(VOV) - Giám đốc Trung tâm nghiên
cứu Việt Nam và ASEAN của Nga cho rằng, bài phát biểu của Thủ tướng Việt
Nam thu hút sự chú ý rất cao.
Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
tại Hội nghị cấp cao an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12, diễn ra
tại Singapore, tiếp tục nhận được sự quan tâm và ý kiến đánh giá của dư luận
quốc tế.
Phóng viên VOV thường trú tại Liên bang Nga đã phỏng vấn Phó
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt
Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga về nội dung
bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri - La |
PV: Thưa ông, Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 vừa diễn
ra tại Singapore, ông đánh giá thế nào về Hội nghị lần này?
Ông Vladimir Mazyrin: Đối thoại Shangri-La là một sự
kiện chính trị rất đáng quan tâm, nó có ý nghĩa rất quan trọng là một cơ chế để
bảo đảm an ninh và đối thoại giữa tất cả các quốc gia liên quan đến châu Á và
khu vực Đông Á này.
Tất nhiên, đây không phải là một diễn đàn duy nhất. Chúng
tôi biết còn có những cơ chế khác, diễn đàn khác của khu vực như ARF, ASEAN để
bàn về những vấn đề an ninh châu Á. Nhưng Đối thoại Shangri-La là một hình thức
rất có ý nghĩa.
PV: Với tư cách khách mời và diễn giả chính, Thủ tướng
Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại phiên khai mạc đề cập chính sách đối
ngoại và quốc phòng - an ninh của Việt Nam, đề xuất phương hướng xử lí các vấn
đề liên quan đến duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề an
ninh ở Biển Đông. Ông đánh giá thế nào về bài phát biểu này, cũng như những
sáng kiến của Việt Nam
trong xây dựng và bảo đảm an ninh khu vực?
Ông Vladimir Mazyrin: Bài phát biểu của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn đã tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại yêu
chuộng hòa bình và có trách nhiệm của Việt Nam . Chúng tôi cho rằng, Việt Nam có quan
điểm đúng đắn, khi coi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải được thảo luận
trên cơ sở đa phương, tức là vấn đề này cần được quốc tế hóa.
Một điểm nữa trong nội dung phát biểu khiến tôi quan tâm, đó
là Thủ tướng Việt Nam
đã hoàn toàn đúng đắn khi đề cập xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự của các
nước lớn trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định rằng ở khu vực
châu Á-Thái Bình Dương hiện nay hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực, đối
thoại giải quyết các bất đồng... đang là xu hướng chủ đạo. Việc đặt vấn đề này
là hoàn toàn đúng đắn.
Tôi muốn lưu ý đến một chi tiết, đó là trong bài phát biểu,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng: Việt Nam không phản đối sự can dự tích
cực của các nước lớn ngoài khu vực nhằm củng cố hợp tác vì hòa bình, an ninh và
phát triển. Bài phát biểu cũng khẳng định cần thiết phải lắng nghe các tiếng
nói đúng đắn của các nước nhỏ, càng lắng nghe các ý kiến khách quan của các
nước nhỏ thì càng có lợi.
Cá nhân tôi là nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng, xét về góc
độ kinh tế, Việt Nam không phải là nước nhỏ, mà là nước có nền kinh tế bậc
trung bình trên thế giới và có nhiều điều kiện để trở thành một nước có nền
kinh tế phát triển trong 10-20 năm tới. Ngày nay, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam đang tăng
lên trên trường quốc tế. Chính Hội nghị Shangri-La và bài phát biểu của Thủ tướng
Việt Nam vừa qua cũng đang
khẳng định điều này: ảnh hưởng của Việt Nam
ngày càng được củng cố và tiếng nói của Việt Nam đang được lắng nghe.
Nga là nước có quan hệ hữu nghị, truyền thống, đối tác chiến
lược toàn diện của Việt Nam nên Nga rất quan tâm đến các luận điểm được nêu
trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đó là, Việt Nam luôn mong muốn
cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác,
phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có
lợi.
Đồng thời, chúng tôi cũng thấy Việt Nam ủng hộ Nga tích cực
tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, tích cực tham gia vào các vấn đề của khu
vực, củng cố hơn nữa nền tảng cho một cấu trúc khu vực với ASEAN đóng vai trò
trung tâm. Có một điều mang tính nguyên tắc, là Việt Nam phản đối các âm mưu cũng như
các hành động trên thực tế nhằm chia rẽ ASEAN thành hai phe vì lợi ích của
riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn. Do đó, chúng tôi cho rằng quan
điểm của Việt Nam
về sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN là rất quan trọng đối với các nước thành
viên.
Một thông tin quan trọng nữa được Thủ tướng Việt Nam thông
báo tại Hội nghị này, đó là Việt Nam quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ
hòa bình của Liên Hợp Quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y,
quan sát viên quân sự.
Theo tôi ở đây có hai điều đáng quan tâm. Thứ nhất, điều này
cho thấy Việt Nam
đã thực sự trở thành một đối thủ đủ mạnh trên trường quốc tế trong tất cả các
hoạt động. Bởi vì không phải nước nào cũng đủ nguồn lực tài chính để tham gia
các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thứ hai, đây là một kênh
quảng bá quan trọng về Việt Nam
trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình quốc tế khi tham gia một cách bình đẳng
cùng các nước khác. Tôi chúc cho Việt Nam thành công trong các chiến dịch
quốc tế này.
PV: Sự tham gia của Thủ tướng Việt Nam vào Đối
thoại Shangri-La lần này thể hiện nỗ lực chung của ASEAN nhằm duy trì hòa bình
và an ninh ở Biển Đông. Cũng vì mục tiêu đó, tất cả các nước thành viên ASEAN
đều đã thống nhất sớm khởi động đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở
Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Ông nhận định thế nào về triển vọng khởi động
đàm phán và đi đến ký kết COC?
Ông Vladimir Mazyrin: Chúng tôi ủng hộ tiến trình đàm
phán để đi đến ký kết COC. Tôi lạc quan về tiến trình đàm phán này và hy vọng
nó sẽ hoàn thành. Điều quan trọng ở đây là cả Việt Nam và Nga đều chủ trương
kiên trì bảo vệ quyền và luật pháp quốc tế để tìm ra những giải pháp đúng đắn
phù hợp với Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Nếu không có Bộ quy tắc đó thì những vấn đề về an ninh trên
Biển Đông sẽ không thể giải quyết được. Bởi vậy, đây sẽ là cách tiếp cận phù
hợp nhất và cần thiết đối với các quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc.
Tôi muốn nhấn mạnh tới một nội dung được nêu trong phát biểu
của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ASEAN và các nước đối tác cần phải cùng
nhau tham gia tích cực xây dựng các cơ chế khả thi bảo đảm an ninh, an toàn, tự
do hàng hải trong khu vực. Đây là một quan điểm rất tích cực và đúng đắn.
Theo tôi, nếu có các sáng kiến, đề nghị, văn bản cụ thể về
hợp tác với ASEAN và Việt Nam theo hướng này chắc chắn Nga sẽ ủng hộ và tích
cực tham gia. Tôi cho rằng chúng ta đang đi đúng hướng để sớm có được giải pháp
cho vấn đề Biển Đông và điều cần là có được sự đồng thuận của các nước thành
viên ASEAN và như thế, theo lẽ tự nhiên sẽ có được sự ký kết của Trung Quốc vào
văn kiện chung đó để giải quyết những vấn đề hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Điệp Anh-Đoan Hải/VOV-Moscow
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét