Thực tế ở Việt Nam,
các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động
đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân Việt Nam hoàn toàn tự nguyện, tự do lựa chọn
theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào, không bị ép buộc, cấm đoán.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo.
Ở Việt Nam,
ngày càng có thêm nhiều tổ chức tôn giáo được công nhận và hoạt động. Số lượng
các tín đồ tôn giáo tăng nhanh. Các cơ sở thờ tự liên tục được xây dựng, mở
mang, tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo. Cho đến nay, theo thống kê
có tới 95% số dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó hơn 24 triệu
người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau (chiếm khoảng 27% dân số). Trên
cả nước, có 26.387 cơ sở thờ tự gồm chùa, đền thờ, nhà thờ và các nơi thờ tự
khác. Hoạt động in ấn, phát hành kinh sách được xuất bản tự do theo nhu cầu của
các tôn giáo. Công tác giáo dục, đào tạo về tôn giáo được thúc đẩy. Các hoạt
động đối ngoại về tôn giáo ngày càng được đẩy mạnh… Các tổ chức tôn giáo ở Việt
Nam được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia hoạt động y tế, văn hóa, xã
hội, nhân đạo,... qua đó đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam coi trọng việc thể chế
hóa trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, phù hợp với các công ước và
luật pháp quốc tế, phù hợp với thực tiễn của tôn giáo ở Việt Nam, cũng như tôn
trọng quan hệ của các tổ chức tôn giáo trong nước với các tổ chức tôn giáo thế
giới. Quan hệ đang tiến triển tốt đẹp giữa Nhà nước Việt Nam với Va-ti-căng trong những năm gần đây
có thể minh chứng cho điều này.
Có thể nói, đời sống tôn giáo ở Việt Nam chưa bao giờ sôi động như hiện nay.
Sự phối hợp tốt giữa giáo hội với các cơ quan quản lý
nhà nước ở địa phương, đảm bảo cho những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà
nước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người có đạo phụng
sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế. Đã có sự thông suốt về
chính sách tôn giáo từ Trung ương đến địa phương, và chính quyền cũng thấy rõ
tôn giáo là một bộ phận xây dựng sự ổn định và phát triển của xã hội.
Theo Thượng tọa Thích Huệ Thông, Ủy viên thường trực
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
trong điều kiện hiện nay, đồng bào là giáo dân của các tôn giáo có thể vừa tự
do theo tín ngưỡng của mình, vừa thực hiện tốt trách nhiệm công dân. “Tôi
nghĩ rằng các tôn giáo chúng ta lấy tinh thần đoàn kết, lấy tinh thần hòa hợp
làm chính và điều này thì Phật giáo Việt Nam đã làm được. Vấn đề quan trọng ở
đây là làm sao chúng ta thể hiện tinh thần của một người dân đối với Tổ quốc,
đối với đất nước; dù là tôn giáo nào nhưng chúng ta sống trên mảnh đất này,
chúng ta được sinh ra và lớn trên mảnh đất yêu thương của dân tộc, thì bổn phận
và trách nhiệm của chúng ta phải cống hiến tất cả cho Tổ quốc, cho dân tộc”,
Thượng tọa Thích Huệ Thông nói.
Một thực tế nữa là các tổ chức nhân quyền và tôn giáo
quốc tế nhiều lần tới làm việc và khảo sát thực tế ở Việt Nam đã thừa nhận việc
bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đạt được
nhiều tiến bộ. Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng của LHQ,
ông Hai-nơ Bây-le-phin (Heiner Beilefeldt), người có thời gian đến Việt Nam tìm
hiểu tình hình thực tế về tự do tôn giáo, trong báo cáo trình bày trước Hội
đồng Nhân quyền LHQ ngày 11-3 vừa qua đã đánh giá cao sự hợp tác và tạo điều
kiện của các cơ quan trong suốt thời gian chuyến thăm; ghi nhận những thành tựu
mà Việt Nam đã đạt được trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đặc
biệt là sự phát triển về số lượng tín đồ, chức sắc tôn giáo cũng như các cơ sở
thờ tự tại khắp các tỉnh trong những năm vừa qua. Mặc dù còn tồn tại một số khó
khăn nhưng nhìn chung các cộng đồng tôn giáo trong nước đã có nhiều không gian
để thực hành tôn giáo.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào
Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014-2016). Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao
của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam
trong bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Đó cũng là
những minh chứng mới nhất, rõ nhất cho thấy các tôn giáo của Việt Nam tự do, bình đẳng và cùng phát triển
trong một đất nước hòa bình, hội nhập.
Phương Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét