QĐND - Hiến pháp là
văn kiện chính trị pháp lý cao nhất của một nhà nước. Khác với các nước tư bản
chủ nghĩa, Hiến pháp của nước ta thể hiện được mối quan hệ giữa ba đại diện là
nhân dân, Đảng Cộng sản cầm quyền và Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp năm 1980 quy
định Nhà nước ta là “Nhà nước chuyên chính vô sản…”; Hiến pháp năm 1992 đã
có những bước phát triển quan trọng, có những quy định mới về chế độ chính trị,
kinh tế, như: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa…; Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã
hội, mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật.
Kể từ khi Hiến pháp
năm 1992 được ban hành cho đến nay đã hơn hai thập kỷ. Hai thập kỷ qua cũng chỉ
ra rằng, từ khi Đảng ta ra đời cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chưa bao giờ các thế lực thù địch từ bỏ âm mưu
“diễn biến hòa bình”, nhằm gạt bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,
tiến tới lật đổ chính quyền cách mạng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam.
Với mưu đồ xuyên
tạc Điều 4 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số phần tử chống đối
lập luận rằng, Hiến pháp các năm 1946 và 1959 không có điều nào quy định Đảng
là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng Đảng “vẫn lãnh đạo nhân dân
đánh thắng thực dân đế quốc xâm lược và hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc
dân chủ nhân dân, thì cũng không nhất thiết phải xác nhận lại vai trò lãnh đạo
của Đảng như trong Hiến pháp hiện tại”(!). Lập luận này là lập lờ, thiếu toàn
diện, không có quan điểm lịch sử cụ thể. Sở dĩ Hiến pháp năm 1946 không có quy
định vai trò lãnh đạo của Đảng, vì trước đó ngày 11-11-1945, thời điểm lịch sử
do tình thế đặc biệt của cách mạng, Đảng ta đã ra tuyên bố tự giải tán, nhưng
sự thật là rút vào hoạt động bí mật, giữ vững vai trò lãnh đạo.
Trong những năm
thập niên 50 của thế kỷ XX, đế quốc Mỹ nhảy vào can thiệp miền Nam, đất nước ta
bị chia cắt, Đảng bộ miền Nam cũng chưa ra hoạt động công khai vì bộ luật 10-59
của ngụy quyền Sài Gòn nhằm “tiêu diệt Cộng sản” cực kỳ hà khắc, man rợ. Vì
vậy, Hiến pháp năm 1959 cũng chưa thể đề cập nhiều đến vai trò lãnh đạo
của Đảng. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, dân tộc ta
có chung một bản Hiến pháp mới, trong đó khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo
Nhà nước và xã hội. Điều này là tất yếu khách quan, phù hợp với yêu cầu lịch
sử, nhiệm vụ cách mạng mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và thực hiện đúng
cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong thời
kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Kế thừa tinh thần
Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Điều 4 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992 xác định: "1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của
giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của
dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân
lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh
làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội"; "2.
Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân
dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”; "3.
Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Việc quy định Đảng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để
khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc
bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị-xã hội mà
Việt Nam đã lựa chọn.
Đảng lãnh đạo Nhà
nước và xã hội không chỉ bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính
sách và chủ trương; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức
và kiểm tra; mà phần cốt yếu là thông qua đội ngũ tiên phong của mình là những
cán bộ, đảng viên tiêu biểu về bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất và năng lực. Vì
vậy, Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Các tổ chức của
Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” nhằm bảo
đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng của mình, đồng thời là giải
pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống, ngăn ngừa mọi nguy cơ thoái hóa, biến
chất có thể xảy ra trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta. Mặt
khác, việc xác định trách nhiệm của các đảng viên trong việc tự giác, gương mẫu
thực hiện, chấp hành Hiến pháp và pháp luật cũng không ngoài mục đích làm cho
“đội ngũ tiên phong của Đảng” phải thường xuyên nêu cao ý thức, thái độ, trách
nhiệm cả về tư tưởng, hành động trong cuộc sống và làm việc theo Hiến pháp và
pháp luật, làm gương cho nhân dân noi theo.
Có ý kiến băn
khoăn: Liệu có phải “luật hóa” vai trò cầm quyền của Đảng không? Phải khẳng
định rằng, dù không có một đạo luật cụ thể về Đảng, nhưng Đảng ta đã tự nguyện,
tự giác đưa mọi hoạt động của mình vào khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hơn
nữa, không chỉ chấp hành Hiến pháp, pháp luật, Đảng hoạt động còn dựa trên cơ
sở Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết, Quy chế làm việc của Đảng và các chỉ thị,
nghị quyết liên quan đến việc điều chỉnh các vấn đề trong nội bộ Đảng cũng như
điều chỉnh các mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, xã hội và nhân dân. Thực tế
trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị thể hiện trách nhiệm của
Đảng trước đất nước và nhân dân như: Quy định 115-QĐ/TW ngày 7-12-2007 của Bộ
Chính trị (khóa X) về những điều đảng viên không được làm và gần đây được thay
thế bằng một văn bản có tính pháp lý cao hơn là Quy định 47-QĐ/TW ngày
1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về những điều đảng viên không
được làm; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các
cấp, … Chứng tỏ rằng, Đảng ta luôn tự nghiêm khắc với chính mình thông qua việc
ban hành các chỉ thị, quy định nhằm giáo dục, rèn luyện, đưa mọi hoạt động của
các tổ chức Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên vào khuôn khổ ý thức tổ chức, kỷ
luật, qua đó bảo đảm cho Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện theo Hiến
pháp và pháp luật.
Muốn hiểu được bản
chất của một đảng cầm quyền, phải nhận thức rõ mục đích hoạt động của đảng đó
mang lại lợi ích cho ai. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngoài lợi
ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Vì vậy, Điều 4 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung: “Đảng gắn
bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân,
chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Để sửa chữa
những khuyết điểm của mình, nhiều lần Đảng đã tiến hành tự chỉnh đốn, mà gần
đây nhất là đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức Đảng
trong toàn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp
bách về xây dựng Đảng hiện nay” bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực, được
nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tại Hội nghị Trung
ương 6 (khóa XI) vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương
công khai thừa nhận và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những
yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng và về những suy thoái, tiêu cực
trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó đã thể hiện tinh thần cầu thị nghiêm
túc của Đảng, đồng thời khẳng định ý chí quyết tâm đẩy lùi những khuyết điểm,
yếu kém để Đảng không ngừng nâng cao sức chiến đấu, phẩm chất, trí tuệ, năng
lực lãnh đạo, ngày càng ngang tầm với trọng trách được giao.
Đối với nhân dân
Việt Nam, nói đến Đảng là nói đến tình cảm thiêng liêng, là thể hiện niềm tin
và tình yêu son sắt của nhân dân dành cho Đảng. Có một sự thật mà hầu như mọi
người Việt Nam ai cũng biết, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính
trị duy nhất đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi
khác. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
ra đời; 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành
thắng lợi vẻ vang, hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, cùng với những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 26 năm thực hiện đường lối đổi mới
vừa là minh chứng thực tiễn sinh động, vừa là cơ sở khoa học thực tiễn để khẳng
định vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam.
Như vậy, khác với
những quan điểm tư sản, sự khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam được quy định trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính là thể chế
hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, khẳng định Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là sự thể hiện ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân,
mang bản chất giai cấp công nhân. Ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân
thống nhất với lợi ích cơ bản của nhân dân lao động và cả dân tộc, đó là độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam thành quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính là
thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và toàn thể dân
tộc Việt Nam. Đây là điểm khác nhau căn bản giữa Hiến pháp nước Việt Nam
với hiến pháp của các nước tư bản chủ nghĩa. Các thế lực thiếu thiện chí
đã cố tình lờ đi bản chất, chỉ lấy hiện tượng và vin vào đó để công kích, xuyên
tạc, bôi nhọ, hòng xóa bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Và
như vậy, vấn đề vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được ghi trong Hiến
pháp, không chỉ đơn giản là “văn bản hóa” mà còn thể hiện thái độ công khai
tuyên bố tính đảng, tính giai cấp trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Thượng
tướng, Viện sĩ, TS KHQS Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Có ý kiến băn khoăn: Liệu có phải “luật hóa” vai trò cầm quyền của Đảng không? Phải khẳng định rằng, dù không có một đạo luật cụ thể về Đảng, nhưng Đảng ta đã tự nguyện, tự giác đưa mọi hoạt động của mình vào khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hơn nữa, không chỉ chấp hành Hiến pháp, pháp luật, Đảng hoạt động còn dựa trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết, Quy chế làm việc của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến việc điều chỉnh các vấn đề trong nội bộ Đảng cũng như điều chỉnh các mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, xã hội và nhân dân.
Trả lờiXóaĐây chính là điều mà nhân dân mong chờ ở một Đảng cầm quyền, đó là đặt mình trong sự giám sát chứ không nằm riêng biệt, không chịu sự chi phối của bất cứ điều gì