Là một thành viên
tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn quan tâm
bảo vệ và phát triển quyền con người phù hợp với các Công ước quốc tế và điều
kiện của Việt Nam. Thành tựu đó là không thể phủ nhận.
Trước hết, Đảng
Cộng sản (ĐCS) Việt Nam, Nhà nước Việt Nam có quan điểm, tư tưởng đúng đắn,
tiến bộ, phù hợp với tinh thần Tuyên ngôn thế giới về quyền con người
(QCN) và thực tế đất nước. Đối với Cách mạng Việt Nam, QCN hay các
quyền và lợi ích của nhân dân được xem là bản chất của chế độ XHCN; lý tưởng,
mục tiêu đấu tranh của ĐCS Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp tư tưởng nhân
văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin (triệt để giải phóng con người) với đạo lý đầy
lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam (thương người như thể thương thân) để đề ra
mục tiêu, lý tưởng của toàn Đảng, toàn dân là phấn đấu giành độc lập dân tộc,
thống nhất, cả nước đi lên CNXH. Cương lĩnh của ĐCS Việt Nam năm 1991 xác định:
xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, con
người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh
phúc, có điều kiện phát triển toàn diện trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng
về quyền lợi và nghĩa vụ. Thực tiễn trong lịch sử dân tộc, người Việt Nam
luôn đấu tranh giành quyền được sống trong độc lập tự do (một nhân tố cơ bản
trong nhân quyền). Trải qua hàng ngàn năm dưới ách đô hộ tàn bạo của phong kiến
phương Bắc và hơn một trăm năm dưới ách xâm lược dã man của thực dân, đế quốc,
khái niệm QCN ở Việt Nam còn là một điều xa lạ, có chăng đó là quyền được
làm nô lệ! Lịch sử dân tộc chỉ ra rằng, QCN ở Việt Nam chỉ có được khi
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do ĐCS Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo
giành độc lập dân tộc, tự do với bản “Tuyên ngôn độc lập” nổi tiếng. Trong
đó, QCN được đặt lên hàng đầu và gắn liền với độc lập dân tộc, chủ quyền
quốc gia, chế độ xã hội do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam.
Các quyền công dân và QCN được tôn trọng và bảo đảm. Quan điểm và tư tưởng đó
được thể hiện trong cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và
hệ thống pháp luật quốc gia xuyên suốt các giai đoạn cách mạng từ khi dân tộc
ta giành được độc lập đến nay. Thực tế, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt con người
vào vị trí trung tâm của mọi chủ trương, đường lối, chính sách, coi con người
vừa là động lực, vừa là mục tiêu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Việc thúc đẩy và bảo vệ QCN là nhân tố quyết định đối với sự nghiệp đẩy mạnh
CNH,HĐH đất nước, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”.
Về xây xựng nhà
nước pháp quyền, hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật bảo đảm QCN ở Việt
Nam:“Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền” nêu rõ “Nhân quyền phải được pháp luật
bảo vệ”. Quán triệt tinh thần ấy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng
nhà nước pháp quyền, hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm
thực hiện và phát huy đầy đủ các QCN ở Việt Nam. Xuất phát từ bản chất của
Nhà nước ta là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, hoạt động vì con người,
bảo đảm và thực hiện QCN, ngay từ khi thành lập (năm 1945), Nhà nước Việt Nam
đã quan tâm đặc biệt về QCN. Điều đó được thể hiện nhất quán, ngày càng đầy
đủ trong Hiến pháp các năm: 1946, 1959, 1980 và năm 1992.
Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp năm 1992 càng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước
ta về QCN. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được Nhà nước quan tâm,
đáp ứng đầy đủ và kịp thời điều chỉnh, bổ sung theo xu thế phát triển của
xã hội. Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi năm 2013) đang trình Quốc hội khóa
XIII thông qua dành cả Chương II (từ Điều 14 đến Điều 49) quy định về “QCN,
quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong đó, cụ thể hóa đường lối, chính
sách mới của Đảng, Nhà nước, thể hiện chính xác hơn chức năng cơ bản của Hiến
pháp trong việc ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền công dân. Đồng thời, hiến
định một số nguyên tắc về QCN cụ thể trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà
Việt Nam là thành viên. Khoản 1, Điều 14 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2013
khẳng định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các QCN, quyền công dân về
chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng,
bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đến nay, hầu hết các quyền tự do
cơ bản của con người theo tinh thần của các Công ước quốc tế về QCN đã được
luật pháp hóa ở Việt Nam. Chỉ tính từ giữa năm 1992 (thời điểm Hiến pháp năm
1992 có hiệu lực) đến hết năm 2008, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã
ban hành 547 văn bản luật, pháp lệnh và nghị quyết quy định khá đầy đủ và toàn
diện về QCN trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã
hội,... cũng như cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền đó. Từ năm 2008 đến nay,
Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về QCN, liên quan đến
QCN. Vì thế, hệ thống pháp luật về QCN ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đảm
bảo cho người dân có đủ các quyền: tự do đi lại, tự do cư trú, tự do ngôn luận,
tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, bình đẳng giới, bất khả xâm phạm về chỗ ở; bảo
đảm bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín và quyền khiếu nại, tố cáo, bất
khả xâm phạm về thân thể, v.v.
Ngoài ra, còn rất
nhiều văn bản luật và dưới luật mang tính đặc thù nhằm chăm sóc, bảo vệ quyền
lợi cho các nhóm người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao
tuổi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam,... Dưới sự lãnh đạo của Đảng và
chỉ đạo của Nhà nước, những nhóm người đặc thù, yếu thế trong xã hội ở Việt Nam
còn được chăm sóc, bảo vệ thông qua các hoạt động của cộng đồng mang đậm
tính nhân văn sâu sắc. Đó là các hoạt động: đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nạn
nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin, ủng hộ người nghèo, người tàn tật, bệnh nhân
ung thư nghèo, nạn nhân thiên tai, bão lụt,... Các hoạt động này đã phát huy
cao độ truyền thống nhân nghĩa “lá lành đùm lá rách”, “người trong một nước
phải thương nhau cùng” của dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà
nước thực thi và bảo đảm QCN ở nước ta một cách hiệu quả, thiết thực.
Về hợp tác quốc tế
trong lĩnh vực QCN. Trong lĩnh vực này, Việt Nam cũng đạt được
nhiều thành tựu đáng khích lệ. Cùng với chính sách đa phương hóa, đa dạng
hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn và thực thi đầy đủ nghĩa
vụ được nêu trong các công ước quốc tế về nhân quyền; đồng thời, chủ trương
tích cực hợp tác, đối thoại nhân quyền với các nước và các tổ chức quốc tế. Bởi
vì, nhân quyền là cuộc đấu tranh lâu dài, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa,
không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết triệt để vấn đề này nếu không
có sự giúp đỡ, ủng hộ của các nước và các tổ chức quốc tế. Việt
Nam đã và đang tiến hành hợp tác, đối thoại nhân quyền với nhiều quốc gia và tổ
chức quốc tế, như: với Mỹ và EU,… Qua đó, tăng cường sự hiểu biết, giúp đỡ lẫn
nhau trên lĩnh vực QCN, giảm thiểu những hiểu lầm và căng thẳng không cần
thiết.
Về những thành tựu
nhân quyền nổi bật trên thực tế. Có thể nói những năm qua, các quan
điểm, tư tưởng đúng đắn, tiến bộ và hệ thống pháp luật về QCN của Việt Nam
ngày càng hoàn thiện, được triển khai thực hiện sâu rộng trong xã hội.
Người dân Việt Nam đã và đang được hưởng thụ QCN trên mọi lĩnh vực dân sự,
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo tinh thần các công ước quốc tế và
điều kiện cụ thể của Việt Nam. Các quyền cơ bản về chính trị luôn được đảm bảo,
chất lượng cuộc sống về vật chất, văn hóa, tinh thần và tâm linh,... ngày
càng tốt hơn. Việt Nam từ một nước nghèo đói, phải nhập khẩu lương thực, hiện
nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (khoảng 6-7 triệu
tấn/năm). Các năm gần đây, nhiều nền kinh tế, trong đó có cả các nền
kinh tế phát triển đang phải chịu sự tác động xấu của suy thoái kinh
tế toàn cầu, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng khá
(khoảng 5-6%/năm). Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp vào nhóm các
nước đang phát triển, có thu nhập bình quân đầu người vào loại trung bình trên
thế giới (năm 2012 bình quân đầu người đạt 1.600 USD). Đây có thể coi là
thành tựu nổi bật nhất, quan trọng nhất trong bảo đảm QCN ở Việt Nam, bởi lẽ
“có thực mới vực được đạo”. Việt Nam chẳng những đã tự đảm bảo lương thực mà
còn là thành viên tích cực đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Chỉ số
phát triển con người (HDI) theo tiêu chuẩn quốc tế công bố ngày 03-7-2013, Việt
Nam được xếp vào nhóm nước có tốc độ tăng cao trên thế giới. Từ năm 1980 đến
năm 2012, tuổi thọ trung bình người dân Việt Nam tăng từ 55,7 lên 75,4. Người
dân Việt Nam ngày càng có quyền tự hào là công dân của một quốc gia độc lập,
có chủ quyền; thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Liên hợp
quốc.
Thành tựu nhân
quyền của Việt Nam đã, đang được dư luận thế giới, trong đó có các cựu Đại sứ
Mỹ thừa nhận, đánh giá cao. Ông Peterson trong một cuộc phỏng vấn đã khẳng
định: “những tiến bộ về nhân quyền của Việt Nam trong 15 năm qua là rất quan
trọng”. Ông Michael W. Michalak tại buổi họp báo (ngày 06-01-2011) kết thúc
nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, khi đề cập đến vấn đề nhân quyền đã khẳng
định: “về lĩnh vực nhân quyền, chúng ta đã thấy những tiến bộ, những nét tích
cực từ phía Việt Nam...”. Mặc dầu vậy, chúng ta cũng thừa nhận và không
né tránh những thách thức, yếu kém về QCN còn tồn tại ở Việt Nam. Đi lên từ
một nước kém phát triển; từ đống tro tàn do chiến tranh xâm lược của ngoại bang
để lại, những thành tựu nhân quyền của gần 30 năm đổi mới là rất đáng quý,
đáng trân trọng cần gìn giữ và phát triển. Những thành tựu trên chỉ là bước đầu,
chặng đầu trên con đường tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”. Chừng ấy chưa đủ để chúng ta hài lòng. Vì, đâu đó cũng đang
còn những bất cập về QCN: giữa nội dung văn bản pháp luật với thực thi trên
thực tế vẫn còn khoảng cách; sự phân hóa giàu nghèo có khuynh hướng tăng lên;
tình trạng quan liêu, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống của một
bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; một số vi phạm quyền làm chủ và lợi ích
của nhân dân chưa được đẩy lùi,... Đặc biệt, hàng triệu nạn nhân chất độc da
cam/đi-ô-xin, nạn nhân bom mìn sau chiến tranh thực sự là những vấn đề nhức
nhối mà Việt Nam đang phải đối mặt. Dù thế nào thì những thành tựu trên cũng đủ
để khẳng định, không thể phủ nhận.
Những đánh giá sai
lệch về nhân quyền Việt Nam thường chỉ dựa trên lối tư duy sai lệch, cách nhìn
méo mó với những luận điệu cũ rích: khi một người có đạo, hay một người dân tộc
thiểu số vi phạm pháp luật bị xử lý theo luật pháp Việt Nam thì họ cho là
“đàn áp tôn giáo”, “đàn áp dân tộc thiểu số”, “Việt Nam vi phạm nhân quyền”.
Một kẻ lợi dụng mạng in-tơ-nét, viết blog xuyên tạc sự thật, tuyên truyền chống
phá chế độ, gây mất ổn định chính trị - xã hội, bị xử lý theo pháp luật thì
họ lu loa “Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận”,... Chung quy lại, cứ kẻ nào có
hành động chống phá chế độ, chính quyền nhân dân ở Việt Nam, vi phạm pháp luật
và bị xử lý theo pháp luật thì họ đều cất lên “bài ca nhàm chán” là “Việt
Nam vi phạm nhân quyền”. Vậy là họ chỉ quan tâm “quyền chống phá chế độ” nhằm
gây mất ổn định chính trị của một số ít người mà không đếm xỉa đến nhân quyền
thực sự của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam. Cách hành xử đó không chỉ là vô
nhân đạo mà còn là tội ác. Đặc biệt, những thế lực đã từng gây nên “thảm họa
nhân quyền” bằng chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, nay lại thường xuyên lên
giọng chỉ trích tình trạng nhân quyền ở Việt Nam “tồi tệ”, “xuống cấp” là hành
động phi lý và vô đạo đức. Điều đó chỉ càng chứng tỏ sự vô liêm sỉ của họ.
Cần khẳng định thêm
rằng, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam xử lý những người vi phạm
pháp luật Việt Nam, dù họ là ai, theo hoặc không theo tôn giáo nào, thuộc sắc
tộc nào, tầng lớp nào là việc làm bình thường của bất cứ nhà nước pháp quyền
nào trên thế giới. Căn cứ vào đó để vu cáo “Việt Nam vi phạm nhân quyền” hòng
phủ nhận thành tựu nhân quyền của Việt Nam là điều không thể chấp nhận được.
Vui mừng, chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn là thái độ cần có của những
người có lương tri trên thế giới.
TRUNG DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét