Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Phải chăng kinh tế tư nhân là nền tảng của nền kinh tế quốc dân?

QĐND - Theo dõi một số cuộc hội thảo khoa học và phương tiện truyền thông đại chúng gần đây cho thấy, có một số người đưa ra những quan điểm xa lạ với quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước ta. Đáng chú ý là những phát biểu đó ngày càng nhiều và cao giọng hơn trước. Tiếp sức còn có “cố vấn” đẳng cấp nước ngoài. Vấn đề trung tâm mà họ kêu gọi là tư nhân hóa nền kinh tế.
Trước hết, xin lược qua vấn đề sở hữu tư nhân ở nước ta trong mấy chục năm qua với những bước thăng trầm tùy từng thời kỳ lịch sử.
Còn nhớ những năm 1958-1960, thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc chúng ta đã lên án tư hữu, coi nó là biểu hiện của phương thức sản xuất lạc hậu, không tương thích với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Vì vậy, đã phát động phong trào đưa nông dân ồ ạt vào hợp tác xã từ bậc thấp đến bậc cao. Lối làm ăn tập thể kiểu cũ kéo dài về cơ bản cho đến những năm 80 của thế kỷ trước. Những doanh nghiệp tư bản tư nhân được vận động tham gia công tư hợp doanh, nhưng về thực chất thì gần như bị quốc hữu hóa và hoạt động giống xí nghiệp quốc doanh. Tình hình đó còn lặp lại sau ngày thống nhất đất nước năm 1975.
Ảnh minh họa / qdnd.vn
Không thể phủ nhận kinh tế hợp tác xã đã có vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo đảm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh giặc. Nhưng cũng không thể nói khác là kinh tế hợp tác xã theo kiểu chúng ta xây dựng, về cơ bản, đã kìm hãm lực lượng sản xuất, gần như triệt tiêu động lực tích cực và sáng tạo của người lao động. Trong khi đó, chỉ với 5% ruộng đất mà mỗi hộ xã viên được nhận để tự canh tác nếu sản xuất hiệu quả thì đã có thể nuôi sống cả gia đình.
Điều nói trên chứng minh tính đúng đắn trong luận điểm của C.Mác rằng, không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ.
Vậy mà sau chiến tranh một thời gian dài, kinh tế tập thể kiểu cũ vẫn được duy trì. Chúng ta không thừa nhận kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế cả trong đường lối, chính sách lẫn trong thực tế.
Chúng ta đã không chú ý đến lời giáo huấn của C.Mác và V.I.Lê-nin rằng, trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nền kinh tế không thuần nhất, vừa có thành phần kinh tế XHCN, vừa có thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa (TBCN), thậm chí có cả thành phần kinh tế tiền TBCN. Và câu nói nổi tiếng của Ph.Ăng-ghen: Bắt con ngựa TBCN cày trên mảnh đất của CNXH. Có nghĩa là sử dụng chủ nghĩa tư bản (CNTB) phục vụ CNXH.
Việc xa rời những chỉ dẫn quan trọng trong xây dựng CNXH đã dẫn đến căn bệnh “ấu trĩ tả khuynh”(1) mà V.I.Lê-nin đã từng căn dặn phải đề phòng.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) chúng ta mới thừa nhận có thành phần kinh tế tư nhân. Nghị quyết Đại hội viết sâu sắc về vấn đề này: Nền kinh tế nước ta kém phát triển không chỉ vì lực lượng sản xuất lạc hậu, mà còn vì quan hệ sản xuất đi trước quá xa tính chất và trình độ lực lượng sản xuất. Nói cách khác là không phù hợp.
Nhưng khắc phục tư duy cũ không phải là việc có thể hoàn thành trong “một sớm một chiều” mà đòi hỏi một quá trình. Còn nhớ hồi đầu năm 1987, ngay sau Đại hội VI, tháng 12-1986, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đi thăm một số cơ sở sản xuất tư nhân ở nội và ngoại thành Hà Nội. Lúc bấy giờ đó là điều hiếm thấy, xa lạ với nhiều người, khiến một số đồng chí trong Đảng, kể cả cán bộ cấp cao, cũng băn khoăn. Nghị quyết của Đảng đã có, nhưng để đi vào cuộc sống thật không dễ dàng.
Trong sản xuất tập thể, đến năm 1981, Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư về khoán sản phẩm mới chỉ nói đến nhóm và người lao động. Nghĩa là còn phải nói đến tập thể-nhóm. Nhưng đến năm 1988, với “khoán 10” đã cho phép khoán đến hộ gia đình. Động lực mới cho sản xuất theo đó cũng được tăng lên.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. Đến năm 2002, Đảng ta ban hành nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân. Nghị quyết coi kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài. Nghị quyết yêu cầu sửa đổi một số cơ chế, chính sách, theo đó kinh tế tư nhân có thể thụ hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các ngành, các vùng, các sản phẩm và dịch vụ cần ưu tiên, khuyến khích phát triển không phân biệt thành phần kinh tế. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ, về thông tin, xúc tiến thương mại. Đại hội X (năm 2006) thừa nhận kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Đại hội XI (năm 2011) khuyến khích thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Tư nhân không chỉ hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mà còn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Gần đây Nhà nước khuyến khích tư nhân đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng lớn, sử dụng rộng rãi hình thức công-tư trong hoạt động kinh tế...
Như vậy, về mặt pháp lý và thực tế, kinh tế tư nhân đã có chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế đất nước. Dĩ nhiên, chưa thể nói là tiềm năng của nó đã được huy động đầy đủ, mặc dù so với trước đây đã có những bước tiến khá dài.
Nhưng nếu từ đó mà kêu gọi tư nhân hóa nền kinh tế là một sự chệch hướng. Cần nhận thức đúng việc tư nhân góp vốn với các doanh nghiệp nhà nước và tập thể để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đó là phương thức kinh doanh công-tư kết hợp. Không thể đồng nhất việc tư nhân mua lại một số doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhà nước có vai trò ít quan trọng trong nền kinh tế, doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả... với việc tư nhân hóa nền kinh tế, có nghĩa là chuyển nền kinh tế hiện nay sang chế độ sở hữu tư nhân.
Một quan điểm khác cho rằng, kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, chỉ có kinh tế tư nhân mới là động lực chủ yếu để đưa nền kinh tế đi lên, nên hãy để cho tư nhân đảm nhiệm vai trò phát triển kinh tế. Nói như vậy cũng không ổn. Thực tế chứng minh rằng, cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân đều có những đơn vị hoạt động hiệu quả và những đơn vị làm ăn kém hiệu quả. Do quản lý kinh tế trong nước còn yếu kém nên cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua tác động đã làm cho hàng chục vạn doanh nghiệp ở nước ta đổ vỡ, trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước, tập thể và tư nhân. Điều đó là khá rõ ràng. Cái đáng nói là, doanh nghiệp nhà nước với điều kiện thuận lợi hơn tư nhân mà làm ăn “bê bết” là không thể chấp nhận được.
Để thay đổi thực trạng này, một trong những vấn đề cần quan tâm là công tác quản lý. Có nhà kinh tế nước ngoài đã đúc kết bằng một mệnh đề “sở hữu công nhưng quản lý tư”. Hàm ý là tư nhân quản lý chặt đồng tiền của mình đã bỏ ra. Muốn như vậy phải chọn người thật đúng - “chọn mặt gửi vàng”. Không phải là chỉ định các chức vụ quản lý theo quan hệ thân quen, vì tiền bạc, hoặc bị chi phối theo “lợi ích nhóm”. Tất cả các chức vụ quan trọng phải bằng lựa chọn thi tuyển công khai, minh bạch. Trường hợp Vinashin quốc doanh của chúng ta là một trong những bài học đắt giá về công tác quản lý. Hơn 700 triệu USD công trái thu về đưa vào kinh doanh bị “bốc hơi”, thua lỗ và tham nhũng hết, hơn nữa còn nợ đọng lên tới mấy tỷ USD không trả được. Quản lý nhà nước cấp trên đến mức độ này mới biết chuyện, khi doanh nghiệp trên thực tế “đã chết” từ lâu rồi. Nếu sửa được những yếu kém trong công tác quản lý thì các đơn vị kinh tế nhà nước vẫn có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế.
Có người còn đẩy lên cao khi công khai cho rằng, kinh tế tư nhân là nền tảng của nền kinh tế quốc dân của chúng ta.
Trước đây chúng ta mắc sai lầm tả khuynh vì không sử dụng kinh tế tư nhân thì nay có người phạm sai lầm ngược lại, gán cho kinh tế tư nhân vai trò mà nó không thể làm được xét cả về lý luận và thực tiễn.
Không thể thượng tầng kiến trúc của chúng ta vận hành theo định hướng XHCN mà hạ tầng cơ sở dựa trên sở hữu tư nhân. Hoàn toàn mâu thuẫn, vì kinh tế tư nhân, như kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra, nếu tự nó, sẽ vận động về hướng nào, chắc mọi người đã rõ.
Hạ tầng cơ sở của mỗi thời đại lấy quan hệ sản xuất đặc trưng, tiêu biểu của thời đại đó làm nền tảng. Những quan hệ sản xuất khác trước đó vẫn được sử dụng nếu thực tế có nhu cầu, nhưng không bao giờ lại đóng vai trò là nền tảng, là chủ đạo của nền kinh tế quốc dân. Đó là một chân lý bất di bất dịch của mọi thời đại.
Vậy nên Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo,... Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”(2). Hiến pháp năm 2013 cũng chỉ rõ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”(3). Cương lĩnh và Hiến pháp nói như vậy là đúng về lý luận. Nhưng trên thực tế hiện nay, vai trò đó chưa được thực hiện đúng như yêu cầu, vẫn còn nhiều yếu kém. Điều này cũng dễ hiểu. Cương lĩnh đã lưu ý điều đó khi viết “ngày càng trở thành nền tảng” (tác giả nhấn mạnh).
Vấn đề này có nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về chủ quan, Đảng và Nhà nước dù đã quan tâm nhiều đến việc củng cố và kiện toàn kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đạt và hiệu quả còn thấp.
Về khách quan, đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Phải trải qua một thời kỳ thử nghiệm và lựa chọn, thất bại và thành công, cuối cùng mới tìm ra được những mô hình tốt để hoàn thiện và nhân lên trên diện rộng, trở thành một xu thế bền vững, không thể đảo ngược.
Tầm vóc của nó thật là vĩ đại, vì đây “là việc đặt nền móng kinh tế cho tòa nhà mới, tòa nhà xã hội chủ nghĩa”(4).
V.I.Lê-nin đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, rằng “danh từ nước Cộng hòa xô-viết xã hội chủ nghĩa có nghĩa là chính quyền xô-viết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế mới là chế độ xã hội chủ nghĩa”(5). Điều đó đòi hỏi một thời kỳ quá độ dài. Phải dùng chính quyền mới để tạo lập chế độ kinh tế mới phù hợp(6).
Đây là sự vận dụng mối quan hệ biện chứng giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở. Trong quá trình đó, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cũng như tính chất nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể sẽ lớn dần lên và đạt tới độ chín muồi khi cơ sở vật chất của CNXH và chế độ kinh tế mới tương ứng với chế độ chính trị được xây dựng xong về cơ bản. Không thể đòi hỏi sự tiến bộ vượt bậc của quan hệ sản xuất XHCN ngay đầu thời kỳ quá độ như một số người mong muốn. Đó cũng là một biểu hiện của bệnh “ấu trĩ tả khuynh” như V.I.Lê-nin đã vạch ra.
Những vấn đề nói trên mang tính quy luật đối với các nước tiền TBCN hoặc những nước TBCN kém phát triển tiến lên CNXH.
Trên đây chúng ta đã bàn về việc tại sao kinh tế tư nhân không đóng được vai trò là nền tảng của kinh tế quốc dân trong chế độ chúng ta.
Còn về mặt thực tế, tư nhân nước ta hiện nay và cả sau này khi phát triển hơn, xét về tổng thể, vẫn không thể đảm đương nổi vai trò này.
Tư nhân không muốn và không đủ sức đầu tư vào những công trình lớn, xây dựng dài ngày, hiệu quả đầu tư thấp, thu hồi vốn chậm; những công trình công ích lãi suất thấp hoặc phi lợi nhuận; còn những công trình quốc phòng-an ninh vốn là độc quyền của Nhà nước.
Vậy, Nhà nước định hướng tư nhân phát triển theo con đường nào?
Phần lớn những doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn được khuyến khích phát triển theo con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước hay như thuật ngữ mà chúng ta quen dùng hiện nay là “đối tác công tư”, “công-tư kết hợp”.
Đó là con đường đầy triển vọng, không chỉ có lợi cho cả “công” và “tư” mà còn có lợi cho việc tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước. V.I.Lê-nin đánh giá cao con đường này. Người nói: “Trong một nước tiểu nông, trước hết các đồng chí phải bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc, đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội”(7).
Hiện nay, chúng ta đang có bước khởi đầu đi trên con đường này. Đó là việc những đơn vị kinh tế tư nhân lớn tham gia góp vốn cùng kinh tế nhà nước để được nhượng quyền khai thác có điều kiện những cơ sở lớn thuộc kết cấu hạ tầng, như: Hải cảng, sân bay, đường cao tốc... theo hợp đồng. Nhà nước vẫn giữ quyền chi phối một số mặt quản lý quan trọng để bảo đảm hài hòa các lợi ích: Nhà nước-doanh nghiệp-người tiêu dùng. Chúng ta cần mở rộng hơn nữa hình thức này trên các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế.
Đối với vấn đề này hiện nay cũng đang có những quan điểm trái ngược nhau. Một số người cho rằng, làm như thế là tài sản Nhà nước bị xâm phạm, là tạo điều kiện cho tư nhân phát triển đi đôi với sở hữu XHCN bị thu hẹp... Họ không thấy rằng, nếu để cho Nhà nước độc quyền kinh doanh tất cả thì không làm nổi, hoặc dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất kỹ thuật bị xuống cấp. Đó là chưa nói đến làm như vậy Nhà nước sẽ rút ra được một số tiền không nhỏ để đầu tư vào những công trình khác đang rất “khát” vốn. Một dự báo cho thấy trong 15 năm tới, số công trình thuộc kết cấu hạ tầng dự kiến triển khai sẽ rất lớn, trong đó Nhà nước chỉ bảo đảm được 30% tổng số vốn. Làm theo cách trên là một sự lựa chọn tốt, tìm lối ra cho nền kinh tế.
Tất nhiên, chúng ta phải đề phòng, ngăn chặn và đấu tranh quyết liệt với các hành vi tiêu cực, lợi dụng hình thức này để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm.
Còn quan điểm khác cổ súy tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế, Nhà nước không cần nắm gì, chỉ cần thông qua luật để điều tiết là đủ… “Tay không bắt giặc” cũng là phi thực tế. Tóm lại, hiện đang có hai xu hướng: Một là, Nhà nước nắm lấy tất cả; hai là, Nhà nước buông tất cả. Như vậy, chúng ta càng thấy luận điểm “Chủ nghĩa tư bản nhà nước” của V.I.Lê-nin là giải pháp đúng đắn biết nhường nào!
Nói về quá trình cổ phần hóa ở nước ta đang tiến hành hiện nay, có người cho đó là quá trình tư nhân hóa. Có lẽ gọi đó là quá trình xã hội hóa (đầu tư) thì đúng hơn.
Quá trình tư nhân hóa điển hình diễn ra ở nước Nga thời Tổng thống B.En-xin đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đó người ta bán rẻ cho tư nhân những cơ sở kinh tế lớn hoặc vừa, quan trọng nhiều hoặc ít. Có những người chớp thời cơ, qua một đêm trở thành tỷ phú. Về sau, dưới thời Tổng thống V.Pu-tin đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt để lấy lại một phần tài sản quốc gia bị mất vào tay những kẻ tài phiệt.
Còn ở nước ta, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xét về chủ trương, không mang tính chất tư nhân hóa. Đối tượng cổ phần hóa do Nhà nước quyết định: Cổ phần doanh nghiệp nào, toàn bộ hoặc một phần. Nhà nước có thể không tham gia cổ đông, hoặc tham gia với tư cách là cổ đông thường hay cổ đông chi phối. Tiền thu về hoặc để đầu tư trở lại doanh nghiệp hoặc đầu tư để phát triển doanh nghiệp mới. Người mua cổ phần đa dạng: Đó chính là doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tập thể; là nhà đầu tư nước ngoài (coi trọng nhà đầu tư chiến lược) bao gồm nhà nước và tư nhân; nhà đầu tư tư nhân trong nước; bản thân người lao động. Như vậy là toàn xã hội có thể cùng tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Quá trình cổ phần hóa ở nước ta hiện nay hết sức tránh lấy tốc độ hoàn thành vào năm 2015 làm mục tiêu duy nhất mà xem nhẹ chất lượng cổ phần hóa. Phải chú ý xây dựng phương án quản trị doanh nghiệp, phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Chính điều này quyết định tính hiệu quả và sự thành công của cổ phần hóa doanh nghiệp.
Tóm lại, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ở nước ta đã có một bước tiến dài so với trước. Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện về thể chế, nhất là chỉ đạo tổ chức thực tiễn để thực hiện đúng đường lối, chính sách, phát huy hơn nữa tiềm năng của kinh tế tư nhân. Nhưng đừng bao giờ quên rằng đây là kinh tế tư nhân hoạt động dưới CNXH, chịu sự chi phối của Nhà nước pháp quyền XHCN, có nhiệm vụ góp phần xây dựng CNXH thành công. Đừng bao giờ gán cho kinh tế tư nhân vai trò và nhiệm vụ mà nó không thể có và không thể nào thực hiện được.
Giáo sư LÊ XUÂN TÙNG
 (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội)
(1) V.I.Lê-nin toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.36, tr.347
 (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.73-74
 (3) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.25
 (4) V.I.Lê-nin toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.44, tr.188
 (5) V.I.Lê-nin: Sđd, t.36, tr.362
 (6) V.I.Lê-nin: Sđd, t.36, tr.208, 210; t.42, tr.33
 (7) V.I.Lê-nin: Sđd, t.44, tr.189

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét