Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH SỰ VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀO ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM



                                                            
Nguyễn Hòa

CN M-L là một học thuyết khoa học và cách mạng; bởi thế, từ khi ra đời đến nay, nó luôn bị các thế lực thù địch, phản động không ngừng công kích, xuyên tạc và phủ nhận. Đặc biệt, sau khi CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn tính chất. Ở VN, các thế lực thù địch và phản động không chỉ phủ nhận CN M-L, mà còn mưu toan phủ nhận cả tư tưởng Hồ Chí Minh bằng mọi thủ đoạn tinh vi. Họ tuyên truyền quan điểm hết sức sai trái cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển CN M-L vào VN. Vậy tư tưởng Hồ Chí Minh là gì, đó có phải là sự vận dụng sáng tạo và phát triển CN M-L vào hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể của VN hay không?
Như chúng ta đã biết, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến trước lúc từ biệt thế giới này đã luôn đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cả cuộc đời Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Từ sự nghiên cứu lý luận cũng như hoạt động thực tiễn phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết và để lại một di sản tinh thần vô giá, không những trực tiếp góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi của dân tộc trong những năm qua mà còn tiếp tục mang giá trị, ý nghĩa chỉ đạo, định hướng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta.
Tôn vinh tư tưởng và những cống hiến to lớn của Người, tại Đại hội lần thứ IX, ĐCSVN đã khẳng định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng VN, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo CN M-L vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta".
Luận điểm mang tính khái quát của ĐCS VN về tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trên thể hiện bốn nội dung hết sức quan trọng. Đó là, thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng VN, từ cách mạng dân tộc dân chủ đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo CN M-L vào điều kiện cụ thể của VN; thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc VN và tinh hoa văn hoá nhân loại; thứ tư, những nội dung căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã và tiếp tục soi sáng con đường cách mạng VN trong thời gian tới.
Trước hết, cần khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh có quan hệ gắn bó, mật thiết với CN M-L. Thực tế cho thấy, CN M-L có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu không có CN M-L thì cũng không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ trong quá trình tìm đường cứu nước, khi tiếp nhận được CN M-L thông qua đọc Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, tư tưởng Hồ Chí Minh mới thực sự được xác lập và phát triển. Có thể nói, CN M-L là nguồn gốc, cơ sở hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học của Hồ Chí Minh, nhờ đó mà Người đã có bước phát triển về chất từ một người yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. CN M-L đã cung cấp phương pháp luận khoa học – phép biện chứng duy vật; đồng thời, xác lập những vấn đề có tính nguyên tắc về lập trường quan điểm, về phương pháp chỉ đạo cách mạng... Những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong hệ thống những phạm trù cơ bản của CN M-L. Mặt khác, dựa trên cơ sở lý luận của CN M-L, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và chuyển hoá những nhân tố tích cực, những giá trị và tinh hoa văn hoá của dân tộc và của nhân loại để tạo nên tư tưởng của mình phù hợp với xu thế vận động của lịch sử.
Hồ Chí Minh đã nhận thức một cách đúng đắn rằng, CN M-L là cái “cẩm nang thần kỳ”, là mặt trời soi sáng con đường cách mạng và đưa chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng; rằng, chỉ có CN M-L là chân chính nhất, cách mạng nhất, triệt để nhất. Từ đó, Người đặt niềm tin vào CN M-L, quyết định lựa chọn và đi theo CN M-L, lấy lý luận đó làm ngọn đèn pha soi đường, làm kim chỉ nam cho cách mạng VN. Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định chỉ có CNXH và CNCS mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới xóa bỏ vĩnh viễn ách áp bức, bóc lột và nô dịch, mới giải quyết tận gốc vấn đề giải phóng xã hội, giải phóng con người. Hồ Chí Minh viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải CNCS đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có CNXH, CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[1].
Một trong những điểm đặc sắc ở Hồ Chí Minh là Người tin chủ nghĩa  Mác - Lênin và luôn vận dụng lý luận đó một cách sáng tạo xuất phát từ đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể của đất nước chứ không giáo điều. Hồ Chí Minh xem CN M-L là một trong những giá trị tinh hoa tư tưởng của thời đại, và luôn đặt trong dòng chảy văn hóa nhân loại. Người luôn chống lại mọi biểu hiện biệt phái, xơ cứng, máy móc, chật hẹp hoặc cực đoan khi vận dụng CN M-L. Bản thân Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương mẫu mực khi Người nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng CN M-L không phải theo lối giáo điều, kinh viện, mà có sự phát triển, làm phong phú thêm CN M-L trong điều kiện lịch sử mới. Người không bao giờ coi CN M-L là “cái gì đã xong xuôi hẳn” hoặc là những câu trả lời có sẵn cho mọi vẫn đề ; trái lại, như Người đã từng chỉ rõ: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”[2]. Nói đến quan hệ giữa cách mạng VN với CN M-L, Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi của cách mạng VN là một thắng lợi của CN M-L ở một nước trước đây là thuộc địa. Những kinh nghiệm thành công của cách mạng VN cũng góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của CN M-L”[3]. Với Người, cách mạng VN muốn thắng lợi cần phải vận dụng sáng tạo lý luận của CN M-L. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô, ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh khẳng định: “…chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lê-nin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế VN ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là CN M-L”[4]. Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên trong quá trình nhận thức và hoạt động thực tiễn phải nắm vững những nguyên lý cơ bản của CN M-L, đặc biệt phải nắm vững tinh thần và phương pháp biện chứng duy vật của CN M-L, yêu cầu phải vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo CN M-L chứ không sao chép, máy móc. Những yêu cầu đó vừa thể hiện tính khoa học và cách mạng, vừa thể hiện văn hóa, giá trị nhân văn chủ nghĩa ở tầm thời đại.
Một trong những cống hiến lịch sử quan trọng của Hồ Chí Minh là sự nhận thức và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở VN. Để thấy sự vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh, chúng ta hãy đọc lại Chánh cương vắn tắtSách lược vắn tắt, trong đó đề ra mục tiêu và phương hướng chiến lược của cách mạng là hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho nước ta hoàn toàn độc lập và tiến tới xã hội cộng sản: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[5].
Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra rằng, một trong những ưu điểm lớn nhất của CN M-L là phép biện chứng. Đó là phép biện chứng của phát triển xã hội, là khoa học và cách mạng của sự phát triển, xóa bỏ trật tự xã hội cũ bất công và tàn bạo, hướng tới xây dựng trật tự xã hội mới, dân chủ, công bằng và nhân đạo, vì sự phát triển toàn diện của con người. Ðó là CNCS. Hồ Chí Minh đã nhìn nhận CN M-L, CNCS một cách khoa học và thấm nhuần quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử - cụ thể. Người nhận rõ, chủ nghĩa Mác -  Lênin là kết tinh tinh hoa trí tuệ và tư tưởng của thời đại, của văn hóa nhân loại. Song, theo Hồ Chí Minh, cần xem lại cơ sở của chủ nghĩa Mác và bổ sung nó bằng dân tộc học phương Đông.
Hồ Chí Minh đặt vấn đề về sự cần thiết phải vận dụng quan điểm và phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác để xem xét sự khác nhau cơ bản giữa kết cấu kinh tế và kết cấu xã hội - giai cấp giữa phương Tây với phương Ðông. Người cho rằng, nếu ở phương Tây trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, sự phân hóa giai cấp đã trở nên rõ rệt và đối kháng giai cấp (tư sản và vô sản) do sự phân hóa ấy là sâu sắc và gay gắt thì ở phương Ðông và VN tình hình lại không hẳn là như vậy. Ở VN trong những năm đầu thế kỷ XX, nổi bật lên mâu thuẫn giữa dân tộc VN với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân xâm lược và bè lũ tay sai bán nước và đó là mâu thuẫn chủ yếu. Do đó, khác với phương Tây, ở phương Ðông, trong đó có VN đặc điểm nổi bật và nhu cầu cấp thiết đặt ra là giải phóng dân tộc, là giải quyết mâu thuẫn giữa dân tộc với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân xâm lược để giành độc lập, xóa bỏ tình trạng thuộc địa và phụ thuộc dưới ách đô hộ, thống trị của thực dân. Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo CN M-L trong việc nhận thức, giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp. Trong khi Quốc tế ba quá nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, thì ngược lại, Hồ Chí Minh cho rằng, ở VN nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập tự do cho dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Hồ Chí Minh viết: “… phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm (…). Nếu thấy người ta (…) nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”[6].
Người coi chủ nghĩa dân tộc chân chính là một động lực lớn của đất nước[7]. Khác với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh luôn được đặt trong tinh thần quốc tế vô sản: Cách mạng ở các nước thuộc địa trước hết phải đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc và từ thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản toàn thế giới.
So sánh với đấu tranh giai cấp mà Stalin đã tiến hành ở Liên Xô (cũ) và Mao Trạch Đông đã tiến hành ở Trung Quốc, chúng ta thấy bằng thiên tài và sự nhạy bén chính trị Hồ Chí Minh đã vượt qua những sai lầm trong cách hiểu tả khuynh cực đoan về đấu tranh giai cấp. Thấm nhuần quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Song, cách mạng vô sản ở đây không phải chỉ là cuộc đấu tranh giai cấp mà còn bao hàm trong đó cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nói cách khác, cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân một phạm trù của cách mạng vô sản. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh, mâu thuẫn chủ yếu của VN lúc bấy giờ là mâu thuẩn giữa dân tộc VN với chủ nghĩa thực dân Pháp. Đây chính là một trong những biểu hiện sự vận dụng một cách tài tình, sáng tạo CN M-L của Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cách mạng VN.
Dưới ánh sáng của CN M-L và xuất phát từ đặc điểm lịch sử cụ thể của VN nửa đầu thế kỷ XX, Người đã vạch ra rằng giải phóng dân tộc phải là nhiệm vụ ưu tiên, hàng đầu của cách mạng VN, chứ không phải là vấn đề đấu tranh giai cấp. Ðó cũng là lý do giải thích tại sao Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện đoàn kết tất cả các giai cấp trong xã hội VN để tạo ra sức mạnh giải phóng dân tộc.
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc và được thực tiễn cách mạng VN chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Với chiến lược đại đoàn kết, Người đã tập hợp, quy tụ được các dân tộc, các giai cấp, tầng lớp, đảng phái, tôn giáo, nhân sĩ trí thức yêu nước, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh là một sáng tạo đặc sắc trong việc phát triển CN M-L.
Mặt khác, theo quan điểm của CN M-L, quần chúng nhân dân là những người sáng tạo nên lịch sử; là lực lượng sản xuất vật chất, sản xuất các giá trị tinh thần, là lực lượng hùng hậu của các cuộc cách mạng xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm của CN M-L về vai trò quần chúng nhân dân vào tình hình cách mạng giải phóng dân tộc ở VN, khẳng định quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo; quần chúng nhân dân không chỉ sáng tạo ra của cải vật chất mà còn sáng tạo ra những giá trị tinh thần. Vì thế, chủ trương thực hiện đoàn kết rộng rãi cũng như tư tưởng về thực hành dân chủ của Hồ Chí Minh chính là nhằm tập hợp quần chúng, động viên họ tham gia vào sự nghiệp cách mạng, phát huy cao nhất sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân
Với sự nhạy cảm chính trị, nhãn quan khoa học và tầm nhìn tuyệt vời,  Hồ Chí Minh còn dự đoán rằng CNCS thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu[8]. Một trong những cơ sở luận chứng cho nhận định đó là sức mạnh đoàn kết dân tộc, truyền thống cộng đồng đã tỏ ra rất gần gũi với bản chất của CNCS.
Hồ Chí Minh đặt niềm tin sâu sắc vào lý tưởng và con đường cách mạng mà C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã vạch ra, đồng thời cũng kế thừa những tinh hoa tư tưởng khác của nhân loại cũng như giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thực tế cho thấy, Hồ Chí Minh hết sức trân trọng tư tưởng từ bi, bác ái của đạo Phật, sự khoan dung văn hóa cao cả của chúa Jêsu, tinh thần thực tiễn trong chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh không chỉ đến với CN M-L, mà còn tìm hiểu những giá trị tư tưởng của một số nhà tư tưởng lỗi lạc khác và nâng lên tầm cao mới, phù hợp với thực tế của VN.
Sự vận dụng và phát triển sáng tạo CN M-L của Hồ Chí minh vào thực tiễn cụ thể của đất nước còn thể hiện trên nhiều khía cạnh, phương diện khác. Chúng ta có thể nói đến sự vận dụng sáng tạo và phát triển CN M-L của Hồ Chí Minh đối với nhiều vấn đề, như xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, về quân sự, về ngoại giao, về văn hóa, đạo đức, v.v.. Chẳng hạn, Hồ Chí Minh coi ĐCS VN không những là đảng của giai cấp công nhân, mà còn là đảng của toàn thể dân tộc VN.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, CN M-L đối với Hồ Chí Minh không chỉ là một học thuyết khoa học và cách mạng mà còn là đạo đức và văn hóa. Người đã từng chỉ rõ rằng, nếu đã đọc hàng trăm, hàng nghìn quyển sách Mác - Lênin mà ăn ở với nhau không có tình có nghĩa thì không thể nói là hiểu CN M-L được. Bởi lẽ, với Hồ Chí Minh, giá trị cao cả và tối thượng của CN M-L là tinh thần nhân văn sâu sắc – vì con người, cho con người, là sự tự do và phát triển toàn diện của con người. Không chỉ có vậy, Hồ Chí Minh còn là nhà mácxít vĩ đại khi tiếp cận CNXH, chính trị của giai cấp công nhân và bản chất của Ðảng Cộng sản từ góc độ đạo đức học và văn hóa đạo đức. Người đã từng khẳng định rằng, CNXH đối lập với chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng xã hội chủ nghĩa đối lập với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, chính trị cốt ở đoàn kết, sự thanh khiết và trong sạch, Ðảng là đạo đức, là văn minh. Với Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo CN M-L không phải là cái gì đó trừu tượng, xa vời; trái lại, rất cụ thể và thiết thực, là điều gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm và điều gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Theo quan niệm của Người, phục vụ nhân dân, làm công bộc trung thành và tận tụy của dân là phục tùng chân lý cao nhất, là lựa chọn một lẽ sống cao thượng nhất.
Trong việc vận dụng CN M-L, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng yêu cầu sáng tạo, không máy móc, rập khuôn; để có thể làm được như vậy, nhất thiết phải hiểu rõ hoàn cảnh, những điều kiện lịch sử cụ thể và đặc điểm của đất nước. Người căn dặn chúng ta phải chú ý học tập kinh nghiệm của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em nhưng không được sao chép mà phải có tinh thần độc lập tự chủ. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trước đây, Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh rằng, ta và Liên Xô rất khác nhau về trình độ phát triển, về lịch sử và văn hóa; rằng, trong công cuộc xây dựng CNXH, làm khác với Liên Xô cũng là người mácxít.
Có thể nói, Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng, một sự mẫu mực trong việc nhận thức đúng đắn, vận dụng sáng tạo và phát triển CN M-L vào hoàn cảnh, điều kiện lịch sử đặc thù của VN. Quán triệt nguyên tắc đó luôn là điểm xuất phát cả trong tư tưởng lẫn hành động thực tiễn của Hồ Chí Minh. Tựu trung lại, Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn trong việc vận dụng sáng tạo và phát triển CN M-L vào điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước.
Hiện nay, khi mà CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu tan vỡ, hơn bao giờ hết, các thế lực thù địch và phản động đang ráo riết đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa hòng làm suy giảm niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng. Một trong những vấn đề chúng tập trung chống phá là tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và CN M-L, từ đó tiến tới phủ nhận sự lãnh đạo của ĐCS VN. Những kẻ phụ họa với các thế lực thù địch và phản động đã, đang tuyên truyền nhiều quan điểm sai trái, như  cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sự vận dụng sáng tạo CN M-L vào điều kiện cụ thể của VN; rằng, ở VN hiện nay học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời, chỉ cần nói tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nói CN M-L...
Có thể khẳng định, về thực chất, quan điểm cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sự vận dụng sáng tạo CN M-L vào điều kiện cụ thể của VN hoàn toàn không phải là sự ca ngợi, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh; trái lại, điều đó nằm trong mưu toan phủ nhận CN M-L, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu là CN M-L, đồng thời từ đó làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Quan điểm sai trái đó nhằm ba mục tiêu: Một là, phủ nhận CN M-L; hai là, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; ba là, phủ nhận nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, làm suy yếu và đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của ĐCS VN. Đó là điều mà các thế lực thù địch, phản động mong muốn và đang tìm đủ mọi cách để thực hiện, kể cả những cách xấu xa nhất. Vì vậy, chúng ta phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, vạch rõ thủ đoạn của chúng và kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái đó nhằm bảo vệ CN M-L, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của ĐCS VN.


[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.563.
[2] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.509-510
[3] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.13. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.381.
[4] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.589-590.
[5] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.3. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.1.
[6] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.312.
[7] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.511.
[8] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.47.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét