Tờ The New York Observer dẫn lời tác giả Mikhail Klikushin rằng, nền kinh tế Ukraine đã rơi vào cuộc khủng hoảng nặng nề, và giới thượng lưu Kiev đã lâm vào trạng thái choáng váng trong cơn hấp hối. Ukraine đã nhận thức được rằng, họ gần như không có gì để cung cấp cho thế giới.
Với trạng thái hiện tại của ngành công nghiệp, Ukraine phải mất nhiều năm dài mới vực dậy được nền kinh tế ngang với lúc trước khủng hoảng. Còn để mức sống của người dân được nâng lên tiêu chuẩn cao của châu Âu thì Kiev còn phải đi trên con đường vô vàn chông gai.
Một ví dụ điển hình về sự suy sụp của nền kinh tế Ukraine là ngay cả sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của nước này là muối (loại muối được sử dụng ở châu Âu để làm sạch các tuyến đường khỏi tuyết và bùn vào mùa đông) được coi là quá “bẩn”, vì hàm lượng khoáng quá cao.
Theo đánh giá của quan sát viên tờ “The New York Observer”, trong lĩnh vực tài chính tình hình cũng rất đáng thất vọng.
Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Ukraine chỉ còn gần 10 tỷ USD, trong khi đó, tổng số nợ nước ngoài (của nhà nước và tư nhân) đã lên đến khoảng 200 tỷ USD (chiếm khoảng 110,5% GDP).
Hiện nay, mỗi người dân Ukraine nợ các tổ chức tài chính quốc tế 3.200 USD cộng thêm 350 USD cho các khoản tín dụng thu được trong năm nay. Trong đó, những người về hưu với thu nhập hàng tháng gần 43 USD là tầng lớp có điều kiện sống ngang với mức “vất vưởng”.
So với hai năm trước đây, mức lương trung bình ở Ukraine là 500 USD mỗi tháng, mà khi đó giá cả hàng hóa thấp hơn hai lần. Kiev công bố mức trượt giá giả tạo 35%, trong bối cảnh lương giảm đi gần 10 lần là đã quá khổ, nhưng trên thực tế, tỷ lệ trượt giá là 272%, cao nhất trên thế giới – thì nhân dân sống bằng gì?
Tác giả Michael Klikushin viết tiếp, thêm vào đó, nếu Kiev không thuyết phục được các đối tác quốc tế cung cấp một khoản vay mới trị giá 1 tỷ USD và thêm 300 triệu USD để mua khí đốt và than đá, thì người dân Ukraine lại có thể đối mặt mùa đông “tê cóng”….
Vì thế, không ngẫu nhiên mà Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk thường sử dụng từ “Kamikaze” khi nói về bản thân…
Dân đói khổ nhưng chính khách “khỏi phải lo”
Nhà phân tích Mỹ nhận xét rằng, trong khi đó, không phải mọi người Ukraine đều phải sống trong cảnh thắt lưng buộc bụng.
Ví dụ, những chính khách “ngoại nhập” của Ukraine như tân thống đốc Odessa Mikhail Saakashvili tuyên bố công khai rằng, những người nộp thuế ở Mỹ tài trợ cho lối sống xa hoa của ông, còn Bộ trưởng Tài chính Natalia Yaresko xuất hiện trên màn hình tivi với đầy vàng đeo trên người.
Và bản thân Tổng thống Poroshenko là một nhà tỷ phú trước khi lên nắm quyền, và ông ngày càng giàu thêm nhờ việc… đất nước lâm vào khủng hoảng.
Sau một năm nắm quyền, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã giàu lên gấp 8 lần. Vào năm 2013, thu nhập của ông được kê khai là 51 triệu hryvna (2 triệu USD) thì con số được công bố của năm 2014 là 369 triệu hryvnia (hơn 17 triệu USD).
Sau một năm làm tổng thống, ông Poroshenko đã mở thêm hàng loạt chi nhánh và cửa hàng mới, ví dụ như hãng sản xuất bánh kẹo Roshen vừa có thêm 20 cửa hàng mới trong năm qua…, giúp vị Tổng thống giữ vững vị trí trong top 5 người giàu nhất Ukraine, với khối tài sản ước tính vào khoảng 1,3 tỷ USD.
Tác giả Mỹ viết, giới chức Kiev đã tìm được một phương án duy nhất giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng là đòi toà án quốc tế buộc Nga trả cho Ukraine 100 tỷ USD về “sự thôn tính Crimea”. Điều này đã nhận được sự ủng hộ của cả Thủ tướng Yatsenyuk và cựu quyền Tổng thống Ukraine Aleksandr Turchynov.
Ngoài ra, Thủ tướng Yatsenyuk cũng không che giấu sự bất bình với khối lượng quá nhỏ của của các gói hỗ trợ tài chính.
Phương Tây đã hứa sẽ cấp cho Kiev 25 tỷ USD trong vòng bốn năm. Trong khi đó, nước Hy Lạp với dân số ít hơn bốn lần so với Ukraine đã nhận được 300 tỷ USD và họ vẫn yêu cầu cấp thêm nữa!
Tác giả thốt lên một cách đầy mỉa mai: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng đối xử công bằng với ông Yatsenyuk”.
Ông Michael Klikushin lưu ý rằng, người ta đã đưa ra rất nhiều hứa hẹn với các chính trị gia dân chủ ở Kiev. Song, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã nói rất rõ về triển vọng của Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương, bà Nuland cho biết: “Phép lạ không hề có” và “tốt nhất là tháo bỏ nhanh lớp băng trên vết thương, dù đau nhưng vẫn tốt hơn tháo bỏ dần dần”. Tuy nhiên, chính trị gia Nuland không nói rõ, quá trình điều trị sẽ kéo dài bao lâu.
Vừa qua, Ukraine thông báo nước này sẽ tăng cường chi tiêu quân sự trong năm 2016, tiếp tục đà tăng 3 năm liên tiếp. Ngày 17-7, Verkhovna Rada (quốc hội nước này) đã nhất trí tăng thêm 5,299 tỷ grivna (tương đương 240,3 triệu USD) cho ngân sách quân sự năm 2016.
Số tiền này sẽ dùng để “tăng cường quân đội, đẩy nhanh tiến độ trang bị và tái trang bị vũ khí, thiết bị quân sự mới nhất” cho lực lượng tham gia Khu vực hoạt động chống khủng bố (ATO – Anti Terrorist Operation) chống lực lượng ly khai ở vùng Donbass.
Được biết, Ukraine đã tăng gấp 4 lần chi tiêu cho vũ khí và trang thiết bị quân sự trong năm 2015, nâng mức chi tiêu quốc phòng từ 1,25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm ngoái lên 5,2% GDP trong năm 2015 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP của nước này năm 2014 là 177,4 tỷ USD).
Theo thừa nhận của Thủ tướng nước này là ông Arseniy Yatsenyuk ngày 29-5 vừa qua, mỗi ngày Kiev chi cho “cuộc chiến chống khủng bố” từ 5-7 triệu USD. Trong khi đó, các khoản vay của nước ngoài đều nghiêm cấm việc sử dụng chúng vào mục đích quân sự.
Nhận xét: Ngoài nền kinh tế sụp đổ và tham nhũng lan tràn, một vấn đề nữa của Ukraine là chủ nghĩa phát-xít đang phát triển mạnh. Hiện trạng của Ukraine và sự khác biệt so với Crimea, bán đảo đã biểu quyết trở về với Nga ngay sau cuộc đảo chính ở Kiev, cho thấy rõ những gì quá trình “dân chủ” kiểu phương Tây mang lại: Chỉ có sự hoang tàn, hủy diệt và chết chóc.
Tác giả: Nhật Nam
Nguồn: Báo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét