Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Quyền dân sự chính trị không xa lạ với xã hội ta

QĐND - Những ngày gần đây, người ta thấy xuất hiện trên mạng “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” và kêu gọi tham gia “Diễn đàn xã hội dân sự”. Ngay lập tức, một số hãng thông tấn, báo chí và mạng xã hội nước ngoài, các blogger trong nước vốn không ưa chế độ cộng sản lập tức “bắt sóng”, “tăng âm”, viết bài bình luận ca ngợi đây là một hành động “hợp thời, hợp thế, hợp lòng dân”… Vậy xã hội dân sự là gì? Quyền dân sự chính trị (DSCT) là gì? Phải chăng quyền DSCT “vắng bóng” trong pháp luật và xã hội ta? Phải chăng các “tuyên ngôn” và “diễn đàn” trên có thể góp phần xây dựng xã hội chúng ta?
Trước hết, cần hiểu thế nào là xã hội dân sự (XHDS)?
Theo cách hiểu thông thường, XHDS (Civil Society) là các tổ chức tự nguyện của người dân nói chung. Tính tự nguyện và tự quản là tiêu chí chủ yếu của các tổ chức này. Ngày nay, theo quan niệm chung của các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ (nongovernmental organization - N.G.O.) được xem là bộ phận quan trọng chủ yếu trong XHDS. Ở nước ta, khái niệm XHDS hoàn toàn không có gì mới. Người ta có thể hiểu đó là các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức tôn giáo… và các tổ chức phi chính phủ như ở các nước. Số lượng các tổ chức này đăng ký ở Trung ương và các tỉnh, thành phố cho đến nay là rất lớn, có thể lên đến hàng nghìn. Hiện nay, hoạt động của những tổ chức này tập trung vào các lĩnh vực như: Từ thiện, xóa đói giảm nghèo, văn hóa nghệ thuật, phát triển cộng đồng, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phòng, chống HIV/AIDS… Có thể dẫn ra một số tổ chức như: Hội tin học, Hội văn nghệ dân gian, Viện nghiên cứu phát triển xã hội, Hội phòng chống HIV/AIDS, Hội bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, Hội doanh nghiệp trẻ…
Trong xã hội ta, bên cạnh các tổ chức XHDS nói trên còn có các đoàn thể chính trị-xã hội. Cho đến nay, chúng ta có 5 tổ chức chính trị-xã hội, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Các tổ chức chính trị-xã hội này là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy những tổ chức này nằm trong hệ thống chính trị, nhưng không phải là cơ quan chính quyền, mà là đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của các giai tầng xã hội. Khác với những tổ chức XHDS nói trên, những tổ chức này được sự giúp đỡ của Nhà nước. Thiết nghĩ đây là một ưu việt của các tổ chức xã hội trong chế độ ta.
Vậy quyền dân sự chính trị (DSCT) là gì?
Theo quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, năm 1948”, quyền dân sự, là những quyền gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác, như: Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân… Quyền chính trị, là những quyền liên quan đến những giá trị mà mỗi người được hưởng, như: Quyền tự do cơ bản của cá nhân; Quyền bình đẳng về phẩm giá; Quyền tham gia vào quản lý đất nước; Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận; Quyền lập hội và hội họp hòa bình… Những quyền này đã được đưa vào Công ước quốc tế về các quyền DSCT, năm 1966. Công ước này Việt Nam đã tham gia vào năm 1982.
Ở Việt Nam, quyền con người nói chung, quyền DSCT nói riêng là thành quả của cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện lãnh đạo. Ở Việt Nam, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 1992 cho đến văn bản “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” (đang lấy ý kiến toàn dân), các quyền con người nói chung, quyền DSCT nói riêng của người dân đều được trân trọng ghi nhận. Trong văn bản “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”, lần đầu tiên quyền con người (cùng với quyền công dân) đã được quy định trong một chương. Ở chương này, các quyền công dân và quyền con người về DSCT được ghi nhận đầy đủ, đồng thời tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Đương nhiên quyền công dân và quyền con người, bao gồm các quyền DSCT trong chương này luôn gắn với nghĩa vụ công dân. Rất tiếc điều này đã không được nói tới trong “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”.
Tôn trọng, bảo đảm quyền công dân, quyền con người là bản chất của chế độ xã hội, là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta, không tùy thuộc vào áp lực của bất cứ lực lượng chính trị nào. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ; Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Không thể phủ nhận rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và xem việc bảo đảm các quyền con người nói chung, quyền DSCT nói riêng của người dân. Thực tế cho thấy, kể từ năm 1946 đến nay, ở Việt Nam, các cuộc bầu cử Quốc hội được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp (trừ thời kỳ chiến tranh). Quyền bầu cử, ứng cử của công dân được bảo đảm nghiêm túc. Chế độ nhiệm kỳ của Quốc hội và các chức danh quan trọng của Nhà nước được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp. Các quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin của nhân dân được Nhà nước bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và đạt được những thành quả to lớn. Ngoài Luật Báo chí, Nhà nước đã ban hành quy định: Các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm định kỳ và khi cần cung cấp thông tin cho báo chí.
Các cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông của Việt Nam phát triển nhanh chóng và phát huy tốt vai trò truyền tải thông tin đến với nhân dân. Đến nay, ngoài báo chí trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, báo chí, truyền hình nước ngoài, như Roi-tơ, BBC, VOA, AP, AFP, CNN…; các trang mạng, như Yahoo, Google, Facebook… Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và có giá cước vào loại rẻ nhất thế giới. Đây là một điều kiện bảo đảm quyền tự do thông tin cho người dân không dễ gì có được đối với một nước nghèo.
Cũng như ở tất cả các nhà nước hiện đại trên thế giới, quyền xây dựng luật thuộc về Quốc hội. Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia như thế nào, đủ hay còn thiếu, đã hay chưa tương thích với luật pháp quốc tế, nội dung quy định của các điều luật như thế nào, cơ sở chính trị, lịch sử của nó ra sao…, đều do Quốc hội quyết định.
Điều 69, Hiến pháp 1992 hiện hành có mệnh đề “Theo quy định của pháp luật”. Điều này có nghĩa:Thứ nhất, sau khi Hiến pháp quy định một điều nào đó thì phải có một đạo luật nhất định quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia các quan hệ xã hội nào đó thì quyền đó mới được bảo đảm và có hiệu lực. Thứ hai, một đạo luật nhất định có thể đưa ra những chế tài nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của cá nhân và tổ chức. Và những quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế về quyền con người. Chẳng hạn các Điều 19: “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình…, quyền này bao gồm quyền tự do ngôn luận…”; Điều 21: “Quyền hội họp hòa bình”; Điều 22: “Mọi người có quyền tự do lập hội…”,… (tuy nhiên) những điều trên phải chịu những hạn chế "vì lợi ích an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe và đạo đức của công chúng, hoặc vì các quyền và tự do của người khác”.
Không phủ nhận rằng, xã hội ta đang đứng trước nhiều vấn đề cần phải giải quyết: Đó là phân hóa giàu nghèo gia tăng, nợ xấu, thất nghiệp, hàng tồn kho,… tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ công chức trong hệ thống chính trị, như Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã thẳng thắn chỉ ra. Góp phần khắc phục những sai lầm, hạn chế, đưa xã hội ta phát triển lành mạnh là mong muốn chung của tất cả mọi thành viên của xã hội. “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” viết: “Diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”. Tuy nhiên, tuyên bố trên đã hồ đồ, thiếu thiện chí đưa những khái quát, nhận định về chế độ xã hội Việt Nam ngày nay, như: “Thể chế này đã tạo nên một bộ máy cầm quyền có nhiều quyết sách sai trái và quan liêu, tham nhũng nặng;…”. Đặc biệt, nhóm khởi xướng Tuyên bố cho rằng: “Không ít người trong giới cầm quyền các cấp cùng với các nhóm lợi ích và sự hậu thuẫn của thế lực bên ngoài đang dựa vào bạo lực cùng nhiều thủ đoạn không chính đáng để duy trì quyền thống trị đất nước theo thể chế toàn trị”…
Nhận định như vậy không thể nói là công bằng, khách quan, nếu như không muốn nói là ác ý. Với những nhận định, đánh giá (được xem như định hướng cho “Diễn đàn xã hội dân sự”), đó chắc hẳn không thể bảo đảm rằng “Diễn đàn xã hội dân sự” sẽ đóng góp tích cực cho sự ổn định và phát triển của xã hội và đất nước, ngược lại sẽ gây bức xúc trong nhân dân, tạo ra tiền đề cho sự bất ổn về chính trị - điều mà các thế lực thù địch, chống lại chế độ xã hội XHCN, chống lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đang trông đợi.
Thiết nghĩ, nếu như những ai thật sự mong muốn góp phần loại bỏ tình trạng quan liêu, tham nhũng, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền DSCT, quyền làm chủ của nhân dân chỉ có thể dựa trên việc bảo vệ những thành quả của cách mạng gần 70 năm qua của nhân dân ta, bảo vệ chế độ xã hội XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời, tích cực tham gia vào các cơ chế đã được thiết lập trong Nhà nước và xã hội ta.
VĨNH AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét