Dù sinh ra và lớn lên ở xứ người, nhưng hai từ “Việt Nam”, “Bác Hồ”
luôn in đậm trong trái tim của ông Đặng Văn Dũng, kiều bào Việt Nam ở Thái Lan.
Và mỗi khi nhắc đến hai tiếng “Bác Hồ”, ông Dũng lại nghẹn ngào không nói nên
lời.
Ông Đặng Văn Dũng kể lại những câu chuyện về Bác khi Người ở Thái
Lan.
|
Khi biết nói là biết
hai tiếng “Bác Hồ”
Thời kỳ Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Thái Lan (1928-1929), ngày đó
ông Dũng còn chưa ra đời. Thế nhưng ông vẫn thường được nghe những câu chuyện
cảm động về Bác qua lời kể của bà con kiều bào mỗi dịp gặp mặt. Đó là những câu
chuyện rất đời thường của vị Lãnh tụ kính yêu, người đã hy sinh cả cuộc đời vì
độc lập dân tộc.
Năm 1928, Bác hoạt động ở Bản Mạy (Làng Mới) thuộc tỉnh Nakhon
Phanom (vùng Đông Bắc Thái Lan). Bản này có nhiều bà con kiều bào sinh sống đã
nhiều đời nay, do đó vẫn giữ được những nét sinh hoạt cổ truyền của quê hương.
Trước khi rời bản, Bác có trồng kỷ niệm một cây dừa và một cây khế. Cây khế
ngày nay vẫn còn và trở thành địa điểm sinh hoạt của bà con kiều bào. Cứ vào
dịp lễ như ngày 19-5, ngày 2-9, Tết Nguyên đán, bà con sum họp tại đây, vừa kể
chuyện quê nhà vừa ôn lại những kỷ niệm thời ông Thầu Chín (tức Bác Hồ) còn
hoạt động nơi này. Đó là những câu chuyện Bác đi làm ruộng, Bác làm mộc như bất
cứ người dân Thái Lan nào, hay hình ảnh Người tích cực học tiếng Thái và tổ
chức các lớp học tiếng Việt cho trẻ em…
Những câu chuyện về Bác đã “nuôi lớn” ông Dũng và những người bạn
cùng trang lứa ở Thái Lan. Ông kể, khi ông bập bẹ nói được hai từ “ba, mẹ” là
cũng là lúc ông phát âm được hai tiếng “Bác Hồ”.
Đầu tháng 4 vừa qua, ông Dũng được vinh dự là kiều bào tiêu biểu về
nước tham dự Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2013 do Ủy ban Nhà nước về
người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức. Trong khuôn khổ chương
trình, Đoàn đã tới thăm Khu Di tích Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh
Cao Bằng). Vào thăm hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ ở, làm việc và trực tiếp chỉ đạo
phong trào cách mạng Việt Nam, ông Đặng Văn Dũng không giấu được sự xúc
động. Ông cứ xoa tay lên chiếc giường gỗ mộc mạc mà Bác từng nằm nghỉ năm xưa,
rồi khóc. Trong thâm tâm ông, ông nguyện mãi là người con yêu Tổ quốc để xứng
đáng với niềm tin của Bác đối với cộng đồng kiều bào ở nước ngoài.
Đoàn kiều bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương 2013 thăm hang Cốc Bó
|
Học tiếng Việt để về quê
Sinh ra và trưởng thành ở Thái Lan, ngoài vốn tiếng Việt tự học,
ông Đặng Văn Dũng còn có thêm tài "ứng khẩu thành thơ". Ông cũng
thuộc rất nhiều bài thơ và như để minh chứng điều đó, ông đọc một mạch cho
chúng tôi nghe bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu.
Ngược trở lại quá khứ, ông Dũng cho biết, trong thời kỳ kháng chiến
chống Mỹ, ngày ấy do quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan còn nhiều
điều chưa cởi mở nên việc học tiếng Việt của bà con kiều bào gặp không ít khó
khăn. “Vì vậy, ông bà và bố mẹ tôi đã có một quy định, đi đâu thì đi nhưng cứ
bước chân về nhà là phải nói tiếng Việt. Quy định này được giữ trong gia đình
tôi đến tận bây giờ. Ngoài ra, để học tiếng mẹ đẻ, tôi đã tự mua sách hoặc xin
sách báo từ trong nước gửi sang”.
Ông Dũng cho hay, đến giờ ông vẫn còn nhớ mãi một câu thơ của nhà
thơ Tố Hữu: “Quê hương ta một dải, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái". Vì
vậy, kể từ khi được nhập quốc tịch Việt Nam năm 2000, ông về nước thường xuyên
với mong muốn đi dọc Việt Nam để tìm hiểu về đất nước, về con người quê mình.
Bên cạnh đó, là Giám đốc một Công ty xây dựng ở Thái Lan, ông Dũng còn dẫn
nhiều Đoàn doanh nghiệp Thái về Việt Nam tìm cơ hội hợp tác và đầu tư. Ông nhận
thấy, người Việt Nam khi đi du lịch Thái Lan thường thích mua xoài
Thái, me Thái về làm quà. Do đó, ông dự định sẽ bàn bạc vấn đề này với một số
doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan để có thể đưa những
giống cây này sang trồng ở Cao Bằng. “Đó là những gì mà tôi có thể làm được để
góp phần xây dựng quê nhà ngày một giàu đẹp như mong muốn của Bác Hồ trước lúc
đi xa”, ông Dũng bày tỏ. Đây cũng chính là tấm lòng của hơn 4 triệu kiều bào
Việt Nam đang sinh sống ở mọi miền trên thế giới.
Bài và ảnh: Linh Oanh
Theo Báo Quân đội nhân dân
Kim Yến (st)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét