QĐND
- Cuộc khủng hoảng người di cư tiếp tục hun nóng châu Âu khi việc Đức
và Áo chấp nhận người tị nạn được cảnh báo là sẽ mở đường cho không phải
500.000 mà là hàng triệu người tị nạn vào “lục địa già”.
L.Ma-gít
(Laith Majid), một ông bố người Xy-ri, đang ôm con trai và con gái vào
lòng, sau chuyến đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Kos, Hy Lạp. Ảnh: New York
Times
|
Trong
bối cảnh đó, Thủ tướng Áo Véc-nơ Phây-man (Werner Faymann) ngày 6-9 đã
kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tổ chức cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp để
tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư. Ông Véc-nơ Phây-man cũng
đồng thời cho rằng, các biện pháp hỗ trợ mà Viên đang tiến hành hiện
nay chỉ mang tính tạm thời. Nhà lãnh đạo trên khẳng định, không có biện
pháp thay thế nào ngoài việc EU phải tìm ra một giải pháp chung toàn
khối. Ông kêu gọi EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối ngay sau cuộc
họp của các Bộ trưởng nội vụ và tư pháp vào ngày 14-9 tới. Tuyên bố
trên được đưa ra sau khi chính quyền Áo và Đức vừa mở cửa biên giới cho
phép thêm hàng nghìn người di cư vào hai nước này sau nhiều ngày bị kẹt
lại ở Hung-ga-ri. Ngoại trưởng Áo Xê-ba-ti-an Ku-xơ (Sebastian Kurz)
cũng tuyên bố rằng, số phận của người di cư và cái giá mà họ phải trả
bằng cả mạng sống là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với châu Âu.
Từ
ngày 4-9, dòng người di cư bị mắc kẹt nhiều ngày qua tại thủ đô
Bu-đa-pét của Hung-ga-ri đã đổ sang Áo sau khi Chính phủ Hung-ga-ri huy
động xe buýt và tàu hỏa để đưa khoảng 1.200 người tị nạn tới Áo và Đức.
Sau khi tới Áo, đoàn người di cư sẽ tiếp tục tới Đức trên các chuyến tàu
đặc biệt do Chính phủ Áo cung cấp. Theo thông tin cùng ngày từ cảnh sát
liên bang Đức, riêng trong ngày 5-9, khoảng 8.000 người di cư đã vào
biên giới nước này. Những người này sau đó được đưa lên xe buýt để tới
các khu nhà ở tạm thời đặt tại các tòa nhà công cộng, các khách sạn và
doanh trại.
Trước
thảm cảnh của người di cư, một số nước cũng tuyên bố bắt đầu tiếp nhận
người tị nạn. Ngày 6-9, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Tô-ni Áp-bót (Tony
Abbott) cho biết, Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẽ từng bước tăng tiếp nhận số
người tị nạn từ Xy-ri. “Chúng tôi đang xem xét nhận nhiều người hơn từ
khu vực này, cũng như tăng viện trợ cho người tị nạn Xy-ri đang ở trong
các trại tị nạn ở các nước láng giềng như một phần trong cam kết bền
vững của Ô-xtrây-li-a với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR)”,
ông Áp-bót phát biểu từ Can-bê-ra. Ông cho hay, Bộ trưởng Nhập cư
Ô-xtrây-li-a Pi-tơ Đút-tơn (Peter Dutton) tối 6-9 lên đường sang
Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) để thảo luận với Liên hợp quốc cách thức mà Chính
phủ Ô-xtrây-li-a có thể hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở
châu Âu.
Mặc
dù không bị tác động nhiều bởi làn sóng người di cư, kể cả thời điểm
Hung-ga-ri đóng cửa biên giới và Ma-xê-đô-ni-a tuyên bố tình trạng khẩn
cấp ở biên giới với Hy Lạp, Ngoại trưởng Xlô-vê-ni-a Các E-gia-vếch
(Karl Erjavec) tuyên bố, quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận tối đa 2.000
người nhập cư và không phản đối các hạn ngạch phân bổ người nhập cư theo
yêu cầu của EU. Cùng ngày, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ tiếp nhận 15.000
người tị nạn Xy-ri nhằm giúp giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng người
di cư đang đẩy châu Âu vào tình trạng hỗn loạn. Thủ tướng Anh Đa-vít
Ca-mê-rôn (David Cameron) cũng tuyên bố sẽ phát động chiến dịch quân sự
nhằm đập tan các tổ chức buôn người, một phần nguyên nhân khiến cuộc
khủng hoảng người di cư trở nên trầm trọng.
EU
đang bị chia rẽ sâu sắc về giải pháp đối phó với làn sóng người di cư
chạy trốn khỏi chiến tranh và hỗn loạn ở Trung Đông và Bắc Phi. Cao ủy
phụ trách chính sách đối ngoại của EU Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni
(Federica Mogherini) nhấn mạnh, nếu cộng đồng quốc tế không chung tay
giải quyết vấn nạn người di cư, không chỉ I-ta-li-a, Hy Lạp hay
Hung-ga-ri, cuộc khủng hoảng này có thể ảnh hưởng đến nhiều quốc gia
thành viên khác của EU trong tương lai.
Ông
Đ.Mi-li-banh (David Miliband), cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là Chủ tịch
Ủy ban Cứu nạn quốc tế, đã coi cách phản ứng và xử lý của châu Âu đối
với cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay là "yếu kém", tờ Time đưa tin. Theo
ông Mi-li-banh, EU hiện nay cần phải thực hiện chính sách toàn diện hơn
với vấn đề người nhập cư, trong đó có ba điểm quan trọng. Thứ nhất, họ
phải tìm cách chia sẻ với nhau trong việc tiếp nhận người nhập cư. Thứ
hai, EU cần có cách thức đăng ký và phân loại người nhập cư phù hợp hơn,
nhằm xác định rõ đâu là người tị nạn chạy trốn chiến tranh, đâu là
người nhập cư kinh tế muốn có cuộc sống tốt hơn và không được hưởng quy
chế tị nạn. Thứ ba, châu Âu cần tích cực hơn trong việc hỗ trợ các quốc
gia xung quanh vùng chiến sự Xy-ri, như Li-băng, Gioóc-đa-ni, Thổ Nhĩ Kỳ
và I-rắc, những nước đang không thể đối phó với làn sóng 4,5 triệu
người tị nạn tràn ra khỏi Xy-ri trong vòng 4 năm qua.
Trong
khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo việc hàng triệu người tị nạn có thể
nhập cư vào châu Âu sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường về kinh tế và xã
hội, thậm chí là chính trị. Ngoại trưởng Hung-ga-ri P.Di-hác-tô (Peter
Szijjarto) từng chỉ trích vấn đề lộn xộn ở Hung-ga-ri thời gian gần đây
nảy sinh từ chính sách di dân sai lầm của EU và các tuyên bố vô trách
nhiệm của một số chính trị gia châu Âu. Ông Di-hác-tô không nêu đích
danh ai nhưng theo AFP, Thủ tướng Hung-ga-ri V.Oóc-ban (Viktor Orban)
hồi đầu tuần này chỉ trích Đức vì đã khuyến khích người di cư đánh đổi
tính mạng đến châu Âu với lời hứa về một nơi tốt đẹp hơn. Ngày 6-9, cảnh
sát Hung-ga-ri tuyên bố quốc gia này sẽ ngừng hỗ trợ chuyên chở người
di cư đến biên giới Áo bằng xe buýt, khẳng định quyết định đưa hàng
nghìn người di cư trong đêm 4-9 tới sáng 5-9 là “sáng kiến duy nhất”.
NGỌC HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét