Qua gần 300 trang sách “Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên” bản
dịch ra tiếng Việt (NXB Chính trị Quốc gia), tác giả Daria Mishukova một lần
nữa muốn cho bạn đọc biết những suy nghĩ thẳng thắn cùng sự phân tích săc sảo,
thú vị khi nhìn nhận nét văn hóa, lối sống của người Việt, nhưng trên hết, vẫn
là tình cảm đáng trân trọng của một người nước ngoài dành cho đất nước và con
người Việt Nam.
Chính bởi vậy mà Giáo sư Hà Minh Đức đã viết trong lời giới thiệu
rằng, Daria Mishukova phải nỗ lực rất nhiều khi dịch từ nguyên bản tiếng Nga
sang tiếng Việt. Trải dài trên hàng ngàn cây số từ Bắc đến Nam, từ thành thị
đến miền quê, từ miền biển xanh đến vùng rừng núi nhiệt đới, người con gái nước
Nga đã đến nhiều nơi nghiên cứu, ghi chép và hòa đồng với cuộc sống ở địa
phương.
Daria Mishukova nghiên cứu văn hóa du lịch chuyên ngành thích hợp
với tuổi trẻ và đặc biệt trong quan hệ đang mở ra nhiều triển vọng về du lịch
Việt Nam của nhân dân Nga. Văn hóa là cội nguồn tinh thần, là bản sắc của một dân
tộc. Đi sâu vào tìm hiểu văn hóa Việt Nam là một điều hứng thú nhưng cũng đầy
thách thức. “Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên” là đóng góp rất đáng quý
của nhà Đông phương học, Việt Nam học Daria Mishukova...
Xuất bản “Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên” vào năm 2007 và
tái bản năm 2010, cuốn sách được nhìn nhận như một tác phẩm hay nhất về đất
nước Việt Nam viết bằng tiếng Nga trong giai đoạn hiện nay. Có sự khác biệt nào
giữa bản tiếng Nga và tiếng Việt lần này không, thưa chị?
- Hai bản không khác nhau nhiều lắm. Ngay khi bản tiếng Nga ra mắt,
sách đã được đón nhận rất nhiệt tình từ bạn đọc Nga đồng thời Ban Đối ngoại
UBND TP. Vladivostok còn coi đó là cầu nối giữa thành phố và VN, biểu tượng mới
cho tình hữu nghị đôi bên. Như lời ông Nikolai Ubushiev - Nguyên Tổng lãnh sự
Nga tại TP.HCM - nhận xét, cuốn sách có nhiều lời khuyên hữu ích cho du khách,
những ai đến VN lần đầu tiên và đã từng đến thăm đất nước này nhiều lần. Sách
cũng được ghi nhận bởi các chuyên gia người Nga từng sống và làm việc tại Việt
Nam nhiều năm.
Tôi có đôi chút chút ngạc nhiên khi được hỏi về những khó khăn
trong quá trình dịch sách. Hình như đó là một câu hỏi bắt buộc mà bất cứ nhà
báo nào cũng đặt ra thì phải? Trước hết nên định nghĩa khó khăn là gì? Theo
định nghĩa của tôi, hai từ “khó khăn” hay “vấn đề” được mọi người nói đến là
gặp hiện tượng gây đau đầu trong quá trình thực hiện một công việc nào đó.
Nhưng khi mọi vướng mắc được giải quyết thì tất cả những gì mình tạm gọi là…
khó khăn đều trở thành thách thức đã vượt qua và điều còn lại chính là ở kinh
nghiệm, vốn sống và kỷ niệm.
Tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng mà chỉ đơn giản nghĩ rằng, sách là
sự lựa chọn cho những ai có lòng tò mò muốn tiếp nhận thông tin thành kiến thức
riêng của mình một cách vui, đơn giản và dễ hiểu. “Việt Nam - Đất nước con Rồng
cháu Tiên” giới thiệu khá đầy đủ từ địa lý, thời tiết khí hậu, hành chính, kinh
tế đến bản sắc văn hóa dân tộc, danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam. Với
vốn kiến thức và sự hiểu biết về VN, việc đọc sách sẽ đem đến cho độc giả những
giây phút thư giãn dưới góc nhìn của cá nhân tôi, một người ngoại quốc sống
cũng khá lâu tại VN.
Có rất nhiều tác giả, nhà nghiên cứu viết về VN nhưng phạm vi văn
hóa của đất nước bạn vừa rộng lớn vừa hạn chế trong khuôn khổ đương nhiên của
nó, vì thế vấn đề ở đây không phải “viết về điều gì mới” mà quan trọng là “viết
như thế nào”?
Tuy nhiên theo cảm nhận của riêng tôi, bản dịch tiếng Việt mới chỉ
phản ánh cái đẹp của bản gốc ở mức độ tương đối thôi. Một số nét thú vị, khác
biệt cũng đã phai nhạt đi ít nhiều trong bản dịch lần này. Vì vậy, tôi có lời
khuyên dành cho bạn đọc, nếu được hãy đọc cuốn sách bằng tiếng Nga để có thể
cảm nhận đầy đủ hơn về cái hay, cái đẹp mà tác giả viết.
Có điểm nào chung cho văn hóa khu vực và riêng cho từng dân tộc
khiến chị say mê đến mức “đã dành cả tuổi trẻ của mình để đến với văn hóa Việt
Nam...”?
- Bất cứ hiện tượng văn hóa nào cũng đều giúp mở rộng thế giới
quan. Có cơ hội tìm hiểu kỹ, nhận biết càng sâu rộng về văn hóa Việt Nam thì sẽ
thấy nhiều nét hấp dẫn mà chưa thể nhận biết ngay lúc đầu. Điều tôi cảm thấy
vui mừng là đã không ngần ngại dành phần lớn tuổi trẻ của mình để tìm hiểu một
nền văn hóa mang nhiều yếu tố tâm linh, lịch sử như đất nước của các bạn.
Tuổi trẻ là mốc thời điểm tốt nhất của một đời người để tiếp thu
kiến thức. Những kiến thức từ việc học hỏi, nghiên cứu đã trở thành hiểu biết
của cá nhân nên tôi đã có ba cuốn sách viết về Việt Nam lần lượt được xuất bản
vào năm 2007, 2010 và 2013.
Nay tôi nhìn văn hóa và lịch sử Việt Nam thông qua “cửa sổ” tranh
vẽ minh họa trên tiền giấy Việt qua các thập niên thế kỷ XX. Góc nhìn này mang
lại sự khám phá mới mẻ, giúp tôi nghiên cứu và hoàn thành một cuốn sách nữa
mang tựa đề “Tiền Việt Nam qua các thời đại”.
Chị còn được biết đến là người tham gia tích cực các hoạt động xã
hội, trong đó có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển ngành du lịch khi
đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế?
- Khách quốc tế sang Việt Nam, đặc biệt là du khách đến từ nước Nga
có sự tăng trưởng cao trong suốt ba năm vừa qua, đó là điều đáng mừng. Một số
tập đoàn du lịch lớn của Nga đã đưa Việt Nam vào danh sách điểm đến cho sự đầu
tư, quảng bá rộng rãi và lâu dài như một sản phẩm du lịch nổi bật, chưa kể đến
rất nhiều chuyến bay liên tục trong ngày giữa Nga và Nha Trang cũng là điều
kiện thuận lợi thu hút du khách.
Có một điểm chắc chắn rằng, DLVN vẫn phải tiếp tục đối mặt trước
hàng loạt thách thức trong việc phát triển của ngành bởi còn có một số “tiểu
tiết” tưởng chừng nhỏ nhưng sức ảnh hưởng của nó lại không hề nhỏ chút nào, ví
dụ như môi trường ô nhiễm, giao thông nhộn nhạo, nạn giật túi ăn cắp, bán hàng
chênh giá… những hình ảnh không đẹp mắt này phần nào làm giảm ấn tượng chung về
một đất nước xanh - sạch - đẹp và nhiều thân thiện của DLVN.
Các công ty du lịch Nga thống kê, khách của họ thường chọn quay lại
nghỉ dưỡng tại Thổ Nhĩ Kỳ hay Thái Lan còn riêng với Việt Nam, rất tiếc khách
du lịch trở lại không nhiều. Mục tiêu thu hút du khách đã đạt được, bây giờ là
việc làm thế nào để “giữ khách quay lại Việt Nam” còn nằm ở sự quyết tâm thực
hiện của các cấp chính quyền, địa phương và nhất là việc nâng cao ý thức của
mỗi người dân.
Vậy còn chị, điều gì khiến chị lựa chọn sống và làm việc lâu dài
tại một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam (Phú Quốc)?
Hiện tôi đang đảm nhận chức vụ Giám đốc thương hiệu và marketing
Tập đoàn Long Beach Pearl kiêm Tổng quản lý Trung tâm nuôi cấy ngọc trai tại
Phú Quốc. Đây là một công việc phù hợp với sở thích cá nhân khi có được cơ hội
tìm hiểu về thế giới ngọc trai. Tôi thật sự bị lôi cuốn bởi những hạt ngọc trai
vô cùng đẹp đẽ, thơ mộng và mang nhiều ý nghĩa.
Hơi lạ một điều, người dân Việt Nam dường như không “mặn mà” lắm
cũng như ít khi thể hiện sự quan tâm đến ngọc trai, một “báu vật” vô giá mà
thiên nhiên ban tặng cho đất nước các bạn. Có lẽ tôi sẽ dành thời gian viết
thêm một cuốn sách nữa, nói về những giá trị của ngọc trai trong văn hóa Việt
nhằm tạo nên sự hứng khởi, niềm tự hào của người dân Việt Nam đối với sản phẩm
ngọc trai.
Xin cảm ơn chị!
Tác giả Daria Mishukova trong buổi giới thiệu sách tại Hà Nội. |
Năm 2001, Daria Mishukova bắt đầu giảng dạy về văn hóa, kinh tế và
tâm lý người Việt đồng thời từ năm 2005 đảm nhận chức Phó chủ nhiệm khoa Ngữ
văn các nước Đông Nam Á, trở thành người trẻ nhất nắm giữ chức vụ này tại
Trường ĐHTH QG Viễn Đông (TP.Vladivostok - LB Nga).
Năm 2009, Daria Mishukova chuyển sang làm việc trong lĩnh vực ngoại
thương - du lịch và nhận được nhiều giấy khen từ Sở VHTT&DL Bình
Thuận, Tổng cục Du lịch Việt Nam và kỷ niệm chương của Bộ VHTT&DLV cho
những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, phát triển ngành VHTT&DL của
Việt Nam.
Là
tác giả của hơn 50 bài viết nghiên cứu về ngôn ngữ học, văn hóa Việt Nam và văn
hóa Thái Lan đăng trên nhiều tạp chí bằng tiếng Việt, Nga và Anh. Ngoài 3 cuốn
sách viết về Việt Nam, Daria Mishukova còn giới thiệu cuốn sách mang tên “Thái
Lan: Đất nước cung đình và chùa chiền” vào năm 2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét