Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Đấu tranh với hiện tượng bóp méo thông tin trước thềm Đại hội XII của Đảng




Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, những chiêu trò kiểu đó không có gì mới, vẫn là “đến hẹn lại lên” nhân mỗi kỳ đại hội Đảng hay những sự kiện trọng đại của đất nước. Nhìn xa hơn trong lịch sử, chiêu trò này đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 20. Gơ-ben (Paul Joseph Gôbbels), Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã, đã nêu một lý thuyết: “Một điều lừa dối bịa đặt khó tin nhất, nếu được nhắc đi nhắc lại trăm ngàn lần sẽ được mọi người tin là thật”. Trong tác phẩm “Cuộc chiến đấu của tôi”, trùm phát-xít Hít-le (Hitler) viết: “Bằng vũ khí tuyên truyền khôn ngoan và dai dẳng, người ta có thể khiến cho quần chúng tin rằng thiên đường là địa ngục, địa ngục là thiên đường”. Hít-le từng đưa ra đòn hiểm độc mang tên “nói dối vụ lớn” vì “Đối với tâm hồn giản dị đơn sơ của quần chúng, nói dối vụ lớn rất có hiệu lực vì quần chúng thường chỉ dám nói dối những việc nhỏ bé, và xấu hổ không dám nói dối vụ lớn. Nói dối càng lớn bao nhiêu càng khiến quần chúng dễ dàng tin bấy nhiêu”.
Đây là thủ đoạn “kép”, không chỉ nhằm hạ thấp uy tín cá nhân cán bộ bị bôi nhọ mà còn làm suy giảm niềm tin vào Đảng, Nhà nước, gây cảm giác có “phe phái” trong Đảng. Mục đích cuối cùng của các thế lực xấu không chỉ là hạ thấp uy tín cá nhân mà chính là đánh vào niềm tin của nhân dân đối với Đảng và các cơ quan lãnh đạo của Đảng như Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cao hơn là Đại hội đại biểu toàn quốc-cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Nhìn lại những sự kiện chính trị lớn của Đảng, Nhà nước ta mấy năm gần đây sẽ thấy ngay, đây không phải là lần đầu các thế lực thù địch tung ra những “chiến dịch” chống phá trên internet. Đã có nhiều đợt chống phá, xuyên tạc có điểm chung là đều hướng sự công kích vào một vài cán bộ lãnh đạo cấp cao theo kiểu “đồn nhảm”. Kẻ xấu đã lợi dụng, đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự quan tâm của dư luận trước những sự kiện chính trị lớn của đất nước. Chúng luôn dựng lên các cuộc “đấu đá”, các “phe nhóm” trong hệ thống chính trị. Nếu như năm 2012, mục tiêu chúng hướng tới nhằm vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng thì năm 2013, mục tiêu xuyên tạc của chúng nhằm vào việc lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Và lần này, có thể thấy ngay mục tiêu của chúng nhằm gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Nhìn lại chiêu trò của những trang web đen này mấy năm qua cho thấy, ban đầu chúng cũng tạo ra sức hút bởi đánh vào tâm lý tò mò, “thông tin lạ”, nhưng sau khi sự kiện diễn ra, nhìn lại mới thấy hầu hết thông tin chúng đưa ra đều là “bịp bợm”, “lá cải”, “cắt dán” suy diễn lung tung.
Sự thật thì “vải thưa” của chúng không che được mắt… nhân dân. Thực tiễn đã chứng minh qua mấy năm gần đây, mặc dù kẻ xấu mở nhiều “chiến dịch công phá”, nhất là trước các kỳ họp Quốc hội có lấy phiếu tín nhiệm, chúng đều mở một vài trang web nói xấu lãnh đạo cấp cao. Nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các đại biểu Quốc hội đều cảnh giác, ứng xử đúng, thận trọng trước những thông tin “ngoài luồng”. Và thực tế cho thấy, những âm mưu bôi xấu của chúng đều bị thất bại. Nhiều đồng chí bị đưa lên trang nọ, trang kia vẫn đạt phiếu tín nhiệm cao bởi thực tiễn là tiêu chuẩn, là thước đo của chân lý. Còn với nhân dân, cho dù ai ít nhiều cũng có tâm lý hiếu kỳ trước thông tin hậu trường chính trị nhưng trình độ dân trí ngày nay không dễ gì để kẻ xấu “dắt mũi”. Đúng như câu ca dao cha ông ta từng đúc kết, khi đã biết rõ những chiêu trò, đã hiểu bản chất kẻ xấu thì “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Chính kết quả phấn đấu thực tiễn, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cán bộ chủ chốt mới là thước đo phẩm chất, năng lực, đánh giá uy tín của họ.
Lo lắng, băn khoăn trước nhiều thông tin, đơn thư nặc danh tố cáo lãnh đạo cấp cao, nhiều người bức xúc, mong muốn làm rõ và xử lý nghiêm nếu thông tin sai sự thật. Các thủ đoạn tung tin xuyên tạc, bịa đặt đối với lãnh đạo cấp cao không mới. Song cũng phải xác định rõ một điều là nhiều việc cơ quan chức năng phải có thời gian xác minh, làm rõ thì mới có thông tin, không thể nóng vội. Các cơ quan chức năng cho biết, từng nhiều lần phải xử lý các vụ việc tương tự vào dịp chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, có Ủy viên Trung ương Đảng bị đưa thông tin giả. Sau khi cơ quan pháp luật vào cuộc, người tung tin bịa đặt đã bị xử lý, phải đi tù. Nếu những vụ việc như thế được công khai thì sẽ có tính răn đe.
Về vấn đề này đã thành thông lệ, cứ vào dịp trước, trong và sau đại hội Đảng, nhiều đối tượng chống phá lại tung ra đủ loại thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây rối, làm nhiễu loạn thông tin trước đại hội Đảng. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, lợi dụng internet để tán phát thông tin giả mạo, bịa đặt, sai sự thật để xử lý theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ mà còn có thể vi phạm hình sự. Việc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng internet để giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, danh dự của người khác là hành vi phạm pháp dù ở bất cứ quốc gia nào. Về mặt đạo đức thì cũng không một xã hội nào chấp nhận hành vi đó. Con người phải hướng đến sự tốt đẹp, tính nhân văn thì xã hội mới văn minh và phát triển bền vững được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét