Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Nút ấn - nhấn nút - đột phá đi lên!



Cũng như tôi, nhiều người Việt luôn hướng về quê hương. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, tuy nhiên chúng tôi đều mong muốn đất nước ngày một giàu mạnh. Và nhiều người trong chúng tôi đã trở về làm ăn, đầu tư phát triển kinh tế và tham gia một số dự án lớn tại quê nhà. Hiện nay, cơ chế chính sách cũng cởi mở hơn, mời gọi nhiều nhà đầu tư quốc tế đến VN, đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi đối với một số địa bàn và tập đoàn lớn.
Là một người con dân Việt, tôi luôn hướng về Tổ quốc với biết bao niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp của đất nước, bởi sau những cuộc trường chinh có được nền độc lập tự do, người dân ta bước vào xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh trong điều kiện vô cùng khó khăn. Rồi chúng tôi phải xa quê làm ăn và dõi theo sự đổi mới của quê hương. Được thấy qua từng giai đoạn, kinh tế khá dần lên, Tôi thấy vui mừng và cho rằng, Chính phủ VN đã rất cố gắng xây dựng kinh tế xã hội và chăm lo cuộc sống cho người dân.
Trên thực tế, cũng như các quốc gia khác, VN có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, có vị trí địa lý rất quan trọng, lại liền kề với một nước lớn là Trung Quốc luôn tham vọng làm bá chủ, và tìm cách thôn tính VN trong hàng nghìn năm lịch sử. Với cả chiều dài đất nước tiếp giáp Biển Đông, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước thèm muốn thôn tính VN.
Thời gian gần đây, trên nhiều trang báo đều đưa tin về việc quá nhiều người dân Trung Quốc sang mua đất, nhất là vùng ven biển của VN; nhiều khu du lịch hầu như toàn người Trung Quốc, rồi cả nhóm người mặc áo hình lưỡi bò ngang nhiên đi du lịch vào VN. Quả thực nhiều người thấy lo ngại vì nếu không cảnh giác thì đây cũng là kiểu mưa dầm thấm lâu, họ sẽ lợi dụng chính sách để gom đất, biến đất của chúng ta thành khu riêng của họ, tác động ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ, gây lo ngại cho người dân.
Hiện nay, một số cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của VN cũng đang được đưa lên nghị trường để bàn bạc, quyết định. Thông tin về Kỳ họp thứ 5 Quốc Hội VN khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội sẽ thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đây là nội dung đang được dư luận hết sức quan tâm. Trong nhiều ngày qua, ở đâu cũng bình luận, bàn tán với nhiều góc độ khác nhau, đến anh xe ôm, chị bán rau ở chợ cũng nhiệt tình tham gia, có một số ý kiến và câu hỏi cho rằng tại sao phải xây dựng đặc khu hành chính kinh tế? những lắng ấy cũng là điều dễ hiểu, vì chúng ta là người VN.
Nhưng chúng ta cũng phải thật bình tĩnh, trước những vấn đề lớn của đất nước, nhất là quy hoạch và xây dựng đặc khu kinh tế, trên thực tế nhiều nước đã làm và làm thành công, trở thành hình mẫu phát triển mới năng động, sáng tạo từ những đặc khu như thế. Tôi tin rằng từ những kinh nghiệm của những nước đi trước sẽ giúp cho chúng ta nhiều bài học lớn về phát triển đặc khu kinh tế. Một vấn đề nữa, chắc chắn vấn đề này được Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của các bộ, ngành nghiên cứu, khảo nghiệm kỹ lưỡng, dựa trên những căn cứ thực tiễn xác đáng, phù hợp và yêu cầu cấp thiết của tình hình thực tiễn và đưa ra mô hình phù hợp với VN để trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến. Đồng thời còn phải xem xét các khía cạnh để đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia của Tổ quốc.
Trở lại nhiều năm trước, ai cũng mong ước làm sao để đất nước mình giàu có, dân mình hết nghèo khó, mọi người đều ấm no, hạnh phúc, con trẻ được đến trường, được thỏa sức học hành, sáng tạo, cùng sánh với bạn bè 5 châu. Về thăm quê tôi mới thấy mơ ước ấy đã thành hiện thực. Nhìn vào những thành quả kinh tế, xã hội hiện nay mà Đảng cộng sản VN, Chính phủ VN đã làm được, tôi đã thấy được những quyết tâm của Chính quyền từ cơ sở đến Trung ương muốn đưa VN thành nước công nghiệp phát triển. Theo đó cần mạnh dạn, có những đột phá và các cơ chế đặc thù, nhất là quan tâm đến những vùng có lợi thế, với quan điểm vừa làm, vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm.
Từ những năm đầu của thế kỷ 21, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị mới,... được thành lập và hoạt động; cũng có những tên gọi nhưng chưa thấy phát huy hết tiềm năng sẵn có. Sau hàng chục năm, những khu công nghiệp, kinh tế mở này đã phát huy được hiệu quả, nhưng thực sự đạt được yêu cầu như mục tiêu đề ra, và đến lúc VN cần một mô hình thực sự mang lại hiệu quả cho kinh tế đất nước, làm cỗ máy để dẫn dắt đoàn tàu chuyển động nhanh hơn. Xét trong điều kiện tự do hóa thương mại, làn sóng toàn cầu hóa đã thay đổi về cơ bản phương thức thu hút đầu tư của các quốc gia. Trong khi đó, môi trường đầu tư của VN lại đang mất dần tính hấp dẫn. Mặt khác, hiện nay nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp. Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn. Đây là lý do vì sao VN cần một mô hình phát triển mới chưa từng có và sự lựa chọn đó là đặc khu hành chính kinh tế. Những thành công, tác động tích cực về kinh tế có thể rất lớn, nhưng ý nghĩa hơn cả đó là nơi thử nghiệm những chính sách mới, thể chế mới làm căn cứ để nhân diện rộng. Và đã thử nghiệm thì nó có thể thành công hay thất bại, nhưng đương nhiên các cơ quan có trách nhiệm phải cân nhắc kỹ lưỡng ở từng khâu trong lộ trình xây dựng đăc khu. Điều quan trọng, theo tôi, là cần thực tiễn đối với các chính sách áp dụng tại đây, lấy làm kinh nghiệm cho quá trình phát triển chung của đất nước. Chỉ khi không nặng nề về hiệu quả kinh tế thì sẽ không mời gọi đầu tư bằng mọi giá gây tác động tiêu cực. Và đó phải là hình mẫu của phát triển bền vững, chứ không phải bằng con đường “ưu tiên kinh tế đánh đổi môi sinh” như đã từng làm trong những năm qua.
Được biết vấn đề xây dựng đặc khu được Đảng và Chính phủ VN nghiên cứu suốt hơn chục năm qua, đã khảo nghiệm, dựa trên những căn cứ thực tiễn xác đáng, phù hợp và yêu cầu cấp thiết; cũng tổ chức tham vấn từ nhiều quốc gia có kinh nghiệm tổ chức đặc khu hiệu quả; nhiều hội thảo khoa học, kỳ họp hội đồng, lấy ý kiến của nhân dân địa phương, thảo luận của các bộ ngành chức năng; đồng thời xem xét để đảm bảo an ninh quốc gia, nếu thiếu cẩn trọng sẽ nguy cơ ảnh hưởng lớn đến chủ quyền. Để có được đề án để thông qua Quốc hội thì Chính phủ đã phải qua rất nhiều bước và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân được biết. Tại kỳ họp lần này, tôi thấy Quốc hội đã thảo luận kỹ và thông qua dự thảo Luật đặc khu, nếu đảm bảo tỷ lệ đại biểu nhất trí thì Dự án Luật này mới được ban hành.
Trên một số trang mạng và có cả một số ý kiến bên ngoài xã hội, có nhiều quan điểm trái chiều, viện dẫn ý kiến của tác giả Kông Kông trên tờ báo Đàn Chim Việt ngày 01/6/2018 cho rằng: “Như vậy chỉ còn bấm nút nữa là xong! Và nhắc cho ai bấm nút “nhất trí” thì hãy biến ngôi nhà đang ở của gia đình giòng họ thành “đặc khu” ngay. Xây thành lô cốt cho nó an toàn thêm được ngày nào hay ngày đó trước sự phẫn nộ của toàn dân! Và cũng nên nhớ là giữa thời buổi bây giờ đừng nghĩ dại là chỉ bí mật bấm nút “nhất trí” nên không một ai hay biết!”. Điều này không đúng với thực tế đã nêu ở trên.
Tác giả còn cho rằng: “vụ “3 đặc khu” đang xảy ra sẽ khủng khiếp vô cùng. Có thể đây là biến cố cuối cùng, mà thời gian chẳng phải chờ đợi đến những 99 năm, thì VN đã trở thành một tỉnh của Tàu cộng rồi. Vì nếu có biến động quân sự, thì vị trí của 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được coi như 3 mũi tiến công trực tiếp từ biển vào đất liền để hỗ trợ cho lực lượng Tàu cộng đang ẩn mình sẵn trên khắp VN, nội công, ngoại kích”,..“Hay “khách du lịch” Tàu đang nườm nượp, thái độ ngông nghênh, trịch thượng với vô số tệ nạn, lại thêm kiểu mặc áo hình lưỡi bò vừa mới xảy ra”.
 Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, VN có quan hệ đối ngoại với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc và đảm bảo nguyên tắc về hoạt động đối ngoại giữa các quốc gia. VN đã tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn quốc tế đầu tư vào VN. An ninh quốc gia vẫn được giữ vững, VN được đánh giá là một trong các quốc gia an toàn nhất trên thế giới, vì vậy không ít du khách quốc tế đã đến VN, đương nhiên có cả người Trung Quốc; họ sang mua đất ở vùng ven biển rồi xây khách sạn, kinh doanh; nhiều người sang du lịch,... Và các cấp chính quyền luôn đảm bảo việc tạo cơ chế thuận lợi cho người nước ngoài đến làm ăn, và thực hiện quản lý địa bàn theo luật pháp VN. Đâu phải vì có một nhóm người mặc áo hình lưỡi bò sang du lịch mà lo lắng thái quá thì không nên. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng chính quyền địa phương cũng cần phải cảnh giác đối với những biểu hiện bất thường và nên tăng cường tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ VN.
Mô hình đặc khu được học tập, nghiên cứu từ nhiều mô hình của các nước phát triển và được vận dụng phù hợp với VN, cùng với đó là thể chế, là phát luật, là hệ thống bộ máy quản lý, vận hành và điều kiện đảm bảo chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Là đặc khu thì có cơ chế đặc thù, song không thể tách rời thể chế chung của đất nước; vẫn phải đúng Hiến pháp và pháp luật của quốc gia. Việc thông qua Luật là do các đại biểu thảo luận và thống nhất, việc nhấn nút chỉ là một thao tác cuối cùng của đại biểu Quốc hội khi đã được thảo luận kỹ và có đủ căn cứ. Việc nhấn nút của đại biểu Quốc hội cũng là thể hiện ý chí nguyện vọng của người dân cả nước, vì đại biểu Quốc hội là đại diện của nhân dân, và cái nhấn nút lần này chắn chắn sẽ tạo ra đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của 3 đặc khu nói riêng và của cả nước nói chung. Nếu thực hiện thành công “Đặc khu kinh tế VN” sẽ mở màn cho công cuộc đổi mới tiếp theo. Có thể với thành công của 3 đặc khu này thì chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, VN sẽ thực sự trở thành một nước công nghiệp phát triển, giàu mạnh. Đây cũng chính là ước mơ của mọi người dân VN chúng ta.

             Đỗ Thanh Sơn

1 nhận xét:

  1. Theo tôi thấy từ những kinh nghiệm của những nước đi trước sẽ giúp cho chúng ta nhiều bài học lớn về phát triển đặc khu kinh tế. Một vấn đề nữa, chắc chắn vấn đề này được Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của các bộ, ngành nghiên cứu, khảo nghiệm kỹ lưỡng, dựa trên những căn cứ thực tiễn xác đáng, phù hợp và yêu cầu cấp thiết của tình hình thực tiễn và đưa ra mô hình phù hợp với VN để trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến. Đồng thời còn phải xem xét các khía cạnh để đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia của Tổ quốc.

    Trả lờiXóa