NÓI BỪA
Khi
Trung ương 8 (khóa XII) nhất trí đề cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội
bầu giữ chức Chủ tịch nước, có kẻ cho đó là “sự sao chép của mô hình Đảng Cộng sản Trung Quốc”; kẻ khác lại gào lên là Ông
tham quyền (!). Đây là sự nói bừa, không có căn cứ, cần phải bác bỏ.
Trước hết, phải khẳng định rằng, việc thực hiện Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, không phải là sự
sao chép của mô hình Trung Quốc. Việc thực hiện giới thiệu bí thư cấp ủy
đảng để bầu làm chủ tịch chính quyền các cấp là chủ trương của Đảng Cộng sản
Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước, đã
được Đảng xác định từ trước. Thật vậy, ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng
Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh,
lãnh tụ tối cao của Đảng và từ tháng 02-1951 là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến khi Người
qua đời (02-9-1969). Gần đây, Kết
luận 64-KL/TW, ngày 28-5-2013, của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), “Một số vấn
đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”;
Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị (khóa XI), “Về tinh giản
biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”…; tiếp đó, Đại hội
XII đề ra nhiệm vụ: “Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ
chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm
nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị”. Trên
tinh thần đó, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã ra Nghị
quyết 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của
hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Sau đó, tại Kỳ họp
thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết 56/2017/QH14, ngày 24-11-2017,
“Về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả”, v.v. Trong các nghị quyết nêu trên, mục tiêu tổng quát
là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ
quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân,
v.v. Trước đó, việc thực hiện giới thiệu bí thư cấp ủy đảng để bầu làm chủ tịch
chính quyền đã được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo làm trước ở Quảng
Ninh và một số địa phương để rút kinh nghiệm và đạt được kết quả tốt. Đó là cơ
sở để Đảng lãnh đạo thực hiện trên phạm vi toàn quốc, từ Trung ương xuống cơ sở,
ở nơi đủ điều kiện.
Nhìn ra thế giới cho thấy,
có
nhiều nước lãnh đạo đảng cầm quyền trực tiếp nắm bộ máy nhà nước, như: Tổng Thư
ký Đảng cầm quyền Xin-ga-po đương nhiên là Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Đảng
Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản, đồng thời đứng đầu nội các. Chủ tịch Đảng
Nhân dân Cam-pu-chia, đồng thời là Thủ tướng Chính phủ. Nhiều nước ở châu Âu và
các khu vực khác trên thế giới cũng được tổ chức tương tự. Rõ ràng việc nhất thể
hóa chức vụ của đảng cầm quyền với chức vụ nhà nước là cách thức tổ chức mang
tính phổ biến trên thế giới, vừa củng cố vị thế của đảng chính trị cầm quyền, vừa
tăng cường trách nhiệm quản lý của nhà nước. Ấy thế mà, người ta cứ khăng khăng cho rằng, việc thực hiện Tổng
Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là sự “sao chép” của Trung Quốc là sao?
Thứ hai, họ cho rằng Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch
nước là sự tham quyền thì chỉ là sự gán ghép. Hiến pháp 2013
hiến định thể chế Việt Nam do Đảng lãnh đạo toàn diện, tức chức Tổng Bí thư là
“to” nhất rồi. Trước đây trên thế giới, Mỹ, Tây Âu và Tòa thánh Va-ti-căng thường
không tôn trọng thể chế Việt Nam nên họ thường không coi trọng chức Tổng Bí thư
Đảng bằng chức Chủ tịch nước. Nhưng với sự phát triển và địa vị Việt Nam ngày
càng quan trọng trên bản đồ chính trị thế giới, nên các nước này đều đã mời
đích danh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm, nghĩa là họ đã tôn trọng thể
chế Việt Nam, coi chức Tổng Bí thư là vị trí cao nhất. Vì vậy, không còn điều
gì để một người có chức to nhất rồi tham thêm chức “nhỏ” hơn để “ôm rơm cho rặm
bụng”!
Thực
tế cho thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không thuộc dạng người muốn có quyền
để có danh và lợi, để vinh thân phì gia, một người làm quan cả họ được nhờ. Ông
cũng không phải loại lãnh đạo “lý thuyết suông”, “chỉ tay năm ngón”, bảo thủ
như bọn xấu xuyên tạc. Chính Ông đã biến Đảng một thời gian dài ra nghị quyết
xong là “ngồi chơi xơi nước” thành một Đảng hành động, thực hiện đúng và tốt trọng
trách “lãnh đạo” mà Hiến pháp hiến định, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích
luôn vì nước, vì dân. Công cuộc chống “giặc nội xâm” tham ô, tham nhũng đang diễn
ra với những kết quả rất tích cực được nhân dân đồng tình ủng hộ là một ví dụ.
Một thời người ta có chức đồng nghĩa với việc là có quyền và làm ra tiền, nếu
có sai trái gây ra hậu họa là trách nhiệm chung, nên những người như các ông: Đinh
La Thăng, Vũ Huy Hoàng (Bộ Công thương), Nguyễn Bắc Son (Bộ Thông tin và Truyền
thông, Trần Văn Minh (Đà Nẵng), Nguyễn Hữu Tín (Thành phố Hồ Chí Minh),… sẽ
không bao giờ ngờ có ngày mình bị truy tố, bị kỷ luật và có thể bị tù tội cả.
Đó là sự thật không thể bác bỏ.
Vậy
ai có lương tri là phải ủng hộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang lãnh đạo
cuộc chiến chống tham nhũng đó, nếu Ông có “ôm rơm rặm bụng” thêm chức Chủ tịch
nước nữa để sứ mệnh của Ông được thực hiện tốt hơn, sao lại chống lại? Xã hội
Việt Nam còn rất nhiều tệ nạn, yếu kém và phi lý, rất cần sự ủng hộ và tạo điều
kiện cho Ông, những người như Ông, làm tốt hơn nữa trọng trách của mình.
Họ
dẫn câu nói: “Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?” của Tổng Bí
thư để cho Ông giờ tham quyền Chủ tịch nước mà nuốt lời. Đây lại là sự cắt xén
để thực hiện mục đích xấu. Cần phải hiểu đầy đủ, hoàn cảnh của câu nói trên. Khi
bàn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Tổng Bí thư đã nói rằng: “Một số
tỉnh, thành cũng đã tổ chức thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở một số
nơi. Nhưng thực tế nhân dân là người làm chủ, ở đâu có nhà nước ở đó phải có
giám sát của nhân dân. Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông? Ở
Trung ương thì Quốc hội giám sát Chính phủ, còn ở địa phương, hội đồng nhân dân
giám sát hoạt động của chính quyền địa phương. Do vậy, cần thực hiện theo đúng
nguyên tắc cơ bản ở đâu có chính quyền ở đó phải có giám sát, và quan trọng là
làm sao cho giám sát phải có thực quyền”. Như vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
phê phán việc bỏ tổ chức hội đồng nhân dân ở một số địa phương đã vi phạm
nguyên lý “nhân dân làm chủ”, làm mất quyền giám sát của dân, chứ Ông không phê
phán chuyện “bí thư kiêm chủ tịch”. Ông cũng cho cử tri biết việc “bí thư kiêm
chủ tịch” là “vấn đề đã được Trung ương bàn nhiều lần”, để thực hiện điều đó đạt
hiệu quả tốt, trách sự độc quyền, lạm quyền mà Ông nói một cách dân giã là “to
quá”, cần phải có sự giám sát của dân, tức không thể bỏ được hội đồng nhân dân ở
các địa phương. Việc chia ghế trong bộ máy chính quyền của nước ta khiến cho nó
quá cồng kềnh: vừa có bộ máy của Đảng lại vừa có bộ máy của Nhà nước tồn tại và
song song cùng nhau mà sự lãnh đạo lại không được tập trung, còn chia bè, chia
nhóm gây mất đoàn kết, vừa ngốn nhiều quỹ lương mà hiệu quả làm việc lại không
cao.
Vì vậy, không chỉ việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
kiêm chức Chủ tịch nước là một việc tốt mà việc gộp chức, thu gọn cả bộ máy
công quyền của thể chế Việt Nam cũng là việc làm cần thiết và cấp bách. Không
vì thế mà nói bừa rằng, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là tham quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng, nếu Ông có “ôm rơm rặm bụng” thêm chức Chủ tịch nước nữa để sứ mệnh của Ông được thực hiện tốt hơn, sao lại chống lại? Xã hội Việt Nam còn rất nhiều tệ nạn, yếu kém và phi lý, rất cần sự ủng hộ và tạo điều kiện cho Ông, những người như Ông, làm tốt hơn nữa trọng trách của mình. Vì vậy, không chỉ việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm chức Chủ tịch nước là một việc tốt mà việc gộp chức, thu gọn cả bộ máy công quyền của thể chế Việt Nam cũng là việc làm cần thiết và cấp bách. Không vì thế mà nói bừa rằng, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là tham quyền.
Trả lờiXóa