Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Sự xuyên tạc đáng ghê tởm của báo chí Trung Quốc về cuộc chiến tranh 1979


Tờ Hoàn Cầu thời báo Trung Quốc trắng trợn tung clip tái hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 vẫn được truyền thông nước này gọi là: Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam.


Tờ báo theo quan điểm diều hâu của Trung Quốc viết: Năm 1979 đánh dấu cuộc chiến tranh quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi thành lập nước để chống lại sự xâm lược của Việt Nam.
Trong 20 ngày chiến đấu, quân đội Trung Quốc đã chiếm hơn 20 thành phố, thị trấn quan trọng của Việt Nam. Trung Quốc đã tuyên bố thắng lợi và rút quân khỏi Việt Nam trong 1 tháng.
Bản điện tử của Hoàn Cầu thời báo hôm 2/3 vừa qua còn tung cả clip được gọi là “Tái hiện cuộc chiến tranh tự vệ phản kích Việt Nam”.
Clip dài 15 phút sử dụng nhiều thước phim tư liệu và cả những cảnh phục dựng lại cuộc chiến phi nghĩa, man rợ, bất chấp luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc thời kỳ đó.
Dưới đây là những nội dung trong clip xuyên tạc lịch sử, hiếu chiến của Hoàn Cầu thời báo:
- Cùng với việc pháo binh nã đạn mạnh mẽ vào Việt Nam. Hai nhánh quân của chúng ta (quân đội Trung Quốc xâm lược) tấn công và đẩy lui quân đội Việt Nam ở cứ điểm Đồng Đăng.
- Trong khi đó, một cánh quân khác khi đang tiến công thì gặp phải trận địa mìn của Việt Nam. Thời gian quá cấp bách, dùng máy dò mìn không thể kịp nữa. Binh lính của chúng ta đã hết sức anh dũng, dùng chính cơ thể mình để dò mìn, giúp đội quân phía sau mở ra một con đường để tiến lên.
- Cánh quân xung kích tiếp tục mạnh mẽ xông tới, hết lần này đến lần khác dẹp bỏ những chướng ngại vật của quân đội Việt Nam, đến địa điểm được chỉ định sớm trước nửa tiếng so với kế hoạch.
- Cánh quân phía bên trái cũng anh dung vượt qua rào cản phòng ngự của quân đội Việt Nam, thọc sâu vào căn cứ ở hậu phương của quân địch (quân đội Việt Nam). Quân Việt Nam ở Đồng Đăng bị biến thành ba ba trong rọ, bị cắt đứt đường lui. Trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lâm vào cảnh mọc cánh cũng khó thoát.
- Lúc này, đội quân tiến công phía chính diện cũng phối hợp với lực lượng xe tăng tiến vào địa phận Việt Nam như gió mạnh xua tan mây, tiến sâu vào căn cứ địch. Lực lượng xe tăng cũng tấn công mãnh liệt, cùng với bộ binh nhanh chóng chiếm cứ các điểm cao quanh khu vực Đồng Đăng.
- Rạng sáng, ở khu vực Lào Cai, lực lượng công binh, biên phòng ùn ùn tiến quân qua sông.
- Bị thất thủ ở Đồng Đăng, số tàn quân của trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lui vào ẩn nấp trong các hang động. Số binh lính này dựa vào rừng sâu núi cao, điều kiện tự nhiên phức tạp để mưu đồ chống lại quân ta (quân xâm lược Trung Quốc). Tuy nhiên, quân đội ta đã dùng hỏa lực mạnh, lần lượt nhổ từng cứ điểm của quân Việt Nam.
- Quân đội ta đã phải chiến đấu với quân Việt Nam trong điều kiện vô cùng ác liệt. Có thể tưởng tượng mức độ gian khổ khi đó.
- Khi chiến tranh nổ ra, những khu vực có nước ở Việt Nam đều bị quân đội nước này thả thuốc độc vào. Nhiều khi, để giải quyết vấn đề nước uống, binh sĩ (Trung Quốc) đã phải hy sinh tính mạng của mình.
-Cùng thời điểm với bộ đội biên phòng ở Quảng Tây tấn công, bộ đội biên phòng Vân Nam cũng dũng mãnh vượt sông Hồng, đập tan phòng tuyến phòng ngự của quân Việt Nam.
- Phòng thủ ở huyện Cam Đường, Lào Cai là sư đoàn 316A của Việt Nam. Đơn vị này được trang bị hỏa lực do Liên Xô cung cấp. Khi quân Trung Quốc tiến công, phía Việt Nam tuyên bố sư đoàn này dư sức đập tan một sư đoàn chủ lực Trung Quốc. Thực hư sức mạnh sư đoàn này thế nào, phải đợi khi chiến đấu trực diện mới biết được.
- Quốc lộ 10 là con đường duy nhất để Việt Nam chi viện cho lực lượng phòng thủ Cam Đường. Cạnh con đường này có ngọn núi cao 500m. Ngày 21/2, sư đoàn 316A của Việt Nam đã cử một đơn vị tiên phong chiếm giữ điểm cao này.
Nơi này giúp quân đội Việt Nam tiến có thể giải vây cho Cam Đường, lui có thể phòng thủ cứ điểm cũ. Tuy nhiên, quân đội ta (Trung Quốc) đã tấn công mãnh liệt, chặt đứt yết hầu quân đối phương. Sư đoàn 316A của Việt Nam đã lâm vào cảnh hoảng loạn khi mất điểm cao này và tìm cách chiếm lại.
Cứ 20 phút một lần, sư đoàn này lại cho quân tấn công quân Trung Quốc. Tuy nhiên, hỏa tiễn Trung Quốc đã giáng trả những đòn mạnh mẽ vào trận địa phía Việt Nam khiến đối phương không thể tiến lui. Huyện Cam Đường mau chóng lọt vào tay quân đội Trung Quốc.
- Cái gọi là đơn vị Anh hùng của Việt Nam mau chóng bị quân đội Trung Quốc dọa cho trợn mắt há miệng. Thi thể lính Việt Nam chết trận phải dùng đến 17 xe tải mới chở hết.
- Ở cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, dựa vào địa thế rừng núi hiểm yếu, quân Việt Nam giăng sẵn vô số điểm mai phục dọc theo con đường duy nhất đi vào nơi này.
 
Xem thêm:













>> Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Ai nợ ai?


Lực lượng trinh sát Trung Quốc phát hiện đối phương có hệ thống phòng ngự mạnh dọc theo con đường duy nhất từ Chi Ma vào Lạng Sơn. Tuy nhiên, ngọn núi Mẫu Sơn cao 1.500km so với mặt nước biển nằm ở phía sau Chi Ma được bố trí phòng ngự yếu hơn nhiều.
- Chỉ huy quân đội Trung Quốc quyết đoán tấn công từ ngọn núi này, nơi mà Việt Nam không ngờ nhất. Một trung đoàn quân Trung Quốc đã rất vất vả chọc qua tuyến phòng thủ ở Mẫu Sơn, thọc sâu vào 16km trong một đêm. Sau 12 tiếng chiến đấu, quân Trung Quốc đã qua được tuyến phòng thủ Mẫu Sơn. Sau đó, quân đội ta (Trung Quốc) đã chiếm được cửa khẩu Chi Ma.
- Mất đi Chi Ma và Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình biến thành một tòa thành cô độc, bị lọt vào tay quân Trung Quốc, trong khi phía Việt Nam không thể chi viện cho nơi này.
- Quân ta hợp quân cùng những cánh quân khác và thêm một đơn vị đặc công bắt đầu tiến công Lạng Sơn, nơi phòng thủ trọng yếu của Việt Nam với một sư đoàn trấn giữ tại đây. Ngày 27/7, tổng cộng 9 sư đoàn quân ta phối hợp với xe tăng và pháo binh tấn công mãnh liệt Lạng Sơn và cứ điểm Lộc Bình.
- Đến ngày 2/3, quân ta chiếm được phía bắc của Lạng Sơn, tiêu diệt sư đoàn quân chủ lực thứ 3 của quân đội Việt Nam và tiêu diệt cả trung đoàn công an vũ trang số 17 của nước này.
- Ngày 4/3, pháo binh không ngừng nã đạn mạnh mẽ, cùng với bộ binh tấn công mãnh liệt vào Lạng Sơn, lần lượt chiếm trụ sở chính quyền tỉnh Lạng Sơn, ga xe lửa. Đến 14h40 ngày 5/3, quân ta tuyên bố thắng lợi ở Lạng Sơn.
- Tân Hoa Xã ra tuyên bố khẳng định chính phủ Trung Quốc từ ngày 15/3 đã cho rút quân về nước.
- Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam. Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2173 lính đầu hàng; thu giữ 916 khẩu pháo các loại; 16.000 súng, hỏa tiễn; 236 xe ô tô. Quân ta cũng phá hủy nhiều pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thu được thắng lợi huy hoàng.
- Ngày 16/3/1979, toàn bộ lính biên phòng Trung Quốc rút về nước. Chính phủ Trung Quốc cũng giữ lời, không hề lấy một phân đất của Việt Nam, không để lại một binh một lính ở Việt Nam. Điều này cho thấy Trung Quốc tiến hành chiến tranh phản kích tự vệ chỉ vì bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ an toàn của người dân Trung Quốc, hoàn toàn chỉ là để bảo vệ sự tôn nghiêm của tổ quốc.
Clip này được cho là của Đài phát thanh truyền hình tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc thực hiện.
Clip này và nhiều bài báo khác của Trung Quốc thời gian qua chỉ miêu tả chi tiết việc quân đội Trung Quốc xâm lược Việt Nam nguỵ biện cho hành động phi nghĩa, man rợ, bất chấp luật pháp quốc tế này.
Điều rõ ràng, hiển nhiên có thể thấy đây là những nội dung xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật về cuộc chiến tàn ác, phi nghĩa xâm lược Việt Nam năm 1979.
Theo VTC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét