TTO - Tuổi Trẻ Online
xin giới thiệu nội dung phỏng vấn thạc sĩ Hoàng Việt - một nhà nghiên
cứu lâu năm về biển Đông - để bạn đọc hiểu rõ các vấn đề về công thư của
cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 14-9-1958.
Phóng to |
Hình ảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam - Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam |
*
Xin ông cho biết về bối cảnh ra đời cũng như mục đích của công thư ngày
14-9-1958 mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Tổng lý Quốc vụ viện
Chu Ân Lai?
- Trong thời gian từ năm 1956 đến năm 1965, lúc này sự
can thiệp của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam ngày càng lên cao, Việt
Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) phải tận dụng tất cả mọi nỗ lực để giành
chiến thắng trên chiến trường.
Với sức mạnh hạn chế của mình, VNDCCH đã phải tranh thủ
sự giúp đỡ của các quốc gia khác, đặc biệt là từ Trung Quốc, một quốc
gia vốn nằm cạnh Việt Nam, và cũng là một trong các “anh cả” của chủ
nghĩa cộng sản. Đã có nhiều sự phối hợp từ quân đội VNDCCH và Giải phóng
quân Trung Quốc.
Năm 1949, lực lượng quân sự của VNDCCH đã giải phóng
Trúc Sơn (thuộc lãnh thổ của Trung Quốc) từ tay của Quốc dân đảng và sau
đó trao lại cho Giải phóng quân Trung Quốc.
Rồi năm 1957, Hồng quân Trung Quốc đã chiếm đảo Bạch Long Vĩ rồi sau đó trao trả lại cho phía VNDCCH.
Phía Trung Quốc còn nhắc là Việt Nam chiến đấu không
chỉ bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam, mà còn đối với cả lãnh thổ Trung Quốc
trước sự đe dọa của Hoa Kỳ.
Lúc này trật tự thế giới được chia thành hai phe: tư
bản chủ nghĩa do Hoa Kỳ đứng đầu và xã hội chủ nghĩa do Liên Xô, Trung
Quốc đứng đầu.
Sau khi CHND Trung Hoa chiến thắng Quốc dân đảng, Quốc
dân đảng phải chạy sang Đài Loan, CHND Trung Hoa muốn giải phóng Đài
Loan bằng vũ lực, nhưng Hoa Kỳ đã trợ giúp cho Đài Loan, từ đó đã dẫn
đến cuộc chiến giành các đảo Kim Môn, Mã Tổ.
Năm 1958 cũng là năm đầu tiên của Hội nghị công ước
luật biển lần thứ nhất nhóm họp, các quốc gia tranh cãi các quan điểm
pháp lý về các vùng biển khác nhau.
Phía Hoa Kỳ cho rằng lãnh hải chỉ bao gồm 3 hải lý, còn
Trung Quốc và một số quốc gia khác ủng hộ quan điểm lãnh hải có chiều
rộng 12 hải lý.
Chính vì vậy, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã đưa ra
một công hàm để khẳng định chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải
lý mà ta thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhắc đến trong công thư ngày
14-9-1958 của mình.
Trong tinh thần ủng hộ Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Văn
Đồng đã có thư phúc đáp cho việc đồng ý công nhận “hải phận” - tức lãnh
hải của Trung Quốc là 12 hải lý.
Như vậy, công thư này cho thấy nó mang một sự cam kết
về mặt chính trị hơn là về pháp lý, đây cũng là một hình thức mà các
nước xã hội chủ nghĩa thường hay sử dụng để thể hiện tình đoàn kết trong
tinh thần anh em trong phong trào vô sản quốc tế.
* Vậy tại sao Trung Quốc lại có lập luận khác về giá trị pháp lý của công thư này?
- Sau này, phía Trung Quốc hay sử dụng công thư này để
biện minh rằng Việt Nam đã chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc
đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Họ cũng biện minh rằng khi
CHXHCN Việt Nam bác bỏ điều này và cho rằng Việt Nam có đầy đủ chủ quyền
một cách hợp pháp đối với Hoàng Sa, Trường Sa tức là Việt Nam đã vi
phạm tới nguyên tắc estopel (tức là Việt Nam không thể đã thừa nhận lúc
năm 1958 rồi sau này lại không thừa nhận, như vậy là mâu thuẫn trong lập
luận của mình).
Để phân tích về giá trị pháp lý của công thư, ta thấy như sau:
Thứ nhất, công thư này nhằm trả lời cho một công hàm
của Chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng Chu Ân Lai ký về việc “công nhận
hải phận 12 hải lý” là một tuyên bố đơn phương. Yếu tố chủ yếu trong
tuyên bố đơn phương là việc thể hiện sự mong muốn. Sự thể hiện mong muốn
này cần phải được giải thích bằng cách phân tích đối tượng và mục tiêu
của tuyên bố đơn phương này trong các diễn biến lịch sử.
Việc giải thích ý chí của một quốc gia trong một tuyên
bố đơn phương như vậy cần phải được diễn giải một cách thận trọng, và
đối tượng của sự cam kết trong tuyên bố đơn phương đó phải được xác định
chính xác. Lịch sử hình thành và ra đời của công thư như đã được trình
bày ở trên.
Vậy công thư này có thể được hiểu là một tuyên bố từ bỏ
chủ quyền của phía VNDCCH không? Đối với các yêu sách về lãnh thổ trong
luật quốc tế, cũng như sự từ bỏ các yêu sách đó phải được trình bày một
cách rõ ràng và không có suy diễn. Tuy nhiên, công thư do Thủ tướng
Phạm Văn Đồng ký này không chứa đựng bất kỳ sự từ bỏ rõ ràng nào về chủ
quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Nội dung công thư không thể hiện một
sự bắt buộc từ bỏ chủ quyền.
Và thêm nữa, đối với các sự chuyển nhượng lãnh thổ, thì
Thủ tướng VNDCCH không có thẩm quyền quyết định việc ấy, mà phải là cơ
quan quyền lực tối thượng ở Việt Nam là Quốc hội. Và cuối cùng, VNDCCH
không thể quyết định hoặc chuyển giao một thứ mà VNDCCH không có thẩm
quyền quản lý theo công pháp quốc tế, và cũng không kiểm soát nó trong
thực tế.
Bởi vì theo các quy định trong Hiệp định Geneve năm
1954 thì lúc này trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại song song hai quốc gia,
từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc là VNDCCH, còn từ vĩ tuyến 17 trở vào
phía Nam là lãnh thổ thuộc VNCH. Hoàng Sa, Trường Sa đều nằm ở phía Nam
của vĩ tuyến 17, vì thế về mặt pháp lý cũng như trong thực tế, hai quần
đảo này là đối tượng quản lý của VNCH, và vì thế, những tuyên bố của
phía VNDCCH đối với Hoàng Sa, Trường Sa vào thời điểm này là không có
giá trị pháp lý.
Thứ hai, phía Trung Quốc thường đưa ra lập luận là vì
Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường
Sa và nay Việt Nam khước từ không công nhận điều đó thì Việt Nam đã vi
phạm nguyên tắc estopel trong luật quốc tế.
Về vấn đề này thì trước hết phải xem xét tính chất pháp
lý của việc công nhận xem nó có đáp ứng đầy đủ các yếu tố của một công
nhận chính thức của một quốc gia liên quan đến một lãnh thổ hay không.
Và như đã phân tích ở trên, công thư do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký này
không cấu thành đầy đủ cho một sự công nhận chính thức của quốc gia về
yêu sách lãnh thổ, cho nên nếu đã không có sự thừa nhận thì làm gì mà vi
phạm estopel.
Và tiếp theo, estopel là một nguyên tắc bắt đầu từ
trong nội luật của nước Anh, sau này được phát triển và công nhận trong
luật quốc tế liên quan đến lãnh thổ. Tuy nhiên, hiểu về estopel là một
điều phức tạp, nó không đơn thuần như các suy luận thông thường là một
quốc gia cứ phát biểu một điều gì là bị ràng buộc bởi estopel. Nói đơn
giản là có những lời hứa cho gì đó của một ai đó, thì người đưa ra lời
hứa đó sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý, tuy nhiên, không phải lời hứa nào
cũng bị ràng buộc pháp lý như vậy.
Estopel cũng được hiểu tương tự như vậy, tức là tuyên
bố về một lãnh thổ sẽ bị ràng buộc bởi estopel. Nhưng như TS Từ Đặng
Minh Thu đã phân tích: Phải đáp ứng được các điều kiện sau thì mới hình
thành một estopel:
-
Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách rõ ràng, công khai.
-
Quốc gia nại “estopel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh - Mỹ gọi là “reliance”.
-
Quốc gia nại “estopel” cũng phải chứng minh rằng vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó.
-
Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ.
Như
vậy, xem xét các điều kiện trên, ta thấy công thư của Thủ tướng Phạm
Văn Đồng khó mà đáp ứng được các yêu cầu để trở thành một estopel. Vì
thế nó chỉ nên được coi như một lời hứa vô thưởng vô phạt mà thôi.
* Xin cảm ơn ông.
Công thư 1958 không hề đề cập vấn đề chủ quyền lãnh thổ
Trong cuộc họp báo quốc tế chiều 23-5, ông Trần Duy Hải
- phó chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia - đã lên tiếng về công thư năm
1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Cụ thể, ông Hải nói: “Công thư của cố Thủ tướng Phạm
Văn Đồng là văn bản ngoại giao, nó có giá trị pháp lý về những vấn đề
được nêu trong nội dung, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung
Quốc tuyên bố. Công thư không đề cập chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng
Sa, Trường Sa nên đương nhiên nó không có giá trị pháp lý trong vấn đề
chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa. Thứ hai, giá trị công thư cũng phải đặt
trong bối cảnh cụ thể. Công thư gửi cho Trung Quốc trong bối cảnh Hoàng
Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp
định Genève 1954 mà Trung Quốc có tham gia. Do đó, tôi xin nói logic
thông thường là bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn chưa có được
(cái đó)”.
|
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an:
“Công thư không thể có giá trị pháp lý bằng Hiệp định Geneve”
Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thật ra là một
bức công điện. Mục đích của nó không liên quan đến việc xác định chủ
quyền. Nên nhớ vào năm 1958, tiềm lực quốc phòng của Mỹ ở thế áp đảo,
gấp 10 lần tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc. Tàu chiến của Mỹ suốt
ngày hành trình ở bờ biển Phúc Kiến (Đài Loan), thậm chí chĩa pháo vào
Trung Quốc. Khi Mỹ ép buộc Trung Quốc thì Việt Nam khi đó là đồng minh
của Trung Quốc. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng do đó chuyển tải
thông điệp là 25 triệu người Việt Nam đứng bên cạnh 650 triệu người
Trung Quốc. Đó là tinh thần thực chất.
Thứ hai, điều 4 Hiệp định Geneve 1954 quy định Việt Nam
Cộng hòa quản lý vùng biển đảo phía nam vĩ tuyến 17, tức bao gồm hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất
và duy nhất trong thế kỷ 20 khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt
Nam. Phải đặt một công thư bên cạnh một hiệp định quốc tế thì chúng ta
sẽ thấy rõ hiệu lực pháp lý của chúng thế nào. Có thể so sánh thế này:
công thư tương đương như một văn bản cấp xã, Hiệp định Geneve thì như
một văn bản của Thủ tướng chính phủ. Điều đó có nghĩa là chỉ có Hiệp
định Geneve mới có thể phủ định công thư. Do vậy, giá trị pháp lý của
công thư ở mức rất thấp so với Hiệp định Geneve.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét