Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Việt Nam, một thành viên tích cực và trách nhiệm của UNESCO

Đại sứ Dương Văn Quảng: Chất lượng đóng góp của Việt Nam đã mang lại rất nhiều bài học quý báu về sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên UNESCO.
NDĐT - Ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ là thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO, ngày 19-11, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên của Ủy ban Di sản thế giới. UNESCO đánh giá cao các đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam với tư cách là thành viên Hội đồng Chấp hành khóa 2009-2013. Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp có cuộc phỏng vấn Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, sau khi Đại hội đồng UNESCO lần thứ 37 kết thúc.
PV: Xin Đại sứ đánh giá về kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Việt Nam là thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO?
Đại sứ Dương Văn Quảng: Việt Nam vừa kết thúc nhiệm kỳ Hội đồng Chấp hành, một trong ba cơ quan lãnh đạo của UNESCO gồm có 58 thành viên kéo dài bốn năm từ 2010 đến 2013. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tham gia Hội đồng Chấp hành, nhưng lần này chúng ta tham gia trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta tiến hành chiến lược hội nhập toàn diện và sâu rộng. Vì vậy việc tham gia Hội đồng Chấp hành lần này mang nhiều ý nghĩa. Chúng ta đã chủ động, tích cực hơn và vị thế tham gia cũng tốt hơn trong các hoạt động của Hội đồng Chấp hành.
Thứ nhất, về những vấn đề chính trị lớn, Việt Nam đều tham gia một cách tích cực và đúng với quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề đối ngoại cũng như vấn đề khu vực hay từng nước một.
Thứ hai, trong UNESCO có những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, vấn đề Syria, vấn đề kết nạp Palestine. Tất cả các vấn đề đó chúng ta đều bày tỏ quan điểm phù hợp và đúng với chính sách đối ngoại và thể hiện được lợi ích của Việt Nam trong UNESCO, nhưng đồng thời cũng đồng thuận với quan điểm của nhiều nước tiến bộ trong UNESCO.
Chúng ta tham gia tích cực, nhưng không phải như những người đứng ngoài cuộc, kể cả vấn đề nhạy cảm như nghị quyết của UNESCO về Syria hay vấn đề kết nạp Palestine. Chúng ta ứng xử theo nguyên tắc. Vì vậy, đối với những vấn đề nhạy cảm trong UNESCO, chúng ta cũng đã đáp ứng, thể hiện đúng quan điểm và đồng thời góp tiếng nói của mình để làm sao vừa xây dựng, giải quyết được vấn đề và tạo ra được vị thế tiếp tục góp phần xây dựng, củng cố UNESCO.
Trong nhiệm kỳ vừa qua có một vấn đề đáng chú ý là sau khi UNESCO kết nạp Palestine là một thành viên thì Mỹ, theo luật của họ, cắt tất cả những đóng góp cho UNESCO. Điều này đẩy UNESCO này rơi vào tình hình khó khăn, thậm chí có người nói đây là một cuộc khủng hoảng tài chính và cơ cấu trong UNESCO vì liên quan đến tài chính. Để giải quyết vấn đề này chúng ta phải hiểu được những khó khăn của UNESCO và quan điểm của Mỹ. Hưởng ứng lời kêu gọi của bà Tổng Thư ký Irina Bokova, Việt Nam cũng đã đóng góp hết khả năng của mình nhằm giúp UNESCO vượt qua cuộc khủng hoảng này. Cụ thể là chúng ta đóng niên liễm tự nguyện trước niên hạn của 2013-2014 để hỗ trợ những hoạt động của UNESCO, đặc biệt là hỗ trợ cải cách của bà Tổng Giám đốc.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam ủng hộ tích cực những cải cách của bà Bokova và chào mừng việc bà được tái bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của UNESCO. Chúng ta đã đẩy mạnh quan hệ về giáo dục, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và truyền thông với UNESCO theo nhịp độ mới, trên bình diện mới.
Một đóng góp tích cực nữa của Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua là chúng ta thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và UNESCO, thể hiện qua việc tích cực đóng góp ý kiến và vận động ban thư ký của ASEAN thúc giục các nước thành viên ASEAN chấp thuận dự thảo Hiệp định hợp tác khung giữa ASEAN và UNESCO. Văn bản này đã hoàn thiện và trình lên Hội đồng chấp hành thông qua và đệ trình lên Đại Hội đồng lần thứ 37 của UNESCO để ký thông qua. Hiện Ban Thư ký của UNESCO và ASEAN đang tính thời điểm thích hợp và hy vọng rằng vào tháng 12-2013 văn bản này được ký chính thức giữa Tổng thư ký ASEAN và Tổng Giám đốc UNESCO.
Tóm lại, bốn năm làm thành viên Hội đồng Chấp hành là một thành công của Việt Nam về ngoại giao đa phương. Trong thời gian này, Việt Nam học hỏi thêm, khẳng định tính đúng đắn của chiến lược hội nhập toàn diện của Đảng và Nhà nước ta và chứng tỏ ngoại giao của nước ta đã trưởng thành về mọi mặt, tham gia hoạt động ngoại giao đa phương tự tin hơn trong lĩnh vực quan điểm, chính sách, ngoại ngữ. Trong UNESCO không phải là ngoại giao chính trị thuần túy mà mang đậm nét về nội dung chuyên môn. Đó là văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục, truyền thông… Đó là đánh giá sơ bộ về bốn năm hoạt động của Việt Nam trong Hội đồng Chấp hành với cương vị là thành viên.
PV: Riêng năm 2013, chúng ta có một năm rất đặc biệt, đó là Đại hội đồng UNESCO lần thứ 37 đã ra Nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du và Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Di sản thế giới. Xin Đại sứ cho ý kiến đánh giá về hai sự kiện này?
Đại sứ Dương Văn Quảng: Có thể nói chúng ta kết thúc bốn năm tham gia Hội đồng chấp hành vào thời điểm cuối năm 2013 và trùng thời gian với Đại Hội đồng UNESCO lần thứ 37. Tại Đại hội đồng lần này, UNESCO đã ra Nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam cùng với nhiều danh nhân văn hóa khác trên thế giới. Đây là một vinh dự rất lớn bởi vì chúng ta đã có ba nhà văn hóa được UNESCO vinh danh gồm có Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nguyễn Du.
Hy vọng rằng trong các Đại Hội đồng lần tới chúng ta sẽ giới thiệu những hồ sơ khác để UNESCO vinh danh. Năm 2015, chúng ta sẽ tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du với nghị quyết này của UNESCO.
Sự kiện lớn liên quan đến Việt Nam là lần đầu tiên chúng ta được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới được thành lập trên cơ sở của Công ước 1972. Số lượng gồm 21 thành viên với nhiệm kỳ của mỗi thành viên là bốn năm. Bầu cử vào Ủy ban Di sản khác ở chỗ người ta không bỏ phiếu theo khu vực địa lý mà bỏ phiếu tổng thể cho tất cả số ghế đang khuyết cần phải bổ sung. Chính vì vậy mà bầu cử vào Ủy ban Di sản là cuộc bầu cử khó nhất của UNESCO và thường không kéo dài dưới ba vòng, có khi đến bảy vòng mới bầu được đủ.
Năm nay hơi đặc biệt. Với chúng ta là tin rất vui vì ngay từ vòng một đã bầu đủ 11 thành viên và Việt Nam nằm trong số đó. Ủy ban Di sản là cơ quan duy nhất mà trước đây chúng ta chưa từng tham gia. Như vậy, trúng cử vào ủy ban này chúng ta đã tham gia vào tất cả các cơ quan trọng nhất của UNESCO.
Đây là một thành công của ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là ngoại giao văn hóa. Đi kèm với vinh dự to lớn đó là trách nhiệm nặng nề vì ủy ban này làm nhiệm vụ quan trọng như tham gia việc đôn đốc thực hiện Công ước 1972 đối với 190 nước thành viên của công ước. Việt Nam cũng sẽ tham gia xét duyệt các hồ sơ di sản được tất cả các nước đệ trình lên Ủy ban Di sản (khoảng 40-60 hồ sơ mỗi năm) và phải đưa ra ý kiến. Việt Nam cũng sẽ phải suy nghĩ cách thức tham gia ủy ban sao cho hiệu quả, để phát huy được vị trí quan trọng mà chúng ta vừa được bầu chọn.
Trở thành một thành viên của ủy ban này thể hiện được uy tín, khả năng đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam. Tôi nghĩ đó là thành công của ngoại giao Việt Nam nhưng đồng thời trách nhiệm cũng nặng nề vì vậy chúng ta phải chuẩn bị về vấn đề này.
PV: Được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới, liệu chúng ta có đủ chuyên gia cần thiết để tham dự cùng các thành viên khác của Hội đồng Di sản?
Đại sứ Dương Văn Quảng: Đây là tin vui, là niềm vinh dự đối với Việt Nam, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Việc Việt Nam lần đầu tiên làm thành viên Ủy ban Di sản sẽ cho chúng ta cơ hội lớn để học hỏi, phát huy được nhiều điều. Việt Nam muốn phát huy hình ảnh thì phải vào các tổ chức chuyên môn, trong đó có Ủy ban Di sản.
Việt Nam đã được bầu là một trong 21 thành viên, như vậy chắc chắn và bắt buộc chúng ta phải tham gia. Hiện nay, UNESCO có nhiều công ước mà chúng ta đã là thành viên, ví dụ công ước 2003, 2005, 1970 là những công ước về văn hóa. Công ước 2005 là công ước đa dạng văn hóa, công ước 1970 liên quan đến chống buôn bán và đánh cắp các sản phẩm văn hóa. Chúng ta tham gia những công ước đó và được bầu vào ban chấp hành, hội đồng chủ tịch.
Riêng Công ước 1972, khó khăn của chúng ta là có 21 thành viên phải xem xét hồ sơ của các nước trình. Vì vậy chúng ta bắt buộc phải có người để tham gia. Yêu cầu cần thiết để các chuyên gia tham gia Ủy ban Di sản phải là một ê-kíp vì quyết định hồ sơ liên quan đến vấn đề chuyên môn và các vấn đề khác nữa. Người đứng đầu ê-kíp phải là chuyên gia về vấn đề văn hóa, đặc biệt là vấn đề di sản. Bên cạnh chuyên gia hàng đầu đó phải có người trợ giúp, chuyên gia đó ngoài vấn đề chuyên môn không chỉ trong nước thừa nhận mà quốc tế cũng phải thừa nhận. Điều quan trọng là tại Ủy ban này người ta chỉ sử dụng hai ngôn ngữ để làm việc là tiếng Anh và tiếng Pháp. Hai ngôn ngữ này phải sử dụng thành thạo chứ không phải chỉ đọc hiểu mà phải phát biểu, ứng khẩu, xem xét hồ sơ.
Mỗi hồ sơ di sản khi được xét đều trải qua rất nhiều quá trình xem xét của Ban thư ký xem hồ sơ có đáp ứng đúng yêu cầu, tiêu chí người ta đưa ra hay không sau đó chuyển cho các cơ quan thẩm định. Khi thẩm định xong người ta mới đánh giá, cho ý kiến, sau đó chuyển cho các nước thành viên. Nhóm thành viên này phải đọc, phát biểu đồng ý hay không đồng ý với đánh giá của các chuyên gia.
Bên cạnh việc không đồng ý có rất nhiều lý do mà chúng ta không loại trừ những lý do khác là chính trị và ngoại giao. Nhiều nước người ta cử luôn ông đại sứ am hiểu về văn hóa và đồng thời thông thạo về ngoại giao, chính trị để tham gia ủy ban này. Phía Việt Nam cần phải có quyết định nhanh về nhân sự và tài chính vì vào tháng 1 năm tới chúng ta phải tham gia hoạt động tại ủy ban này.
Ngoài nhiệm vụ xem xét hồ sơ, một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là phải thúc đẩy các nước, cho ý kiến về việc thực hiện Công ước 1972 và đồng thời đôn đốc các nước thực hiện mà trước hết là nước ta vì hiện có bảy di sản được công nhận.
Theo tôi, văn hóa phục vụ cho phát triển bền vững là cực kỳ quan trọng mà văn hóa ở đây chính là các di sản. Phát triển bền vững là vừa khai thác được di sản vừa bảo tồn và trùng tu di sản, đó là vấn đề khó đối với các nước phát triển.
PV: Xin Đại sứ chia sẻ cảm xúc trong mấy năm tham gia các hoạt động của UNESCO?
Đại sứ Dương Văn Quảng: Tôi rất hạnh phúc và sung sướng mỗi lần hồ sơ di sản của chúng ta được công nhận. Trong nhiệm kỳ của tôi có Hồ sơ Thành Nhà Hồ đệ trình và được ghi danh vào danh mục các di sản văn hóa thế giới. Cụ thể là di sản do con người tạo ra. Lần thứ hai là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ. Khi đó tôi vừa hồi hộp, vừa lo lắng, nhưng khi có được kết quả được công nhận, niềm vui sướng òa ra không chỉ với bản thân tôi mà tất cả mọi người. Trước khi di sản được công nhận bao giờ cũng mang tâm trạng lo lắng, nhưng khi hồ sơ di sản được công nhận thì niềm sung sướng dâng trào.
Cách đây ít hôm là khi Đại hội đồng lần thứ 19 của Công ước 1972 bầu Việt Nam vào Ủy ban Di sản thế giới. Trước đó tôi rất tin tưởng nhưng cũng phải xác định là khả năng trúng không cao và có khả năng phải bầu nhiều vòng. Tuy nhiên, ngay khi công bố kết quả vòng một Việt Nam đã trúng khiến cho chúng tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ bé vào thành công của ngoại giao văn hóa tại UNESCO.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ.
KHẢI HOÀN - ĐÌNH TUẤN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

1 nhận xét:

  1. Năm 2013 thực sự là một thành công của ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là ngoại giao văn hóa. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hơn nữa đây là lần đầu tiên chúng ta đứng trên cương vị này, vì vậy trách nhiệm là hết sức nặng nề; tuy nhiên với những gì chúng ta đã thể hiện, hẳn tất cả người Việt Nam chúng ta đều có thể cảm thấy tự hào.
    Mong rằng năm 2014 tới đây, Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa và ngày càng nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.

    Trả lờiXóa