Trong và sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ (tháng 7/2015), nhiều hãng thông tấn, báo chí lớn của thế giới (bao gồm các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia, Nhật, Nga, Trung Quốc...) đã đăng tải nhiều bài phản ánh và phân tích về chuyến thăm này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama trả lời các nhà báo (Ảnh: Vũ Duy) |
Ngoài những bài viết của các nhà báo, còn có nhiều bài nhận định của các chuyên gia phân tích, học giả, doanh nhân, cũng như quan chức thế giới.
Chuyến thăm đã nhận được sự đón nhận hồ hởi, tích cực từ chính giới và ngành ngoại giao Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tiếp Tổng Bí thư tại nhà riêng của ông trong không khí rất thân tình. Thượng nghị sĩ John McCain cũng đón tiếp nồng hậu người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và thể hiện những mong mỏi tốt đẹp cho quan hệ giữa hai nước.
Bản thân Tổng thống nước chủ nhà Obama thì nhấn mạnh đến những tiến bộ trong mối quan hệ Mỹ-Việt trong vòng 20 năm qua, và bày tỏ vui mừng trước chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúng vào dịp 2 nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Không chỉ nước Mỹ mà truyền thông các nước khác đều tỏ ra lạc quan về triển vọng quan hệ Việt-Mỹ sau chuyến thăm mang tính lịch sử này.
Đa số đều khẳng định chuyến thăm đã thành công tốt đẹp và thể hiện lòng tin cùng sự tôn trọng lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ - cả hai thừa nhận và tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Nhiều tờ báo đã bình luận về chi tiết nhiều ý nghĩa là việc Tổng thống Obama đã tiếp Tổng Bí thư – người đứng đầu một đảng – tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng.
Ông Murray Hiebert, Phó Chủ nhiệm Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đánh giá: “Nhìn một cách tổng thể, chuyến thăm đã mang lại kết quả tích cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những cuộc gặp gỡ rất hữu ích tại Nhà Trắng, tại Quốc hội cũng như với khu vực tư nhân của Mỹ”.
Truyền thông và học giả thế giới nhấn mạnh, chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ có ý nghĩa biểu tượng rất cao, thể hiện mối quan hệ Việt-Mỹ sâu sắc dù có thể không ồn ào ở bề ngoài, một quan hệ đặc biệt vượt qua quá khứ đau thương để hướng tới tương lai tươi đẹp.
Nhật báo Huffington Post đăng bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Tờ báo nêu rõ rằng các cựu thù có thể trở thành bạn.
Cựu Tổng thống Bill Clinton thì nói: “Tôi chắc rằng, người Hoa Kỳ rất yêu mến nhân dân Việt Nam. Họ muốn làm bạn với nhân dân Việt Nam và họ muốn thấy nhân dân hai nước cùng nắm tay nhau, cùng có lợi, cùng phát triển, cùng đi đến tương lai.”
Học giả Ernest Bower của “túi khôn” CSIS (Mỹ) nhận định: kết quả lớn nhất của chuyến thăm là bảo đảm xây dựng “lòng tin chiến lược” giữa hai nước.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Ông Anthony Nelson - một giám đốc của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư đã khẳng định mức độ kết nối sâu rộng của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời chỉ ra con số gia tăng ấn tượng thương mại hai chiều Mỹ-Việt từ năm 1995 cho tới nay.
Giáo sư Chon Yong-hun của Đại học Korea (Hàn Quốc) cũng đã đánh giá toàn diện về quan hệ Việt-Mỹ. Ông khẳng định chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tăng cường giao lưu và nhận thức chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên nhiều mặt.
Báo chí quốc tế cũng đã phân tích về thực chất quan hệ Việt-Mỹ trong tình hình mới từ góc độ quan hệ quốc tế và địa chính trị, khẳng định mối quan hệ đó là có cơ sở thực tiễn vững chắc, trong bối cảnh Mỹ xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương còn Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế và có một vị trí quan trọng ở khu vực Biển Đông và Đông Nam Á. Các báo của nước ngoài cũng đề cập nhiều đến đàm phán hiệp định kinh tế TPP.
Nhìn chung, truyền thông quốc tế cùng chung nhận định: Hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam đầy triển vọng, ngày càng đa dạng và đi vào thực chất, như trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và an ninh. Hai nước đã và đang nỗ lực để cho các khác biệt không ảnh hưởng đến các cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi./.
Trung Hiếu/VOV.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét