Tờ National Interest của Mỹ vừa cho biết, Washington cáo buộc Nga làm những điều mà chính mình cũng đang làm.
Mỹ làm tất đúng, người khác làm tất sai?
Tờ tạp chí “Lợi ích Dân tộc” (National Interest) của
Mỹ vừa có bài viết cho biết, Hoa Kỳ đang cáo buộc Nga và các nước khác
vì tội khiêu khích, mặc dù chính hành vi của họ cũng được gọi là khiêu
khích.
Tác giả bài báo là ông Ted Galen Carpenter lấy ví dụ
các tình huống Mỹ đang làm và so sánh chúng với Nga ở Syria và ở các
nước Baltic, với Iran ở vùng Vịnh Ba Tư và với Trung Quốc ở Biển Đông.
Washington và các phương tiện truyền thông lên án
Moscow can thiệp quân sự vào xung đột Syria, trong khi họ coi việc mình
can dự vào đó giống như điều không thể tránh khỏi.
Mỹ tố cáo Nga can thiệp vào vấn đề Syria với danh
nghĩa chống khủng bố lây lan sang Nga, trong khi đó, biên giới Mỹ còn xa
hơn gấp bội. Syria chỉ cách biên giới phía nam của Liên bang Nga ít hơn
1.000 km, còn Mỹ thì ở cách xa nước này tới hàng vạn dặm.
Ở các nước Baltic, Mỹ cũng tuân thủ các tiêu chuẩn kép
như vậy. Các nước vùng Baltic ở sát nách Nga, Moscow có mọi lý do để
coi sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng lân cận lãnh thổ của Nga như một
mối đe dọa. Nếu Nga cũng đưa quân đến một quốc gia cận kề Mỹ thì Nhà
Trắng sẽ nghĩ sao?
Trong vùng Vịnh Ba Tư vào tháng 8, một tàu tuần tra
nhỏ của Cộng hòa Hồi giáo Iran đã ngăn chặn và đi kèm tàu khu trục Mỹ.
Nhà Trắng ngay lập tức gọi vụ việc là “một sự khiêu khích quái dị”.
Trong khi đó, bất cứ nước nào cũng hành động tương tự khi có chiến hạm
áp sát lãnh hải của mình.
Tác giả bài báo chỉ rõ rằng, suy nghĩ tự mãn của Hoa
Kỳ: “Chúng tôi là người tốt, vì vậy tất cả mọi thứ chúng tôi làm, không
thể là sai hoặc mang tính khiêu khích là ý nghĩ thiển cận và vô cùng
nguy hiểm”.
Các chuyên gia nhận định rằng, chẳng có một tiêu chuẩn
nào trên thế giới cho thấy cùng một sự việc mà người này làm là đúng mà
người kia làm là sai, cũng giống như việc Mỹ có quyền làm tất cả, còn
người khác không được phép làm, nếu làm là sai, nếu sai là bị trừng trị.
Ví dụ như trong quá khứ những chuyện Mỹ can thiệp vào
nước này nước kia để thay đổi chế độ hoặc dung túng cho các quốc gia
này, quốc gia khác ly khai, độc lập là chuyện không hiếm.
Những việc Mỹ thay đổi nhà lãnh đạo quốc gia theo tiêu
chí “dân chủ hơn, tự do hơn” để tìm kiếm những người “biết vâng lời”
cũng không phải là lạ. Thế nhưng, chính những nhà lãnh đạo đó, nếu về
sau “đi chệch đường” là có thể biến ngay thành “độc tài, khát máu, phi
dân chủ”.
Hoặc ví dụ như trong thập niên 90 của thế kỷ trước,
Kosovo đòi ly khai khỏi Serbia thì được Mỹ coi là những người đi tiên
phong vì “Tự do, Dân chủ” và chỉ huy Liên quân NATO tấn công Serbia, bắt
Tổng thống Slobodan Milosevic ra xét xử, còn hiện nay tình hình ở
Ukraine, Gruzia thế nào thì chúng ta đã biết.
Ví dụ điển hình gần đây nhất là vừa qua, Mỹ đã liên
tiếp cáo buộc Nga vô cớ can thiệp quân sự vào vấn đề Syria và đã năm lần
bảy lượt ra “tối hậu thư” đối với Moscow, trong khi chính bản thân mình
lại đang hết sức lộng hành ở Syria, không coi một quốc gia có chủ quyền
ra gì.
Hôm 8/9, tờ Washington Post trích dẫn nguồn tin từ
Washington cho biết, Mỹ đã hết kiên nhẫn đối với Nga và đưa ra “đề xuất
cuối cùng” mang tính chất “tối hậu thư” cho Moscow về vấn đề Syria.
Washington Post cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ
Barack Obama đã đưa ra cho phía Nga đề xuất cuối cùng để đạt được thỏa
thuận Syria và đang chờ quyết định của Moscow trong những ngày tới, rồi
căn cứ vào đó sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề
Syria.
Theo Washington Post, Washington đã chuyển đến đối tác
Nga một thông điệp là họ đã cạn kiệt sự kiên nhẫn trong cố gắng để đạt
được một nền hòa bình cho đất nước và nhân dân Syria.
Kế hoạch của Mỹ là kêu gọi các bên đạt thỏa thuận
ngừng bắn ở Syria, chấm dứt các chuyến bay của không quân Syria và tiến
hành chiến dịch không quân chung Nga-Mỹ chống các mục tiêu khủng bố, tờ
báo Mỹ cho biết.
Nhà Trắng luôn nói là hết kiên nhẫn với Điện Kremlin nhưng họ có biết rằng, Nga và Syria cũng có ý nghĩ tương tự?
5 năm trước đây khi cuộc nội chiến chưa nổ ra, đời
sống nhân dân Syria khá cao, đất nước luôn yên bình, nhưng từ khi Mỹ nêu
cao khái niệm “Dân chủ”, xúi giục và hậu thuẫn các phe “đối lập ôn hòa”
có vũ trang nổi lên tấn công quân chính phủ thì đất nước Syria mới loạn
lạc như hiện nay.
“Tiêu chuẩn dân chủ” của Mỹ ở Kosovo và Donbass khác hẳn nhau
Điều kiện tiên quyết của Mỹ là ông Assad phải “ra đi
ngay lập tức” thì mới có hòa bình ở Syria. Tại sao lại không phải là
việc Mỹ ngừng cung cấp tiền bạc và vũ khí cho phe đối lập ôn hòa? Tại
sao lại không phải là việc các nhóm phiến quân đối lập phải buông súng
để đổi lấy hòa bình cho nhân dân?
Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad chính thức
nhờ Nga giúp đỡ trong cuộc chiến chống khủng bố, còn Mỹ là vị khách
“không mời mà đến” vậy mà Mỹ cứ suốt ngày ra tối hậu thư cho Nga phải
chấm dứt các hành động giúp đỡ chính quyền Syria là vì sao?
Tại sao Moscow không có quyền nói rằng, Nga đã “hết
kiên nhẫn” đối với Washington. Liệu Điện Kremlin có được quyền ra “tối
hậu thư” đòi Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào Syria, ngừng hỗ trợ các nhóm
khủng bố và phiến quân, đồng thời khuyên chúng giải giáp và thay đổi
chế độ theo con đường bầu cử?
Nhà Trắng còn đòi không quân Syria phải chấm dứt các
chuyến bay oanh tạc vào các vị trí khủng bố và đối lập, chỉ có Nga và Mỹ
được phép “phối hợp tấn công khủng bố”.
Nhà của người ta, đất của người ta, ông Obama có quyền
gì đưa quân, đưa máy bay trái phép vào Syria rồi ra điều kiện ngược với
chính quyền hợp Hiến của nước sở tại? Thế nhưng Mỹ vẫn làm và ai can
thiệp vào thì hãy coi chừng, đòn thù hội đồng lập tức giáng xuống đầu.
Trên đây là những ví dụ điển hình cho việc “cái gì Mỹ
làm cũng là đúng, người khác làm chắc chắn là sai”, là sự thể hiện rõ
ràng nhất của cái “tiêu chuẩn kép” đang được Washington trưng bày ở khắp
nơi trên thế giới.
Huy Bình – DVO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét