Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Tư duy lỗi thời và ảo tưởng ngây thơ

QĐND - Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP, dài 4 ngày từ ngày 7 đến ngày 10-12-2013, tại Xin-ga-po) mặc dù đã có những kết quả nhất định, song cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc. Các cuộc thương thảo về TPP vẫn còn tiếp tục trong những hội nghị tiếp theo. Dự kiến TPP sẽ được hoàn tất và sớm thông qua trong năm 2014.
Mục tiêu của TPP là hội nhập và phát triển các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước: Bru-nây, Chi-lê,  Niu Di-lân và Xin-ga-po thông qua (ký vào ngày 3-6-2005). Cho đến nay đã có 12 nước tham gia và đang thỏa thuận trở thành thành viên TPP. Ngoại trừ 4 nước sáng lập như trên, 8 nước đang đàm phán gồm: Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a, Pê-ru, Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Ca-na-đa, Nhật Bản. Người ta gọi TPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ II. TPP có phạm vi điều chỉnh khá rộng, bao quát nhiều khía cạnh của một hiệp định thương mại tự do với những yêu cầu chặt chẽ hơn WTO, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của nhà nước về doanh nghiệp, môi trường, quyền của người lao động, chống tham nhũng...
Ảnh minh hoạ.
Khác với WTO - các nước gia nhập phải chấp nhận “luật chơi” và những quy định đã có. TPP đang trong quá trình hình thành, các quốc gia tham gia thương thảo đều bình đẳng trước khi hiệp định được ký kết. Thế nhưng cũng như trước đây, một số cá nhân, tổ chức hành nghề chống Cộng ở nước ngoài, đang cản trở Việt Nam tham gia TPP. Họ tiếp tục dùng con bài bịa đặt, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Một số nghị sĩ Hoa Kỳ vốn là những người kỳ thị với Việt Nam đã xuyên tạc rằng, chính phủ Việt Nam đàn áp các tiếng nói đối lập với Nhà nước bằng cách sách nhiễu, đe dọa, và bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ. Họ đòi ông John Kery “cần ưu tiên vấn đề nhân quyền trong các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Việt Nam, yêu cầu Hà Nội phải cải thiện tình trạng nhân quyền, không ủng hộ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam cho đến khi nào Hà Nội có các bước cụ thể chứng minh cải thiện thành tích nhân quyền!”...
Thật đáng buồn cho những kẻ đang cố tình chống lại xu thế chính trị của thế giới ngày nay. Đó là hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển. Đó là xu hướng không thể đảo ngược. Trong bối cảnh đó, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mới, vững chắc. Sự kiện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống B. Ô-ba-ma (trong chuyến thăm Hoa Kỳ, tháng 7 năm 2013), ra tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, xác định nguyên tắc, phương hướng hợp tác trên 9 lĩnh vực cụ thể gồm: Chính trị và ngoại giao; kinh tế và thương mại; khoa học và công nghệ; giáo dục; môi trường và y tế; các vấn đề hậu quả chiến tranh; quốc phòng và an ninh; bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; văn hóa, du lịch và thể thao; đã phản ánh mong muốn chung cùng xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến Việt Nam (từ 13 đến 17-12-2013) , theo Thông cáo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ là nhằm “thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện đã được Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang công bố hồi tháng Bảy năm ngoái”.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã bày tỏ thiện chí, phát triển quan hệ sẵn có với những nội dung cụ thể, liên quan đến xây dựng năng lực hàng hải; hợp tác kinh tế; các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường; hợp tác giáo dục và thúc đẩy tôn trọng quyền con người.
Trong quan hệ song phương Việt - Mỹ, TPP cần có sự thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực, song then chốt vẫn là những thỏa thuận về hàng hóa.
Như các các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài cho biết: Mặc dù là nền kinh tế lớn nhất thế giới, song các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đang đứng trước những thách thức lớn trong cạnh tranh quốc tế, nhất là với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2012, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã lên mức kỷ lục 315 tỷ USD[1]. Tham gia TPP, Hoa Kỳ sẽ có cơ hội giảm thiểu cán cân thương mại này bằng cách mở rộng các quan hệ kinh tế với các quốc gia TPP, trong đó có Việt Nam. Được biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến TPP giữa hai nước. Trong các cuộc thương thảo về TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tại Mỹ, số đại diện doanh nghiệp Mỹ đến tham dự còn lớn hơn thành viên của hai đoàn đàm phán chính thức của hai quốc gia. Nhiều tập đoàn Hoa Kỳ đã đề nghị sớm được ký kết hợp tác với Việt Nam, không cần chờ TPP!
Đối với Việt Nam, tham gia TPP, không chỉ có thuận lợi mà còn có nhiều thách thức, do năng suất lao động còn rất thấp (trừ thủy, hải sản). Với thuế xuất về 0% trong nội bộ TPP, doanh nghiệp của Việt Nam còn phải có nhiều nỗ lực nữa mới đủ sức để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là chưa kể đến những quy định khác của TPP, như nguyên liệu sản xuất cho hàng xuất khẩu phải có xuất xứ nội khối... Về khách quan, TPP chỉ góp thêm một cơ hội để Việt Nam giải quyết những vấn đề nội tại của mình. Những khó khăn, thách thức của Việt Nam, trước mắt là tái cơ cấu kinh tế sẽ được tính đến khi tham gia TPP. Tất nhiên, điều này phải do chúng ta tự giải quyết, không thể trông chờ vào áp lực từ TPP. Càng không thể trông cậy vào “hảo tâm” của các đối tác. Tuy nhiên, Việt Nam coi đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để vươn lên. Rút cuộc, sức mạnh nội lực, nhất là về sản xuất mới là điều quyết định của một nền kinh tế.
Trong chuyến thăm và làm việc của Trưởng đại diện Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ, ông Michael Froman với lãnh đạo Việt Nam, hai bên đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Ông Froman khẳng định quan điểm: Hoa Kỳ “hết sức xem trọng chính sách hướng về châu Á của Hoa Kỳ”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi tiếp ông Froman cũng đã khẳng định “Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong tiến trình này và đề nghị cần có sự linh hoạt phù hợp với trình độ phát triển của mỗi nước, trong đó quan tâm đến lợi ích cốt lõi của Việt Nam”. Và “điều này phù hợp với quan điểm của các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP là hướng tới một hiệp định cân bằng về quyền lợi của các thành viên”.
Trên tinh thần đó Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ rỡ bỏ những rào cản thuế quan không công bằng đối với hàng hóa Việt Nam, chấp nhận những bước đi của một nền kinh tế đang phát triển đối với những tiêu chuẩn cao của TPP. Trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam không phủ nhận rằng về quan điểm và thực tiễn pháp lý giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn có sự khác biệt nào đó, song hai bên vẫn đang đối thoại nghiêm túc để tạo sự hiểu biết và thu hẹp khoảng cách. Tư duy dùng vấn đề dân chủ, nhân quyền để áp đặt chính sách lên các quốc gia đã ngày càng tỏ ra lỗi thời trong quan hệ quốc tế. Những ai nghĩ rằng, để được Hoa Kỳ chấp nhận trở thành thành viên TPP, Việt Nam phải thay đổi chế độ xã hội, pháp luật quốc gia chỉ là một ảo tưởng ngây thơ. Không một quốc gia nào lại từ bỏ chế độ xã hội, giá trị của dân tộc vì lợi ích kinh tế. Hơn nữa TPP đơn giản chỉ là một cơ hội bình đẳng và lợi ích công bằng giữa các bên.
BẮC HÀ - THÀNH NAM


[1]- Trung Quốc - Mỹ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại (theo VOV, Thứ sáu 20-12-2013).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét