Nhân Ngày nhân
quyền thế giới 10/12, TTXVN giới thiệu tóm lược bài viết của Thiếu tướng, phó
giáo sư, tiến sỹ Trần Minh Thư, Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân với nhan
đề "Chính sách đúng đắn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà
nước Việt Nam làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo trong chiến lược “diễn biến
hoà bình".
Việt Nam là quốc
gia có nhiều tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng; tín đồ các tôn giáo đều là
nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Ngay trong
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định đồng bào các tôn giáo là một bộ phận
của lực lượng cách mạng Việt Nam.
Đảng, Nhà nước có
nhiều chủ trương, chính sách đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn
dân tộc để tiến hành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, coi đó là
một trong những quyền cơ bản của công dân. Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn
tìm mọi cách tung ra những luận điệu cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo,
vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền, nhằm gây chia rẽ, phá hoại khối
đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với đồng bào các tôn giáo, kích
động quần chúng tín đồ chống đối chính quyền, gây mất ổn định chính trị-xã hội,
tạo cớ can thiệp vào nội bộ đất nước.
Để thực hiện âm mưu
này, chúng đã tiến hành bằng nhiều cách, với các phương thức, thủ đoạn rất thâm
độc, xảo quyệt. Có thể nhận diện và chỉ ra sự phi lý của những luận điệu vu cáo
Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo qua các hoạt động sau:
Thứ nhất: Xuyên
tạc, vu cáo Nhà nước can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo, đòi hoạt động
tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước.
Mỗi khi Nhà nước bổ
sung hoặc ban hành những văn bản pháp luật mới để điều chỉnh về hoạt động tôn
giáo cho phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, phù hợp với tâm tư,
tình cảm, nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ thì họ lại dấy lên chiến dịch đòi bãi
bỏ các văn bản pháp luật này hoặc xuyên tạc, tìm cách ngăn cản chức sắc, tín đồ
thực hiện. Luận điệu của họ là tôn giáo phải độc lập với Nhà nước, không chịu
sự quản lý của Nhà nước.
Họ tâng bốc, ca
ngợi tự do tôn giáo ở các nước tư bản, tôn giáo được tự do hoạt động, chính
quyền không can thiệp vào các hoạt động tôn giáo, vì đây là quyền tự do của
công dân. Những luận điệu này đã làm cho không ít tín đồ các tôn giáo hoài nghi
chính sách, pháp luật tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
Nhiều người ngộ
nhận cho rằng tất cả các hoạt động tôn giáo đều không phải xin phép chính
quyền; thậm chí có những hành vi chống lại việc thực hiện các chính sách, pháp
luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
Hoạt động tôn giáo
không cần sự quản lý nhà nước là một luận điểm hoàn toàn sai trái, không đúng
cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Trước hết, tổ chức tôn giáo là một tổ
chức mang tính xã hội, mà đã là một tổ chức thì ở bất cứ quốc gia nào khi thành
lập, hoạt động đều phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Khi chưa được cơ quan nhà
nước công nhận cũng có nghĩa là tổ chức đó chưa có tư cách pháp nhân. Khi đã có
tư cách pháp nhân, tổ chức đó hoạt động phải tuân thủ các quy định pháp luật,
chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.
Hoạt động tôn giáo
không chỉ thuần túy nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc nhà tu
hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Ví như việc xây dựng
nơi thờ tự, không chỉ đơn thuần là việc củng cố, phát triển cơ sở vật chất của
giáo hội, mà còn liên quan đến những quy định của Nhà nước về đất đai, quy
hoạch, xây dựng; hoạt động in ấn kinh bổn, sản xuất đồ dùng việc đạo, liên quan
đến những quy định về văn hoá, xuất bản; hoạt động quan hệ với các tổ chức, cá
nhân tôn giáo nước ngoài liên quan đến chính sách, pháp luật trên lĩnh vực đối
ngoại, xuất nhập cảnh của Nhà nước, hoạt động đào tạo chức sắc liên quan đến
Luật Giáo dục...
Mọi hoạt động của
các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và mọi công dân liên quan đến
các lĩnh vực đời sống xã hội đều phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Tôn giáo
và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở bất kỳ quốc gia nào cũng không thể đứng ngoài
pháp luật của quốc gia đó.
Luật pháp quốc tế
và của nhiều quốc gia đều quy định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là một quyền
cơ bản của công dân, nhưng vẫn phải chịu sự điều chỉnh của nhà nước.
Các công ước quốc
tế về nhân quyền đều quy định: các quốc gia phải tôn trọng quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo, song các quyền này vẫn phải giới hạn bởi pháp luật của nhà
nước. Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê
chuẩn ngày 16/12/1966, trong đó Điều 18 ghi rõ: “Mọi người đều có quyền tự do
tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo.”
Tuy nhiên, quyền tự
do này vẫn “bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này
là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức
của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của người khác”...
Các quốc gia trên
thế giới đều quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo.
Tại các nước phát triển, tôn giáo cũng phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý
của nhà nước. Luật pháp của nhiều nước đã có những quy định về tự do tín
ngưỡng, tôn giáo.
Ở Việt Nam, quản lý
nhà nước về hoạt động tôn giáo đã được hình thành từ các triều đại phong kiến.
Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Đảng và Nhà nước ta đã xác định
quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo là một nhiệm vụ quan trọng trong
quản lý nhà nước.
Đến nay, Nhà nước
đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội
liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn giáo. Pháp luật về hoạt động tín
ngưỡng, tôn giáo trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật
của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Công tác quản lý
nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo ngày càng được củng cố, hoàn thiện, góp phần
quan trọng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đoàn kết đồng
bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc và đấu tranh làm thất bại âm
mưu, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia.
Chính sách tự do
tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng
của đông đảo nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực, sự phấn khởi cho đồng
bào các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Thứ hai: Xuyên tạc
đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo;
vu cáo Việt Nam bóp nghẹt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Luận điệu này không
có gì mới, nhưng nguy hiểm ở chỗ nó đánh đúng vào quy luật tâm lý: cứ nói mãi
điều không có thật, người ta sẽ tin là có thật, nên đã làm cho nhiều tổ chức cá
nhân (chủ yếu ở nước ngoài) bị bưng bít thông tin, ngộ nhận, nhìn nhận sai lệch
dẫn đến thiếu thiện cảm, thậm chí có những lời nói, việc làm chống Việt. Vậy,
sự thật về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật tôn giáo của Nhà nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như thế nào?
Đảng, Nhà nước ngay
từ khi thành lập đã hiểu rõ nhu cầu tâm linh của người dân Việt Nam và coi
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền nhân thân cơ bản của
người dân. Chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta được xây dựng một mặt dựa
trên quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín
ngưỡng, tôn giáo; mặt khác căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
với tư tưởng nhất quán, xuyên suốt là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của người dân, đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc.
Ngày 16/10/1990, Bộ
Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) ra Nghị quyết số 24-NQ/TW Về
tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới là dấu mốc quan trọng về sự
đổi mới đường lối, chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó xác định:
“Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh
thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công
cuộc xây dựng xã hội mới”. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24, Đảng ta
đã tổng kết, đánh giá những thành tựu và nêu rõ những khuyết điểm, đồng thời Bộ
Chính trị ra Chỉ thị 37-CT/TW ngày 02/7/1998 Về công tác tôn giáo trong tình
hình mới.
Sau 13 năm thực
hiện chính sách đổi mới đối với tôn giáo, nhìn lại từ tổng kết thực tiễn, đồng
thời xem xét những vấn đề mới nảy sinh, đặt trong hoàn cảnh trong nước và thế
giới có nhiều thay đổi quan trọng, ngày 12/3/2003 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW Về công tác tôn giáo, trong đó
quan điểm, chính sách của Đảng ta đối với tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được
khẳng định và phát triển thêm một bước mới: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu
tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá
trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đồng bào các tôn
giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính
sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn
giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật…”
Xuyên suốt quá
trình lịch sử của đất nước quan điểm, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng
đã được Nhà nước cụ thể hóa trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật.
Cùng với việc khẳng
định những chủ trương, chính sách của Đảng và nguyên tắc cơ bản đối với tín
ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã thể chế hóa quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo qua những văn bản quy phạm pháp luật tuỳ theo tình hình
thực tế từng thời kỳ và nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Ngày 14/6/1955, Chủ
tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 234/SL Về vấn đề tôn giáo. Đây là văn
bản quy phạm pháp luật đầu tiên cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về vấn đề tôn
giáo.
Sau khi đất nước
thống nhất, ngày 11/11/1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số
297/CP trên năm nguyên tắc: Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng
của công dân; Đảm bảo bình đẳng trước pháp luật giữa người có tín ngưỡng và
người không có tín ngưỡng; Bảo hộ quyền lợi và nghĩa vụ công dân, của người
theo đạo và không theo đạo; Định chế các hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ
pháp luật; Chế tài những hành động lợi dụng tôn giáo phương hại đến lợi ích của
đất nước, của dân tộc.
Ngày 21/3/1991, Hội
đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 69/HĐBT nhằm đáp ứng thời kỳ đổi mới toàn
diện của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII của
Đảng: đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp, tương đồng với đạo đức xã hội chủ
nghĩa. Trong bối cảnh đất nước trên đà đổi mới toàn diện, mối quan hệ trong
nước với thế giới ngày càng mở rộng, để đáp ứng kịp thời với yêu cầu hội nhập
quốc tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 về các
hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của
nhân dân và khuyến khích những hoạt động tiến bộ, từ thiện trong các tôn giáo.
Ngoài ra, Nghị định
26 còn quy định cụ thể về tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chức sắc, nhà tu hành
hoạt động tôn giáo theo chức phận của mình. Các mối quan hệ giữa tổ chức tôn
giáo trong nước với tổ chức tôn giáo nước ngoài và người nước ngoài vào hoạt
động tôn giáo trong nước được thông thoáng hơn.
Tuy vậy, việc thực
hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo chính sách của Nhà nước trong gần 30
năm sau ngày thống nhất đất nước, từ Nghị quyết số 297 (11/11/1977), Nghị quyết
số 69 (21/3/1991) đến Nghị định số 26 (19/4/1999) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu
mới đặt ra.
Do đó, ngày
18/6/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI đã thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng,
tôn giáo và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 29/6/2004. Pháp lệnh không
chỉ thực hiện sự nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đảm
bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng đang
diễn ra rất phong phú trên đất nước ta mà còn tương thích với Công ước quốc tế
về Quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc gia nhập.
Pháp lệnh cũng hàm
chứa nội dung điều chỉnh rộng lớn và thông thoáng hơn nhiều so với các văn bản
quy phạm pháp luật trước đó; những vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực tôn giáo đều
được điều chỉnh bảo đảm cho việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo,
như việc phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển và phạm vi hoạt động của các giáo
sĩ được xem là công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo; điều kiện thực thi về
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thống nhất, đồng bộ từ trên xuống, khắc
phục tình trạng bất cập trước đây.
Để bảo đảm thực
hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP
ngày 01/3/2005 hướng dẫn các cấp, các ngành thi hành đúng tinh thần của Pháp
lệnh.
Sau 8 năm thực hiện
Pháp lệnh và nghị định nói trên cho thấy còn nhiều điểm chưa phù hợp với sự
phát triển của xã hội, ngày 08/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số
92/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn
giáo để thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP. Đây là những văn bản quy phạm pháp
luật điều chỉnh trực tiếp những nội dung cơ bản trong các hoạt động tín ngưỡng,
tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
Thứ ba: Xuyên tạc
trắng trợn tình hình tôn giáo ở Việt Nam .
Cùng với luận điệu
xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về
tôn giáo, các thế lực thù địch và phản động trong và ngoài nước còn luôn tìm
cách xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Thông qua Internet, qua con đường
thăm thân, du lịch, trao đổi hợp tác quốc tế, hội thảo khoa học, các đối tượng
xấu trong nước đã viết bài, gửi tài liệu xuyên tạc tình hình các tôn giáo ở
Việt Nam cho các trung tâm phá hoại tư tưởng ở nước ngoài sử dụng tuyên truyền
chống Việt Nam về dân chủ, nhân quyền. Nội dung chúng xuyên tạc thường tập
trung vào một số chủ đề chính: vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo; không cho
xây sửa nơi thờ tự, cản trở các hoạt động tôn giáo của chức sắc nhà tu hành,...
Thực hiện công cuộc
đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, sau gần 30 năm đã đạt
được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Nếu lấy mốc năm
2006, thời điểm mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các nước
cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” - CPC để so sánh với thời điểm hiện nay sẽ
thấy sự thay đổi nhanh chóng trong đời sống tôn giáo tại Việt Nam.
Nếu không có chính
sách tự do tôn giáo thì hiện nay không thể có 37 tổ chức tôn giáo được công
nhận và đăng ký hoạt động. Từ chỗ chỉ có ba tổ chức tôn giáo được công nhận
trước đây là Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Giáo hội Công giáo Việt
Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những năm qua Nhà nước Việt Nam đã lần lượt
xem xét và công nhận về mặt tổ chức cho nhiều tôn giáo.
Trong 2 năm 2011 và
2012, tại Việt Nam có 600 cơ sở thờ tự được nâng cấp, sửa chữa và hơn 500 công
trình tôn giáo được xây mới. Các học viện, đại chủng viện, các trường cao cấp,
trung cấp của các tổ chức tôn giáo được mở ra tại nhiều nơi với sự tạo điều
kiện thuận lợi của chính quyền địa phương.
Chỉ tính riêng
trong 8 năm gần đây, các tôn giáo Việt Nam đã có 15.000 người được phong chức,
phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, trong đó Tòa thánh Vatican đã phong chức
17 giám mục, giám mục phụ tá các giáo phận. Đến nay, ở Việt Nam có 83.000 chức
sắc, 250.000 chức việc.
Cũng chỉ trong 8
năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước đã có gần 20.000 cơ
sở thờ tự được sửa chữa, xây dựng mới. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp
hàng trăm ha đất để xây dựng cơ sở thờ tự, như Thành phố Hồ Chí Minh đã giao
7.500m2 đất cho Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng
Viện Thánh kinh Thần học; Hà Nội giao 10ha cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây
dựng Học viện Phật giáo; tỉnh Đăk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục
Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000 m2 đất cho Tòa Giám mục Đà
Nẵng; tỉnh Quảng Trị giao thêm 15ha đất cho Giáo xứ La Vang,...
Công tác báo chí,
xuất bản liên quan đến tôn giáo cũng được Nhà nước Việt Nam quan tâm, đáp ứng
nhu cầu hoạt động của các tôn giáo. Hầu hết các tổ chức tôn giáo đã có báo, tạp
chí, bản tin. Theo thống kê, từ năm 2006 đến nay, Nhà Xuất bản Tôn giáo đã cấp
phép xuất bản 5.841 xuất bản phẩm, trong đó có 4.725 đầu sách với 14.535.464
bản in; 1.118 đĩa MP3, VCD, CD, DVD, ảnh, lịch, cờ với số lượng 2.546.201 bản,
với nhiều ngôn ngữ khác nhau như: tiếng Anh, Pháp và tiếng dân tộc Khmer, Ê Đê,
Gia Rai, Ba Na...
Trong những năm
qua, nhiều hoạt động của các tổ chức tôn giáo với sự tham dự của đông đảo chức
sắc, tín đồ và khách nước ngoài đã được tổ chức. Nhằm góp phần vào các hoạt
động quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo, nhiều cơ quan liên quan và nhiều tổ chức
tôn giáo ở Việt Nam đã đón nhiều đoàn khách nước ngoài; đồng thời cử các đoàn
đi nước ngoài trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực tôn giáo và tích cực tham gia
các diễn đàn, hội nghị ở khu vực và thế giới. Đặc biệt, quan hệ Việt
Nam-Vatican đã có nhiều bước cải thiện đáng kể.
Những thành tựu về
tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là bằng chứng hùng hồn về tôn trọng và bảo đảm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng,
Nhà nước ta vì cuộc sống tinh thần của người dân. Chính vì vậy, các tổ chức tôn
giáo, chức sắc, tín đồ yên tâm sinh hoạt tôn giáo và cùng nhau đoàn kết, đồng
lòng hướng tới mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Những thành tựu
trong chăm lo quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo của Việt Nam
được người dân theo tôn giáo và không theo tôn giáo ở Việt Nam cũng như dư luận
quốc tế thừa nhận đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc, bóp méo của những tổ chức cá nhân
thiếu thiện chí và chứng tỏ rằng những luận điệu đó chỉ là những tiếng nói lạc
lõng với mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch nhằm phá hoại hoà bình, chủ
quyền lãnh thổ, độc lập tự do và chế độ chính trị của Việt Nam.
Thứ tư: Đối với một
số giáo dân, chức sắc tôn giáo có hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo để hoạt động chống Việt Nam, bị chính quyền bắt, xử lý trước pháp
luật; các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam thường tìm cách xuyên tạc, vu
cáo chính quyền Việt Nam bắt người vì lý do tôn giáo và tìm cách can thiệp đòi
thả tự do cho số này mà họ cho là “Tù nhân lương tâm.” Thậm chí họ còn đề nghị
tặng giải thưởng Nobel vì hoà bình hoặc các giải thưởng khác cho số này nhằm
kích động họ tiếp tục chống đối. Việc làm này là hành vi vi phạm luật pháp quốc
tế và can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ Việt Nam .
Đường lối, chính
sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã khơi dậy được lòng yêu nước,
thương nòi, tinh thần đoàn kết dân tộc trong đồng bào tín đồ các tôn giáo. Sự
đóng góp tích cực của tín đồ các tôn giáo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp
và chống Mỹ cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa đã chứng minh cho tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của đồng
bào có đạo.
Đặc biệt, trong
công cuộc đổi mới, đại bộ phận đồng bào có đạo và đa số chức sắc trong các tôn
giáo không chỉ đồng hành, ủng hộ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng
lãnh đạo mà còn tích cực tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch phát
triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần thiết thực xây dựng quê
hương đất nước theo tinh thần “tốt đời đẹp đạo.”
Thực tiễn những năm
qua khẳng định, xu hướng đồng hành với dân tộc, với chế độ trong tiến trình đổi
mới đất nước đang là xu thế chủ đạo chi phối hoạt động của quần chúng tín đồ và
đội ngũ chức sắc các tôn giáo. Đây là một thành tựu có ý nghĩa to lớn của công
tác tôn giáo và đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo cần được phát huy.
Nhìn ra các nước khu vực, thế giới trong những năm gần đây, tình trạng xung đột
sắc tộc đan xen với xung đột tôn giáo xảy ra ở nhiều nơi đã cho thấy thành tựu
này của Việt Nam là rất đáng trân trọng về nhiều mặt.
Bên cạnh đó, vẫn
còn một số chức sắc tín đồ do bất mãn cá nhân, hoặc tư tưởng chống đối chế độ
đã có những hoạt động vi phạm pháp luật như chỉ đạo, kích động tín đồ gây rối
an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ, ngăn cản việc thực hiện chính
sách pháp luật của Nhà nước, gây tình hình phức tạp an ninh, trật tự ở một số
địa phương. Các đối tượng này đã được các cơ quan chức năng gặp gỡ đối thoại,
khuyên giải từ bỏ các hoạt động vi phạm pháp luật, nhưng với bản chất ngoan cố,
họ vẫn tiếp tục có hoạt động chống đối, buộc cơ quan có thẩm quyền phải tiến
hành khởi tố, điều tra xử lý theo đúng pháp luật.
Sự thực ở Việt Nam
không có ai bị bắt vì lý do hoạt động tôn giáo; các chức sắc, tín đồ tôn giáo
cũng là công dân Việt Nam , họ phải có nghĩa vụ chấp hành luật pháp Việt Nam.
Bất cứ công dân Việt Nam nào kể cả cán bộ, đảng viên khi vi phạm pháp luật đều
phải xử lý nghiêm minh. Chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo nếu có hành
vi vi phạm pháp luật thì đều phải bị xử lý nghiêm minh như mọi công dân. Ở nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam , mọi công dân không phân biệt tôn giáo, dân
tộc, địa vị xã hội đều bình đẳng trước pháp luật.
Thứ năm: Chính
quyền Mỹ và một số nước thường tự cho mình quyền phán quyết về tình hình tôn giáo
ở một số nước trong đó có Việt Nam .
Họ thường tự đề ra
các đạo luật về tôn giáo ở Việt Nam để tạo “cơ sở pháp lý” can thiệp vào nội bộ
Việt Nam. Hàng năm, Mỹ có 4 báo cáo về vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo của
các nước đều phản ánh sai sự thật.
Trong mấy thập kỷ
qua, Mỹ tự cho mình quyền đưa ra các đạo luật, như: Quốc hội Mỹ thông qua “Đạo
luật tự do tôn giáo quốc tế Mỹ” (mang ký hiệu H.R 2431) vào tháng 10/1998;
những năm sau đó là: “Đạo luật nhân quyền cho Việt Nam” (H.R 1587), “Đạo luật
thúc đẩy tự do tôn giáo và dân chủ ở Việt Nam” (H.R 2833), “Dự luật nhân quyền
Việt Nam 2006” (H.R. 3190), “Đạo luật thúc đẩy dân chủ” (H.R 1133), “Dự luật
đòi chính phủ Việt Nam trả nhà đất của các cá nhân và tổ chức tôn giáo bị tịch
thu sau năm 1975” (H.R 415),... Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo thường niên về
tự do tôn giáo quốc tế lần thứ 6 trong đó đưa Việt Nam vào danh sách “các nước
cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” với lời cảnh báo nếu Việt Nam không thực
hiện quyền tự do tôn giáo, sẽ áp dụng các biện pháp chế tài (9/2004).
Sau gần hai năm đấu
tranh và với sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ ở Mỹ cũng như dư luận quốc tế,
ngày 14/11/2006 Bộ Ngoại giao Mỹ buộc phải đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các
nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo.”
Để phụ họa theo
kiểu “kẻ đánh trống, người khua chiêng”, Nghị viện châu Âu ra Nghị quyết “Tình
hình tự do tôn giáo tại Việt Nam ” (11/2003) và nhiều lần ra báo cáo thiếu
khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam. Năm 2002, EU ban hành riêng một
nghị quyết về tình hình Tây Nguyên của Việt Nam.
Cũng vào năm đó,
Quốc hội Đức lần đầu tiên có nghị quyết yêu cầu Ủy ban châu Âu và chính phủ các
nước EU thực hiện điều khoản quy định về nhân quyền trong hiệp định khung năm
1995 về hợp tác giữa EU với Việt Nam; trong đối thoại với Việt Nam nhóm Troika
EU ở Hà Nội thường xuyên yêu cầu Việt Nam cung cấp cho họ những thông tin liên
quan đến tình hình nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam.
Ngày 12/9/2005,
Nghị viện châu Âu đã tổ chức điều trần về tình hình nhân quyền ở 3 nước Việt
Nam, Lào, Campuchia; tạo diễn đàn cho Võ Văn Ái, Phạm Văn Tưởng (tức Thích Trí
Lực) đến vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo và đưa ra yêu sách 7 điểm trong đó có
nội dung đòi tự do tôn giáo...
Những hành động
trên của chính quyền Mỹ và một số nước đã thể hiện rõ sự can thiệp thô bạo,
trắng trợn của họ vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, muốn áp
đặt luật pháp của nước mình cho nước khác. Đây là điều không thể chấp nhận được
trong quan hệ quốc tế hiện nay. Pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi quốc gia
đều được xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và truyền thống văn hóa
của dân tộc. Vì vậy, không thể lấy pháp luật của nước này áp đặt cho nước khác.
Việc tự cho mình
quyền đưa ra các đạo luật để phán xét tình hình tôn giáo ở Việt Nam không chỉ
vi phạm pháp luật quốc tế, can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam mà còn là
hành động “bật đèn xanh” cho các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lợi dụng để
chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền.
Trong chiến lược
“diễn biến hoà bình” chống Việt Nam, các thế lực thù địch đã xác định tôn giáo
là một lĩnh vực trọng điểm nhạy cảm và tìm mọi cách xuyên tạc; lợi dụng vấn đề
tôn giáo để chống phá về dân chủ, nhân quyền, gây mất ổn định chính trị-xã hội,
kích động chống đối nhằm thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và
chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Song, trước chủ
trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, chắc
chắn âm mưu thâm độc đó của các thế lực thù địch sẽ bị thất bại./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét