Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Không thể bác bỏ tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam

Thực tiễn chứng minh, nền báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều đó bác bỏ mọi sự xuyên tạc cho rằng: ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí!

Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở một quốc gia luôn phụ thuộc vào nền dân chủ của quốc gia đó. Không thể có tự do ngôn luận, tự do báo chí ở một đất nước phi dân chủ, hoặc bị áp bức, bóc lột, thống trị của ngoại bang. 70 năm qua (1945 - đến nay), dân tộc Việt Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh, hy sinh, xây dựng, củng cố nền dân chủ xã hội chủ nghĩa - nền dân chủ thực sự - phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại. Hiện nay, quyền con người, quyền công dân trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của người dân, trong đó cóquyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được bảo đảm bằng luật pháp, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế.
Các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến nay (1946, 1959, 1992, 2013) đều có những quy định về tự do ngôn luận, tự do báo chí và khẳng định đây là một quyền cơ bản của con người, của mọi công dân. Điều 10, Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Các bản Hiến pháp của nước ta sau đó (1959, 1992, 2013) đều khẳng định và bổ sung nội hàm tự do ngôn luận, tự do báo chí; đồng thời, gắn quyền lợi và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhà báo. Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Sau đây gọi tắt là Hiến pháp 2013), ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để đảm bảo cho quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi công dân được thực thi trong cuộc sống theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã ban hành các luật, như: Luật Báo chí (năm 1989) và được sửa đổi, bổ sung năm 1999 (sau đây gọi là Luật Báo chí 1999), hiện nay, Quốc hội khóa XIII đang nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi; Luật Xuất bản (năm 2001), v.v. Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều quyết định, nghị định, thông tư, quy chế,... về định kỳ thông tin với nhân dân và báo chí tình hình mọi mặt của đất nước, tạo hành lang pháp lý cho báo chí Việt Nam phát triển, người làm báo tự do tác nghiệp trong khuôn khổ pháp luật, hoà nhập với báo chí khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, Nhà nước hết sức quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, nghiệp vụ báo chí cho những người làm báo. Ở Việt Nam, các trường đào tạo nghiệp vụ báo chí cho những người làm báo từ trung cấp, cao đẳng đến đại học, sau đại học không ngừng được mở rộng, củng cố, với cơ sở hạ tầng, chương trình, nội dung dạy - học ngày càng tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nền báo chí cách mạng. Hằng năm, các sinh viên tốt nghiệp ra trường có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, phát huy được vai trò trong công tác. Việt Nam còn mở rộng hợp tác với các nước, như: Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Thuỵ Điển, Trung Quốc,… thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò trong tổ chức các hoạt động, bảo vệ quyền lợi, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo; các cấp Hội được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của báo chí trong khu vực và trên thế giới vì sự ổn định, hoà bình, hợp tác và phát triển. Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của Hội Nhà báo quốc tế (OIJ) và Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ).
 Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về quy mô, loại hình, công nghệ, chất lượng nội dung, hình thức và hiệu quả thông tin. Hiện nay, Việt Nam đã có đầy đủ các loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Các cơ quan báo chí ở Việt Nam hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo, được pháp luật bảo hộ, đảm bảo quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí của nhân dân luôn được thực hiện có hiệu quả. Cùng với tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thông tin đầy đủ, chính xác mọi mặt hoạt động của xã hội đến với nhân dân, báo chí còn là diễn đàn của nhân dân, để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tham gia phản biện, đề xuất ý kiến về những chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. đối với Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc xã hội - nghề nghiệp. Những người làm báo luôn thực hiện tốt phương châm “trung thực, tuân thủ pháp luật, vì nước, vì dân” và Quy định về đạo đức nghề nghiệp; thường xuyên bám sát thực tiễn để phản ánh kịp thời, sinh động các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong nước và quốc tế; cổ vũ công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, nêu gương các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, v.v. Đặc biệt, báo chí luôn tích cực, đi đầu trong đấu tranh với các tệ nạn xã hội, phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; tích cực đề xuất, phản biện có tính xây dựng đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; góp tiếng nói quan trọng vào việc củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; làm cầu nối hữu nghị để mở rộng quan hệ của Việt Nam với bè bạn quốc tế, v.v. Trên thực tế, báo chí Việt Nam là kênh thông tin, phản biện xã hội rộng rãi, công khai, dân chủ, nhanh và có hiệu quả đến với các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân. Thông qua báo chí, đã có hàng triệu ý kiến của nhân dân tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện của các kỳ đại hội Đảng, các kỳ họp Quốc hội, các chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, v.v. Nhiều kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh của các cấp đã được nhân dân thảo luận, phản biện sôi nổi, dân chủ, góp phần nâng cao chất lượng văn bản và hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Đó là bức tranh cơ bản về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi công dân ở Việt Nam. Đây là thực tế khách quan không thể bác bỏ!
Vậy mà, một số tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí, thậm chí mang nặng tư tưởng thù địch lại cho rằng, ở Việt Nam không có tự do báo chí? Hằng năm, chẳng biết căn cứ vào đâu, họ đưa ra những cái gọi là “bản tổng kết”, “bản báo cáo”, tổ chức cái gọi là “Bàn tròn”, “Hội thảo”,... để phán xét về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Họ lấy lý do ở Việt Nam chưa có báo chí tư nhân, internet bị ngăn cấm, bị hạn chế, nên không có tự do ngôn luận, tự do báo chí(!) Phải chăng là vậy? Cần khẳng định ngay rằng, không phải không có báo chí tư nhân là không có tự do ngôn luận, tự do báo chí! Điều căn bản là báo chí có thực sự là diễn đàn phản ánh chân thực, đầy đủ tiếng nói của mọi người dân, trên mọi phương diện của đời sống hay không. Điều 29, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”[1]. Như vậy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người này không được làm tổn hại đến quyền tự do của người khác, đến lợi ích của dân tộc. Báo chí chỉ có được tự do khi chấp hành đúng và đầy đủ pháp luật, hoạt động vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Về internet, Việt Nam đã và đang khai thác, sử dụng internet một cách có hiệu quả và lành mạnh. Điều 9, Nghị định 55/2001/NĐ-CP của Chính phủ “về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet”, quy định rõ: “Không ai được ngăn cản quyền sử dụng hợp pháp các dịch vụ internet…”. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực phát triển về internet, với hệ thống hạ tầng ngày càng hiện đại, phát triển đến mọi vùng đất nước, với gần 30 triệu thuê bao (chiếm khoảng 35% dân số). Hệ thống truyền dẫn có dây (cáp), không dây (3G) có tốc độ tốt, đảm bảo cho người dùng, trong đó có hệ thống báo điện tử, trang thông tin điện tử (đã nêu trên) cùng hàng vạn blog của cá nhân, cập nhật mọi thông tin mọi vấn đề về cuộc sống của người Việt Nam ở trong nước và định cư ở nước ngoài, cũng như những vấn đề nóng hổi trong khu vực và trên thế giới. Bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có thể sử dụng các trang mạng xã hội để học tập, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, giao lưu với bè bạn khắp năm châu. Vậy, Việt Nam có hạn chế internet hay không? Câu trả lời là: Việt Nam không ngăn cấm internet. Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam sẽ ngăn cấm những tổ chức và cá nhân lợi dụng internet để chống phá nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác.
Như vậy, có thể thấy: những ý kiến đánh giá sai lệch về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là xuất phát từ những mưu đồ xấu. Họ ra sức tung hô cho rằng báo chí là “quyền lực thứ tư”, internet là “quyền lực thứ năm”, về cái gọi là sự tuyệt đối về tự do báo chí, đặt báo chí trên pháp luật,… nhưng họ cố tình lờ đi trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng mà bất cứ nhà báo, tờ báo, bloger nào cũng phải thực hiện. Thực ra, họ mượn cớ tự do ngôn luận, tự do báo chí để tuyên truyền, bịa đặt, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc! Họ ra sức cổ xuý cho những cái gọi là “giá trị dân chủ” theo kiểu phương Tây, kích động hằn thù dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền văn hoá xấu độc, v.v. Những âm mưu, thủ đoạn chống phá của họ đã, đang và sẽ bị luật pháp nghiêm trị.
 Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được đảm bảo bằng pháp luật và trên thực tiễn. Đội ngũ người làm báo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là điều không thể bác bỏ!

MINH SƠN


[1] - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 34.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét