HỌ ĐANG BÓP MÉO LỊCH SỬ
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Thời
gian gần đây, trên các trang mạng xã hội tung lên nhiều bài viết về những nhà
yêu nước Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Có một số bài viết đúng với lịch sử lúc
bấy giờ; bên cạnh đó là một số bài viết bóp méo lịch sử, xuyên tạc và xúc phạm
đến vĩ nhân. Họ cho rằng, nếu như hồi đầu thế kỷ XX, nhân dân ta cứu nước bằng
con đường cải lương, thì không phải đổ máu suốt 30 năm, mà vẫn giành được độc
lập, tự do. Lại có một loạt bài viết vu cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, chúng
ta không phủ nhận vai trò cứu nước của cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Châu Trinh.
Các cụ ấy đều là những nhà yêu nước chân chính, nhưng con đường và phương pháp
cứu nước của các cụ ấy khác với con đường cứu nước của cụ Nguyễn Ái Quốc. Vì
vậy, những bài viết trên đây là rất ác ý. Họ lợi dụng lịch sử để xuyên tạc lịch
sử, bôi nhọ vĩ nhân. Họ không biết rằng, chủ
nghĩa cải lương hồi đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, không bao giờ mang lại nền độc lập
thật sự cho nhân dân Việt Nam và tư tưởng dựa vào đế quốc này để đánh đổ đế
quốc kia, đất nước cũng không thể giành lại được độc lập thật sự, nhân dân ta
sẽ mãi mãi phải sống trong kiếp đời nô lệ, không bao giờ được ngẩng mặt lên để
hít thở bầu không khí độc lập, tự do.
Để làm rõ, tôi xin lần lượt
phân tích ba vấn đề lớn như sau:
Bài 1: Sự lựa chọn con
đường cứu nước Việt Nam hồi đầu thế ký XX.
Bài 2: Chủ nghĩa cải lương ở Việt Nam hồi
đầu thế kỷ XX.
Bài 3: Mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc với
Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
Bài 1: SỰ
LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG CỨU
NƯỚC VIỆT
NAM HỒI ĐẦU THẾ KỶ XX
Bối cảnh chính trị quốc tế hồi
đầu thế kỷ XX ảnh hưởng đến phong trào yêu nước và cứu nước của nhân dân Việt
Nam
Để làm rõ đúng sai trong
cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX của các nhà
yêu nước, chúng ta hãy tìm hiểu bối cảnh chính trị quốc tế hồi đầu thế kỷ XX.
Đầu thế kỷ XX, chính trường
thế giới xáo động mạnh.
- Tại nước Nga, từ năm
1905-1907 nổ ra cuộc cách mạng lớn. Nước Nga Nga hoàng hồi đầu thế kỷ XX là
điểm nút tập trung mọi mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa tư bản lũng
đoạn ở đây đã kết hợp chặt chẽ với chế độ Nga hoàng chuyên chế và chế độ chiếm
hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ. Giai cấp công nhân Nga rên xiết dưới ách
bóc lột tư bản; giai cấp nông dân Nga nghẹt thở dưới ách của bọn địa chủ, phú
nông vì không có ruộng đất. Nhân dân Nga lại chịu hai tầng áp bức: phong kiến
Nga và tư sản Nga. Nhân dân lao động Nga hoàn toàn không có chút quyền lợi gì.
Đó là nguyên nhân nổ ra cách mạng 1905-1907 ở nước Nga Nga hoàng. Đây là cuộc
cách mạng tư sản dân chủ thứ nhất ở nước Nga, cuộc cách mạng nhân dân đầu tiên
trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa. Người đứng đầu cuộc cách mạng này là giai cấp
công nhân Nga. Cuộc chiến tranh Nga – Nhật càng thúc đẩy cách mạng tiến lên.
Ngày 9 (lịch Nga là ngày
22) tháng 1-1905, tại thành phố Pêtécbua ở Nga, Nga hoàng đã ra lệnh cho binh
lính bắn vào một cuộc biểu tình hòa bình lớn của nhân dân lao động Nga đòi
quyền dân sinh, dân chủ. Giai cấp công nhân Nga đã trả lời tội ác của chế độ
Nga hoàng bằng những cuộc bãi công chính trị dưới khẩu hiệu: “Đả đảo chế độ
chuyên chế!”. Trong những ngày tháng 1 và tháng 3-1905, trong toàn nước Nga đã
có 810 nghìn công nhân bãi công. Từ mùa xuân năm 1905, nông dân Nga cũng đã
vùng lên phá trại ấp của địa chủ và chiếm ruộng đất. Trước phong trào đấu tranh
của công nhân, nông dân Nga, quân đội Nga hoàng cũng dao động. Họ khởi nghĩa
muốn lật đổ chế độ Nga hoàng, làm rung chuyển cả nước Nga Nga hoàng. Nhiệm vụ
của cuộc cách mạng là lật đổ chế độ chuyên chế Nga hoàng; tịch thu ruộng đất
của địa chủ, thiết lập chế độ ngày làm 8 giờ và các quyền dân chủ cho nhân dân.
Tuy cuộc cách mạng đã thất bại, bị Nga hoàng và giai cấp tư sản Nga đàn áp đẫm
máu, nhưng tinh thần của nó đã vang lên trong lòng nhân dân Nga, và chính tinh
thần này đã dẫn đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.
- Tại Trung Quốc, năm 1911,
nổ ra cuộc cách mạng Tân Hợi. Đây là cuộc cách mạng dân chủ tư sản, do những
người trí thức cấp tiến trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo, đứng đầu
là Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn, Tôn Văn), lật đổ Triều đình Mãn Thanh, chấm dứt
chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại rất lâu dài ở Trung Quốc, dọn đường cho chủ
nghĩa tư bản ở Trung Quốc phát triển. Cách mạng Tân Hợi (1911) chính thức khởi
đầu bằng cuộc khởi nghĩa ở Vũ Xương, đấu tranh để thành lập “Trung Hoa dân
quốc” và Chính phủ Nam Kinh. Cuộc cách mạng đã thành công. Triều đình Mãn Thanh
sụp đổ. Tôn Dật Tiên được bầu làm Tổng thống lâm thời, lấy ngày 1-1-1912 (Nhâm
Tý) làm ngày thành lập Chính phủ “Trung Hoa Dân quốc”, đứng đầu là Tôn Dật
Tiên.
- Trên thế giới, hồi đầu thế ký XX, đã
diễn ra cuộc cách mạng đại công nghiệp lần thứ hai (thường gọi
là cuộc cách mạng 2.0, nối tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất:
1.0). Cuộc cách mạng 2.0 diễn ra khoảng từ năm 1850 đến năm 1914, khi con người
phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, ánh sáng cho loài người.
Từ khi có động cơ điện, thì năng suất lao động của động cơ điện tăng gấp nhiều
lần so với động cơ hơi nước…
Những sự kiện trên đã ảnh
hưởng đến trào lưu cứu nước của nhân dân ta hồi đầu thế kỷ XX.
Những ngả đường cứu nước của các
nhà yêu nước Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX
Trước hết, phải nói
rằng, tinh thần yêu nước của nhân dân ta là tinh thần thượng võ. Chủ nghĩa yêu
nước Việt Nam là tình cảm sâu đậm nhất, đã tồn tại trong lòng nhân dân Việt Nam
qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tổ quốc Việt Nam là một môi trường
kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa thay đổi theo chiều hướng của lịch sử, cho
nên chủ nghĩa yêu nước ở những thời đại khác nhau cũng có những nội dung khác
nhau. Nó được quy định bởi những điều kiện kinh tế, xã hội. Nhân dân lao động
là những người yêu nước chân chính nhất, những người biểu hiện lợi ích dân tộc
thật sự. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được biểu hiện bởi ý chí thà chịu đói,
chịu khát, chứ không bao giờ trao Việt Nam cho người nước ngoài. Khi ngọn lửa
cách mạng thổi vào, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trở thành chủ nghĩa anh hùng
cách mạng Việt Nam.
Năm 1858, chiến hạm Pháp và
Tây Ban Nha bắt đầu nổ súng tấn công thành phố Đà Nẵng của Việt Nam, mở đầu
cuộc xâm lược Việt Nam, và từ Việt Nam, chúng tiến đánh Lào, Campuchia, đặt ách
thống trị lên ba nước trên bán đảo Đông Dương. Nhân dân ta, sau khi thoát được
nạn thống trị của người phương Bắc, lại bắt đầu rơi vào nạn thống trị của người
phương Tây. Ngày 17-10-1887, Tổng thống Cộng hòa Pháp ký sắc lệnh thành lập
Liên bang Đông Dương. Liên bang Đông Dương đặt dưới sự thống trị của Toàn quyền
Đông Dương do Tổng thống Pháp bổ nhiệm. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp,
lưỡi lê, máy chém, súng tràn khắp Đông Dương, gây cảnh đau thương, tang tóc, ảm
đạm bao trùm lên khắp Đông Dương.
Trước tình cảnh đó, nhiều
nhà yêu nước Việt Nam nổi dậy. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra như cuộc khởi nghĩa
của Trương Định (1859-1864); khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực (1861-1868); khởi
nghĩa Ba Đình (1886-1887) do Đinh Công Tráng, Trần Xuân Soạn,… tiến hành; khởi
nghĩa Bãi Sậy (1885- 1889) do Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật) khởi xướng; khởi
nghĩa Hùng Lĩnh (1886-1892), do Tống Duy Tân cùng với Cao Điển khởi xướng; khởi
nghĩa Hương Khê (1885-1896) do Phan Đình Phùng khởi xướng; khởi nghĩa Yên Thế
(1887-1913) do Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) khởi xướng; khởi nghĩa Thái Nguyên
(1917-1918) do Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) khởi xướng; khởi nghĩa Lạng Sơn (1921)
do Đội Cấn (người Tày) tổ chức; khởi nghĩa Yên Bái (1930) do Nguyễn Thái Học và
Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy...
Trước sự anh dũng kiên
cường của các nghĩa quân chống Pháp, nhưng đều bị thực dân Pháp dìm trong biển
máu, làm cho các nhà yêu nước Việt Nam có phần dao động. Họ than thở:
“Đêm sao đêm mãi tối mò mò
Đêm đến bao giờ mới sáng
cho?
Con trẻ âm oe đã muốn dậy
Ông già thúng thắng hãy còn
ho.
Đèn chong tâm sự khêu mờ tỏ
Chó thích hơi người cắn nhỏ
to.
Nhắn nhủ láng giềng ai dậy
đó
Dậy thì lên tiếng gọi nhà
nho”1.
Trước ngã ba đường của sự
cứu nước, mỗi người đi tìm một ngả.
- Phan Bội Châu (Phan Văn
San, Hải Thụ, Sào Nam - 1867-1940) lựa chọn con đường Đông Du để đánh Pháp xâm
lược Việt Nam. Ông là một nhà yêu nước chân thành, hoạt động trong thời kỳ Việt
Nam thuộc Pháp. Ông căm thù chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương đến nỗi phải thốt
lên:
“Hãy múa giáo mà xông lên,
đã có trời ở trên và tổ tiên ở bên.
Dồn sóng lớn để làm trống
trận, lấy tiếng sấm làm tiếng súng rền.
Diệt hết bọn giặc rồi, ta
mới ăn sáng, đem lại sự vinh quang cho cha mẹ ta.
Lòng trung trinh của ta như
sắt đá, có kể gì gian khổ”2.
Phan Bội Châu muốn “đi tìm
cái sống trong muôn vàn cái chết”.
Sau khi đỗ giải nguyên,
Phan Bội Châu bôn ba khắp nước Việt Nam, kết giao với nhiều nhà yêu nước Việt
Nam như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,… Năm 1904, Ông cùng
Nguyễn Hàm,… đứng ra thành lập Duy Tân Hội ở Quảng Nam với mục đích đánh đuổi
thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi Việt Nam; chọn Kỳ ngoại hầu Cường Để (Nguyễn Phúc
Đan), một người thuộc dòng dõi Nhà Nguyễn, làm Hội trưởng. Năm 1905, Ông cùng
Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính sang Trung Quốc, rồi sang Nhật Bản nhằm cầu viện Nhật
để đánh đuổi Pháp ra khỏi Việt Nam. Tại Nhật, Ông gặp Lương Khải Siêu, một nhà
cách mạng người Trung Quốc và gặp một số nhân vật trong Đảng Tiến bộ ở Nhật Bản
lúc bấy giờ, trong đó có Okuma Shigenobu và Thủ tướng Nhật lúc đó là Inukai
Tsuyoshi. Họ khuyên Ông nên cổ động thanh niên ra nước ngoài học tập để sau này
trở về Việt Nam, giúp nước. Theo lời khuyên đó, tháng 6-1905, Phan Bội Châu mang
theo sách của Ông: “Việt Nam vong quốc sử” về nước. Tại Việt Nam, Phan Bội Châu
và Nguyễn Hàm quyết định chọn một số thanh niên có tinh thần yêu nước, thông
minh, hiếu học để đi học tại Nhật. Từ đấy, phong trào Đông du được dấy lên
trong cả nước, nhất là ở Nam Kỳ.
Trong cuộc vận động Đông
du, Phan Bội Châu có gặp Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh), gợi
ý, cử Anh sang Nhật, nhưng Anh không đi. “Anh (Nguyễn Tất Thành) thấy rõ và
quyết định con đường nên đi. Cụ Phan Bội Châu vào bậc chú, bác của Anh. Cụ Phan
Bội Châu muốn đưa Anh và một số thanh niên sang Nhật. Nhưng Anh không đi”3.
Tháng 10-1905, Phan Bội
Châu trở lại Nhật Bản4. Năm sau, Cường Để cũng qua Nhật. Từ năm 1905
đến năm 1908, nhờ cuộc vận động Đông du mà có khoảng 200 người sang Nhật Bản du
học.
Trong lúc Phan Bội Châu và
những học trò của Ông đang ở Nhật, thì tại Việt Nam nổi lên phong trào kháng
thuế ở Trung Kỳ, rầm rộ ở Quảng Nam và nhiều tỉnh khác. “Năm 1907 (1908), lần
đầu tiên, nông dân các tỉnh Trung Kỳ nổi dậy chống thuế. Họ đi tay không, không
có khí giới. Họ chỉ yêu cầu giảm thuế. Để tỏ lòng đoàn kết nhất trí, họ đều cắt
tóc ngắn và gọi nhau là “đồng bào””5. Nhưng rủi ro thay, phong trào
này đã bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Nhiều hội viên trong Hội Duy Tân, trong
đó có Nguyễn Hàm, một nhân vật trọng yếu của Hội, bị Pháp bắt. Tiếp đó, là
những phái viên của phong trào Đông du như Hoàng Quang Thanh và Đặng Bỉnh Thành
cũng bị mật thám Pháp đón bắt trước khi từ Nhật về Nam Kỳ nhận tiền quyên góp
cho phong trào Đông du. Tháng 9-1908, do có sự mặc cả giữa Nhật và Pháp, Chính
phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh người Việt Nam ra khỏi đất Nhật.
Tháng 3-1909, Cường Để và Phan Bội Châu cũng bị trục xuất ra khỏi nước Nhật, để
rồi trở về với “Pháp – Việt đề huề”. Đến đây, phong trào Đông Du do Phan Bội
Châu dày công xây dựng, hoàn toàn sụp đổ. Phan Bội Châu không biết rằng, các
nước lớn thường câu kết với nhau để đàn áp các nước nhỏ khi quyền lợi của họ
được khẳng định. Ông cũng không tính trước được là nếu cứu nước bằng việc dựa
vào đế quốc này để đánh đế quốc kia sẽ không bao giờ giành lại được nước. Đó
được xem như một quy luật cứu nước. Vấn đề đặt ra là nhân dân ta phải vùng lên
tự cứu lấy nước ta, không thể trông chờ vào nước ngoài để cứu nước nhà. Nguyễn
Ái Quốc nhận định về Phan Bội Châu: “Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để
đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước rước beo cửa
sau””6.
- Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh, Tây Hồ,
Tư Mã, Tử Cán – 1872-1926) xác lập tư tưởng cứu nước khác với tư tưởng cứu nước
của Phan Bội Châu. Phan Châu Trinh chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, cải
cách giáo dục, tự lực, tự cường trước khi tính đến chuyện giành độc lập cho dân
tộc. Như vậy là Ông muốn cải cách xã hội trong khuôn khổ của chế độ Đông Pháp,
chứ không chủ trương mưu cầu ngoại bang dùng bạo lực để giành độc lập như Phan
Bội Châu. Bước đầu, Ông muốn dựa vào chế độ Đông Pháp để đánh đổ Triều đình
Nguyễn. Sau cuộc hành trình Nam du, Phan Châu Trinh từ quan, cùng với Trần Quý
Cáp và Huỳnh Thúc Kháng, ra các tỉnh miền Trung, rồi ra Hà Nội để gặp gỡ các sĩ
phu tiến bộ Bắc Hà, lại lặn lội lên căn cứ Đề Thám quan sát phong trào nông dân
khởi nghĩa Yên Thế, nhưng Ông thấy phong trào này như ngọn đèn sắp tàn. Năm
1906, Ông bí mật sang Trung Quốc, gặp Phan Bội Châu (lúc bấy giờ đang ở Trung
Quốc) để trao đổi về tình hình Việt Nam, rồi sang Nhật để nghiên cứu công cuộc
duy tân của nước này. Vào nửa cuối năm 1906, Phan Châu Trinh về nước. Tại Việt
Nam, Ông gửi một bức thư tới Toàn quyền Đông Dương P.Bô (Paul Beau), vạch trần
chế độ quân chủ chuyên chế thối nát, yêu cầu nhà cầm quyền Đông Pháp phải thay
đổi thái độ đối xử với người Việt Nam và sửa đổi chính sách cai trị để giúp
người Nam mở mang dân trí. Thư viết: Trong lúc dân tình điêu đứng, thì “các bậc
đại thần ăn dầm nằm dìa ở chốn triều đình, chỉ biết qua lệ cho xong việc; quan
lại ở các tỉnh thì chỉ lo cho vững thân thế, mà hà hiếp, bóp nặn ở chốn hương
thôn; đám sĩ phu thì ganh đua nhau vào con đường luồn cúi, nịnh hót, không còn
biết liêm sỉ là gì… Đến bây giờ thì sự thế hư hỏng, nhân dân lìa tan, phong tục
suy đồi, lễ nghĩa bại hoại”7. Và Ông chủ trương “Khai dân trí, chấn
dân khí, hậu dân sinh”.
Phong trào chống sưu cao,
thuế nặng nổ ra ở Trung Kỳ năm 1908, bị Chính phủ Đông Pháp và Triều Nguyễn đàn
áp dữ dội. Phan Châu Trinh bị buộc tội là một trong những người khởi xướng
phong trào, cho nên Ông đã bị bắt tại Hà Nội và giải về Huế, rồi đày đi giam
tại ngục Côn Đảo vào ngày 4-4-1908 cho đến tháng 8 năm này, Ông được đưa về đất
liền, về chịu quản thúc tại Mỹ Tho. Bởi phải nằm im, sinh cảnh buồn chán, Ông
viết thư cho Toàn quyền Đông Dương là cho Ông sang Pháp hoặc cho trở lại Côn
Đảo, chứ không thể chịu cảnh giam lỏng tại Mỹ Tho. Phía Pháp đồng ý để Ông sang
Pháp. Ngày 3-8-1914, Đức tuyên chiến với Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ
nhất (1914-1918). Nhân cơ hội này, tháng 9-1914, nhà cầm quyền Pháp ở Pari đã
gọi Phan Châu Trinh và luật sư Phan Văn Trường lúc ấy cũng đang ở Pháp đến để
thẩm vấn, bị buộc tội làm gián điệp cho Đức. Vì không đủ chứng cớ, tháng
7-1915, nhà cầm quyền Pari buộc phải trả tự do cho Phan Châu Trinh và Phan Văn
Trường. Tại Pari, Phan Châu Trinh đã gặp Nguyễn Ái Quốc. Năm 1922, Vua Khải
Định (Bửu Đảo) sang Pháp dự đấu xảo Marseille. Phan Châu Trinh viết thư (Thất
điều trần) buộc tội Khải Định và khuyên Vua về nước gấp, đừng làm nhục quốc
thể. Thấy hoạt động ở Pháp không thu được kết quả gì, Phan Châu Trinh đề nghị
nhà cầm quyền Pháp cho Ông trở về Việt Nam. Đề nghị này, mãi đến tháng 5-1925,
mới được chấp nhận. Hai nhà yêu nước là Phan Châu Trinh và Nguyễn An Ninh về
nước vào ngày 29-5-1925.
Về nước, Phan Châu Trinh
tiếp tục hoạt động yêu nước được một thời gian, Ông qua đời vào ngày 24-3-1926.
Trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt
động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên đã đưa ra nhận định của Nguyễn Ái
Quốc về Phan Châu Trinh: “Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện
cải lương. Anh (Nguyễn Ái Quốc) nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác gì xin giặc
rủ lòng thương”8. Như vậy, việc cứu nước theo con đường cải lương
cũng không thể đứng vững được trên trường chính trị Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX
và trên thực tế nó đã sụp đổ khi nhà cầm quyền Đông Pháp vẫn tiếp tục duy trì
chế độ cai trị ở Đông Dương.
- Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí
Minh) đã nhìn ra các con đường cứu nước của các bậc sĩ phu cha chú lớp trước và
đã có sự lựa chọn đúng về hướng đi của mình trong cuộc hành trình cứu nước.
Xã hội Việt Nam hồi đầu thế
kỷ XX có thể ví như con chim trúng thương rã cánh, bị bầy diều hâu thi nhau rỉa
rói. Nhân dân lao động gày gò, rách rưới, đói khát, đang quằn quại dưới ngọn
roi của “ông chủ”. Anbe Xarô (Albert Sarraut), Toàn quyền Đông Dương lúc bấy
giờ ngạo mạn tuyên bố: “Người thợ nặn muốn nặn ra hình người, thì cần phải có
đất sét, có đất rồi mới nặn thành người được. Xã hội An Nam cũng ví như đất,
còn người Pháp ví như người thợ nặn. Cái tay nước Pháp lấy cái đất nước Nam ấy
mà nặn ra người có nhân cách để giữ được quyền lợi, vì đã có luật pháp cao hơn
mà che chở cho”9. Rõ ràng, chúng xúc phạm nhân dân ta bằng sự khinh
miệt.
Ngày 5-6-1911 (năm Tân Hợi),
anh thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành, bằng trái tim, khối óc và đôi bàn tay
lao động, muốn đánh đuổi thực dân xâm lược, giải phóng đồng bào, bắt đầu vượt
trùng dương sóng gió, đi ra nước ngoài, khảo sát tình hình, tìm tòi một con
đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Anh ra đi còn để trả lời câu hỏi mà dân
tộc Việt Nam lúc ấy đang đặt ra: đánh đuổi thực dân bằng con đường nào thì
thành công? Sự nghiệp nâng tầm tư tưởng của Anh bắt đầu từ giờ phút thiêng
liêng đó. Anh ra đi tìm đường cứu nước, chẳng phải thay mặt cho một một tổ
chức, một đoàn thể nào, mà chỉ với tư cách của một người dân mất nước đi tìm
con đường đúng giành lại nước. Hành trang của Anh lúc lên đường chẳng có gì
ngoài bầu máu nóng yêu nước sục sôi trong Anh, sau này đã đưa Anh tới sự nghiệp
vĩ đại: giải phóng Tổ quốc, đồng bào. Anh xuất hiện đúng lúc khi loài người
trên hành tinh đang chuẩn bị bước sang một bước ngoặt mới có tính chất thời
đại. Và Anh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc cho nhân dân Việt Nam, từ
cách mạng dân tộc, dân chủ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Con đường này
đã đưa Anh tới thành công, đưa sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam tới
thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay, đất nước đã được độc lập, thống nhất, dân chủ là
nhờ có đường đi nước bước này. Anh không sang Đông Kinh vì cửa thành đã đóng từ
năm 1908. Anh cũng chẳng hướng về phía Bắc, vì lá cờ cải lương tư sản Trung Hoa
hồi đầu thế kỷ XX đã không có sức hấp dẫn đối với Anh. Sau này, Hồ Chí Minh đã
nói về thời kỳ đó: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc
này, thường tự hỏi nhau rằng, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị
của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh. Có người khác nữa
nghĩ là Mỹ. Tôi thì tôi thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ”10.
Hướng đi của Nguyễn Tất
Thành sang phương Tây không phải là để dựa vào phương Tây để đánh phương Tây,
mà là để quan sát thế giới xem tình hình ra sao, rồi lựa chọn trào lưu tư tưởng
tiến bộ nhất của loài người để kiến trúc lên một đường lối giải phóng dân tộc
hiệu quả nhất. Đó là hướng đi đã được lịch sử ghi nhận, và trên thực tế, đất
nước của chúng ta đã được giải phóng, con người Việt Nam cũng đã được giải
phóng, nhân dân ta đã có cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc. Tuy cuộc sống
thực tại còn nhiều khó khăn, nhưng triển vọng của nó đang mở ra tiền đồ tốt
đẹp. Vì vậy, mọi luận điệu xuyên tạc con đường cứu nước đúng đắn, sáng tạo của
Hồ Chí Minh là bóp méo lịch sử, cần phải phê phán.
------
1. Theo Hồi ký của Lê Mạnh Trinh, bản đánh máy, tr. 39.
2. Thơ, phú, câu đối, chữ Hán
của Phan Bội Châu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 79.
3. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện
về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13.
4. Trong chuyến đi này của Phan Bội Châu còn có gần 50 thanh niên Việt
Nam tình nguyện Đông du.
5. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện
về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13.
6. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ
tịch, sđd, tr. 13.
7. “Đầu Pháp Chính phủ thư” của Phan Châu Trinh gửi Toàn quyền Đông
Dương P.Bô năm 1906.
8. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện
về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, sđd, tr. 12.
9. Tuyên bố của Toàn quyền Đông Dương Anbe Xarô, năm 1919, đăng báo “Lục
tỉnh Tân Văn”, từ số 621, 5-5-1919 đến số 623, ngày 9-5-1919.
10. Hồ Chí Minh: Trả lời phỏng vấn
phóng viên Mỹ, báo Nhân Dân, số 4062, ngày 18-5-1965.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét