QĐND - LTS: Từng nghiên cứu luận án tiến sĩ luật học, chuyên
ngành Lý luận Nhà nước và Pháp quyền với đề tài “Đảm bảo quyền con người trong
hoạt động của Quốc hội ở Việt Nam”, PGS, TS Tường Duy Kiên là một trong những
chuyên gia nghiên cứu về quyền con người ở Việt Nam. Tại cuộc tọa đàm do Báo
Quân đội nhân dân và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ
tổ chức mới đây, ông đã khẳng định, Hiến pháp mới tiếp cận căn bản các chuẩn
mực quốc tế về quyền con người, thậm chí có một số nội dung rất tiến bộ so với
tiêu chuẩn quốc tế. Dưới đây là nội dung chính trong tham luận của PGS, TS
Tường Duy Kiên.
Nhìn lại quá trình xây dựng Hiến pháp của chúng ta, có thể thấy được
những tiến bộ rất lớn trong nhận thức về vấn đề quyền con người.
Trước đây, khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhận thức về quyền con người
còn những hạn chế nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ, đưa được vấn đề quyền con
người vào trong Hiến pháp đã là một tiến bộ rất đáng ghi nhận. So với các bản
Hiến pháp trước thì việc Hiến pháp năm 1992 đưa được khái niệm quyền con người
vào cũng là một bước tiến lớn.
Tại Điều 50 của Hiến pháp 1992 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa
và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong
Hiến pháp và luật”. Ðiều 51 quy định: “Quyền của công dân không tách rời nghĩa
vụ của công dân. Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm
tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội. Quyền và nghĩa vụ của công
dân do Hiến pháp và luật quy định”.
Như vậy, ở đây, quyền con người có nội hàm rộng nhưng lại được thu nạp
vào quyền công dân. Khi đó, nhận thức của chúng ta, của Ủy ban sửa đổi
Hiến pháp vào thời điểm năm 1992 về quyền con người là như vậy. Cũng
phải nhìn nhận bối cảnh và tư duy hội nhập thời điểm đó, nhận thức về nhân
quyền từ khái niệm đến các nội dung còn nhiều quan điểm khác nhau. Tại bản Hiến
pháp mới năm 2013 lần này, vấn đề quyền con người được chính thức đưa vào một
cách đầy đủ, toàn diện, có hẳn một chương trong Hiến pháp về quyền con người,
quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này là kết quả tất yếu của quá
trình hội nhập và nỗ lực phấn đấu bảo đảm quyền con người của Đảng,
Nhà nước ta. Bảo đảm quyền con người luôn được xác định là trách nhiệm của Đảng
và Nhà nước, làm cho mỗi người và mọi người phát triển tự do và toàn diện như
nghị quyết của Đảng nhiều lần đề cập. Trước đây, khi tổ chức hội nghị về nhân
quyền, Việt Nam thường bị một số hãng truyền thông nước ngoài phê
phán, giờ vị thế của Việt Nam đã khác. Chúng ta đã hội nhập căn bản,
rồi trở thành ủy viên không thường trực, trúng cử vào Ủy ban nhân quyền thế
giới và mới đây trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền thế giới với tín nhiệm
rất cao… Vị thế của chúng ta thay đổi chính từ những thành tựu đạt được, trong
đó có đổi mới về tư duy nên mới được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như vậy.
Trong bản Hiến pháp mới, so với Hiến pháp năm 1992 và so với dự thảo ban
đầu, chương về quyền con người được chuyển từ vị trí Chương 5 lên Chương 2
không phải là một sự thay đổi cơ học thuần túy mà đánh dấu một sự thay đổi lớn
về nhận thức. Quyền con người cũng không chỉ đề cập ở Chương 2 mà ở nhiều
chương khác.
So với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp mới đã tách bạch quyền con người
và quyền công dân. Đây là nhận thức đúng, quyền con người là đối với mọi người,
còn công dân thì chỉ là người Việt Nam mà không bị tước quyền công
dân. Các quyền tự do ngôn luận, báo chí, đi lại, cư trú theo Hiến định Nhà nước
cũng không can thiệp.
Đặc biệt, chương về Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân
đều có chế định Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát phải bảo vệ quyền con người,
quyền công dân. Cụ thể, Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quyền
công dân; Viện Kiểm sát có trách nhiệm bảo vệ quyền công tố, quyền con người;
Tòa án có trách nhiệm bảo vệ công lý, quyền công dân. Như vậy, bộ máy Nhà nước
được lập ra để bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người này một
cách căn bản giống như các nhà nước trên thế giới.
Qua đó có thể thấy, một trong những điểm quan trọng nhất là lần đầu tiên
trong Hiến pháp mới của chúng ta quy định, trách nhiệm của Nhà nước trong việc
thực hiện những công ước quốc tế, trong đó có những công ước liên quan đến
quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Trong Hiến pháp mới cũng quy
định rất rõ ràng, Nhà nước tôn trọng, thừa nhận và bảo đảm quyền con người.
Hơn thế, quyền con người được quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt
Nam không chỉ tiệm cận, mà có những điểm tiến bộ hơn các quy định cơ bản của
quốc tế, như vấn đề nghĩa vụ của Nhà nước về quyền con người. Theo luật pháp
quốc tế về nhân quyền, nghĩa vụ của nhà nước trong thực hiện quyền con người
được thể hiện ở 3 cấp độ là “tôn trọng, bảo vệ, thực hiện” quyền con người.
Vượt lên trên cả 3 cấp độ đó, trong Hiến pháp mới của chúng ta quy định, nghĩa
vụ của Nhà nước là “tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm” quyền con người. Ở đây, “bảo
đảm” là bao trùm nhất, theo tôi như vậy là rất tiến bộ so với tiêu chuẩn quốc
tế.
Nguyên tắc suy đoán vô tội - tuy được đưa vào Hiến pháp 1992 song
chưa rõ lắm - thì nay đã được quy định rõ hơn trong Hiến pháp mới. Nguyên tắc
này được quy định trong luật pháp quốc tế từ năm 1966 đến năm 1988 ta mới đưa
vào Bộ luật Tố tụng hình sự, năm 1992 đưa vào Hiến pháp. Giờ trong Hiến pháp
mới quy định rõ hơn thì sẽ thay đổi toàn bộ quy trình tố tụng. Với quy trình
hỏi cung bị can, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phải quay camera để chống
ép cung, bức cung, nhục hình. Giờ ta đã ký công ước chống tra tấn cũng là một
tiến bộ. Hay quy định không xét xử 2 lần với một hành vi phạm tội, là nội dung
được đưa vào Hiến pháp mới đã tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Như vậy, trong Hiến pháp mới đã thể hiện rất rõ việc Nhà nước ta tôn
trọng thực hiện các điều ước quốc tế nói chung. Một nguyên tắc đã được thừa
nhận ngay tại Điều 12, Chương 1 của Hiến pháp là Nhà nước ta “tuân thủ Hiến
chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
ViệtNam là thành viên”.
Cho nên, có thể khẳng định, nội dung về quyền con người trong Hiến pháp
mới thể hiện sự thay đổi căn bản cả nhận thức, tư duy, phù hợp với điều kiện
phát triển của đất nước. Trong toàn bộ bản Hiến pháp, Chương 2 là chương có sửa
đổi nhiều nhất, lớn nhất và có giá trị rất lớn.
NGUYÊN MINH (lược ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét