Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho các nhóm đối tượng trong xã hội

Với bản chất nhân văn, Nhà nước Việt Nam luôn bảo hộ bằng pháp luật và có chính sách ưu tiên đặc biệt với những nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số...
Những năm qua, cùng với việc bổ sung, hoàn thiện pháp luật, Nhà nước ta còn ban hành, thực thi nhiều chính sách thiết thực để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng này.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu định hướng "thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển". Nhìn lại lịch sử, phải khẳng định, công việc này đã được thực hiện bền bỉ ngay từ khi nước ta giành được độc lập vào năm 1945.
Như với các dân tộc thiểu số, Ðiều 8 Hiến pháp năm 1946 viết: "Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung", và ngày 29-4-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 229/SL nhằm ưu tiên, bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số. Ðiều 6 Sắc lệnh nêu rõ: "Các dân tộc thiểu số đều có quyền tự do phát triển tiếng nói và chữ viết của mình, có quyền tự do giữ gìn hay là cải thiện phong tục tập quán, có quyền tự do tín ngưỡng, và được Chính phủ giúp đỡ phát triển về mọi mặt chính trị kinh tế, văn hóa xã hội". Ðó là thí dụ cụ thể về chính sách dân tộc nhất quán để tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quyền chính trị cho các nhóm yếu thế, biểu hiện rất rõ trong cơ cấu người dân tộc thiểu số, cơ cấu vùng, miền,... ở các cơ quan Ðảng và Nhà nước. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số: 17,27%, trong HÐND cấp tỉnh là 18%, cấp huyện là 20% và cấp xã là 22,5%. Về cuộc sống, đến nay hầu như các xã vùng dân tộc thiểu số đã có đường giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, bưu điện, 85% số người dân tộc thiểu số được xem truyền hình, 92% được nghe đài phát thanh.
Nhà nước đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nhân lực, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, như Quyết định số 133 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về Dự án hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn; Thông tư liên tịch số 912 năm 2001 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi như 135,... 
Một số chuyên gia độc lập quốc tế về các vấn đề thiểu số được mời đến thăm và tìm hiểu về đời sống của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Sau một chuyến đi như thế, bà Gay McDougall, chuyên gia về quyền của người dân tộc thiểu số đã đánh giá rất cao quyết tâm chính trị, các chính sách, chương trình và biện pháp của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực giáo dục, y tế, tạo việc làm, giữ gìn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống, nhất là trong xóa đói, giảm nghèo. Trong một phiên họp tại trụ sở Hội đồng nhân quyền LHQ ở Geneva, bà Gay McDougall đã khẳng định việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số là ưu tiên cao của Việt Nam, được thể hiện trong pháp luật, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy Nhà nước đã hết sức cố gắng, nhưng do phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng miền núi, điều kiện địa lý hết sức khó khăn, nên việc bảo đảm quyền con người ở một số nơi cũng còn gặp trở ngại, nhất là về cải thiện đời sống. Thực tế khách quan này đã được quốc tế thừa nhận, nhưng một số tổ chức vẫn tìm cách bẻ quẹo vấn đề theo hướng tiêu cực để xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Như "Quỹ người Thượng" có trụ sở ở nước ngoài vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp, bắt giam, cưỡng bức người dân tộc thiểu số phải bỏ đạo Tin lành, kích động bạo loạn. Một số tổ chức khác mượn vỏ bọc hoạt động tôn giáo, dân tộc để đưa tin thất thiệt, nhằm gây bất ổn. Ðể phân định bản chất vấn đề, một mặt Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, một mặt xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để xâm hại an ninh quốc gia, xuyên tạc chính sách đúng đắn của Nhà nước.
Không thể phủ nhận thành quả nhân quyền ở Việt Nam, nhất là với các nhóm yếu thế, như người khuyết tật chẳng hạn. Nhóm yếu thế này chiếm gần 7% dân số Việt Nam, trong đó không ít người là nạn nhân của chiến tranh. Từ năm 1998, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh về người tàn tật, đến năm 2010 thông qua Luật Người khuyết tật cùng với nhiều chính sách bảo đảm các quyền ưu tiên về học tập, lao động, sinh hoạt cho nhóm này. Ðến nay, người khuyết tật được hưởng nhiều ưu tiên như ưu tiên mua vé, sắp xếp chỗ ngồi khi tham gia giao thông, ưu tiên khám, chữa bệnh,... Ðặc biệt, trẻ em khuyết tật được học các trường, lớp chuyên biệt với chương trình dạy riêng, phụ nữ khuyết tật được ưu tiên tạo việc làm...
Từng bước loại bỏ quan niệm "trọng nam khinh nữ" còn tồn tại ở một bộ phận trong xã hội, Nhà nước Việt Nam cũng cố gắng bảo đảm các quyền của phụ nữ và đạt được tiến bộ rõ rệt. Không chờ đến khi Luật Bình đẳng giới được thông qua năm 2006, các quyền dân sự, chính trị, xã hội của phụ nữ đã được thực hiện trước đó rất lâu với quan tâm rất lớn. Chính phủ còn ban hành Nghị định quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước (Nghị định số 19/2003/NÐ-CP).
Mới đây, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ bốn tháng lên sáu tháng. Việt Nam có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm tới 24,4% là một tỷ lệ cao so với khu vực và thế giới. Cùng với đó là tỷ lệ 92% phụ nữ biết chữ, tỷ lệ nữ sinh viên chiếm hơn 50%; có 30,53%  thạc sĩ là nữ và 17,1% tiến sĩ là nữ. Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đang cùng toàn dân phấn đấu xóa bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình, thu hẹp khoảng cách về việc làm, thu nhập, địa vị xã hội giữa nam và nữ.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, dành nhiều quan tâm. Pháp luật về trẻ em cơ bản được hoàn thiện, tạo khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách của Nhà nước về trẻ em. Nhiều chương trình lớn nhằm bảo đảm quyền trẻ em được thực hiện với quyết tâm lớn và đạt được các thành tựu ấn tượng như tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, phát triển giáo dục mầm non,...
Các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Ðó là trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em vi phạm pháp luật. Các chính sách được ban hành đã bao trùm các nhóm trẻ này, công tác chăm sóc trẻ ngày càng được đầu tư nhiều hơn.
Người cao tuổi nước ta được chăm sóc, bảo vệ không chỉ theo quy định tại Luật Người cao tuổi (2010), mà còn theo văn hóa truyền thống "kính già, yêu trẻ" của dân tộc. Nhiều điều luật quy định ưu tiên cho người cao tuổi để họ được hưởng các dịch vụ y tế, đi lại, văn hóa, thể thao. Những người 80 tuổi trở lên không có lương hưu và bảo hiểm xã hội sẽ được trợ cấp hằng tháng, được hưởng bảo hiểm y tế, được hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời... Ðến nay, số người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng cao, vì có nhiều người cao tuổi là dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động nghỉ hưu, người có công với cách mạng như bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cựu thanh niên xung phong, thương binh,...
Cùng với đó là những chương trình hỗ trợ giúp người nghèo có điều kiện để thoát nghèo, tự vươn lên, phấn đấu không phải là gánh nặng xã hội mà trở thành lao động xã hội. Trong 5 năm qua, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng gần hai lần. Một số lớn người dân đã thật sự thoát nghèo, đang hướng tới chất lượng sống mới. Không chỉ người nghèo ở nông thôn được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước, mà các đối tượng học sinh, sinh viên nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị, công nhân tại các khu công nghiệp đều có các chính sách ưu tiên riêng. Gần đây, quyền của người lao động còn được quan tâm bảo vệ tốt hơn trong Bộ luật Lao động (sửa đổi, 2012), Luật Công đoàn (2012),...
Theo báo cáo toàn cầu của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 41% trong vòng hai thập kỷ qua; Việt Nam là một trong hơn 40 quốc gia đang phát triển đạt được những thành tựu hơn cả mong đợi. Kết quả đó thể hiện quyết tâm vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang hướng tới, đồng thời khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tuy nhiên, để hiện thực hóa pháp luật, chính sách, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm lớn của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Chăm lo cho các nhóm yếu thế trong điều kiện đất nước còn nghèo thì càng cần có quyết tâm cao hơn, ý chí mạnh mẽ hơn. Những nỗ lực trong nước là yếu tố quyết định, nhưng sự giúp đỡ từ nước ngoài, Việt kiều, các tổ chức quốc tế đóng vai trò hết sức to lớn. Với sự đồng lòng của mọi người dân yêu nước, rồi đây Việt Nam sẽ không chỉ là một điển hình trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của cộng đồng quốc tế, mà còn tạo nên sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội mà trong đó có sự đóng góp của các nhóm yếu thế.

NHẬT MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét