Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Từ "chợ sách" của một số người viết trẻ

Khi việc xuất bản đã trở nên rất thuận lợi, việc in ấn và phát hành tác phẩm cũng không còn là trở ngại đối với các tác giả trẻ. Tuy nhiên, dù thuận lợi đến đâu, họ vẫn phải đối diện vấn đề muôn thuở của văn chương là chất lượng tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm.
Tôi gọi là "chợ sách" vì đây thật sự là nơi lẫn lộn sách văn chương và thiếu văn chương, cũng là nơi sách được tiếp thị như là sản phẩm hàng hóa với rất nhiều hình thức, phương tiện. Như khi tác giả Gào ra mắt tiểu thuyết Tự sát (2011) phát biểu: "Thay vì bị động đợi chờ, tại sao không chủ động làm mới mẻ văn chương bằng việc đi thêm nhiều con đường khác nữa cho một tác phẩm. Làm độc giả thích thú, đó là nhiệm vụ của tôi. Khiến cho họ yêu thích, cũng làm cho tôi hạnh phúc". Không chỉ tác giả, internet cũng được huy động triệt để vào công việc tiếp thị với những lời giới thiệu hoành tráng: "Nếu được quyền chọn một trong những gương mặt thơ trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất đầu thế kỷ 21, tôi không thể quên X. Nhà thơ trẻ tài hoa X này đang làm sôi sục giới trẻ yêu thơ trong cộng đồng mạng, mang lại cho thơ một lượng độc giả giàu tiềm năng, và hơn hết, anh đang góp phần chứng minh rằng thơ vẫn có sức sống mãnh liệt bằng tâm thế và vẻ đẹp riêng mình giữa thời đại bùng nổ nhiều loại hình công nghệ giải trí", hoặc có tác giả "đã làm một chuyến hành trình táo bạo khám phá những địa hạt mới của nghệ thuật viết truyện ngắn và thổi một làn gió mới vào đời sống văn học Việt Nam đương đại"!
Ðặt sang một bên các hoạt động PR, thử điểm danh một số tác phẩm thơ, văn xuôi trong thời gian qua sẽ thấy sự lặp lại đến nhàm chán của "tình yêu" trong nhan đề của rất nhiều cuốn sách, như: Tin em đi, rồi anh sẽ lại yêu, Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người, Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng, Yêu đi thôi, muộn lắm rồi, Người yêu cũ có người yêu mới, Ai cho em nằm trên?, Yêu người yêu người ta, Trung tâm phục hồi cảm xúc hậu thất tình, Yêu là yêu, thế thôi!, Cho anh thêm một ngày nữa để yêu thương, Tình yêu là không ai muốn bỏ đi, Ðến lượt em tỏ tình, Vũ điệu yêu, Im lặng để yêu, Chúng ta đã đi qua nhau như thế, Yêu trên từng ngón tay, Yêu như một cái cây, Ngoại tình, Hãy để anh vào tầm mắt của em, Ai sẽ mang giày cao gót cho em, Chỉ là yêu thôi mà, Không gì ngăn cách nổi tình yêu, Ðừng chết vì yêu, Trước khi chết phải biết tình yêu là gì, Tình yêu, tình yêu, Yêu lại nhau, như thể lần đầu, Tất cả em cần là tình yêu, Nếu như chưa từng gặp anh, Anh đã đợi em từng ngày... Nhan đề cuốn sách đủ gợi nội dung những gì tác giả muốn nói; tuy nhiên lại có nhan đề làm người đọc liên tưởng đến loại sách ngôn tình "ba xu"! Nếu đọc các cuốn sách này, không khó nhận ra cách khai thác đề tài tình yêu của người viết trẻ. Họ vẽ ra mọi tâm trạng yêu từ nhớ nhung, cô đơn, buồn chán, đến thất tình, hờn ghen,... từ tình đơn phương đến tình yêu tuổi học trò, rồi chặng đường tìm kiếm khám phá tình yêu của người trẻ cô đơn, những cuộc tình nối tiếp cuộc tình, v.v và v.v...
Với văn chương giải trí, cơ quan chức năng chỉ quan tâm khi nội dung cuốn sách có vi phạm pháp luật, hoặc ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục. Sách đáp ứng nhiều đối tượng bạn đọc, làm phong phú sinh hoạt tinh thần, làm bầu không khí xã hội vui tươi lành mạnh thì không có hại gì. Nhiều tác giả có tiếng nói rất trách nhiệm với tác phẩm của mình. Như Hàn Băng Vũ (Vương Thị Bích Việt) chẳng hạn, khi được hỏi vì sao lại thích nghề viết, cô trả lời "Bởi cháu muốn dùng văn học để tác động vào tâm lý con người, làm cho con người sống tốt đẹp hơn! Cháu muốn qua những trang viết của mình, gửi tới mọi người một thông điệp, rằng cho dù cuộc sống có bất hạnh, có khổ đau thì vẫn cần vươn tới cái tốt đẹp". Hoặc Trần Trà My, với cuốn Yêu trên từng ngón tay viết về các phụ nữ trẻ bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân, đã được bạn đọc nhận xét: "Văn phong chị mang đến cho độc giả cũng thật nhẹ nhàng và trong sáng. Ðến mức tôi tưởng như qua con mắt và suy nghĩ của Trà My, kể cả những điều đau đớn nhất cũng trở nên thanh thoát và dễ chịu. Như một dòng suối nhỏ mát lành, Trà My mang trái tim mình đến với độc giả trọn vẹn và không hoa mỹ. Chị mang đến một cái nhìn cuộc sống giản đơn nhưng đậm đà niềm tin và hy vọng". Trong khi đó, đáng tiếc là một số tác giả khác lại đưa tới cho độc giả những trang viết rất không bình thường. Xin dẫn lại một số đoạn tự sự: "không chỉ bạn bè tôi, đầy rẫy ngoài kia vẫn đang có nhiều lắm những cặp tình nhân gạch đầu dòng. Yêu cho qua ngày, cặp kè cho có tụ. Thấy người này hội tụ đủ những điều mình cần cho một mối quan hệ thì... cứ yêu. Rồi nếu thấy một vài người khác nữa cũng có những chỉ tiêu vừa khít với những gạch đầu dòng mình đề ra, thì lại... yêu tiếp. Cứ thế, họ đi yêu những gạch đầu dòng - chứ không phải yêu một tấm lòng".
Không chỉ vậy, khi có tình yêu, người ta cổ vũ cho một thứ chủ nghĩa thực dụng thứ thiệt: phải yêu hết mình, yêu không hối tiếc, yêu là yêu thế thôi, yêu là sex, rồi chia tay đi tìm người yêu mới, rồi yêu lại như thể lần đầu, như một tác giả viết: "Tôi thực sự ái ngại với việc các cô gái đồng ý "have sex" với người mình yêu, nhưng lại đi kèm điều kiện anh ta phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình sau này. Chẳng ai có thể chịu trách nhiệm về đời bạn, ngoài chính bạn, cô gái ạ...". Tôi không hiểu các bạn trẻ, nhất là bạn gái, sau khi đọc những dòng như thế sẽ nghĩ gì, liệu các bạn có chịu ảnh hưởng rồi từ đó có quan niệm lệch lạc về tình yêu, về các giá trị nhân văn? Con người sống trong cõi đời này, dù là con người bản năng, con người tâm lý hay con người tâm linh thì trước hết vẫn là con người xã hội. Mọi quan hệ xã hội đều được xác lập bằng trách nhiệm giữa người với người. Xã hội nào cũng có các chuẩn mực văn hóa, người sống trong cộng đồng văn hóa ấy cần phải tuân thủ. Cho nên, dù là văn chương giải trí cũng không được chứa đựng yếu tố độc hại, trái với đạo đức, với truyền thống văn hóa của dân tộc.
Tôi có ấn tượng rằng một số tác giả trẻ viết từ sự trải nghiệm, viết để chia sẻ, để nhẹ lòng, vì nghĩ rằng biết đâu cũng có người giống với tâm trạng của mình. Họ có xu hướng viết nhiều về cái tôi, thậm chí có người còn lấy cái tôi để dạy dỗ người khác những... bài học yêu! Tuy nhiên với văn chương, nếu chỉ dựa vào trải nghiệm của cái tôi mà viết, sẽ đến lúc tác giả không còn gì chia sẻ. Nhà văn là người sáng tạo. Nhà văn đích thực không lấy văn chương làm công cụ vuốt ve chính mình. Văn chương càng không phải là một "cuộc chơi", như có người được gọi là nhà văn trẻ đã nói: "Văn chương không phải là công việc của tôi. Nó chỉ là sở thích. Có cũng được, không có cũng hơi buồn chán, nhưng mà chẳng sao"! Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng cho rằng, khi người viết sáng tạo ra một tác phẩm thì điều cần chú trọng là tác phẩm giúp gì cho đời sống chứ không phải chỉ viết để thỏa mãn cái tôi. Tôi tin là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói rất đúng. Các tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Ðội gạo lên chùa là sự bảo đảm cho ý kiến của ông.
Có một sự thật là nhiều cuốn sách mà tôi đề cập lại được xuất bản ở một số nhà xuất bản có uy tín, và thường được một số nhà phê bình ca ngợi. Trong khi đó, thiết nghĩ, nhà phê bình luôn phải tìm kiếm những giá trị tư tưởng nghệ thuật ở tác phẩm văn chương. Nếu tác phẩm không có gì mới, hoặc na ná như nhau (thí dụ thơ tình, truyện tình, tản văn tình yêu) thì nhà phê bình không nên tốn nhiều thời gian vào những chuyện vô bổ, chỉ nên đề cập những thành công mới cần phải ghi nhận. Ðời sống văn chương nghệ thuật có nhiều vấn đề thú vị hơn, quan trọng hơn để nhà phê bình quan tâm. Vả lại, có một tâm lý rằng hãy để cho những ồn ào xô bồ qua đi, cái gì lắng đọng được, lúc ấy hãy quan tâm. Với một tác giả trẻ, đời sáng tác còn rất dài, nếu là một tài năng thực sự, họ sẽ sáng tạo tác phẩm để đời, lúc ấy nhà phê bình có viết về họ cũng chưa muộn. Nhà phê bình cần chú ý tới các tài năng, những sáng tạo mới. Nói như thế không có nghĩa họ không để tâm quan sát, đánh giá hiện tượng văn chương khác. Nhưng quan sát, đánh giá như thế nào cũng là câu hỏi cần trả lời. Thí dụ, tại buổi ra mắt tập thơ của một tác giả trẻ, một nhà thơ lớp trước giới thiệu: "Hiếm có tác giả trẻ nào ở tập thơ đầu tay lại bộc lộ một phẩm chất thi sĩ với những câu thơ khá tài hoa như Y. Người thơ trẻ bây giờ ít làm thể thơ lục bát, mà có làm thì cũng ít người làm hay. Vậy mà thơ lục bát của Y lại đọng được trong ta không ít câu thơ hay thật thú vị. Ðiều quan trọng, dưới tầng câu chữ ấy lại là một hồn thơ thanh lọc hướng mình về miền nhân triết của cõi nhân gian", nhưng giới thiệu như vậy mà tập thơ vẫn cứ chìm nghỉm trong đời sống văn học, phải chăng vì thơ nhàn nhạt, không mới, không gây ấn tượng với người đọc?
Văn chương thị trường, văn chương giải trí, viết để phô diễn cái tôi, viết để thỏa mãn sở thích, để nổi tiếng, hay vì những lý do ngoài văn chương nào khác, thì dù "lớp sóng" có mạnh mẽ đến đâu cũng tan đi rất nhanh. Xin cứ nhìn vào các "lớp sóng" văn chương trẻ từ năm 2000 trở lại đây cũng có thể thấy. ?n ào nhưng rồi cũng chỉ trụ lại được các nhà thơ, nhà văn như Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Ngọc Tư, Ðỗ Bích Thúy, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Thuần,... Người quan tâm theo dõi và đánh giá văn chương khó có thể đặt câu hỏi: sau khi đề tài tình yêu, đồng tính, sex được khai thác đến nhàm chán, và khi vốn trải nghiệm đã cạn kiệt, rồi đây một số người viết trẻ sẽ viết gì? Có người nói rằng năm 2015 sẽ là năm đầy triển vọng của người viết trẻ. Tôi cũng hy vọng như vậy. Và hy vọng hơn là sẽ có nhà thơ, nhà văn trẻ sẽ ghi dấu ấn trên văn đàn và nhận được sự quý trọng của bạn đọc.
BÙI CÔNG THUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét