Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Thành tựu - Sự phủ nhận!




                                                            
Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin rộ lên vụ việc gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Cùng với xã hội, chắc có lẽ bao thầy cô giáo không khỏi chạnh lòng và bức xúc với những vi phạm của một số cán bộ làm công tác chấm thi. Tuy nhiên cũng cần phải khách quan để nhìn nhận lại vấn đề, không nên từ một vụ việc mà phủ nhận những nỗ lực của toàn ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới giáo dục, từng bước đưa giáo dục Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế. Và cũng không nên đưa những thông tin lệch lạc, làm méo mó hình ảnh với những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ các thầy cô giáo trên khắp các miền quê đang ngày đêm tận tâm, trách nhiệm, vượt qua bao khó khăn của đời thường để dành trọn cả tình yêu thương, công sức, trí tuệ cho các thế hệ học sinh. Công sức, trí tuệ ấy được cả xã hội trân trọng và ghi nhận bởi sự đóng góp ấy cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong những năm qua. Ấy vậy mà còn có một số người đang lợi dụng vụ việc tiêu cực thi PTTH ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình để đánh đồng, chì chiết, phủ nhận những công lao của các thầy cô.
 Ví như mới đây tác giả Luân Lê viết trên trang Chân Trời Mới cho rằng: Những tư duy và đầu óc thủ cựu đã ăn quá sâu vào ngay cả những giáo viên đứng trên bục giảng. Dường như chính họ cũng đã trở thành một phương tiện và công cụ của giáo dục. Họ đã không còn nhắm đến mục đích của giáo dục là người học chứ không phải người dạy”.
Tôi cho rằng nhận định của tác giả Luân Lê là chưa khách quan, không đủ minh chứng và viện dẫn không căn cứ vào thực tế. Tôi được biết ngày 15/3 /2018, Ngân hàng Thế giới đã ra thông cáo báo chí, theo đó khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam (hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục). Trong đó đội ngũ nhà giáo làm nên thành công này, và cũng khẳng định rằng, mục đích của giáo dục luôn được các nhà trường, các thầy cô hướng đến là người học; đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; dạy học tích hợp, liên môn, tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; rà soát giảm các cuộc thi, hội thi để giảm áp lực đối với giáo viên, học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được nâng lên.
Trở lại thời gian trước đó, ngày 06/12/2016, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả bài thi đánh giá học sinh quốc tế (PISA), kết quả học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học, - lĩnh vực đánh giá trọng tâm của năm 2016; ở lĩnh vực Toán học, Việt Nam đứng thứ 22.
Tôi cũng chia sẻ thêm rằng, gia đình tôi cũng có nhiều cháu đang đi học phổ thông, tiêu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, mỗi cháu đều được các thầy cô tận tình hỗ trợ giúp đỡ, hướng dẫn phương pháp học tập; được tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, được học theo hương tích cực, không thụ động, học thuộc lòng hay kiểu đọc chép như ngày xưa nữa; các cháu còn được ứng dụng ngay công nghệ thông tin vào việc học tập, và rất linh hoạt, năng động trong nhiều hoạt động giáo dục ở nhà trường.

Tôi cũng có hai cháu đi du học từ cấp 3 ở Singapore, tuy điều kiện bên đó tốt hơn, nhất là về ngoại ngữ, song về phương pháp thì cũng tương tự như ở Việt Nam chúng ta, đều hướng vào sự phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Tôi cho rằng ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự hội nhập quốc tế sâu rộng và cơ chế mở cửa của nước ta, thì các mô hình giáo dục tiên tiến, các phương pháp giáo dục mới đã được chọn lựa để áp dụng vào Việt Nam, theo đó học sinh của chúng ta tiếp cận được nhiều tri thức mới, phát triển ở mức độ cao hơn, sáng tạo hơn, tiếp tục khẳng định được một nền giáo dục đang đổi mới, từng bước phát triển theo hướng chuẩn hóa và hiện đại. Điều này càng được khẳng định với kết quả của kỳ thi quốc tế 2018 vừa qua, đoàn học sinh Việt Nam tham dự đều đoạt giải cao, trong đó cả 6 thí sinh dự thi Olympic Toán đều đoạt huy chương với 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng; 5 em dự thi Olympic Vật lý đều đoạt giải với 2 huy chương vàng , 2 huy chương bạc, 01 huy chương đồng; Olympic Sinh học có 4 em dự thi đều đoạt huy chương, trong đó 3 huy chương vàng, 01 huy chương bạc; thi Olympic Tin học Châu Á có 7 em tham dự đều đoạt giải với 01 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Rõ ràng từ thông tin này cũng đã khẳng định kết quả học tập của học sinh chúng ta sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới.

Một vấn đề nữa ở trong bài viết, tác giả Luân Lê đã không căn cứ vào thực tiễn đổi mới giáo dục hiện nay, lại rất chủ quan chỉ căn cứ vào một số vi phạm gian lận thi cử vừa qua để phủ nhận một kỳ thi 2 trong 1 được cho là phù hợp với điều kiện hiện nay. Tác giả lại cho rằng: “Người ta cố giữ một cuộc thi phổ thông bằng việc tổ chức một cuộc đấu trên toàn quốc để giải quyết điều gì, ... họ đang sợ hãi sự thay đổi vì nó sẽ làm mất đi cơ hội để được mở các lò luyện thi, những khoá học thêm, ...”. Nhận định của tác giả là chủ quan, thiếu sự cập nhật thông tin. Trước hết, không có chuyện không muốn bỏ kỳ thi “vì nó sẽ làm mất đi cơ hội để được mở các lò luyện thi, những khoá học thêm” được, bởi kiến thức trong đề thi bao trùm cả kiến thức trong các năm học trung học phổ thông, nhất là lớp 11 và lớp 12, không thể có chuyện lò luyện mà khi thi lại đạt kết quả cao nếu không học toàn diện và không có kiến thức liên thông được; hơn nữa với hình thức thi trách nghiệm lại càng hạn chế việc luyện thi kiểu lò luyện, học tủ, học lệch của học sinh. Đồng thời các môn thi tổ hợp cũng sẽ tránh được việc học sinh tham gia lò luyện, mà phải học đầy đủ các môn, kiến thức tổng hợp và hiểu sâu sắc, đòi hỏi học sinh biết vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn mới làm bài tốt được.
Hơn nữa, tôi và mọi người đều biết, vừa qua Bộ GD&ĐT công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới, và trong tương lai học sinh sẽ không phải thi THPT Quốc gia như hiện nay. Việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho các cấp trường căn cứ vào đánh giá định kỳ năng lực học sinh. Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng nếu chúng ta không đổi mới thi cử thì rất khó buộc giáo viên đổi mới cách dạy, người học đổi mới cách học. Tuy nhiên, từ sau năm 2020 sẽ áp dụng học sinh học xong THPT là được xét tốt nghiệp.  Việc đánh giá chất lượng học sinh sau 12 năm học có nhiều cách. Một số nước trên thế giới, nhà trường sẽ căn cứ vào quá trình học tập của học sinh để đánh giá vào học bạ, công nhận tốt nghiệp, song để làm như vậy, đội ngũ giáo viên phải đảm bảo trình độ cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, văn hóa,... để không có sự can thiệp và kết quả đánh giá.
Tôi và nhiều người cũng đồng quan điểm rằng việc thi là cần thiết, vì sau 12 năm học, có thi cử thì học sinh mới học, mới có thể đánh giá được chất lượng học sinh. Chúng ta không thể đánh đồng việc gian lận thi cử với việc có nên thi hay không thi; nếu không thi thì làm sao quản lý được chất lượng giáo dục phổ thông. Sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vừa qua nằm ở sự quản lý, bảo mật bài chấm thi không được nghiêm túc của hội đồng thi, để cho một số cá nhân trực tiếp làm công tác chấm thi có cơ hội để gian lận, can thiệp vào kết quả bài thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những đối tượng vi phạm đều đã bị khởi tố theo pháp luật. Chúng ta cần có giải pháp tốt hơn, hình thức thi hiệu quả hơn để tránh gian lận, phải làm cho nghiêm túc chứ không phải cứ có gian lận là bỏ; hoặc cứ có vi phạm là phủ nhận kết quả của cả ngành Giáo dục và đổ lỗi cho Bộ Giáo dục.
Tôi thiết nghĩ, chúng ta không nên chỉ căn cứ vào một số thông tin thiếu cơ sở trên các trang mạng mà phủ nhận những đổi mới của giáo dục Việt Nam. Để đánh giá nhận định cần phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, tích cực với tinh thần xây dựng mới đảm bảo cho người đọc và công chúng thuyết phục được. Bởi vì bất kỳ một sự đổi mới nào cũng cần có một quá trình, sự vào cuộc của nhiều thành phần và có bước đi thích hợp, huống chi là đổi mới cả một nền giáo dục với một đất nước có nền văn hóa lâu đời như nước ta. Chúng ta cùng cần tỉnh táo với một số thông tin nhận định không khách quan như trong bài viết của tác giả Luân Lê, không nên lấy một vài vụ việc mà phủ nhận công lao của thầy cô giáo và những kết quả giáo dục của đất nước ta đã đạt được trong những năm qua.

 Phạm Lan Hương






1 nhận xét:

  1. Qua bài viết này tôi cho rằng nhận định của tác giả Luân Lê là chưa khách quan, không đủ minh chứng và viện dẫn không căn cứ vào thực tế. Nền giáo dục của nước ta đang đổi mới, từng bước phát triển theo hướng chuẩn hóa và hiện đại. Điều này càng được khẳng định với kết quả của kỳ thi quốc tế 2018 vừa qua, đoàn học sinh Việt Nam tham dự đều đoạt giải cao, trong đó cả 6 thí sinh dự thi Olympic Toán đều đoạt huy chương với 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng; 5 em dự thi Olympic Vật lý đều đoạt giải với 2 huy chương vàng , 2 huy chương bạc, 01 huy chương đồng; Olympic Sinh học có 4 em dự thi đều đoạt huy chương, trong đó 3 huy chương vàng, 01 huy chương bạc; thi Olympic Tin học Châu Á có 7 em tham dự đều đoạt giải với 01 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Rõ ràng từ thông tin này cũng đã khẳng định kết quả học tập của học sinh chúng ta sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên không thể không nói đến những sai phạm trong thời gian qua trong nghành giáo dục như: Sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vừa qua nằm ở sự quản lý, bảo mật bài chấm thi không được nghiêm túc của hội đồng thi, để cho một số cá nhân trực tiếp làm công tác chấm thi có cơ hội để gian lận, can thiệp vào kết quả bài thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những đối tượng vi phạm đều đã bị khởi tố theo pháp luật. Chúng ta cần có giải pháp tốt hơn, hình thức thi hiệu quả hơn để tránh gian lận, phải làm cho nghiêm túc chứ không phải cứ có gian lận là bỏ; hoặc cứ có vi phạm là phủ nhận kết quả của cả ngành Giáo dục và đổ lỗi cho Bộ Giáo dục. Do vậy không nên lấy một vài vụ việc mà phủ nhận công lao của thầy cô giáo và những kết quả giáo dục của đất nước ta đã đạt được trong những năm qua.

    Trả lờiXóa