Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Nhân dân tôn vinh

Dòng người cúi đầu xuống lặng lẽ, chân nhích từng chút, từng chút một dưới trời thu nắng hanh vàng Hà Nội. Dòng người đến từ mọi miền đất nước cùng hội tụ về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu rợp bóng cây để tiễn biệt vị Đại tướng vừa nằm xuống.
Trong dòng người ấy, có rất nhiều cựu chiến binh ngực đầy huy chương chiến công, những người lính can trường từng vào sinh ra tử dưới sự chỉ huy của người “Anh cả”, vị Tổng Tư lệnh Tối cao Võ Nguyên Giáp, làm nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử dân tộc.
Trong dòng người ấy, có người vượt cả ngàn km từ miền Nam ra, có người dân tộc thiểu số đi hàng trăm cây số từ triền núi cao về; cặp vợ chồng bế theo con nhỏ còn đang bú mẹ; những sinh viên, học sinh và cả những trẻ em còn chưa đi học-những người sinh ra sau ngày đất nước hoà bình, chưa hề cảm nhận được chiến tranh là như thế nào. Đặc biệt, trong dòng người ấy còn có những người khuyết tật ngồi trên xe lăn, người khiếm thị dùng gậy dò dẫm từng bước đi.
Họ đến từ rất nhiều miền quê khác nhau, thân phận khác nhau... lúc này cùng tụ hội về điểm đến chung: ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Căn nhà trên con phố mang tên vị danh tướng tuẫn tiết vì Hà Nội năm xưa là nơi mà vị Đại tướng thiên tài đã sinh sống hàng chục năm từ sau giải phóng thủ đô (năm 1954) cho tới trước khi qua đời.
Họ cùng đến đây để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, lòng thành kính, khâm phục và tri ân vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh Tối cao đã lập nên những chiến công hiển hách, góp phần mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.
Trên thế giới có rất nhiều danh tướng lập nên những chiến công hiển hách, lưu danh sử sách nhưng có danh tướng nào khi nằm xuống được muôn người dân tiếc thương như vị Đại tướng thường gọi bằng cái tên thân thương, trìu mến: “Anh Văn”?
“Anh Văn”, vị danh tướng trong chiến tranh đã quý từng giọt máu của người chiến sĩ, trong đời thường thì tiết kiệm từng hạt gạo mà người nông dân một nắng hai sương làm ra. Vị Đại tướng mà tên tuổi lừng lẫy gắn liền với những chiến công vẻ vang ấy luôn nói: “Nếu không có chiến tranh, tôi sẽ hạnh phúc với nghề giáo”. Vị tướng cả đời không ngỏ xin một điều gì, đến khi nhắm mắt xuôi tay mới chỉ xin một điều: Cho tôi về quê hương an nghỉ.
Là vị Đại tướng của nhân dân, sống trong lòng nhân dân mới nhận được muôn vàn tiếc thương, tin yêu, kính phục, tôn vinh của nhân dân như thế. Và không có gì cao quý, giá trị bằng sự tôn vinh của nhân dân. 

PHẠM DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét