Trong
lúc cả nước đang nô nức chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; đồng
thời, chuẩn bị cho sửa đổi Hiến pháp 1992 theo chủ trương của Thường vụ
Quốc hội, các thế lực thù địch lại đua nhau tung lên mạng nhiều thủ
đoạn chống phá chính trị "mới"- thực chất là lợi dụng những quan điểm
của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam trong quá trình phát triển đường lối
đổi mới, nhất là trên phương diện chính trị, để loại bỏ vai trò lãnh đạo
của ĐCS Việt Nam, đưa Việt Nam sang mô hình chính trị phương Tây, lệ
thuộc vào nước ngoài.
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet |
Vậy
nội dung, bản chất của hệ thống bầu cử Việt Nam như thế nào - xét về
mặt lý luận, pháp lý và thực tiễn? Hệ thống bầu cử ở nước ngoài ra sao,
phải chăng Việt Nam nhất thiết phải thay đổi mô hình dân chủ theo phương
Tây?
Trước hết phải nhắc lại lịch sử
để những kẻ đang cố tình bôi nhọ ĐCS Việt Nam và những người nhẹ dạ, cả
tin hiểu rằng, chế độ cộng hòa, Hiến pháp dân chủ, nhà nước pháp quyền,
quyền công dân và quyền con người ra đời ở Việt Nam là thành quả của
cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do ĐCS Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch
Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trên 80 năm thống trị của thực dân Pháp, 30 năm
chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, trong vùng chúng chiếm đóng trên
đất nước này, làm gì có bầu cử, ứng cử thật sự, làm gì có Hiến pháp, có
quyền công dân và quyền con người, làm gì có tự do ngôn luận, báo chí…
Lúc đó sao không thấy các “đại gia” phương Tây chia sẻ các giá trị dân
chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Đến nay, họ và những kẻ tay sai lại lên
giọng dạy bảo dân chủ, nhân quyền cho các quốc gia, thậm chí còn can
thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Những động thái chính trị của
phương Tây ở Ai Cập, Bắc Phi và nhiều quốc gia Trung Đông khác trong
những ngày qua cho thấy, “diễn biến hòa bình” không phải là con ngáo ộp
của những người làm chính trị ở Việt Nam, mà là một thực tế đang diễn ra
sôi động trên chính trường quốc tế. Nói cách khác, những gì phương Tây
đã và đang làm không phải vì dân chủ, nhân quyền đích thực cho nước
khác, dân tộc khác, mà vì những lợi ích chính trị-kinh tế mà họ đang
theo đuổi.
Hệ
thống chính trị nói chung, hệ thống bầu cử nói riêng trên thế giới hiện
rất đa dạng, tùy thuộc vào chế độ chính trị được hình thành trong lịch
sử và ý chí của nhân dân các nước. Hệ thống bầu cử ở những nước theo thể
chế liên bang (như Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a...) khác với các quốc gia theo
thể chế hệ thống hành chính tập trung, thống nhất. Về kỹ thuật cũng có
nhiều mô hình khác nhau: mô hình bầu cử ở các quốc gia theo chế độ đa
đảng (lấy việc bầu cho đại diện của mỗi đảng làm tiêu chí) khác với các
quốc gia bầu cử theo tỷ lệ cử tri và theo địa bàn hành chính; mô hình
bầu cử trực tiếp khác với mô hình bầu cử gián tiếp - thông qua đại cử
tri… Hệ thống bầu cử được các nhà nghiên cứu xem là có nhiều ưu điểm là hệ thống bầu cử theo nguyên tắc đa số, trực tiếp. Nguyên lý của hệ thống này đơn giản, đó là ứng cử viên (hoặc đảng phái chính trị) nào thu được nhiều phiếu hơn sẽ trúng cử.
Khi nói đến bầu cử, ứng cử ở một quốc gia có dân chủ, công bằng hay không? người
ta phải xem xét toàn bộ hệ thống bầu cử, ứng cử và nhất là kết quả của
hệ thống đó được áp dụng vào bối cảnh đặc thù về lịch sử và văn hóa
chính trị của một quốc gia - dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại như
thế nào, chứ không thể chỉ nhìn vào một yếu tố nào đó để khái quát,
đánh giá. Hệ thống bầu cử của Việt Nam ra đời từ khi ra đời nước
Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam). Hiến pháp và
Luật Bầu cử Việt Nam quy định: cử tri bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng
nhân dân các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Phù
hợp với nguyên tắc “phổ thông”, số lượng đại biểu của mỗi địa phương tỷ
lệ với số cử tri của địa phương đó. Các cử tri được bầu cử trực tiếp
các đại diện của mình ở các cơ quan dân cử từ cấp cơ sở đến Quốc hội.
Là một quốc gia có nhiều dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến điều này. Điều 10, Luật Bầu cử Việt Nam quy định: “Số
đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số do Uỷ ban thường vụ Quốc
hội dự kiến theo đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm để
các thành phần dân tộc thiểu số có số đại biểu thích đáng.” Thực hiện quy định này trong nhiều nhiệm kỳ qua, tỷ lệ đại biểu thuộc dân tộc thiểu số luôn luôn cao hơn tỷ lệ dân số.
Nhiệm kỳ khóa XI, số đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,2%;
nhiệm kỳ khóa XII, chiếm 17,6%; trong khi đó, tỷ lệ 53 dân tộc thiểu số
chỉ chiếm 13% dân số Việt Nam.
Phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội, nâng cao vai trò của Phụ nữ, Điều 10a, Luật Bầu cử Việt Nam quy định: “Số
đại biểu Quốc hội là Phụ nữ do Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên
cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm để Phụ nữ có số đại biểu thích đáng”.Theo Báo cáo của Quỹ phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM), tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ của Việt Nam (Khóa XII) cao hơn nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á.
Trong khi tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là: 25,8%, thì tỷ lệ
đó ở Thái Lan là 11,7%, Ma-lai-xi-a là 23,7%, In-đô-nê-xi-a là 11,6%,
Xin-ga-po là 24,8%, Lào là 25,2% Cam-pu-chia là 19,5%...
Còn
việc người ta nói rằng ở Việt Nam “ đảng cử dân bầu”, bầu cử ở Việt
Nam chỉ là “dân chủ hình thức, dân chủ trình diễn”, “hầu hết đại biểu
dân cử đều là đảng viên ĐCS Việt Nam thì sao là có dân chủ được?”. Quả thật đây là một cách lập luận điển hình cho tư duy dân chủ, nhân quyền nhập ngoại.
Thử hỏi ở quốc gia nào mà không có vận động bầu cử của các đảng phái
chính trị, không có “đảng cử, dân bầu”, không có “trình diễn dân chủ”; ở
đâu mà không có một bộ phận cử tri không quan tâm đến bầu cử? Lấy hệ thống bầu cử ở Mỹ làm
một ví dụ. Ở quốc gia này, cuộc bầu cử Tổng thống có tới hai chiến dịch
bầu cử: Chiến dịch vận động bầu của hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa, kéo
dài tới 6 tháng để lựa chọn đại biểu của mỗi đảng. Chiến dịch thứ hai
mới là vận động tranh cử của các ứng cử viên Tổng thống. Hai chiến dịch
vận động rầm rộ, tốn kém này thu hút sự quan tâm của nhân dân tới cả
năm. Đương nhiên đảng nào, ứng cử viên nào có nguồn lực dồi dào,
nhất là được giới truyền thông ủng hộ nhiều thì có lợi thế hơn và ngược
lại. Còn về sự quan tâm của cử tri, có thể nói đây là vấn đề chung
của mọi quốc gia, kể cả ở Việt Nam. Không phủ nhận rằng, ở Việt Nam
trước đây còn có trường hợp một người bỏ phiếu hộ cho người khác trong
một gia đình, còn ở Hoa kỳ tình trạng thời ơ với quyền của mình còn tồi
tệ hơn, đó là người dân không đi bỏ phiếu. Theo Duoglas K. Stevenson
trong chuyên khảo: “Cuộc sống và các thể chế ở Mỹ”1:
Cuộc bầu cử năm 1988 chỉ có 57,4 % người đăng ký tham gia bầu cử. Trong
số đó chỉ có 86,1% người đi bỏ phiếu. Như vậy, trên thực tế chưa đến
50% số người có quyền công dân đi bỏ phiếu. Lại nói về tính ưu việt và
khiếm khuyết của hệ thống bầu cử. Thử hỏi những ai đang vận động cho thể
chế bầu cử của Hoa Kỳ, họ nghĩ như thế nào về hệ lụy của thể chế đại cử tri?
Đó là trường hợp xảy ra vào cuộc bầu cử năm 2000: trong cuộc bầu cử
này, đại diện của đảng Dân chủ - ông Al Gore giành được 48,38% số phiếu
phổ thông toàn quốc, cao hơn đối thủ là ông George Bush - đại diện của
đảng Cộng hòa chỉ giành được 47,87% số phiếu bầu. Mặc dù vậy, theo thể
chế bầu cử của quốc gia này, ông Bush vẫn trúng cử Tổng thống vì ông có
số phiếu đại cử tri cao hơn ông Gore. Một vấn đề khác liên quan đến sự
công bằng của bầu cử ở đây là thể chế liên bang. Sở dĩ ông Bush thắng
cuộc là vì ông đã giành chiến thắng trước ông Gore ở bang Florida. Chúng
ta không chỉ trích hệ thống bầu cử ở Hoa Kỳ, mà chỉ muốn nói rằng, không có bất cứ một hệ thống bầu cử nào là hoàn hảo.
Tuy vậy, như nhà triết học Heghen đã nói: “cái tồn tại là cái hợp lý”,
hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ được hình thành trên ba trăm năm, gắn liền
với văn hóa chính trị của dân tộc Mỹ, nó được nhân dân Mỹ chấp nhận.
Tương tự như vậy, ở nhiều quốc gia phát triển, như Anh, các nước Bắc
Âu..., bên cạnh quyền uy của Nhà nước, Nghị viện, Chính phủ, Thủ tướng,
Tòa án..., còn có vai trò của Nhà vua, hoàng tộc, cho dù vai trò đó là
nhỏ bé, thậm chí chỉ là hình thức. Ở Việt Nam, hệ thống chính trị, thể
chế bầu cử, ứng cử, pháp luật..., của quốc gia ra đời sau thắng lợi của
cuộc cách mạng do ĐCS Việt Nam lãnh đạo, nó không thể không để lại dấu
ấn của ĐCS Việt Nam, không thể không phản ánh văn hóa chính trị được
hình thành trên một nửa thế kỷ qua, trong đó có hệ thống bầu cử, ứng cử -
vai trò của chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc- trong hiệp thương,
dự kiến - định hướng cơ cấu đại biểu thuộc các nhóm xã hội yếu thế như
phụ nữ, dân tộc thiểu số, hình thức tiếp xúc cử tri...
Tin
rằng những người cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, thông minh để hiểu
rằng, họ phải làm gì để giữ vững niềm tin của nhân dân đối với mình, nhưng
chắc chắn đó không phải là biện pháp du nhập mô hình dân chủ, nhân
quyền của phương Tây, mà các thế lực thù địch đang cố tình gieo rắc, áp
đặt.
ĐÔNG QUAN
1 - Douglas K. Stevanson - “Cuộc sống và các thể chế ở Mỹ”, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 80, 81.
Lần bầu cử đầu tiên trong đời!
Trả lờiXóaNăm nay, lần đầu tiên tôi được đi bầu cử Quốc hội, 21 tuổi. Cảm thấy hơi háo hức với cái bản mặt rất hơn hớn! Một phần, có thể nói một cách to tát, đây là quyền lợi, trách nhiệm công dân, nhưng phần lớn là vì tò mò để xem có đúng như những gì trên mạng lề trái nói về một cuộc bầu cử thiếu dân chủ, thiếu công bằng, dân thì cứ phải bị ép đi bầu cử mới xong…
Cảm nhận là: không hề như những gì tôi đọc được trên mạng lề trái. Ngày này, 22/5, với tôi hơi khác so với những ngày thường một chút, 6h30 loa phường phát (tiểu sử các ứng cử viên) thay vì phát vào lúc 7h00 như thường lệ. Kể ra có đôi chút khó chịu vì giờ này tôi thường đang ngủ rất vào, sau khi lướt web gần như cả đêm.
Lần đầu với tôi cũng chả háo hức đến độ mất ăn mất ngủ như một số pác phát biểu trên báo Đảng về lần đi bỏ phiếu đầu tiên, nhưng nói thật cũng có tí vui vẻ, háo hức.
Tôi thả bộ sang địa điểm bỏ phiếu cách nhà 100 mét, tầm khoảng 7 giờ tối. Các ông bà tổ trưởng tổ phó rất rất chi là vui vẻ đón tiếp, tận tình chỉ bảo cách thức bỏ phiếu, thậm chí còn được nghe "mắng yêu" (vì toàn là hàng tỏi láng giềng) sao mày lượn lờ mãi mà tận giờ này mới bỏ phiếu. Đứng buôn với mấy ông bà, nghe mấy ông bà kháo nhau kỳ này không bị điểm danh như những kỳ trước. Chả biết kỳ trước thế nào?!!!! Nhưng đúng là không điểm danh thật, tôi đưa thẻ cử tri, họ phát phiếu, đọc mấy cái lý lịch, chọn và bỏ phiếu, đóng dấu đã bỏ, ra về. Tất cả chỉ trong vòng 10 phút.
các “nhà dân chủ” vẫn tìm mọi cách để phủ nhận các thành quả đã đạt được của VN; đồng thời, “họ” dùng mọi mưu toan, thủ đoạn để phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội lần này của chúng ta. Họ tâng bốc bầu cử ở phương Tây để so sánh, dèm pha bầu cử trong nước. Coi các qui định của pháp luật bầu cử Việt Nam, nhất là vai trò của Mật trận tổ quốc trong Hiệp thương để lập Danh sách bầu cử là “dân chủ giả hiệu”, là “cái bẫy” đối với người tự ứng cử. Rằng: bầu cử ở Việt Nam là “Đảng cử, dân bầu”; ở đó “người dân được cung cấp một mâm cơm đã soạn sẵn, ăn gì, ăn bao nhiêu, mắm muối thế nào đã được hệ thống quyền lực áp đặt trước”(!) v.v. Đây là những luận điệu vu khống, xuyên tạc trắng trợn, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân dân ta trong thực hiện quyền bầu cử dân chủ của mình.
XóaVậy mà, nghe trên mạng họ nói, người của chính quyền địa phương đi từng nhà đốc thúc từng người đi bầu. Không hiểu họ nói là nơi nao, thời nào??!! Tôi cố tình sang muộn, sát giờ cơm tối nhá, nếu tối không bận tụ bạ với lũ bạn thì tôi quyết để đến 20h55 phút mới sang bỏ phiếu. Chả biết ở nơi khác thế nào chứ ở chỗ tôi thì tuyệt không thấy ai mò đến mà đốc thúc tôi. Tôi thề!
Trả lờiXóaRồi tôi nghe trên mạng họ kêu gọi "không biết, không bầu" - Thời buổi công nghệ là bảo không biết thì quá là lạ! Tiểu sử, lý lịch gửi đến từng nhà, loa đọc hàng ngày, tuần này họp tổ dân phố, tuần sau họp các cụ hưu, tuần tiếp họp cựu chiến binh, tuần nữa thì họp hội phụ nữ…. còn không sợ bị bội thực thông tin thì thôi, lại còn bảo là "không biết". Chắc họ đang ám chỉ nói những người mù câm điếc…. (cái này tôi không chắc lắm, làm thế nào để những người khuyết tật có thể thực hiện quyền lợi của mình được nhỉ?). Mới đầu tôi định quần sooc áo ba lỗ ra bỏ phiếu, nhưng từ sáng đã thấy các ông ai cũng sơ mi cắm thùng, các bà ai cũng quần là áo lượt, vả lại sau đó còn tăng 2 nên tôi cũng đóng bộ sang bỏ phiếu!
Trên mạng, họ bảo chính quyền bố trí công an để sẵn sàng trấn áp người có "tư tưởng mới". Chỗ tôi không thấy có công an, cả ngày lượn qua lượn lại tôi cũng chỉ thấy có mấy anh dân phòng đứng cạnh thùng phiếu nhắc phiếu vàng vàng hồng hồng thì thùng bên trái, phiếu trắng trắng, xanh xanh thì thùng bên phải…
Trên mạng họ nói "bầu cử là quyền không phải nghĩa vụ" - cái này tôi thấy cũng có lý, đây là quyền lợi và trách nhiệm công dân thì đúng hơn. Mỗi công dân thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước qua lá phiếu bầu chứ không nên là nghĩa vụ phải đi bầu.
Trên mạng, họ kêu gọi bỏ phiếu trắng và phiếu không hợp lệ và cho rằng tỷ lệ số phiếu loại này sẽ cao. Nhưng tôi nghĩ, đến đại lãn như cái thằng tôi, một lần không đi, khi đã cất công ra rồi thì kiểu gì cũng bầu cho đúng quy định, không còn bị mang tiếng là đầu to mà ngu, hướng dẫn đến thế còn không hiểu! Họ còn nói, nên thay cách bỏ phiếu kín như hiện nay vì không mang tính "dân chủ", bằng cách dùng công nghệ thông tin mà bỏ phiếu trên trang web bầu cử cho nhanh, tiện, hiện đại, dân chủ. Chắc họ không tính đến trong số gần 70 triệu cử tri đi bầu cử đó, có bao nhiêu người được tiếp xúc và biết sử dụng công nghệ thông tin hiện đại! Họ cũng quên rằng đến máy chủ của CIA còn bị hacker ghé thăm và làm loạn, thì việc một trang web bầu cử bị nâng khống hay làm cho sụp cũng hoàn toàn có thể tính đến.
Trả lờiXóaTrên mạng họ còn tổ chức một cuộc bầu cử online song song với cuộc bầu cử của chính quyền. Họ bảo, mỗi app Lá Phiếu "bầu cử online" (chỉ áp dụng cho điện thoại Android) cho phép người dùng bầu chọn ứng cử viên Quốc Hội hay bỏ phiếu trắng, và họ tự giới thiệu phần mềm này được hỗ trợ bởi một số tổ chức, mà trong đó có Việt Tân. Thế thì thôi đi, vì tôi chưa bao giờ thấy ý tốt trong mỗi hành động của Việt Tân đối với Việt Nam.
Nói chung, ngày 22/5 với tôi là một ngày có vui vẻ, có háo hức và có thỏa mãn! Có thể nó chưa đạt được tầm là ngày hội, nhưng tôi vui vì cảm thấy trường thành hơn sau khi được hưởng quyền lợi của mình.
Phó Minh Tân
Theo quy định này thì bầu cử là phương thức được cử tri sử dụng để chọn người đại diện và trao quyền lực. Nội hàm của khái niệm bầu cử là: giới thiệu người đại diện (đề cử) – bỏ phiếu chọn – trao quyền. Theo khái niệm này, để thực hiện quyền bầu cử, cử tri sẽ thực hiện 3 bước: (1) giới thiệu người ưu tú nhất đề cử làm đại diện cho mình, (2) bỏ phiếu khẳng định tính hợp pháp của người đại diện, (3) trao quyền lực đại diện mình tham gia quản lý và lãnh đạo đất nước. Xin hỏi các “nhà dân chủ”: có phải trên thế giới, các nước đều tổ chức bầu cử giống nhau không, hay mỗi quốc gia đều có cách thức bầu cử riêng? Trong tiến trình bầu cử, để có những ứng cử viên chất lượng bầu vào Quốc hội, các nước trên thế giới đã làm gì, nếu không phải là đề ra những qui định chặt chẽ nhằm tìm được những người xứng đáng đưa vào danh sách bầu cử? Có quốc gia nào trên thế giới, mà các đảng chính trị không giới thiệu người của mình ra tranh cử quốc hội?
Trả lờiXóahãy “chống mắt” mà nhìn, “giỏng tai” mà nghe, nhìn thực tiễn đã diễn ra trên thế giới: mỗi quốc gia khác nhau, có pháp luật bầu cử và cách thức tiến hành bầu cử khác nhau, tùy theo chế độ chính trị, truyền thống, văn hóa, kinh tế của mỗi nước. Để bảo đảm bầu cử dân chủ, tất cả các nước đều đề ra các qui phạm pháp luật, từ khẳng định nguyên tắc bầu cử, qui định số lượng đại biểu,… đến công bố kết quả bầu cử, để điều chỉnh việc tổ chức và trình tự các bước tiến hành bầu cử. Riêng giới thiệu ứng cử viên, các nước đều coi đó là chức năng của các đảng phái chính trị. Thí dụ ở Cộng hòa Liên bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên vào Nghị viên là độc quyền của các đảng chính trị. Ở Mỹ, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ luôn thực hiện quyền đề cử đảng viên của mình ra tranh cử Tổng thống và tranh cử Thượng nghị sỹ, Hạ nghị sỹ,v.v. Tuy nhiên, ngoài ứng cử viên của các đảng phái, các ứng cử viên tự do cũng có quyền tự ứng cử, song khả năng trúng cử của họ rất thấp, bởi luật pháp có những qui định hết sức ngặt nghèo đối với ứng cử viên tự do. Nhưng dù là ứng cử viên của các đảng phái hay ứng cử viên tự do, muốn lọt được vào Danh sách bầu cử, đều phải do các Cơ quan phụ trách bầu cử xem xét, nếu đủ điều kiện mới được đưa vào lập Danh sách bầu cử.