Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

HÒA TIẾN
Đúng ngày này 70 năm về trước, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo không chỉ mang giá trị lịch sử to lớn mà còn là một áng văn bất hủ. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945
Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Thời khắc thiêng liêng ấy đã mở đầu một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do cho dân tộc bị nô lệ suốt gần một thế kỷ. Bản tuyên ngôn với lý lẽ đanh thép đã nêu lên quyền dân tộc cơ bản của các dân tộc trên thế giới, khẳng định quyền bất khả xâm phạm của nhân dân ta là quyền được sống trong độc lập, tự do. Đồng thời, khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước mình mới giành được. 
Tư tưởng nhân văn của Hồ Chủ tịch: Làm nên áng thiên cổ hùng văn ấy, ít người biết rằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã soạn thảo trong thời gian rất ngắn. Ngay sau khi từ Tân Trào về Hà Nội ngày 25/8, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội) này, Người đã bắt tay soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Khi soạn thảo xong, Người đã tranh thủ ý kiến của các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Sau đó, Bản Tuyên ngôn đã được hoàn chỉnh và công bố trước quốc dân đồng bào vào chiều 2/9. Điểm đặc biệt là: Viết trong thời gian ngắn nhưng có sự chuẩn bị từ lâu. Người đã nhờ sĩ quan Mỹ tìm giúp văn bản về tuyên ngôn độc lập Mỹ. Sau này trong hồi ký của họ, họ cũng rất ngạc nhiên sao HCM lại nhờ tìm, sau này mới vỡ lẽ…
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đến nay vẫn giữ nguyên lối trưng bày như khi chủ tịch HCM còn ở đây. Tất cả toát lên sự giản dị của Người. Chủ nhân của ngôi nhà này là nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ. Đến nay, bà Hồ là một trong những nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn sống. Mặc dù năm nay đã tròn 104 tuổi nhưng những kỷ niệm về thời gian ngắn ngủi Hồ Chủ tịch ở tại nhà mình vẫn in đậm trong ký ức của bà. Bà kể, khi thấy Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn trên Quảng trường Ba Đình lịch sử bà mới biết người ở nhà mình bấy lâu chính là Chủ tịch nước kính yêu.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ - Hà Nội: Chủ tịch HCM là chủ tich nước khai sinh ra nước VNDCCH, bà rất cảm phục ông cụ ăn uống mặc quần áo rất giản Dị, tay ngồi đánh máy không cần ai. Sau này ông cụ thăm bà thân sinh ông Bô, bà cụ nói không ngờ vị chủ tịch nước lại gần gũi như vậy, đó là cái phúc cho Dân…
Từ sự cảm phục, kính trọng ấy cộng với tâm sáng, tấm lòng yêu nước sâu sắc, ông bà đã ủng hộ cho cách mạng, cho kháng chiến tổng cộng hơn 5000 lạng vàng. Không tiếc những gì đã cống hiến cho cách mạng, bà nói nếu được làm lại bà vẫn sẽ làm với tư cách của một người dân yêu nước, luôn khao khát độc lập.
70 năm trôi qua, bản Tuyên ngôn Độc lập đã đi vào lịch sử văn hóa nhân loại, trở thành niềm tự hào của dân tộc ta. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, "quyền được sống, tự do, bình đẳng, bác ái" của bản Tuyên ngôn cách đây hơn nửa thế kỷ, tiếp tục là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét