Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Nóng mùa hạ và nóng trong dân



                           

Tháng 6, tháng đỉnh điểm của cái nắng gắt gay mùa hạ, đi đâu, làm gì cũng ngột ngạt, nhất là với những người phải lao động, làm việc ngoài công trường, đồng ruộng, hè phố… Và cũng những ngày này, Quốc Hội đang họp bàn nhiều vấn đề quan trọng. Khi kỳ họp vẫn chưa xong, các nội dung vẫn đang được bàn bạc, thảo luận thì bên ngoài, dân tình đã nóng hơn cái nắng gắt của dịp chính hạ.

Đỉnh điểm là khi Quốc Hội đang họp bàn về Dự thảo Luật  đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là LĐK) thì người dân ở nhiều nơi đã xuống đường biểu tình phản đối. Tôi không phủ nhận người dân VN ta vốn là những người yêu nước, có lòng tự tôn dân tộc, biết lo lắng cho vận mệnh, chủ quyền của quốc gia, điều đó thật đáng trân trọng và tự hào.

Lòng yêu nước và tinh thần quật cường, dũng cảm ấy đã được minh chứng qua các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, giữ vững bờ cõi, chủ quyền dân tộc. Đó là khi lòng yêu nước được đặt đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh, khi đất nước bị kẻ thù xâm lược, trong tình thế cấp bách cần sự đồng lòng, nhất trí và quyết tâm của cả dân tộc.

Lại nói về LĐK, mặc dù không phải là người am hiểu cho lắm về luật, cũng chưa nghiên cứu sâu, nhưng đã đọc bản dự thảo trên trang thư viện pháp luật. Theo tôi hiểu, cơ quan soạn thảo dự Luật này cũng xuất phát từ mục đích muốn thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư để giúp cho nền kinh tế nước ta phát triển hơn. Đồng thời cũng giải quyết được nhiều vấn đề khác như: tạo việc làm cho người lao động, phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại…

Như vậy,  cũng là một điều tốt cho sự phát triển kinh tế nước nhà. Còn về việc thời hạn cho thuê đất, Dự thảo Luật mới chỉ đề xuất trên cơ sở căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, để quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu. Việc quy định thời hạn cho thuê đất cụ thể ở từng đặc khu còn phải xét đến nhiều yếu tố nhưng quan trọng là phải đảm bảo theo đúng quy hoạch.

Việc giao đất cho nhà đầu tư nào, vào làm gì, ở đâu và phải thực hiện đúng quy hoạch. Đặc khu tạo cơ chế thông thoáng nhưng không phải nhà đầu tư vào thích làm gì thì làm, vì ngoài LĐK còn nhiều luật khác ràng buộc mà nhà đầu tư phải chấp hành, ví dụ như phải tuân theo Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp…

Khi có nhiều ý kiến phản ánh của người dân, Quốc Hội đã thảo luận và quyết định lùi việc thông qua dự thảo LĐK vào kỳ họp sau, giao cho các cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến cảu các tổ chức, cá nhân để chỉnh sửa. Và như vậy không thể nói là “hành vi xem thường nhân dân của bè lũ bán nước” như lời của CVT Danlambao nói trong bài “Người dân Phan Rí - Bình Thuận nổi dậy: Sẵn sàng đáp trả nếu bị đàn áp”.

 Mọi người dân cũng nên hiểu ở đây là cho thuê đất và thuê theo quy trình chứ không phải giao vĩnh viễn, nhượng tô, nhượng địa. Đáng tiếc, nhiều người dân chưa hiểu hết bản chất của vấn đề một cách thấu đáo, hiểu lầm LĐK xây dựng nên là giao đất cho nhà đầu tư và họ có toàn quyền sử dụng theo mục đích của họ.

Nguy hiểm hơn là có những thông tin sai sự thật, cho rằng thông qua LĐK là đồng nghĩa với việc bán đất cho Trung Quốc và  những đối tượng bất đồng chính kiến, các thế lực phản động đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động biểu tình, kêu gọi người dân xuống đường phản đối Quốc Hội, Chính phủ.

Nhưng trong toàn bộ nội dung dự thảo luật, tôi không hề thấy có chỗ nào nói giao đất đặc khu cho Trung Quốc.

Vậy thì suy luận của một số người và của các đối tượng kia có phải là quá cảm tính và quy kết hay không?

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận nhân dân lo lắng cho tương lai, vận mệnh của đất nước là ý thức, trách nhiệm rất đáng hoan nghênh. Và nếu thấy dự án LĐK có những điều chưa rõ ràng, không phù hợp thì người dân hoàn toàn có quyền nêu ý kiến, gửi văn bản, thư tay, thậm chí đề nghị được gặp gỡ trao đổi trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền, bày tỏ ý kiến với Quốc Hội. Hiến pháp cũng quy định rõ về quyền tự do góp ý để xây dựng đất nước.

Nhưng người dân ở nhiều nơi đã chọn cách bày tỏ thái độ, chính kiến của mình một cách tự phát, thiếu suy nghĩ, thậm chí đã bị một số đối tượng lôi kéo, kích động. Và chính nhiều người dân khi được hỏi là vì sao xuống đường biểu tình, có biết đi biểu tình về nội dung gì không thì đã thật thà đến mức “ngây ngô” rằng không biết gì, chỉ là nghe có người nói đi biểu tình về việc bán đất cho Trung Quốc; có những người nói rằng là do được cho tiền thì đi theo. Như vậy, có phải là nhiều người dân của ta đã quá nông nổi, hành động theo cảm tính khi chưa biết bản chất sự việc như thế nào?

Khi xem lại những hình ảnh người dân xuống đường biểu tình, nhất là cảnh tượng hàng nghìn người dân ở Bình Thuận cầm gậy gộc, ném gạch đá vào lực lượng chức năng, thậm chí xông vào trụ sở đập phá, đốt xe; và chính CTV Danlambao đã thừa nhận rằng: Cao trào của cuộc xung đột xảy ra khi người dân Phan Rí sử dụng bom xăng tấn công lực lượng cảnh sát cơ động. Dưới cơn mưa gạh đá và bom xăng, cuối cùng lực lượng cảnh sát cơ động đã thất thủ, trụ sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã bị vây chiếm, gần chục chiếc xe ô ôt chuyên dụng của trụ sở này đã bị đốt cháy. Hàng trăm cảnh sát cơ động đã phải cởi bỏ quân phục, vũ trang tháo chạy sau khi bị người dân vây bắt…” thật sự tôi cảm thấy quá đau lòng.
Tôi tự hỏi, người dân của chúng ta đây sao? Họ có quyền thể hiện lòng yêu nước, có quyền bày tỏ chính kiến nhưng không thể có những hành động như vậy! Tại sao chính những người dân vốn hiền lành, chân chất kia lại dùng “bom xăng tấn công lực lượng cảnh sát cơ động”, dùng gạch đá ném vào chính những người đang thi hành nhiệm vụ, và lại còn hủy hoại tài sản của cơ quan, nhà nước, cá nhân để thành ra cảnh tượng tan hoang như vậy?
Đó có phải là cách bày tỏ lòng yêu nước hay không hay chính điều này càng làm cho những thế lực thù địch được dịp hả hê, cười nhạo, đả kích?

Theo luật pháp VN, người dân có quyền bày tỏ chính kiến, nhưng không được đập phá, đốt phá tài sản, hoặc tấn công bất cứ người nào (kể cả người thi hành công vụ và người dân). Nếu đập phá tài sản (tài sản công, tài sản người dân lao động), là vi phạm pháp luật, phải đền bù, bồi thường thậm chí sẽ bị xử lý về pháp luật hình sự.

Rõ ràng, những người dân kia đang là người tốt, muốn chứng minh lòng yêu nước của mình, nhưng đã thể hiện không đúng cách, và rất có thể đã bị những kẻ đứng sau lợi dụng, kích động, vô hình trung đã trở thành người có lỗi.

Lòng yêu nước của dân tộc VN ta rất cần được giữ gìn và phát huy. Nhưng lòng yêu nước ấy phải được thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách để xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Mọi người dân hãy tỉnh táo, đừng để bị kẻ xấu lợi dụng, kích động  dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. 
Hà Phi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét