Chính xác, khách quan, công bằng luôn là điều mà mọi cuộc thi
trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ hướng tới. Tuy nhiên, qua phản ánh của
báo chí và ý kiến một số người trong cuộc thì dường như lại có hiện
tượng can thiệp, đôi khi thô bạo, nhằm làm sai lệch kết quả giải thưởng?
Vậy phải chăng vì lợi ích cá nhân mà một số người đã gây nhiễu loạn đời
sống văn học, nghệ thuật, làm giảm niềm tin của công chúng?
Mùa giải năm 2015,
Ban tổ chức (BTC) chương trình Bài hát yêu thích quyết định loại bỏ
hình thức bầu chọn bằng tin nhắn và lượt nghe. Theo quy định mới, các
ca khúc biểu diễn trong chương trình sẽ được bình chọn qua hình thức
duy nhất là từ Hội đồng khán giả đại diện. Hằng tháng, BTC sẽ lựa chọn,
công bố danh sách các thành viên hội đồng khán giả đại diện (100 thành
viên/tuần). Các thành viên trong hội đồng không cố định, sẽ được thay
đổi hằng tháng theo tỷ lệ từ 10% đến 30%, sẽ bình chọn trực tuyến trên
hệ thống bình chọn online tại website của chương trình. Đại diện BTC lý
giải: “Dù chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm cho hoạt động bình chọn được
công bằng đối với tất cả các ca khúc trên bảng xếp hạng, song với tốc
độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự hình thành các fanclub,
đã có một bộ phận khán giả sử dụng phần mềm để tạo lượt nghe ảo, tin
nhắn rác khiến kết quả bình chọn sai lệch, gây ra những tranh cãi không
đáng có. Những thay đổi này nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng
hơn trong hoạt động bình chọn”. Và sự thay đổi này đã được dư luận đánh
giá là kịp thời, cần thiết. Có lẽ vì các mùa giải trước, BTC Bài hát
yêu thích đã phải giải quyết không ít tranh cãi, khiếu nại liên quan tin
nhắn bình chọn ảo. Điển hình là mùa giải năm 2012, BTC đã buộc phải
hủy hơn 1.400 tin nhắn cho ca sĩ X sau khi phát hiện hiện tượng bất
thường, như: rất nhiều tin nhắn xuất hiện từ dải sim có chung đầu số,
mỗi sim đều dùng hết lượng tin nhắn tối đa theo quy định, kiểm tra ngẫu
nhiên phát hiện đó là sim rác… Khi được BTC thông báo, ca sĩ X công
nhận vì quá hưng phấn nên các fan của ca sĩ tích cực dùng sim rác nhắn
tin bình chọn cho bài hát mà ca sĩ trình bày.
Những trường hợp nêu
trên không phải là cá biệt, vì thời gian gần đây dư luận ngày càng quan
tâm đến hiện tượng trong một số cuộc thi có một số ca sĩ vận động,
thậm chí mua sim điện thoại phát cho người hâm mộ, thuê người giỏi công
nghệ thông tin can thiệp bằng phần mềm tin học tự động nhằm nâng kết
quả bình chọn theo ý muốn, rồi thuê báo chí viết bài lăng-xê... Về hiện
tượng này, ca sĩ trẻ TH nhận xét: “Bây giờ, không phải khán giả thích
thí sinh nào thì lấy điện thoại bình chọn cho thí sinh đó nữa, mà đó là
một sân chơi để những nghệ sĩ với ước mơ chiến thắng bằng mọi cách để
mong giành giải. Có thể số tiền bỏ ra để mua giải không nhiều, nhưng sự
chiến thắng này được họ dùng để lòe thiên hạ và tự đánh bóng tên tuổi
của mình trước khán giả”. Việc một số nghệ sĩ dùng mọi thủ đoạn để thao
túng dẫn đến tình trạng một số tác phẩm hời hợt, một số giọng ca non
kém lại được tung hô, tôn vinh thái quá. Song rốt cuộc cũng chỉ trong
một thời gian ngắn, mấy ca sĩ, mấy ca khúc vừa được thổi phồng giá trị
không còn được mấy ai nhớ đến; không ít giải thưởng vừa được trao đã bị
công chúng quay lưng và cũng từ đó, lòng tin của công chúng về giải
thưởng bị suy giảm. Đáng lo ngại là khi giá trị “ảo” được tôn vinh đến
mức lố bịch thì người liên quan như mắc bệnh “vĩ cuồng”, tự thấy giải
thưởng như là sự bảo đảm cho phát ngôn, thậm chí hành xử lệch lạc; và
họ kéo theo một bộ phận công chúng ngộ nhận về giá trị đích thực của
tài năng cũng a dua, cổ súy cho tác phẩm non kém, gây nhiễu loạn đời
sống văn hóa, văn nghệ.
Và có một điều cần
bàn là trong một số hoạt động thiếu lành mạnh nhằm tạo dựng, đánh bóng
tên tuổi một số nhân vật trong làng giải trí lại có sự can dự của một
số nhà báo. Về điều này, tác giả VV ở báo Lao Động đã thẳng thắn gọi là
tình trạng “nhà báo làm thuê cho showbiz”, như anh viết: “Chính nhà
báo cố tình tiếp tay PR cho giới showbiz với những thông tin gửi đi
khắp nơi. Có những nhà báo làm thuê cho giới showbiz (tổ chức sự kiện,
lo tổ chức truyền thông) với “cát-xê” không rẻ. Vì thế, có những gương
mặt người mẫu, ca sĩ, diễn viên… cứ xuất hiện trên mặt báo in và báo
điện tử với tần suất chóng mặt. Nhất cử nhất động của họ đều được lên
mặt báo và nhiều trường hợp cố tình tạo ra scandal để gây chú ý”. Sự
can thiệp quá sâu của báo chí đã tạo nên thứ “quyền lực ảo” lũng đoạn
đời sống văn nghệ. Phải chăng vì thế mới có ca sĩ không ngần ngại khi
tuyên bố, hễ anh ta tham dự cuộc thi nào thì giải thưởng cao nhất cuộc
thi chắc chắn sẽ thuộc về anh ta, vì anh ta chính là “người đàn ông
quyền lực nhất của giới showbiz”?
Không chỉ trong nghệ
thuật biểu diễn, trong văn học đã và đang có hiện tượng tạo dựng giá
trị ảo như vậy. Quan tâm theo dõi sẽ thấy, như đã thành thông lệ, trước
mỗi mùa giải thưởng, người trong văn giới sẽ lập tức biết về một số
tác giả đôn đáo chạy vạy khắp nơi để đặt người viết bài lăng-xê, tán
tụng. Mục tiêu là càng nhiều người viết càng tốt, bài viết xong đăng
trên càng nhiều báo càng hay. Không báo giấy thì báo mạng, cùng lắm thì
đưa lên facebook rồi đánh dấu để hàng trăm người cùng vào “thưởng
thức”. Hình như những người này quan niệm ai chiếm lĩnh được báo chí,
truyền thông người ấy nắm ưu thế, và báo chí truyền thông hoàn toàn có
thể sẽ gây áp lực lên Ban giám khảo? Hẳn là vì thế trước mỗi mùa giải
thưởng, thường đột nhiên xuất hiện một số bài báo ca ngợi hết lời một
số cuốn sách, căn cứ vào đó, người quan tâm có thể… dự đoán giải
thưởng!? Bởi vậy, tác giả nọ khoe rằng, sách của anh ta vừa xuất bản đã
có hơn 30 bài viết. Lạ là bài nào cũng khen ngợi rất nồng nhiệt, nào
là cuốn sách đáng đọc nhất trong năm, nào là lâu lắm mới có một cuốn
tiểu thuyết bề thế như vậy; nào là phát hiện mới của văn học về đề tài
A, rồi giải thưởng văn học trong năm nhất định sẽ thuộc về cuốn tiểu
thuyết đó! Thậm chí tọa đàm ra mắt sách vừa kết thúc hôm trước, hôm sau
đã có tờ báo “chốt” thông tin nóng hổi với dự báo rằng giải thưởng năm
nay sẽ thuộc về nhà văn X! Có nhiều lý do để có cuộc thi, dù BTC chưa
công bố kết quả nhưng người ngoài cuộc đã đoán được chủ nhân giải
thưởng là ai. Chưa biết thực hư ra sao nhưng dư luận trong văn giới còn
xì xào về chuyện có nhà văn tự tin đến mức trực tiếp đến gặp từng
người trong Ban giám khảo để đòi tác phẩm dự thi của mình phải đoạt…
giải nhất, nếu không sẽ kiện đến cùng!? Rồi lại có tác giả bỏ ra không
ít tiền để tổ chức hội thảo tôn vinh tác phẩm của chính mình và nghe
đâu mỗi bài tham luận ca tụng tác phẩm được tác giả này mạnh tay chi
trả tới vài triệu đồng? Và sau đó, các bài tham luận tụng ca còn được
tổ chức dịch sang tiếng Anh, in thành sách song ngữ bổ sung vào hồ sơ
xin dự giải Nobel văn học thế giới!
Cho nên, theo dõi
những “bất thường” trong đời sống văn học, nhà thơ NHQ nhận xét: “Việc
nhà văn, nhà thơ huy động lực lượng phê bình thân thuộc viết bài khen
ngợi sách của mình là không quá hiếm ở nước ta. Nếu người sáng tác biết
mình biết ta thì chắc họ không làm khổ các nhà phê bình như thế. Sự
phê bình khi nó thực thi chức phận với lòng trung thực và trách nhiệm
cao thì sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển của văn học nước nhà. Ngược
lại khi nó dính vào sự vụ lợi, cánh hẩu hay cẩu thả, hời hợt sẽ làm
vẩn đục dòng chảy văn chương”. Để góp phần lành mạnh hóa các giải thưởng
văn học, nhà văn TS đã đề xuất: “Nên có hệ thống giải thưởng dựa trên
những tiêu chí riêng (có tính chất trường phái). Đi kèm các giải thưởng
là quá trình tranh luận, tọa đàm với sự tham gia mạnh mẽ của giới phê
bình. Điều này tạo sự gắn kết và môi trường tác động giữa sáng tác và
phê bình làm cho đời sống văn học phong phú, các khuynh hướng khác nhau
được tôn trọng và hình thành dần cơ sở lý luận có tính chất nội sinh
cho các khuynh hướng đó”. Tuy nhiên để làm được như vậy, lại không đơn
giản chút nào. Các tác phẩm ít có giá trị lại được cổ súy, nhưng chỉ
một vài tháng sau đã mất tích trên văn đàn. Rõ ràng nếu không biết từ
chối, sự tham gia của các nhà phê bình viết theo đơn “đặt hàng” sẽ chỉ
làm nhiễu loạn các giá trị”.
Không phải không có lý
khi gần đây một tác giả cho rằng, “văn chương đích thực luôn biết tự
trọng để nói không với những chiến thuật, chiêu bài phi văn học, phản
nhân văn”. Do vậy, ở đây cần đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của những
người can dự vào quá trình truyền thông và trực tiếp góp phần thiết lập
các giá trị trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Nếu mỗi người thiếu ý
thức trách nhiệm với việc làm của mình, thiếu quan tâm để điều chỉnh
ngòi bút,… thì vẫn còn những giá trị "ảo" bị thổi phồng, những chuẩn
mực bị bóp méo, và đẩy tới khả năng văn học, nghệ thuật dần dà phai nhạt
niềm tin trong công chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét