Thời gian gần đây, mỗi khi có
những sự kiện trọng đại của đất nước hoặc các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo
Đảng, Nhà nước ta, trên một số trang mạng, blog lại rộ lên thông tin liên quan
đến chính sách đối ngoại của Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội
tung lên mạng những bài viết mập mờ theo lối “rộng đường dư luận”, cùng thông
tin bịa đặt, xuyên tạc để đánh lừa dư luận và gây hoang mang trong xã hội. Những
kiểu bình luận, suy diễn, bịa đặt như: những phát biểu của các nhà lãnh đạo
tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vừa qua “không có giá trị thực tiễn” và chính
sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam “đang đứng trước một trong hai lựa
chọn là theo Mỹ hay theo Trung Quốc”; rằng, Việt Nam muốn liên minh
quân sự, lôi kéo nhân tố quốc tế để đối phó với nước thứ ba, v.v. Bằng thủ đoạn đưa thông tin lập lờ “đen-trắng” lẫn lộn, các thế
lực thù địch kích thích trí tò mò của công chúng, làm cho người đọc không phân
biệt được đúng sai, nảy sinh nghi ngờ, mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước. Đồng
thời, họ cố tình xuyên tạc, bóp méo thông tin, phục vụ cho mưu đồ
chính trị của một số tổ chức, một số nhóm người không có thiện cảm với Việt Nam,
để nói xấu Việt Nam nhằm chia rẽ quan hệ của Việt Nam với các nước.
Tung ra những luận
điệu đó, họ đã cố tình phớt lờ Điều 12 Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định rõ: “Nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa
bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ
động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình
đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và
thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc,
góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội
trên thế giới”. Quan điểm thực hiện
nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị của Việt Nam
dựa trên tư duy mới về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phù hợp với
xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Điều này thể hiện sự
kiên định của dân tộc Việt Nam trong việc giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội trên nguyên tắc Việt Nam muốn “là bạn, là đối tác tin cậy” của
các quốc gia dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển,
bản sắc văn hóa, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào
công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi.
Còn
nhớ, bối cảnh đất nước ta những năm đầu thế kỷ XX, dưới chế độ thực dân, phong
kiến, đất nước bị xâm lăng, người dân sống vô cùng cơ cực, lầm than dưới sự áp
bức, nô dịch của kẻ thù; bởi vậy, mong muốn lớn nhất của nhân dân ta là đất nước
độc lập, nhân dân tự do, được làm chủ vận mệnh của mình.
Song, để có điều đó chúng ta không thể ngồi yên chờ đợi hoặc trông mong sự “giúp
đỡ” của người khác. Hơn ai hết nhân dân ta hiểu rõ “đem sức ta mà giải phóng cho
ta”, bằng con đường riêng của mình. Đó là đường lối kháng chiến độc lập, tự
chủ, tự lực, tự cường của Đảng ta, sự lựa chọn duy nhất đúng của nhân dân ta
không chỉ trong thời điểm, tình thế đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, trong
suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn xuyên suốt sự nghiệp cách mạng
Việt Nam. Thực tiễn lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh:
tinh thần độc lập, tự chủ là nhân tố cốt lõi đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi
thử thách cam go để chiến thắng các thế lực xâm lược, phá tan mọi mưu đồ đồng
hóa của ngoại bang,… bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển của đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng độc lập, tự chủ đã trở thành “sợi
chỉ đỏ” xuyên suốt và định hình các hoạt động đối ngoại từ khi lập quốc đến nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi
công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Người còn dạy: “Cái
gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao
của ta là tự lực cánh sinh”. Bởi lẽ, giữ vững độc lập, tự chủ vừa là đường lối,
vừa là nguyên tắc bất biến để chúng ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia, dân
tộc của mình. Đó chính là kết tinh của sự nghiệp đối ngoại thời đại Hồ Chí
Minh.
Độc
lập là quyền của các dân tộc, nhưng việc thực hiện nó tùy thuộc ở mức độ rất
lớn vào năng lực tự chủ của từng dân tộc. Chúng ta thấy rõ việc giành độc lập
đã khó, nhưng giữ độc lập, tự chủ còn khó hơn nhiều. Nhưng trong suốt chiều dài
lịch sử 72 năm qua, trước những biến đổi của thời cuộc và sự chênh lệch tương
quan lực lượng giữa Việt Nam và các nước khác, việc chúng ta đã bảo vệ được các
lợi ích quốc gia, dân tộc của mình chính là nhờ sự kiên trì theo đuổi mục tiêu
và nguyên tắc độc lập, tự chủ. Đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố quyết định
là đường lối độc lập, tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của
Đảng ta. Hoạt động ngoại giao trong các chặng đường lịch sử đầy thử
thách như giai đoạn 1945-1946, Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, Hội nghị Pa-ri năm
1973, là những thí dụ sinh động nhất.
Trong
thời kỳ đổi mới, vận dụng sáng tạo quan điểm độc lập, tự chủ trong bối cảnh
mới, Việt Nam đã thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối
ngoại, tránh phụ thuộc vào bất cứ nước lớn hay nhóm nước nào. Việt Nam chủ động
lựa chọn tham gia các cơ chế, diễn đàn khu vực và toàn cầu để vừa thích ứng với
các trào lưu, xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ một cách tốt nhất các lợi
ích quốc gia, dân tộc thông qua các quyết sách lớn về đối ngoại như bình thường
hóa quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới
(WTO), tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP),
v.v. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác
và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội
nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng
đồng quốc tế, hiện nay Việt Nam đã quan
hệ với trên 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 05/05 nước thường trực Hội
đồng bảo an Liên hợp quốc. Đặc biệt, năm APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam chính
thức kép lại nhưng dư âm về một diễn đàn năng động, đầy sức sống và trách nhiệm
cũng như một Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng, chủ động, tích cực hội
nhập quốc tế và giàu lòng mến khách vẫn tiếp tục lan tỏa rộng khắp. APEC 2017
được tổ chức thành công càng củng cố hình ảnh, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường
quốc tế.
Sự thực đó là minh chứng thuyết phục nhất, sự bác
bỏ hùng hồn nhất đối với những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc lố bịch!
Còn những ý kiến cho rằng, Việt Nam
muốn liên minh quân sự, lôi kéo nhân tố quốc tế để đối phó với nước thứ ba. Thực
chất là gì?
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng
minh tính chất hòa bình, tự vệ và chính nghĩa của liên minh quân sự,
liên minh chiến đấu, đồng thời khẳng định liên minh quân sự, liên minh chiến
đấu là một trong những phương thức bảo vệ Tổ quốc vào thời điểm nhất
định. Từ khi đất nước hòa bình, thống nhất đến nay, Việt Nam nhất quán thực
hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quốc phòng Việt Nam luôn gắn
bó mật thiết với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát
triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ
động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Theo đó, tất
cả những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập, mở rộng quan hệ
hữu nghị, hợp tác bình đẳng và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực đều là
đối tác hợp tác quốc phòng của Việt Nam. Thông qua các mối quan hệ đối ngoại,
Việt Nam tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau với nhân dân và chính
phủ các nước, tạo cơ sở mở rộng hợp tác, giải quyết các mâu thuẫn nhằm ngăn
chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn
định trong khu vực và trên thế giới. Thực hiện chính sách quốc phòng độc lập,
tự chủ, Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng bằng mọi nguồn lực của đất nước;
kiên trì chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không liên
kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự
hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam chủ
trương tăng cường hợp tác quốc phòng với mọi quốc gia để tăng cường khả năng
bảo vệ đất nước. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ
thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần
thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau,
các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích
chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Sức
mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sức mạnh tổng hợp quốc gia về
chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
trong đó, sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt, kết hợp sức mạnh dân tộc với
sức mạnh thời đại, kết hợp quân sự, kinh tế, chính trị với ngoại giao. Sức mạnh
bên trong của đất nước, sức mạnh của chế độ chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng
và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định. Chỉ có
kiên trì thực hiện đường lối và “chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ” chúng
ta mới có thể phát huy hết được sức mạnh dân tộc, tận dụng và khai thác triệt
để sức mạnh của thời đại trong đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã
hội. Quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam
là rất rõ ràng. Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn kiên trì phương châm là
bạn với tất cả các nước, đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở độc lập tự chủ
và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Mục đích của Việt Nam là tạo được lợi ích
chung với các nước, đó là: duy trì hòa bình, ổn định cùng phát triển. Việt Nam
đã nhiều lần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Việt Nam không bao
giờ liên minh, liên kết với một nước khác để chống lại nước thứ ba, không đi
với nước này để chống nước kia. Vì vậy, nếu ai đó cho rằng, Việt Nam cần
liên minh quân sự là trái ngược với tinh thần nói trên, nhằm chia rẽ sức mạnh
đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta; chia rẽ
Đảng với nhân dân, Đảng với lực lượng vũ trang; chia rẽ quan hệ Việt Nam với
các nước. Âm mưu của họ là lái Việt Nam chệch khỏi đường lối độc lập,
tự chủ trong thực hiện chính sách quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong đấu
tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phục vụ cho những mưu đồ nham hiểm.
Phiếm đàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét