Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Tự do tôn giáo Việt Nam dưới góc nhìn của người nước ngoài…!

Bộ Ngoại giao Mỹ
Ngày 10/8/2016, Bộ Ngoại giao Mỹ ra “Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2015”, phần nói về Việt Nam, mặc dù có ghi nhận một số điều chỉnh so với các báo cáo trước đây, song báo cáo vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá, như cho rằng Việt Nam đối xử bạo lực, giam giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại, từ chối đăng ký hoặc cấp phép cho một số nhóm tôn giáo; cản trở hoạt động của các nhóm tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế…; các quy định về quản lý tôn giáo của Việt Nam cho phép hạn chế tự do tôn giáo và nhà chức trách Việt Nam tiếp tục cản trở hoạt động của các nhóm tôn giáo không đăng ký…
Toà thánh Vatican
Trong buổi hội kiến Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, ngày 23/11/2016, Giáo hoàng Francis hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cho đây là dịp để Việt Nam và Tòa thánh tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy quan hệ hai bên. Nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam những năm qua (đặc biệt là trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cách đây 2 năm, Giáo hoàng Francis đã ghi nhận chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đạt nhiều kết quả; các hoạt động ngày càng sôi động với các Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam cùng việc tổ chức  những ngày lễ trọng của Công giáo, như Lễ hội hành hương La Vang, Đại hội Giới trẻ Công giáo...); Giáo hoàng Francis bày tỏ tình cảm yêu mến Việt Nam và khẳng định, Tòa thánh đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; đặc biệt hoan nghênh việc Việt Nam lấy ý kiến xã hội rộng rãi trước khi thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp kiến Giáo hoàng Francis. Ảnh: TTXVN

Giáo hoàng Francis và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao các đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam thời gian qua; nhất trí đánh giá quan hệ Tòa thánh Vatican và Việt Nam đã có bước tiến triển tích cực, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc cấp cao những năm gần đây, cũng như việc hai bên duy trì đối thoại thông qua cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp (cuộc họp gần đây nhất là từ ngày 24 tới 26-10-2016 giữa Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Toà thánh Vatican Antoine Cannilleri). Đồng thời nhấn mạnh việc Giáo hội Công giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, sống tốt đời đẹp đạo giáo dân tốt là công dân tốt; thống nhất duy trì đối thoại, tiếp xúc giữa hai bên.
Nhà báo Pavel Herman
Trong bài viết gần đây đăng trên báo điện tử Parlamentnilisty.cz của Cộng hòa Séc, nhà báo Pavel Herman đánh giá rằng Việt Nam là một quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo cùng tồn tại lâu đời trong lịch sử của dân tộc. Ước tính, hiện nay, 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, với khoảng 24 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số. Các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam dù khác nhau về nguồn gốc, phương châm hành đạo nhưng không xung đột mà lại có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng với nhau, phản ánh đời sống tâm linh phong phú, đa dạng, sự khoan dung, độ lượng, nhân ái của người Việt Nam và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những yếu tố để người Việt Nam dễ hòa đồng với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
Theo tác giả Herman, mặc dù đức tin, giáo lý của người dân Việt Nam theo các tôn giáo khác nhau nhưng đều có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa và luôn đồng hành cùng dân tộc cả trong cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tác giả Herman cho rằng sự phát triển của văn hóa Việt Nam có đóng góp của tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Công giáo... Với sự đa dạng các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo nói trên, Việt Nam được ví như "bảo tàng tôn giáo" của thế giới. Sự đa dạng các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú và đặc sắc.
Lời bình
Tự do tôn giáo ở Việt Nam dưới góc nhìn của người nước ngoài với một vài dẫn dụ điển hình nêu trên, cho thấy mảng tỏa sáng là bao trùm, còn mảng tối, nếu có, chỉ như ngọn đèn dầu trước gió.
Ngày 25-11-2016

Nguyễn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét