Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững

(Baohatinh.vn) Thời gian qua, Hà Tĩnh luôn chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo, góp phần đảm bảo đời sống người dân. Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 3-4% (theo chuẩn mới), trong nhiệm kỳ 2010-2015, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cách làm sáng tạo, tạo bước chuyển thực sự về chất trong công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo để đánh giá kết quả. Song song với đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững các địa phương thường xuyên được củng cố, kiện toàn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách, giúp đỡ trực tiếp các hộ nghèo trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Nhiều địa phương huyện Thạch Hà nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đem lại lợi nhuận cao.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo tổ chức giao ban định kỳ đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, chỉ ra tồn tại, nguyên nhân để kịp thời rút kinh nghiệm và có giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp các hộ nghèo nắm rõ chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, đồng thời, giúp họ tiếp cận và áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từng bước thoát nghèo.
Công tác giảm nghèo đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân trong toàn tỉnh tích cực tham gia. Các chính sách, dự án về giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng trên địa bàn tỉnh; người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng... Bộ mặt nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới, đặc biệt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng bãi ngang ven biển đã có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Người dân đã biết lựa chọn loại hình sản xuất cây, con chủ lực, gắn với yếu tố thị trường; mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất… góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Lồng ghép nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Lồng ghép nhiều giải pháp, dự án, chính sách với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người nghèo, ưu tiên cho người nghèo thuộc các xã khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư trên địa bàn… được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện.
Nghề nuôi ong góp phần nâng cao thu nhập cho người dân miền núi Vũ Quang
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Xuân Thông cho biết: Sau gần 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015, các chỉ số về chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 80/NQ ngày 19/5/2011 của Chính phủ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 7,42%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 10,34%, 89 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%.
Thạch Bàn thuộc diện xã nghèo của huyện Thạch Hà, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng thiếu thốn, nguồn nội lực hạn chế. Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân, những năm qua, Thạch Bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, xã đạt 8 tiêu chí nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Cường phấn khởi: “Thạch Bàn có thế mạnh riêng về nuôi cá chẽm, tôm thẻ chân trắng thâm canh, sản lượng hàng năm từ 60-80 tấn, đem lại nguồn thu lớn cho người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo ở Thạch Bàn đến cuối năm 2014 còn 13,75%, giảm 8,73% so với năm 2010; hộ cận nghèo còn 15,42%”.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Xuân Thông cho biết thêm: Giai đoạn 2011-2014, tổng nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 36.032 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 5.782 tỷ đồng; ngân sách địa phương 3.800 tỷ đồng; lồng ghép các chương trình, dự án 21.550 tỷ đồng; huy động khác 4.900 tỷ đồng.
Các chương trình giảm nghèo như: hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi và vùng bãi ngang ven biển; chương trình việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo; xuất khẩu lao động... đã góp phần giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; diện mạo các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt...
Với những giải pháp thiết thực và đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo sẽ đạt được những chỉ tiêu đặt ra, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Toàn tỉnh phấn đấu, cuối năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,5%; hộ cận nghèo còn 8,5%; không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%; 100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển không có tỷ lệ hộ nghèo trên 15% và xã miền núi, biên giới có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%, thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn. Tất cả các đối tượng thuộc hộ nghèo, 100% thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT; 100% hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, có nhu cầu vay vốn được vay ưu đãi.

Nam Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét