Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Nỗi oán giận của giới cổ cồn xanh giúp Trump chiến thắng



 Các cử tri là công nhân và nông dân bất mãn với thực tại, mong muốn sự thay đổi đã dồn phiếu cho Trump, dù không dành nhiều cảm tình với tỷ phú.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, bà Hillary Clinton bất ngờ thất bại tại bang chiến trường Wisconsin vào thời điểm quan trọng nhất, để vuột mất chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng vào tay đối thủ Donald Trump, bởi bà đã không lường trước nỗi bức xúc của tầng lớp lao động "cổ cồn xanh" vùng nông thôn, theo WP.
Tỷ phú Trump trở thành ứng viên đảng Cộng hòa đầu tiên giành chiến thắng ở bang Wisconsin trong 32 năm, dù ông không được người dân ở đây mến mộ hơn bà Clinton. Danh tiếng của ông ở đây cũng kém xa Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, người vận động tranh cử nhiệt thành cho bà Clinton.
Theo kết quả thăm dò sau bỏ phiếu của Edison Research, một nửa số cử tri da trắng không có bằng đại học ở Wisconsin – vốn là lực lượng ủng hộ Trump đông đảo nhất – lại thể hiện quan điểm không yêu mến tỷ phú. Thế nhưng gần một phần ba trong số đó thừa nhận rằng mình đã bỏ phiếu cho Trump.
Những người này đưa ra quyết định rất muộn, chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Lực lượng này chính là nhân tố quyết định giúp ông Trump giành chiến thắng với chênh lệch chưa đầy 28.000 phiếu bầu trong cuộc rượt đuổi rất sát sao ở Wisconsin.
Theo Katherine Cramer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wisconsin, giám đốc Trung tâm Dịch vụ Công Morgridge, những gì diễn ra ở Wisconsin là nét đặc trưng cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, nơi cử tri không có trình độ cao ở vùng nông thôn chính là người định đoạt số phận của cuộc bỏ phiếu, khi họ dồn phiếu cho Trump dù không nhiệt thành ủng hộ ông này.
Lý giải hiện tượng này, giáo sư Cramer gọi đó là "nền chính trị oán giận", mô tả tâm lý tiêu cực đối với nền chính trị hiện nay mà người dân vùng nông thôn khu vực Trung Tây của Mỹ ấp ủ suốt nhiều năm qua.
Những người bị gạt ra rìa
Cramer đã gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều người dân vùng nông thôn ở Wisconsin, và họ hầu hết đều bày tỏ sự bất mãn sâu sắc với sự bất công trong cuộc sống ở khu vực của họ với hai đô thị lớn là thủ phủ Madison và thành phố Milwaukee.
Những người công nhân nói với Cramer rằng họ cảm thấy như mình bị gạt ra rìa trong quá trình phát triển của xã hội, không được hưởng sự công bằng cả về tầm ảnh hưởng, quyền lợi cũng như sự tôn trọng. Những quyết định quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ lại được đưa ra ở những thành phố lớn xa tít tắp, trong khi không ai chịu lắng nghe những tâm tư về lợi ích thiết thân của họ.
Người dân vùng nông thôn Wisconsin cho rằng các đô thị lớn như Madison đã hút hết mọi nguồn lực tài chính và dồn tiền đầu tư cho các thành phố lớn, chứ không phải cho làng mạc, thị trấn nơi họ ở. Họ đã rất nỗ lực để kiếm sống, nhưng mọi nguồn tiền dường như đều đổ về thành phố.
Họ không nhận được sự tôn trọng của những người dân đô thị, khi bị gán ghép là "những kẻ phân biệt chủng tộc cao ngạo" không nhận thức được lợi ích của chính mình. Với sự trỗi dậy của Trump, họ bỗng nhiên có cảm giác mình được lắng nghe.
"Các bạn đã đúng, các bạn không được hưởng quyền lợi công bằng, và các bạn cần phải giận dữ vì điều đó… Hãy bầu cho tôi, tôi sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại. Tôi sẽ đem lại cho các bạn những gì xứng đáng và một cuộc sống mà các bạn đang mất đi", Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.
Khi đưa ra những tuyên bố này, ông Trump dường như không dự liệu được rằng thông điệp của mình sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các vùng nông thôn của nước Mỹ. Với khoảng cách ngày càng lớn giữa nông thôn và thành thị, thông điệp đó ẩn chứa sức hấp dẫn rất lớn với những cử tri da trắng không có trình độ cao ở các làng quê.
Khảo sát của Edison Research cho thấy 68% cử tri cổ cồn xanh có cái nhìn tiêu cực đối với bà Clinton và dự cảm bi quan về nền kinh tế Mỹ nếu bà đắc cử tổng thống. Khoảng 61% số người được hỏi cho rằng những thỏa thuận thương mại tự do với các nước khác sẽ tước đoạt công ăn việc làm của người Mỹ, và 45% khẳng định người nhập cư chỉ có hại cho đất nước hơn là mang đến lợi ích.
Đa số cử tri nông thôn cho rằng họ không có cảm giác bị ông Trump bỏ rơi, trái ngược với trường hợp bà Clinton. "Rất nhiều người như vậy cảm thấy họ bị gạt ra một bên trong quá trình phát triển của xã hội. Trump thực sự đã nói lên nỗi lòng của họ", Scott Walker, thống đốc bang Wisconsin, nhận định.
Những cử tri ở nông thôn chán ngán với hiện tại, cảm thấy bị coi thường bởi những người thuộc tầng lớp tinh hoa ở các đô thị, sẵn sàng dồn phiếu cho Trump để mong một sự thay đổi lớn, dù họ không ưa những giọng điệu mang tính phân biệt chủng tộc, giới tính của tỷ phú.
Kết quả là dù Trump thất thế ở các thành phố lớn, ông giành được chiến thắng tại các hạt nông thôn ở Wisconsin với mức chênh lệch 27 điểm so với bà Clinton. Cựu tổng thống George W. Bush chưa bao giờ thắng ở các hạt này với chênh lệch quá 10 điểm, còn ông Obama cũng chỉ giành thắng lợi ở khu vực này năm 2008 với chênh lệch 8 điểm.
"Đối với nhiều người lao động ở Wisconsin, mọi thứ đã đi xuống trong thời gian dài, và họ tuyệt vọng đến mức sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Trump chính là điều như vậy", Dave Obey, nghị sĩ đảng Dân chủ ở Wisconsin, thừa nhận.

Trí Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét