suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, để khai thác, khoét sâu, thổi phồng lên nhằm chống phá, bôi đen chế độ ta. Sự thù địch lộ rõ ở các trang web phản động này là cố tình bỏ qua những thành tựu to lớn cả về chính trị và kinh tế của những năm đổi mới ở Việt Nam, chuyển tải những thông tin xuyên tạc, gây hoài nghi trong nhân dân.
Thủ đoạn "câu view" của các trang web "đen" rất đa dạng và tinh vi, ví dụ như được thiết kế với hình thức bắt mắt, đăng tải nhiều hình thức thông tin theo kiểu "quý hiếm" để lôi kéo người dân trong nước truy cập vào, rồi sau đó cài vào các thông tin phản động. Đôi khi, các thông tin đánh lạc hướng là những thông tin rất có giá trị như các tin tức kinh tế, thương mại, các tài liệu tra cứu, sách vở... trong kho tàng tri thức chung nhằm làm cho người đọc mất cảnh giác khi đến với các nội dung độc hại. Mục đích lớn nhất của những người sở hữu và duy trì các trang web "đen" là bóp méo, xuyên tạc dẫn đến làm sai lệch cách nhìn nhận của cộng đồng quốc tế cũng như dư luận xã hội trong nước về Đảng, Nhà nước và xã hội Việt Nam.
Một vấn đề hết sức nghiêm trọng là hiện nay, người sử dụng Internet có thể truy cập tất cả các nguồn thông tin trên mạng một cách dễ dàng, trong đó có cả thông tin độc hại. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để hiện tượng này. Từ những kẽ hở đó, đã có nhiều đối tượng, tổ chức lợi dụng Internet để hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia trong thời gian qua mà điển hình là Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm)... về các hội, nhóm thì có cái gọi là  "Hội Nhà báo độc lập", "Văn đoàn độc lập Việt Nam"...
Cần tăng sức đề kháng
Theo một báo cáo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, thì có tới 33% đối tượng cán bộ, 45% đối tượng nhân dân được hỏi cho rằng, các thông tin xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt, nói xấu Đảng, chế độ, bôi nhọ lãnh đạo của các thế lực thù địch đã tác động không nhỏ dẫn đến sự phai nhạt lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa trong xã hội ta. Như vậy, rõ ràng, việc nhận diện các trang web phản động độc hại, để đấu tranh ngăn chặn là một đòi hỏi rất bức xúc của dư luận.
Tuy nhiên, với ưu thế của kỹ thuật hiện đại, thông tin trên các trang web độc hại dễ dàng xâm nhập, lan truyền với tốc độ nhanh trên mạng internet khiến công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, bởi sự phát triển của công nghệ thông tin luôn tìm cách vượt qua sự kiểm soát, biến đổi tinh vi và khôn lường. Song, không thể vì khó mà chúng ta "buông tay", trái lại, cần phải tích cực vào cuộc để đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, khi các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng văn hóa, công nghệ thông tin, văn học nghệ thuật để tiến hành âm mưu "Diễn biến hòa bình" nhằm phá hoại tư tưởng, văn hóa, cần nhanh chóng hoàn thiện môi trường pháp lý, rà soát lại các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành, bổ sung và sửa đổi nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng, quản lý thông tin trên Internet.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng cần tăng cường công tác phối hợp trong quản lý thông tin trên Internet, bảo đảm an ninh mạng, trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phải được xác định là khâu then chốt, giúp người dân phân biệt, chọn lọc các sản phẩm văn hóa có lợi, nâng cao nhận thức và cách ứng xử trước những thông tin độc hại. Trong giáo dục, cần chú ý bồi dưỡng giá trị thẩm mỹ, những giá trị văn hóa tốt đẹp truyền thống, lòng yêu nước và sâu xa hơn là cuộc đấu tranh tạo sức đề kháng bảo vệ nền văn hóa dân tộc.
Cùng với những mặt công tác trên, biện pháp quan trọng để tăng tính hiệu quả trong phòng chống các hoạt động "Diễn biến hoàn bình" của các thế lực thù địch thông qua mạng Internet là cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục, tăng cường tính tự giác, cảnh giác của người sử dụng, chủ động đưa thông tin của Việt Nam lên mạng Internet để góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chính những thông tin chính thống này sẽ đánh bại sự xuyên tạc, gây hiểu nhầm về chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời, có tác dụng làm suy yếu những thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam thông qua "Diễn biến hòa bình"... 
Nguyễn Đình Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét