Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, gia
đình đông anh em, ngay từ nhỏ tôi đã ước mơ được trở thành cô giáo. Sau khi tốt
nghiệp THPT, tôi đã thi vào trường Sư phạm, rồi trở về quê làm giáo viên trường
làng và xây dựng gia đình. Cuộc sống cứ yên bình như thế trôi đi, như chính
vùng quê yêu dấu nơi đây. Quê tôi giờ đây đã đổi thay nhiều lắm, người dân
không còn vất vả, lam lũ như xưa. Những căn nhà lợp bằng tranh tre, nứa lá, giờ
đã thay bằng mái ngói đỏ tươi và những căn nhà mái bằng cao tầng. Tôi vui vì
quê mình đổi thay và phát triển! Tôi yêu nghề dạy học mà mình đã lựa chọn và
không quá bận tâm đến chuyện chính trị và những điều lớn lao. Thế nhưng, vô
tình tôi đọc được bài viết của tác giả Bùi Quang Vơm đăng trên Dân làm báo, với tiêu đề “Trận huyết chiến
cuối cùng”, với tư cách là một công dân Việt Nam bình thường, tôi được xin trao
đổi vài điều cùng tác giả và bạn đọc.
Đúng là khi xã hội phát triển, nhất là khi đất
nước ta đang tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội
nhập quốc tế, thì điều tất yếu sẽ kéo theo nhiều tác động và ảnh hưởng, trong
đó có cả những mặt tích cực và tiêu cực. Ở cái độ tuổi gần nửa đời người, không
còn bồng bột để mà có những suy nghĩ nông nổi, với những trải nghiệm của cuộc sống
và từng chứng kiến sự đổi thay của đất nước, tôi hiểu rằng có được cuộc sống và
những điều kiện như hiện nay là do đâu? Nếu làm một phép so sánh và nhìn lại những
gì đã qua, chắc hẳn mọi người đều dễ dàng nhận thấy rằng cuộc sống của người
dân ngày càng được nâng lên, sung túc, đủ đầy hơn xưa rất nhiều. Công bằng mà
nói thì người dân bây giờ được thụ hưởng rất nhiều giá trị cả về vật chất và
tinh thần, mà minh chứng rõ nhất là ở chính quê hương tôi. Thành quả ấy là do
đâu? Mọi thứ đều không tự nhiên dễ dàng mà có, mà phải do sự cố gắng nỗ lực của
chính những người dân, nhưng hơn hết là nhờ có chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng
đắn của Đảng và chính sách phát luật của Nhà nước đảm bảo quyền lợi chính đáng
của nhân dân.
Thưa tác giả Bùi Quang Vơm, tôi không biết
ông là ai và hiện ông đang làm gì, trong tổ chức nào? Nhưng nếu là một người Việt
Nam chân chính, có nhận thức đầy đủ và cái nhìn toàn diện, thì chắc rằng không thể
có những suy diễn và phát ngôn theo kiểu “kỳ lạ” đến như vậy! Cái gì mà gọi là “trận huyết chiến cuối cùng”? Cái gì là “quyết định kiểm
tra giám sát tài sản này là quyết định tuyên chiến của “khối chuyên trách” chống
lại “khối chính phủ”, cũng tức là đảng chống lại chính quyền, là “lãnh đạo” chống
lại “quản lý”? Nghe cái cách ông đặt vấn
đề và lý giải, thì một người bình thường nhất cũng thấy rõ ràng là “có dụng ý”
và “mục đích” ở trong đó! Đành rằng, trong thực tế xã hội hiện nay, tệ tham
nhũng, lãng phí đang là một vấn đề nóng mà dư luận và tất cả mọi người đều rất
quan tâm. Bản thân tôi, với tất cả tình cảm và trách nhiệm của một người công
dân đối với đất nước luôn mong mỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, từ Trung ương,
đến địa phương phải làm nghiêm, làm mạnh để có thể ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ
vấn nạn này; đặc biệt là phải xử lý thật nghiêm minh với những người vi phạm.
Tôi cũng được biết, vừa qua, Bộ
chính trị và Ban bí thư ban hành quy định về kiểm tra, giám sát
việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (dự
kiến khoảng 1.000 người), đặc biệt là việc khẳng định “không có vùng cấm” trong
kiểm tra, giám sát. Việc kiểm tra, giám sát đâu phải bây giờ mới làm, mà đó là
công việc thường xuyên của Đảng và của các cấp, các ngành. Thế nhưng, việc ban
hành quy định lần này của Trung ương thể hiện sự quyết tâm và tính tiên phong của
Đảng, mục đích là để
kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh
các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh
và xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc
diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý
tham nhũng. Việc làm đó của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nhận được
sự đồng tình ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước.
Thưa ông Bùi
Quang Vơm, trong bài viết của mình, ông nói rằng đây là “trận huyết chiến cuối
cùng”, là “quyết định tuyên chiến của “khối chuyên trách” chống lại “khối
chính phủ”, cũng tức là đảng chống lại chính quyền, là “lãnh đạo” chống lại “quản
lý”; “giải giáp uy lực của khối chính quyền, từ đó thu gom quyền lực vào trong
tay khối chuyên trách, gọi là tập trung quyền kiểm soát quyền lực vào tay đảng;
“dạy cho khối chính quyền một bài học”, từ đó xác lập chế độ “tái phân phối”
theo nguyên tắc điều hòa giữa hai khối, nhằm giải quyết mâu thuẫn lợi ích đang ở
mức đã thành đối kháng giữa hai khối”. Vậy xin hỏi ông căn cứ vào đâu để mà đưa ra “cái luận điệu”
phi lý ấy? Nếu như ông không hiểu hay “cố tình” không hiểu thì tôi xin nói để
ông biết rằng: trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng CSVN luôn thực hiện
quan điểm nhất quán: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Và điều quan
trọng nhất là mọi hành động của Đảng, mục đích của Đảng đều hướng đến và mang lại
lợi ích cho nhân dân, nhằm mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Trong hệ
thống chính trị, Đảng là một bộ phận hợp thành cùng với Nhà nước, Mặt trận Tổ
quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Đảng giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính
trị nhưng không đứng trên, hay đứng ngoài hệ thống chính trị, mà gắn bó với những
thiết chế trong hệ thống đó. Và trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng luôn coi
việc lãnh đạo, xây dựng, kiện toàn Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, để
phục vụ lợi ích của nhân dân, với phương châm: tất cả mọi cán bộ, công chức,
viên chức trong bộ máy nhà nước là “đầy tớ, công bộc” của Nhân dân. Đảng đã
lãnh đạo Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật, đề ra và thực hiện có hiệu quả
các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế,
văn hóa, xã hội, đối ngoại, bảo đảm an ninh, quốc phòng, độc lập, chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế; phát huy
quyền làm chủ, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Như vậy, xét về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước là sự tác động qua lại,
trong đó Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành Hiến pháp,
pháp luật và chính sách để quản lý đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng và Nhà nước đều hướng
đến mục tiêu chung, mục tiêu cuối cùng là bảo đảm và thực hiện quyền làm chủ của
nhân dân lao động, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng,
văn minh, vì sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước.
Bởi vậy, không thể có chuyện “đảng chống lại chính quyền”, “lãnh đạo” chống lại “quản lý” hay “tập trung quyền
kiểm soát quyền lực vào tay đảng; “dạy cho khối chính quyền một bài học” như cái cách mà ông nói và lại càng không thể
có chuyện “nhằm giải quyết mâu thuẫn lợi
ích đang ở mức đã thành đối kháng giữa hai khối”.
Là một
công dân Việt Nam, tôi luôn có một niềm tin vững vàng vào chân lý, tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng CSVN, tin
vào sự quản lý, điều hành của Nhà nước XHCN Việt Nam. Cuộc sống của Nhân dân ta
ngày hôm nay, những thành quả mà chúng ta có được như hôm nay chính là nhờ có Đảng
soi đường, chỉ lối và có Nhà nước quản
lý, điều hành; tất cả vì mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ,
công bằng, văn minh, phát triển bền vững, để xứng tầm với các nước trong khu vực
và trên thế giới. Tôi cũng tin rằng, những người Việt Nam chân chính đã, đang
và sẽ luôn tin tưởng vào Đảng, vào Nhà nước XHCN Việt Nam, như niềm tin sắt đá
không bao giờ thay đổi vào Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Thay cho lời kết, tôi xin nhắn gửi
tới ông Bùi Quang Vơm rằng: hãy nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách toàn diện,
khách quan; đừng “tô vẽ” “xuyên tạc” hay “thổi phổng” theo kiểu cực đoan với “dụng
ý” không có gì tốt đẹp. Và dù cho ông có
dùng những luận điệu gì đi chăng nữa thì những người dân Việt Nam yêu nước sẽ
không bao giờ tin vào những điều ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét