Mẫu câu phổ biến nhất tôi vẫn
hay nghe là: “Ở Việt Nam thì…”, “Người Việt thì…”. Người ta than phiền
từ hệ thống chính trị, y tế, chuyện tham nhũng, giao thông, ô nhiễm… cho
đến chuyện chó chuyện mèo – trên cơ sở so sánh với một quốc gia phát
triển nào đó.
Bài viết của blogger Mít Đặc
Từ 6 tháng nay, tin tức tôi đọc chủ yếu
là dòng thời sự được cập nhật qua… Facebook. Thật vô cùng sinh động vì ở
đây, mình thấy rất rõ cái gì đang khiến người ta giận dữ, cãi cọ, buồn
sầu.
Nhân dịp tình hình đang rất sôi sục vì “bức tâm thư” (>> Suy ngẫm trước tâm thư của người Nhật gửi Việt Nam) được
cho là của một người Nhật gửi Việt Nam, tôi nhớ vài chuyện thú vị trong
mối tương quan người Việt – người nước ngoài này. Đây chỉ là những câu
chuyện dọc đường đi, và chắc chắn không đủ khái quát để đưa ra kết luận.
1. Du khách nước ngoài và Việt Nam
Trên đường, tôi gặp vài bạn du khách đã
từng đến Việt Nam và có ấn tượng vô cùng xấu về nước tôi. Xấu đến mức họ
liên tục nói về Việt Nam như một kinh nghiệm rất tệ. Chẳng hạn như:
- Đánh giày: mời chào 2 đồng, đánh giày xong đòi 4 đồng –> kết luận: đồ lừa lọc ranh con!
- Đi thuyền: người phụ nữ chèo thuyền
suốt dọc đường cứ kể lể gia cảnh. Lúc kết thúc chuyến đi, bạn du khách
đưa tiền tip và cô chèo thuyền trề môi ra hiệu là ít quá –> kết luận:
đồ vô lễ!
- Trên phố: chèo kéo đến mức níu chân níu tay, cãi cọ –> kết luận: quá lằng nhằng!!
Tôi (và chắc bạn cũng vậy) hoàn toàn có thể hình dung được những sự việc mà các bạn du khách ấy kể.
Nhưng tôi cũng gặp một số bạn rất thích
Việt Nam. Thích theo kiểu “trời, cà phê ở đó là ngon nhất quả đất”, hay
“bún bò, ngày nào tui cũng ăn bún bò”. Hoặc như David bạn tôi, ông hỏi
đường và được chị bán cơm tấm lấy xe máy chở đến tận nơi. Hoặc như Glyn
bạn tôi, ông đến Việt Nam cả chục lần, có bạn bè thân quý là những người
bán dạo ở khu Đề Thám.
Trải nghiệm tốt hay xấu về Việt Nam –
khó có thể nói bên nào nhiều hơn, vì những gì nghe được rốt cục cũng chỉ
là kinh nghiệm cá nhân của tôi. Nhưng có một điều là khi nghe một người
nước ngoài bảo rằng đất nước tôi quá tệ hoặc quá tuyệt, trước hết tôi
phải nhìn xem người đó là ai đã.
Thật ra với tư cách là một du khách, tôi
cho rằng mình chỉ tiếp xúc với một bề mặt rất nhỏ của đất nước đó. Một
xã hội luôn phức tạp và đa chiều hơn rất nhiều so với những gì mà một du
khách có thể nhìn thấy.
Tôi cũng gặp vài chuyện bực mình ở vài
đất nước. Nhưng đơn giản là bạn không thể đến Ấn Độ với niềm hy vọng sẽ
nhìn thấy một đất nước sạch sẽ ngăn nắp như Singapore, người dân cư xử
lễ nghĩa như Nhật Bản, và thức ăn thì hợp khẩu vị như ở nhà mình. Ấn Độ
là Ấn Độ, bạn có thể thích hoặc không thích, nhưng khó có thể đòi hỏi
đất nước đó phải thay đổi cho phù hợp với niềm mong mỏi của bạn.
Sông Hằng thiêng liêng của người Ấn,
nơi diễn ra hầu như mọi hoạt động của một đời người: cầu nguyện, uống
nước thiêng, tắm gội, giặt giũ, hoả thiêu người chết… Ấn Độ là một xứ sở
rất khác biệt.
Ngay lần đầu đặt chân đến Mexico,
tôi đã được lái taxi ở sân bay “chào mừng” bằng một cú lừa: đưa địa chỉ
và hỏi giá, anh bảo 200 peso. Trèo lên xe chạy được một đoạn, anh ra
hiệu bảo 400 peso. Nhưng Mexico vẫn là một đất nước xinh đẹp và đầy thú
vị.
2. Người Việt mình và nước Việt mình
Mẫu câu phổ biến nhất tôi vẫn hay nghe
là: “Ở Việt Nam thì…”, “Người Việt thì…”. Người ta than phiền từ hệ
thống chính trị, y tế, chuyện tham nhũng, giao thông, ô nhiễm… cho đến
chuyện chó chuyện mèo – trên cơ sở so sánh với một quốc gia phát triển
nào đó.
“Ở Mĩ thì…”, “ở châu Âu thì…”. Có một
nghịch lý là những người than phiền nhiều nhất thường là những người
hưởng nhiều lợi ích hơn trong xã hội. Họ được học hành tử tế (có khi do
chính hệ thống chính trị mà họ than phiền đài thọ cho đi học), có công
ăn việc làm tốt đẹp, có cơ hội đi đó đây để nhìn thấy Mĩ hay châu Âu ra
sao. Còn những người thực sự nghèo khổ thì đang phải vật lộn đâu đó kiếm
cơm, thay vì ngồi than phiền trên Facebook.
Nhưng than phiền có lẽ là thói xấu chung
của loài người chứ không chỉ riêng người Việt. Tôi đã nghe những người
Canada, Mĩ và Anh mỗi khi nhắc về đất nước mình thì luôn đi kèm với
những phát biểu đầy bất bình về chính phủ, luật pháp, thuế, người nhập
cư…
Đúng là có những đất nước giàu có hơn,
văn minh hơn, hệ thống an sinh xã hội tốt hơn so với những nước khác.
Nhưng với một người hay than phiền, thì có lẽ không nơi nào trên trái
đất này đủ tốt để sinh sống.
Có một câu chuyện tôi đọc được từ blog, thấy rất đáng để nghĩ.
Người kể là một anh hay đi lại, tôi biết
anh ấy do lúc trước thường theo dõi một diễn đàn du lịch. Anh kể chuyện
gặp một cặp vợ chồng già người Việt đi thăm con ở nước ngoài, đang rối
rắm tại sân bay với mớ hành lý phải đóng tiền quá cước lên đến cả ngàn
đô la. Các cụ không biết tiếng Anh, và dĩ nhiên cũng không biết những
phép tắc đi lại. Các cụ cãi cọ ầm ĩ (bằng tiếng Việt), gây chút ít tắc
nghẽn ở quầy check-in. Vì cùng là người Việt, nên anh bước ra làm phiên
dịch cho các cụ và nhân viên sân bay, rồi tự nhiên lại trở thành người
giúp các cụ tháo dỡ và đóng gói lại mớ hành lý theo hướng dẫn của sân
bay để giảm tiền quá cước. Trong lúc đó, những người Việt xung quanh chỉ
đứng nhìn, còn hai cụ thì khi xong việc cũng không cảm ơn. Nhưng kết
thúc câu chuyện, anh viết rằng có lẽ hàng không Việt Nam nên có một buổi
hướng dẫn những người lớn tuổi – những người lần đầu ra nước ngoài để
họ biết phải làm gì và không nên làm gì.
Dĩ nhiên hàng không Việt Nam chắc không
đọc câu chuyện anh viết. Nhưng tôi nghĩ thái độ và hành động của anh bạn
đó đáng trân trọng hơn nhiều so với việc chỉ nhìn sự việc và lặp lại
mẫu câu “Ở Việt Nam thì…” và “Người Việt thì…”.
VN đã giải quyết được bài toán nan giải mà nhiều nước trên thế giới vấp phải. Đó là: vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sự ổn định, bình đẳng cho các thành viên trong xã hội trong một nền kinh tế vẫn còn chưa phát triển cao, có điểm xuất phát từ một nước tiểu nông, chịu ảnh hưởng hưởng nhiều của tư tưởng phương Đông trọng nam khinh nữ. Có thể thấy, có được những điều này là do con người luôn được coi là mục tiêu của phát triển, của các đường lối, chính sách, định hướng phát triển của ĐCS với tư cách Đảng lãnh đạo. Theo UNDP, chỉ trong vòng hai thập kỷ qua, chỉ số phát triển con người VN tăng 41% và trong Tóm tắt Báo cáo phát triển con người năm 2013 của UNDP , chỉ số phát triển con người của VN là 0,617 - thuộc thứ hạng trung bình, cùng nhóm thứ hạng trung bình như các nước Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,… Nếu so sánh mức thu nhập của VN với các nước có chỉ số phát triển con người ở mức trung bình, có thể thấy, những quốc gia này có nền kinh tế, thu nhập đầu người cao hơn VN. Điều đó chứng tỏ mức độ ưu tiên phát triển con người, tính ưu việt của mô hình chủ nghĩa xã hội mà VN đang hướng tới.
Trả lờiXóa