Sự kiện Bình Thuận đang làm nóng dư luận, "công đầu" thuộc về báo chí
với sự kiểm soát quá yếu kém của Ban biên tập và các phóng viên thiếu
tâm và tầm.
Trước hết, chị đồng ý 2 điểm: (1). Cực chẳng đã, người dân mới phải làm
những điều chẳng mấy hay ho là bỏ công việc ruộng đồng để ra đường chặn
xe gây áp lực với chính quyền, mà thực chất là với doanh nghiệp để rồi
đã bị lợi dụng; (2). Chị cũng đồng ý với googletienlang rằng, "sự kiện
Bình Thuận trên thực tế đã bị thổi phồng bởi chính một số cơ quan báo
chí. Không hề có chuyện người dân đốt xe, đấp phá khách sạn như một số
trang báo điện tử đã đưa".
Cho đến ngày 17/4 vừa qua, người dân đã đồng ý không còn chiếm Quốc Lộ 1
A sau khi ban giám đốc nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân II cam kết là sẽ
không xả bụi tro than, gây ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng lên đời sống của
người dân trong vùng.
Từ cam kết này, có thể thấy, người dân ở đây phản kháng chính doanh
nghiệp gây ô nhiễm môi trường sống của họ chứ không phản kháng chính
quyền.
Về hình thức, nhiều người lầm tưởng là phản kháng chính quyền, nhưng
thực chất, họ phản đối doanh nghiệp và dùng chính quyền để gây sức ép.
Theo dõi nguồn cơn sự kiện, các bạn có thể thấy sự phản đối của người
dân đối với doanh nghiệp đã nhen nhóm từ rất lâu vì họ đã phải hứng chịu
những trận bão “bụi tro than” khủng khiếp từ bãi tro rộng hơn 64 hécta
từ hai tổ máy của nhà máy nhiệt điện thải ra. Bụi tro than đã làm cho
cây cối, hoa màu bị hư hại, nguồn nước bị ô nhiễm và quan trọng hơn là
phát sinh ra nhiều chứng bệnh về đường hô hấp.
Người dân, đặc biệt là nông dân thôn Vĩnh Phúc nằm sát bãi chứa bụi tro
than đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp và chính quyền can thiệp nhưng
không có kết quả.
Ông Nguyễn Duy đã nói với báo Pháp Luật: “Những khi có bão bụi tro,
người dân không ăn uống gì được, đồ ăn dọn ra là đóng bụi xám đen, rồi
thì không tắm được, không buôn bán hay làm bất cứ gì được”.
Và cuối cùng, điều gì đến sẽ phải đến, 4 giờ chiều ngày 14 tháng 4, vài
trăm nông dân tại thôn Vĩnh Phúc đã phải ra đường chặn xe để phản đối
ban quản lý nhà máy. Trước sự chây ì của doanh nghiệp, 9 giờ sáng ngày
15/4 đã có hàng ngàn nông dân thuộc hai huyện Tuy Phong và Thuận Nam
mang bàn ghế, cây, đá.. chắn ngang quốc lộ 1A, làm tắc nghẽn lưu thông
trên một đoạn đường dài 20 km khiến cho hàng trăm chiếc xe bị kẹt không
thể di chuyển.
Va chạm đã xảy ra khi lực lượng cảnh sát cơ động cố gắng giải tỏa giao
thông. Người dân quá khích đã dùng đến gạch đá, bom xăng tấn công lực
lượng cảnh sát cơ động. Từ đây, mâu thuẫn giữa người dân với doanh
nghiệp bị đổi hướng thành mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền.
Chỉ sau khi Giám đốc nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Đinh Văn Thanh cam
kết với người dân sẽ không vận chuyển tro than ra bãi trong vòng 10
ngày, đồng thời tiến hành việc tưới nước, che bạt bãi tro để không phát
tán bụi thì người dân mới dừng lại.
Ông cha có câu, "Già lừa ưa nặng" và nó thật đúng trong trường hợp này.
Thực ra, người dân sẽ không phải làm như thế nếu như từ những tháng
trước đó, nhà máy giải quyết tốt vấn đề này theo đúng cam kết ngay từ
đầu
Sẽ không có chuyện người dân đối đầu với chính quyền nếu như chính quyền
sử dụng công cụ pháp luật để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng cam
kết liên quan đến lợi ích của người dân.
Sẽ không có chuyện vụ việc bị thổi phồng hoặc bị các phần từ cơ hội
chính trị lợi dụng để lôi kéo người dân chống lại chính quyền nếu như
các cơ quan có thẩm quyền vì lợi ích của người dân mà kiểm soát sát sao
các hoạt động của doanh nghiệp.
Nên nhớ, vụ việc đơn thuần chỉ là xung đột lợi ích giữa người dân với
doanh nghiệp. Nhưng nếu giải quyết không tốt, mâu thuẫn này sẽ đổi hướng
sang chính quyền, và sẽ tạo điều kiện cho các thế lực thù địch có cơ
hội tập hợp quần chúng và tập dượt bạo động để lật đổ chính quyền.
Có lẽ, đây là những bài học lớn cho các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương trong việc quản lý doanh nghiệp và xã hội.
Hãy nghiêm túc nhìn lại mình trước khi đổ lỗi cho người khác!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét