Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

NÊN ĐẶT SỰ KIỆN TẾT MẬU THÂN NĂM 1968 VÀO MỤC TIÊU THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC ĐỂ BÌNH XÉT




                                                                                   Jiny Tuấn

Nghẹ mẹ tôi kể, tôi được sinh ra vào thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968 tại quê hương Quảng Trị của Việt Nam. Trong ký ức ba mẹ tôi, đây là cái Tết rất đặc biệt của gia đình và của đất nước Việt Nam. Ký ức đó cứ kéo dài theo thời gian gắn với tuổi đời của tôi. Nghĩa là tôi có bao nhiêu tuổi đời thì sự kiện ấy lùi vào quá khứ bấy nhiêu năm. Mặc dù gia đình tôi hiện nay không định cư ở Việt Nam, nhưng có lẽ vì ngấm quá sâu lời mẹ kể về thời khắc tôi được chào đời, nên đến mỗi lần sinh nhật, tôi lại tìm hiểu sự kiện này với một ý nghĩa tìm về quá khứ của quê hương, hình dung lại cơn đau của mẹ trong cơn đau của đất nước có chiến tranh.
Năm nay, ở Việt Nam kỷ niệm 50 năm Xuân Mậu Thân, còn gia đình tôi ở nước ngoài xa quê hương thì chúc mừng sinh nhật lần thứ 50 của tôi với bao câu chuyện, ôn lại một thời khói lửa chiến tranh. Để chuẩn bị cho sinh nhật sắp tới, tôi có ý tưởng viết một bài thật xúc động kể cho mọi người dự buổi sinh nhật suy tư, hiểu thêm về chiến tranh và cảm thương mẹ tôi trong thời khắc sinh ra tôi: súng nổ ngoài trời - con đạp trong dạ. Để có thêm tư liệu viết bài, tôi lên mạng tìm đọc, thấy nhiều bài viết đánh giá khác nhau về Tết Mậu Thân, nhưng có thể tựu trung vào 2 góc cạnh đánh giá:  (1) Ca ngời sự kiện, tự hào về một quyết định sáng suốt của những người cộng sản, vì nhờ quyết định này mà làm thay đổi bước ngoặt của cuộc chiến tranh Việt Nam, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để rồi sau đó ký kết hiệp định Pari năm 1973. (2) Cho rằng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là sai lầm, chỉ là làm đau thêm nồi da nấu thịt và thảm sát tại Huế; từ đó tố cáo tội ác của Bắc Việt Nam, tức là của những người đi theo cộng sản lúc bấy giờ. Thậm chí, có người còn cho đây là sự kiện hoàn toàn thất bại, là tôi ác, là sự điên cuồng của cộng sản.
Đáng chú ý là một số bài viết đăng ở Danlambao như: “Những người lính Bắc Việt bị xiềng vào súng trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân” của tác giả Trần Quốc Việt; “Đón xuân này nhớ xuân xưa” của Ngọc Trương; “50 năm Tội ác Mậu Thân Huế” của Đinh Tấn Lực;Tại sao đổi lịch tết Mậu Thân?” của Trần Gia Phụng; “50 năm - Mậu Tuất (2018) uất nghẹn Mậu Thân (1968)” của Lê Thiên; “Những hố chôn người trong cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế” của Cao Đắc Tuấn; “Cuộc tấn công Mậu Thân 1968 trong hoàn cảnh chính trị lịch sử thế giới” của Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm… Tuy các bài viết đó phân tích nhiều khía cạnh, cũng có chỗ có lý, nhưng tôi có cảm nhận đang nhầm lẫn lịch sử, hoặc là đang nhìn ở một góc độ không khách quan, thậm chí nhiều chỗ sai sự thật, dễ gây kích động hận thù.
Tôi phải nói trước, tôi không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, cũng không có kinh nghiệm viết lách, càng không phải là người cố chấp quá khứ. Tôi chỉ là một luật sư tầm trung, gia đình tôi không có hận thù gì với lực lượng nào cả. Nhưng tôi tìm hiểu nhiều tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh và có cả tiếng Trung viết về Xuân Mậu Thân (tất nhiên là tôi không thể đọc hết tất cả các bài viết), không phải là cảm nhận chủ quan, tôi xin làm người đứng ngoài cuộc (không phải là Việt Nam cộng hòa, cũng không phải là Cộng sản miền Bắc) để bàn luận vài ý, nếu có gì chưa thật sự chuẩn chỉ, mong bạn đọc góp ý cho tôi.
Thứ nhất, từ khi Nguyễn Ái Quốc xác định đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga để cứu nước, cứu dân cũng để đảm bảo giá trị ngàn đời là giành độc lập dân tộc, thoát khỏi ách thống trị, áp bức của ngoại xâm, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cách mạng tháng 8-1945 thắng lợi đã cho ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng vì sau đó thực dân Pháp quay lại xâm lược, buộc dân tộc Việt Nam phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ độc lập. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp bại trận, nhưng các thế lực phản động vì chống lại mục tiêu thống nhất đất nước, nên cấu kết với bên ngoại để phá vỡ Hiệp định Giơnevơ, bác bỏ cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam dự kiến vào tháng 7-1956.
Khi đó, chính quyền Ngô Đình Diệm có sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ tìm cách cản lại con đường thống nhất đất nước Việt Nam, phá bỏ Hiệp định Geneve. Cho nên, Mỹ viện trợ, thúc đẩy Ngô Đình Diệm thành lập một chính quyền, bầu ra Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp, biến miền Nam Việt Nam thành điểm chống cộng mạnh mẽ, chia cắt Việt Nam. Âm mưu ấy của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc Việt Nam, phản lại giá trị chính đáng mà nhân dân Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, bảo vệ từ bấy lâu. Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân đánh dẹp các thế lực đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc là việc làm chính đáng, phù hợp nguyện vọng lòng dân, đảm bảo mục tiêu cách mạng đặt ra từ đầu thế kỷ XX. Do đó, với những ai biết yêu hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam thì sẽ thấy được vì sao cộng sản miền Bắc lãnh đọa nhân dân thống nhất đất nước.
Thứ hai, trên thực tế, lực lượng cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo không chủ động gây chiến, cũng không hề khiêu khích, không tạo ra mâu thuẩn để dẫn đến cái gọi là “nội chiến huynh đệ tương tàn”, càng chưa bao giờ đem quân đi đánh Hoa Kỳ. Vậy tại sao Hoa Kỳ lại đem quân đến đánh Việt Nam! Mọi sự việc không xảy ra nếu không có nhận thức và hành động của những con người đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc, rồi còn dựa vào thực dân ngoại quốc, kéo kẻ thù về dày xéo nhân dân mình, cản lại con đường thống nhất Tổ quốc. Với đế quốc Mỹ, không chỉ viện trợ, chu cấp mọi mặt cho chính quyền Ngô Đình Diệm để thực hiện mưu đồ chống cộng mà còn đưa quân đội Mỹ và quân các nước chư hầu trực tiếp sang chiến trường Việt Nam, gây nên cảnh đổ máu tang thương, làm cho tình hình ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng mà hậu quả của nó đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Vì thế, không phải như tác giả của danlambao nhầm lẫn đã viết rằng: “Khi cầm quyền ở Bắc Việt Namm từ tháng 10-1954, đảng Lao Động lo ổn định tình hình, cải cách công thương nghiệp, tổ chức công tư hợp doanh ở thành phố, cải cách ruộng đất ở nông thôn, quốc hữu hóa toàn bộ sinh hoạt kinh tế và làm chủ tuyệt đối Bắc Việt Nam. Sau đó, cộng sản nhìn về phương Nam, dự tính xâm lăng Nam Việt Nam, bành trướng chủ nghĩa cộng sản”. Chỉ cần đặt một câu hỏi là: việc gì miềm bắc lại đi xâm lược đất nước của mình, một phần máu thịt của dân tộc mình?
Thứ ba, việc nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng chỉ là sự kiện trong hành trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà lịch sử đặt trọng trách lên vai những người cộng sản miền Bắc. Từ tiếng súng mở màn Tết Mậu Thân 1968, các đợt tổng tiến công và nổi dậy tiếp theo trong năm 1968 làm cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị phá sản, buộc phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari từ năm 1968. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, nếu không có Mậu Thân 1968, sẽ không có đàm phán tại Pari để đi đến ký kết hiệp định đình chiến năm 1973 và sau đó kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam vào Xuân 1975, đất nước Việt Nam được thống nhất như ngày nay.
Bởi vậy, sự kiện Mậu Thân 1968 cuốn hút nhiều học giả, nhà sử học trên thế giới nghiên cứu, lý giải; được hệ thống báo chí nhiều nước vào cuộc, đưa thông tin lan tỏa nhanh chóng khắp thế giới, thu hút sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, trở thành chủ đề nóng của báo chí và dư luận quốc tế; tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh ở Mỹ đòi kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam; gây chấn động dữ dội trọng dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Nhà bình luận Mỹ B.Ridgway ví cuộc tấn công Tết Mậu Thân với trận Waterloo năm 1815, có người so sánh với trận Trân Châu Cảng năm 1941. Nhà sử học Mỹ G. Kolko nêu trong tác phẩm Giải phẩu một cuộc chiến tranh: Với Mậu Thân 1968, Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh ngoài nước đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1882, gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, nội bộ sâu sắc và một cuộc phân hóa về chính trị. Những bất ngờ thực sự mà cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 không phải là việc đối phương mở cuộc tiến công lớn mà là mở một lúc nhiều trận tiến công mãnh liệt . Bộ trưởng Quốc phòng R.Mc. Namara cho rằng, cuộc chiến ở Việt Nam như một cái thùng không đáy, dù Mỹ gửi bao nhiêu quân sang thì đối phương vẫn có thể đáp trả.
Từ đó, Tết trở thành nỗi ám ảnh, bàng hoàng đối với nhiều người Mỹ, ngụy. Diễn viên Dick Hughes là một trong 16 triệu thanh niên Mỹ đốt thẻ và chống lệnh quân dịch kể về ám ảnh của Mậu Thân 1968: Cuộc chiến tranh này luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Trên tivi, chúng tôi luôn nhìn thấy những trận đánh, những xác người chết và những gì đang diễn ra thật khủng khiếp tại Việt Nam. Tôi quyết định mình phải làm một điều gì đó cho Việt Nam. Thế là tôi đến Việt Nam làm công tác xã hội. Sự thất bại nặng nề liên tiếp ở Việt Nam làm cho lực lượng và địa vị của Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng. Năm 1969, R.Nixon lên làm Tổng thống phải đưa ra học thuyết mới nhằm điều chỉnh lại chiến lược, chủ trương sẵn sàng thương lượng nếu thấy có lợi cho Mỹ. 
Thứ tư, trong cuộc tiến công Xuân Mậu Thân 1968 Việt cộng không đạt được đầy đủ mục tiêu đặt ra và bị tổn thất nhiều lực lượng, thậm chí là không tránh khỏi một số vấn đề sau này phải rút ra bài học, đặc biệt là nhầm lẫn dẫn đến làm chết chóc nhiều người ở Huế năm 1968. Nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một sự cố xẩy ra trong chiến tranh, chứ không phải là chủ mưu của Việt cộng. Vì đời nào, lại đi tàn sát người dân tộc mình như một số tác giả đã nói.
Vì vậy, cũng không nên như tác giả Ngọc Trương (danlambao) đánh giá: “Tàn sát ở miền Trung, nhất là ở Huế là tội ác của Hồ Chí Minh và bè lũ Hà Nội không thể che giấu được”.50 năm sau, hồ sơ Tội Ác Diệt Chủng Mậu Thân Huế vẫn chưa thể xếp lại...”. Càng không phải như Vũ Đông Hà (danlambao) kết luận: “50 mươi năm trôi qua. Những thân xác đầu bị đập vở, cổ bị cắt đứt bởi búa liềm đã trở về với cát bụi... Tập đoàn cộng sản Ba Đình từ đời trước đến đời sau không chỉ là tội đồ đối với người sống mà còn đối với người chết. Hồ Chí Minh và đám con cháu của hắn không những chỉ sát hại những người dân xứ Huế và đồng bào miền Nam mà còn liên tục bắn vào linh hồn của họ bằng những viên đạn vô luân, bất lương, khốn nạn khi mỗi độ xuân về.” Càng không thể vội vàng như tác giả Phạm Trần (danlambao) viết: “Vì vậy, dù có mồm loa mép giải đến đâu thì 50 năm sau thảm họa Mậu Thân, người Cộng sản vẫn không thể xóa đi tội ác họ đã gây ra cho nhân dân miền Nam, vì những dòng máu oan khiên của hàng ngàn đồng bào vẫn chưa khô trên thành phố Huế”.
Lịch sử đã diễn ra, không làm lại được. Nhưng con người nhận thức về lịch sử thì không hoàn toàn giống nhau khi đứng trên lập trường, quan điểm, lợi ích và mục đích khác nhau. Tôi cũng chỉ là hậu thế, không phải là người trực tiếp tham gia vào sự kiện Mậu Thân 1968, nên cũng không đủ thực tiễn để nói hết ngọn nguồn. Tôi chỉ mong chúng ta không nên vì động cơ nào đó để xuyên tạc quá khứ, bóng gió chửi bới người đang sống mà phải đặt sự kiện này trong mục tiêu thống nhất dân tộc Việt Nam thì mới có thể đánh giá về nó được.
Québec, Canada, 2/2/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét