Cũng lâu rồi tôi mới lại xem thông
tin trên mạng. Đúng là có nhiều bài viết phong phú, đa dạng, song cũng có những
bài viết đưa lên mang nặng theo tính chủ quan của cá nhân, không đầy đủ thông
tin, thiếu sự phân tích tình hình và cố tình nói xấu, không đúng với thực tế.
Tôi vừa đọc trên trang Tiếng Dân có bài: “Có hay không giai cấp lãnh đạo?” của
tác giả Nguyễn Đình Cống, viết rằng: “Người
ta ngụy biện, cho rằng GCCN là giai cấp lãnh đạo … Nói rằng cách mạng cần có
một giai cấp lãnh đạo là bịa đặt cấp một…GCCN VN lãnh đạo cách mạng là bịa đặt
… Trên thế giới, khái niệm GCCN lãnh đạo đã tan biến theo sự sụp đổ của Liên xô
và các nước Đông Âu. Nhưng ở VN nó vẫn tồn tại dai dẳng…tại Đại hội Công đoàn
VN lần thứ XII (25 tháng 9/2018) ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vài lần nhắc
đến GCCN VN đại diện cho nền sản xuất tiên tiến và là giai cấp lãnh đạo… Nói
rằng lãnh đạo thông qua đội tiên phong Đảng CS là một cách nói liều, nói bừa,
bịp bợm… Thực tế không hề có giai cấp lãnh đạo, nó chỉ là một khái niệm giả
dối…”
Khi đọc những dòng ở trên, chúng
ta thấy rõ ràng tác giả Nguyễn Đình
Cống không có đủ thông tin hay không chịu tìm hiểu, chứ hàng trăm năm
nay ai mà không biết được sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Trong bối
cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế tri thức, giai cấp công nhân vẫn là một
trong những lực lượng xã hội quan trọng nhất, họ đang tham gia tích cực vào các
chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Tôi có
chủ quan hay không khi đánh giá như vậy, trên thực tế Nguyễn Đình Cống là giáo
sư danh giá, chẳng qua ông ta cố tình lờ đi như không biết để cố tạo ra những
giọng điệu như vậy hòng đánh lừa dư luận thiếu thông tin.
Thưa với ông Cống, một thực tế cho thấy những năm đầu của
thập kỷ 90 thế kỷ trước, sự đổ vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa cùng với những
đảo lộn chính trị ở Liên Xô và Đông Âu đã có tác động tiêu cực đến nhận thức,
lý tưởng của một bộ phận giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển; một số ĐCS
thì bị phân liệt về tư tưởng và tổ chức; ở các nước mà ĐCS chưa nắm quyền lãnh
đạo thì ít quan tâm đến chính trị và các vấn đề xã hội. Công nhân chủ yếu chỉ
nghĩ tới việc làm, lo cho đời sống có thu nhập ổn định, những chế độ phúc lợi
cần được hưởng… Tỷ lệ đảng viên trong giai cấp công nhân còn rất thấp, đặc biệt
là ở các khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước. Phần
lớn các tổ chức đảng của giai cấp công nhân ở đây, về cơ bản, chưa đề ra được
chủ trương, chiến lược và sách lược đấu tranh có sức thuyết phục và thu hút lực
lượng tham gia. Bản thân chính quyền tư sản ở các nước này đang tăng cường thực
thi các chính sách nhằm thu hẹp không gian hoạt động của các ĐCS và công nhân
bằng những quy định pháp lý về điều kiện tham gia tranh cử, nguồn kinh phí hoạt
động, khả năng tiếp cận với các phương tiện truyền thông đại chúng...
Vì thế, tác giả
Nguyễn Đình Cống cho rằng “…Trên
thế giới, khái niệm GCCN lãnh đạo đã tan biến theo sự sụp đổ của Liên xô và các
nước Đông Âu…”, một số lý luận gia tư sản cũng cho rằng, khoa học và công
nghệ phát triển đã và đang làm “biến mất” giai cấp công nhân và quyền lực tư
sản; làm chủ tri thức chứ không phải làm chủ tư liệu sản xuất là nắm được quyền
lực trong xã hội siêu công nghiệp; kỹ thuật chứ không phải quan hệ sản xuất tư
bản chủ nghĩa là nguồn gốc của bóc lột. Quan điểm này hoàn toàn không đúng, bởi
dù trong nền kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0 hiện đại được tự động hóa,
thậm chí, người máy có thể sẽ thay thế một bộ phận người lao động thì giai cấp
công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội,
họ vẫn là động lực và là “người thực thi”
bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH, vận mệnh của họ là giải quyết triệt để
mâu thuẫn giữa lao động và tư bản, là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh
giải quyết các mâu thuẫn xã hội, nhằm xây dựng một chế độ dân chủ, bình đẳng và
phát triển; đấu tranh giành các lợi ích chính trị, kinh tế cho giai cấp mình và
cho quần chúng lao động, chống thất nghiệp, chống áp bức bóc lột. Họ vẫn đại diện
cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đồng thời là lực lượng vật chất của hệ tư tưởng
đó. Ở các nước do ĐCS lãnh đạo, giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong
trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Họ cũng là lực lượng
đi đầu trong cuộc đấu tranh tư tưởng nhằm bảo vệ giá trị của chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, bảo vệ và thực thi lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc
đấu tranh đó, giai cấp công nhân vẫn là người đóng vai trò quyết định. Đây là
điểm cốt lõi mà phong trào cộng sản và công nhân ở các nước đang phát triển cần
khẳng định để đẩy lùi mọi mưu toan chống phá phong trào công nhân từ phía các
lý luận gia tư sản. Vì vậy cần nâng cao trình độ giai cấp công nhân để hạn chế
ảnh hưởng tiêu cực từ tác động của toàn cầu hoá kinh tế, góp phần xây dựng đất
nước theo con đường độc lập về chính trị và không lệ thuộc vào chủ nghĩa tư bản
về kinh tế; chống lại nguy cơ sa vào vòng xoáy mới của chủ nghĩa thực dân mới.
Đối với VN, giai cấp công nhân luôn có vai trò
và vị trí hết sức quan trọng. Trong các giai đoạn trước đây, giai cấp công nhân
VN không chỉ là giai cấp lãnh đạo cách mạng mà còn là một trong những lực lượng
cách mạng chủ yếu trong các cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ sự thống trị của chủ
nghĩa đế quốc, thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc và tiến lên CNXH. Hiện
nay, giai cấp công nhân VN tiếp tục đảm đương sứ mệnh lịch sử lớn lao, không chỉ
tiếp tục là giai cấp lãnh đạo cách mạng mà còn là lực lượng tiên phong, đi đầu
trong sự nghiệp CNH, HĐH và đổi mới đất nước. Về lĩnh vực sản xuất, giai cấp
công nhân là lực lượng cơ bản, chủ yếu, có vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc
dân. Mặc dù chiếm tỉ lệ 11% dân số và 21% lực lượng lao động xã hội nhưng giai
cấp công nhân nắm giữ những cơ sở vật chất và các phương tiện sản xuất hiện đại
nhất, quyết định phương hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế; là lực lượng
lao động đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước với tỷ lệ hơn 60% tổng sản
phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước hàng năm.
Thế mà tác giả Nguyễn Đình Cống còn viết rằng: “…Nhưng ở VN nó vẫn tồn tại dai dẳng…tại Đại
hội Công đoàn VN lần thứ XII (25 tháng 9/2018) ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
vài lần nhắc đến GCCN VN đại diện cho nền sản xuất tiên tiến và là giai cấp
lãnh đạo… Nói rằng lãnh đạo thông qua đội tiên phong Đảng CS là một cách nói
liều, nói bừa, bịp bợm… Thực tế không hề có giai cấp lãnh đạo, nó chỉ là một
khái niệm giả dối…
Điều này càng cho thấy tác
giả không nghiên cứu kỹ về lịch sử cách mạng VN hay cố tình quên, nên mới có
cái nhìn chủ quan như vậy. Ra đời trước
giai cấp tư sản dân tộc, vừa mới lớn lên đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hệ
tư tưởng của giai cấp công nhân quốc tế, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, đã
sớm giác ngộ mục tiêu, lý tưởng, chân lý của thời đại: độc lập dân tộc và CNXH,
giai cấp công nhân VN luôn có tinh thần và bản chất cách mạng triệt để. Cách
mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân
tộc và là dấu mốc đưa giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm chủ đất nước,
nó đã chứng tỏ một sự thật rằng, vai trò lãnh đạo không thể thay thế của giai
cấp công nhân VN thông qua đội tiền phong của mình là ĐCS VN. Vì thế tại Đại
hội XII Công đoàn VN vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát
biểu quan trọng, ghi nhận những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân VN, đồng
thời tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân VN
trong giai đoạn mới.
Rõ ràng không thể phủ nhận về vai trò, vị thế của giai
cấp công nhân trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng
đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà thế giới luôn biến đổi, khoa học công nghệ liên tục phát
triển, tri thức ngày càng đổi mới và hiện đại nên sự thật đó luôn hiện hữu
trong lòng dân tộc. Cùng với mọi chủ thể và lực lượng trong xã hội, thì giai
cấp công nhân vẫn phải học tập, rèn luyện, tiếp cận với công nghệ mới, tri thức
mới, từ đó mới nâng cao năng suất lao động và làm chủ công nghệ, góp phần phát
triển kinh tế xã hội và đem lại sự thịnh vượng cho đất nước. Vì vậy
không nên quy chụp, cố tình phủ nhận hòng làm lu mờ vai trò của giai cấp công
nhân, nhằm mục đích nói xấu chế độ, nói xấu ĐCS, gây nghi ngờ, mất niềm tin
trong cộng đồng xã hội, cố ý gây chia rẽ trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến sự ổn
định xã hội và sự phát triển của đất nước.
Trịnh Thanh Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét