Từ góc độ quan hệ giữa nội dung và hình thức, sự phát triển hệ thống truyền thông luôn phải đi liền với chất lượng thông tin được truyền tải. Chính vì thế, vấn đề này đặt ra nhiều đòi hỏi khắt khe liên quan tới trình độ, thái độ trách nhiệm người làm nghề. Tuy nhiên, trong lĩnh vực truyền thông, thời gian qua lại xảy ra một số sai phạm rất đáng tiếc, có thể làm sai lệch mục đích truyền bá thông tin, liên quan đạo đức nghề nghiệp, làm người đọc lo ngại. |
Dù sự ồn ào của
dư luận quanh phóng sự đề cập tới hiện tượng học sinh và "khói trắng
shisha" đã lắng lại, nhưng sự việc vẫn khiến không ít người, nhất là
các bậc phụ huynh có con học phổ thông lo ngại. Bởi họ hiểu hơn ai hết
hậu quả từ sự tổn thương tinh thần của con em mình nếu không may gặp
một sự việc tương tự. Đáng tiếc, sau khi sự việc xảy ra, bị dư luận
phản ứng, thay vì đứng ra làm chứng, bảo vệ các em, thì những người
liên quan lại cư xử một cách thiếu trách nhiệm. Họ chỉ đứng ra xin lỗi
sau khi bằng chứng sự việc được công bố, lý do được đưa ra là vì "non
kém về nghiệp vụ" - một lý do liệu đã thỏa đáng? Nhắc lại sự kiện không
phải muốn "té nước theo mưa" mà vì vấn đề hệ trọng hơn là đạo đức và
lương tâm của người làm nghề; vì đó là thí dụ nóng hổi, tiêu biểu cho sự
mất an toàn của truyền thông hiện đại, nếu trách nhiệm và đạo đức của
người làm nghề không được đặt lên hàng đầu. Xét về số lượng, có thể nói các ấn phẩm báo chí trong cả nước hiện đã đạt tới con số rất đáng tự hào (theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến ngày 25-12-2014, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương; 90 báo, tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp...). Đây cũng là lúc những tờ báo có tính chất thị trường xuất hiện ồ ạt, như: một tờ báo về nghệ thuật lại ra thêm chuyên đề về hôn nhân gia đình; một tờ báo của hội nghề nghiệp chuyên ngành lại có thêm vài ba tờ chuyên về đời sống mà xét từ tên ấn phẩm thì hầu như chẳng liên quan gì với hội nghề nghiệp kia! Một số tờ báo hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn ra nhiều phụ trương, chuyên đề. Một số tờ báo đang xa rời tôn chỉ, mục đích của mình, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả. Điều dễ thấy ở nội dung các ấn phẩm thuộc dòng này là tràn ngập tin bài về cướp - giết - hiếp. Thậm chí có vụ giết người man rợ, hiếp dâm được mô tả một cách chi tiết, khiến độc giả có cảm giác như những ấn phẩm này đang muốn cổ súy cho một loại tội phạm đáng sợ. Hậu quả là gì? Các tin bài đầy tính bạo lực đó rất dễ làm độc giả hoang mang, suy giảm lòng tin vào con người, nhìn cuộc sống với ánh mắt u ám vì lo ngại sự tiêu cực, thiếu nhân tính. Bên cạnh tin, bài mang mầu sắc bạo lực, ở một số ấn phẩm thị trường lại đang xuất hiện "xu hướng nhảm nhí". Họ mò mẫm tìm kiếm trên in-tơ-nét để dựng lên một số nhân vật hết sức bình thường trong cuộc sống thành tên tuổi "hot". Mà điển hình là trường hợp anh LR làm nghề trồng ổi ở một vùng quê nghèo, rất thích hát, dù biết mình hát không hay. Anh mê ca hát đến mức có ngày đưa lên mạng tới 150 clíp âm nhạc của mình, với giọng hát vừa ngọng, vừa sai nhạc. Điều bất bình thường là lập tức anh được một số tờ báo "thổi" lên như một hiện tượng lạ, rồi người ta tung hô, tổ chức các sự kiện, các buổi trình diễn để anh xuất hiện như một "ngôi sao làng giải trí". Điều này hoàn toàn có thể đưa tới hậu quả là ảo tưởng rất không đáng có trong anh nông dân yêu ca hát; thứ nữa là sự ngộ nhận về con đường, cách thức trở thành "người nổi tiếng"; biến một người hiền lành chất phác thành trò giải trí cho một số người; ít nhiều làm tổn thương các nghệ sĩ chân chính... Quá bức xúc trước sự việc này, một nhà báo đã lên tiếng: "Vì tương lai của H, vì sự tử tế còn lại trong mỗi người, đã đến lúc mọi sự đu bám, ăn theo hiện tượng anh chàng nông dân có giọng hát kém cỏi này nên dừng lại. Đừng biến một con người tử tế thành một chú hề ngô nghê, nực cười và lố bịch"! Nhạc sĩ Trần Minh Phi thì coi đó "chỉ là trò hề rất hợp gu thị hiếu giải trí thấp kém đang đầy rẫy hiện nay. Một thị hiếu tuột đáy, cả thèm chóng chán đang quá bội thực với trai đẹp, gái đẹp "hát hay nhân tạo" nay quay qua đổi món với cực tương phản là xấu và "hát dở tự nhiên", nhất là dở một cách hạng bét". Anh viết tiếp: "Mọi sự trở nên bị thổi phồng và đánh đồng hơn nữa khi một bộ phận trong giới truyền thông thò cái vòi bạch tuộc của mình vào bằng sự khủng hoảng tự thân về trình độ và bản lĩnh người làm báo cùng cơn đói "view" của các tờ báo mạng. Họ lao vào bằng những bài viết nông cạn và thiếu hiểu biết về nghệ thuật, đánh đồng mọi khái niệm, kích thích thêm hiệu ứng bầy đàn ở những người dân trí thấp và kích thích tò mò ở tầng lớp dân trí không thấp để tạo nên lượt "like", đẩy sự việc đi theo tốc độ chóng mặt với lượng chia sẻ, tìm xem trên mạng xã hội tăng lên cấp bội số". Thật đáng tiếc, tiếng nói của những người chân chính, luôn hướng tới sự lành mạnh lại như phải đứng trước nguy cơ bị lấn át bởi sự nhảm nhí ngày càng lan rộng trên một số ấn phẩm có tên là báo chí thị trường. Độc giả tiếp tục phải chóng mặt trước các "tước phong" được ban phát vô tội vạ. Nào là "nữ hoàng giải trí", "ông hoàng nhạc trẻ", "nữ hoàng nội y", "thánh bàn chải"... Nào là "lộ hàng", tình tay ba tay tư của nghệ sĩ. Thậm chí một số chương trình giải trí có nội dung phản cảm đã xuất hiện trên sóng truyền hình vào "giờ vàng". Để giữ an toàn cho bản thân và gia đình, nhiều người nổi tiếng tránh tiếp xúc và trả lời phỏng vấn báo chí. Họ sợ phát biểu của họ bị bóp méo. Họ sợ gia đình mình trở thành mục tiêu của giới truyền thông. Vì trên thực tế đã có hiện tượng bài phỏng vấn một nghệ sĩ xuất hiện trên báo chí trong khi chính nghệ sĩ không hề gặp phóng viên. Họ dở khóc dở cười vì bỗng dưng xuất hiện trên báo chí trong tư cách là "sản phẩm tưởng tượng" của nhà báo. Điều này hết sức nguy hại, nhất là khi nhà báo đưa vào bài phỏng vấn các nội dung "nhạy cảm", ảnh hưởng uy tín người khác. Thường thì sau khi vụ việc bị phát giác, người trong cuộc khiếu nại, địa chỉ đã công bố bài phỏng vấn lên tiếng xin lỗi, rút bài xuống. Nhưng các địa chỉ đăng lại vẫn như không có chuyện gì xảy ra, và thông tin sai lạc vẫn lù lù trên in-tơ-nét làm người đọc vì ngộ nhận mà hiểu lầm, ảnh hưởng tới công chúng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người có liên quan. Hiện không hiếm những trang báo chỉ quẩn quanh với chuyện đời tư của ca sĩ, diễn viên. Facebook của các nhân vật "hot trong làng giải trí" luôn được một số "nhà báo thị trường" chăm sóc kỹ lưỡng. Chỉ cần người mẫu, diễn viên viết gì mới là lập tức trở thành "chất liệu" để chế biến ra bài báo giật gân với các "nghi án" đại loại như người mẫu X và ông bầu T có tình ý với nhau, diễn viên H sắp bỏ chồng, ca sĩ N là người đồng tính, cầu thủ C hẹn hò với ca sĩ M... Cách đây không lâu là sự việc liên quan một cầu thủ trẻ. Nghi ngờ về tuổi thật của cầu thủ này khiến một số phóng viên về quê của cậu, lần tìm và cung cấp rộng rãi trên truyền thông rất nhiều thông tin đời tư của cầu thủ, mà không nghĩ rằng, hành động này đã phạm luật về quyền bí mật đời tư. Gần hơn nữa, sự việc nữ kiện tướng dancesport (khiêu vũ thể thao) có bầu năm tháng lập tức được nhiều báo chí tập trung khai thác. Các tấm ảnh đời tư của nữ kiện tướng này tải trên facebook được lôi ra mổ xẻ, phân tích, từ đó kết luận "như đúng rồi" về mối tình của cô với một học trò kém 12 tuổi, ảnh hai người chụp chung được trưng ra làm minh chứng! Những nhất cử nhất động của cô đều bị một số báo thị trường dõi theo. Đời tư của cô, vì vậy, đang trở thành nơi bị người hiếu kỳ nhòm ngó. Xét từ góc độ pháp luật, thì những bài viết này đang xâm phạm nặng nề đến đời tư nữ kiện tướng dancesport. Hiến pháp năm 2013 dành hẳn Chương II để nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; trong đó Điều 21 quy định rõ: "1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác". Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định rất rõ về Quyền bí mật đời tư. Chiểu theo những quy định này, thì hành vi khai thác thông tin, hình ảnh đời tư trên facebook cá nhân của nữ kiện tướng dancesport để viết bài mà không được sự đồng ý của chủ nhân là hành vi xâm phạm quyền con người, trong đó có quyền bí mật đời tư. Đáng tiếc là hằng ngày, qua các phương tiện thông tin đại chúng, công chúng vẫn tiếp xúc với một số sản phẩm truyền thông kém chất lượng, những bài báo sao chép, chắp vá, sai lệch thông tin, coi nhẹ trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra nhiều hình thức xử lý, tuy nhiên sự chuyển biến rất chậm. Điều này cho thấy, hệ thống truyền thông đã và đang có biểu hiện mất cân đối giữa số lượng các phương tiện truyền thông với chất lượng sản phẩm truyền thông. Để xây dựng và phát triển hệ thống truyền thông thật sự có tính nhân văn, trong khi quan tâm tới vấn đề quy hoạch, khẳng định vai trò tổ chức, quản lý của cơ quan chức năng, cần nhấn mạnh hơn nữa tới trách nhiệm của nhà báo và tòa soạn - khâu quan trọng nhất của quá trình ra đời - công bố sản phẩm truyền thông, và đặc biệt là quá trình đào tạo phóng viên từ trong nhà trường. Nếu quá trình đào tạo phóng viên thiếu định hướng trong trau dồi tri thức và ý thức về phẩm cách nghề nghiệp thì khi ra trường, nếu ai đó coi nghề báo chỉ là việc mưu sinh, sẽ rất dễ ngộ nhận và chạy theo những xu hướng lệch lạc. |
THÀNH NAM |
Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015
Lại nói về trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét