QĐND - Trong
nhiều năm lại đây, một số người nước ngoài và người Việt Nam định cư
ở nước ngoài hiểu chưa đúng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Có
người nói, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, những người theo tôn
giáo luôn bị chính quyền cản trở hoặc đàn áp, trù dập. Để góp phần làm rõ sự
thật, chúng tôi đã về một vùng quê Việt Nam để tìm hiểu.
Nằm cách Trung tâm
huyện lỵ Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) chừng gần chục cây số, xã Thanh Lang có
2.084 hộ dân, diện tích tự nhiên 823,88ha, người dân ở đây sống chủ yếu bằng
nghề trồng trọt. Cùng với sự đổi mới của đất nước, đời sống của bà con xã Thanh
Lang nói riêng và huyện Thanh Hà nói chung đang từng ngày thay da đổi thịt. Hiện
nay, Thanh Lang có hơn 200 người xuất gia và tín đồ, chấp tác ở nhiều ngôi chùa
trong cả nước. Trong đó có hơn 70 người đã được Trung ương Hội Phật giáo Việt
Nam cấp bằng đại học, trung cấp phật giáo và 4 người hiện là Ủy viên Trung ương
Hội Phật giáo Việt Nam. Những người đang tu hành ở Thanh Hà có người quê ở địa
phương, có người ở huyện khác, tỉnh khác. Thượng tọa Thích Thanh Định, người
quê ở Bình Lục (Hà Nam) cho biết: “Chính quyền luôn tạo điều kiện cho
chúng tôi hoạt động tôn giáo, chẳng hề có chuyện cản trở, ngăn cấm”. Chúng tôi
đến thăm gia đình ông bà Phạm Văn Phách và Phạm Thị Ngăn, người thôn Kim Can
(Thanh Lang) đều đã ở tuổi ngoài tám mươi. Ông bà có 7 người con, 4 người con
đều đã qua quân ngũ, trong đó người con trai cả là liệt sĩ và một người con thứ
là thương binh. Hai người con gái là Phạm Thị Mai (Thích Diệu Bảo) và Phạm Thị
Bảy (Thích Diệu Đức) đều đã xuất gia, tu hành ở hai ngôi chùa tại Hải Phòng.
Khi chúng tôi hỏi: “Gia đình có ngăn cấm gì khi người thân của mình xuất gia
không?” bà Phạm Thị Ngăn cho biết: “Lúc đầu các anh nó có khuyên bảo, sau rồi
thôi. Gia đình tôi và bà con làng xóm ở đây coi đó là chuyện bình thường. Con,
cháu thích làm gì, đi đâu là do ý nguyện của chúng nó! Chính quyền cũng chẳng
cấm đoán, miễn là đừng có làm điều gì trái với luân lý đạo đức và vi phạm pháp
luật. Ở đây, gia đình nào có người thân đi tu hành, có duyên với cửa Phật cũng
là điều may mắn!”.
Theo ông Tăng Bá
Hoành, Chủ tịch UBND xã Thanh Lang, địa phương có nắm được số lượng người đi tu
hành, thậm chí tu (hoặc trụ trì) ở đâu nhưng chính quyền không bao giờ ngăn cấm
họ. Ông Hoành cho biết thêm, những người xuất gia tu hành hằng năm đều giúp đỡ địa
phương kinh phí xây dựng, tu bổ chùa chiền, trường học, đường giao thông và
chăm sóc sức khỏe người có công. Theo Phòng Nội vụ huyện Thanh Hà thì ngoài xã
Thanh Lang, các xã khác trong huyện còn có hơn 50 người tu hành. Ông Lê Thanh
Bình, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho biết thêm: Thanh Hà không chỉ là vùng quê
vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước, mà còn có nhiều đền, chùa danh tiếng,
trong đó phải kể đến như: Đền Ngọc Hoa (tích truyện Phạm Tải-Ngọc Hoa) ở xã
Thanh An; chùa Hương (nơi Trần Nhân Tông đã từng qua đây, chùa còn có 9 viên xá
lỵ của Phật hoàng; chùa Hào (xã Thanh Xá); chùa Đồng Ngọ (còn gọi là chùa Cửu
Phẩm) xã Quyết Thắng… Ngoài ra, Thanh Hà còn có gần chục nhà thờ lớn, nhỏ với
hàng nghìn giáo dân. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đình chùa,
nhà thờ ở Thanh Hà luôn được tu bổ, nâng cấp từ nguồn kinh phí của các phật tử,
giáo hội, các tổ chức và cá nhân hảo tâm đóng góp. Hằng năm, lễ hội truyền
thống luôn được tổ chức để phật tử và bà con từ mọi miền quê xa, gần về dự hội.
Nhiều phật tử và
nhân dân cả nước đều biết chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội),
tại đây có một nhà sư đã trụ trì từ nhiều năm - Đó là sư thầy Thích Đàm Lan,
người xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Chùa Bồ Đề không chỉ nổi
tiếng là một trong những ngôi chùa có cảnh quan đẹp mà nơi đây đã, đang nuôi
hàng trăm trẻ em và người già neo đơn không nơi nương tựa được nương nhờ cửa
Phật. Chúng tôi hỏi sư thầy: “Có một số người cho rằng, ở Việt Nam ngăn cấm tự
do tôn giáo, sư thầy thấy có đúng không?”. Rất bức xúc, sư thầy Thích Đàm Lan
cho rằng, đó là sự đặt điều. Họ là những người không hiểu biết về thực tế tôn
giáo ở Việt Nam. Không chỉ các sư thầy, thượng tọa, ni sư… mà nhiều người
dân ở đây đều cho rằng, tự do tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà
nước ta, không có một sự can thiệp hay bất cứ một hành vi ngăn cản nào từ phía
chính quyền đối với người dân tự do tôn giáo.
Việc theo một tôn
giáo hay nhiều, hoặc không theo tôn giáo nào là quyền của mỗi người dân. Ngay ở
xã Thanh Xá, vừa có chùa Hào nổi tiếng nhưng Thanh Xá cũng có cả nhà thờ Thiên
chúa giáo, ai muốn theo tôn giáo nào cũng được. Mọi người đều bình đẳng trước
pháp luật, đoàn kết xây dựng quê hương. Chúng tôi được biết, không ít cặp vợ
chồng ở đây theo hai tôn giáo khác nhau. Họ sống với nhau rất hạnh phúc, gia
đình thông gia đôi bên vẫn vui vẻ, hòa thuận.
Rõ ràng không ít
người, hiểu biết không đầy đủ về đời sống và sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam.
Cần có nhiều kênh thông tin để họ hiểu đúng, đủ về tự do tôn giáo ở nước ta.
LÊ
QUÝ HOÀNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét