Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

@ Vu lan, viết cho Mẹ Tổ Quốc yêu thương!

    
Vu lan - mùa báo hiếu đã qua rồi!
Vu lan năm nay, cũng như mọi năm tôi đã không lên chùa, không cúng bái, cũng chẳng viết hay nói biết ơn cha hay yêu thương mẹ, nhưng tấm lòng biết ơn của tôi thì vẫn như mọi ngày, mọi mùa đều hướng về từng hơi thở, từng suy nghĩ của cha mẹ tôi. Mùa vu lan năm nay, vào mấy ngày cao điểm, tôi cùng bạn bè tham gia vài nhóm thiện nguyện, tỏa đi một số bệnh viện quen thuộc đến với những người bệnh nghèo bạc nghèo tiền nhưng giàu tình cảm và nghị lực sống; cưỡi "ngựa sắt" phượt trên những con đường ngoằn ngoèo chênh vênh bên dốc núi cao dựng đứng để đến với sự nhem nhuốc nhưng láu lỉnh, sự thiếu ăn thiếu mặc nhưng ánh mắt ngời sáng và nụ cười rạng rỡ như ánh bình minh của những đứa trẻ vùng cao quanh năm làm bạn với đá sỏi và mây trời!

Vu lan năm nay, thật tình khi lướt phố hay khi lướt web, thấy không khí đời thật đời ảo rộn ràng mùa báo hiếu cũng có đôi chút gợn tâm. Biết đấy, hiểu đấy, nhớ đấy, và biết ơn ngập tràn đấy nhưng không hiểu sao cái náo nhiệt của mùa lễ cũng không thể khiến cho tôi dụng công cố làm một cái gì đó chỉ để cho bằng chúng bằng bạn. Suy cho cùng thì cũng tại cái suy nghĩ hiếu thảo là ở tấm lòng, và ngày nào, tháng nào trong năm cũng là thời điểm vu lan mà ra. Và cũng từ lâu rồi, tôi đã tập cách đối diện với chính mình, và làm những gì mà mình cho là đúng, mà ít chịu sự tác động của người khác, lại càng không chịu sự tác động của cộng đồng, đặc biệt ảo! Vì thế, cái cảm xúc yêu thương của ngày lễ Vu lan cộng hưởng với cảm xúc tự hào yêu quê hương đất nước dâng trào trong những ngày kỷ niệm Quốc khánh tất nhiên cũng không vì lời bình luận, hay xúc cảm của cư dân trên “cộng đồng mạng” mà thay đổi.
Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh diễn ra trong thời điểm Hà Nội đang đón một trận mưa dông, và thời tiết rất không thuận lợi khi buổi tổng duyệt diễu binh diễn ra trong một cơn mưa tầm tã hàng tiếng đồng hồ. Mưa trắng đường đến nỗi đi trên phố mà tôi không mở nổi mắt vì mưa xối thẳng vào mặt, vào mắt cay xè, gió thổi tạt ngang tạt ngửa làm xe nghiêng ngả xiêu vẹo. Thật sự cũng chả nghĩ nhiều về buổi tổng duyệt diễu binh cũng như lễ chào mừng Quốc khánh, cho dù là kỷ niệm năm chẵn, cho dù hoa cờ và biểu ngữ tràn ngập màu sắc trên phố, vì mấy ngày đó tôi còn lo tìm tránh đường cấm đưa hàng đi đi về về. Nhưng rồi thấy khắp FB tràn ngập hình ảnh và những dòng bình luận về lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh. Quá đẹp! Những hình ảnh thể hiện được tất cả vẻ đẹp cả về thể chất lẫn tinh thần của con người và dân tộc Việt Nam, thật sự đã làm khơi dậy niềm xúc động tự hào dân tộc, thậm chí ngay cả của tâm hồn đã trơ lì một phần cảm xúc như tôi!  Và rồi hỉ nộ ái ố đủ cả, trên mạng! Nào thì xúc động, hoan hỉ, hạnh phúc, tự hào! Nào thì than thở, cáu giận, phiền não vì tắc đường, vì mưa to, … Và rồi cũng như bao dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại của đất nước, quan điểm chính trị bắt đầu được đẩy lên cao. Bắt đầu từ những suy nghĩ tôi cho có phần rất tiêu cực, kiểu như: Để có được mấy dòng tự do, hạnh phúc trên khẩu hiệu thì phải đổi bằng tự do thật (đi lại) và hạnh phúc thật (về sớm với gia đình). Ai cho phép làm rối loạn giao thông thế này? Căn cứ pháp luật nào để bạ đâu cấm đấy thế này? Những người nắm quyền đang coi thủ đô như mảnh đất trong vườn nhà họ hay sao mà tùy tiện như vậy? Đã thử hỏi ý kiến người dân xem họ đồng thuận không? (hỏi ý kiến về việc cấm đường a??!!) Hay thực ra đang muốn chứng tỏ quyền lực? Ảo tưởng quyền lực? (ai ảo tưởng?!) diễu binh hoành tráng khi xã hội nghèo đói bất công, pháo hoa dù đẹp nhưng chóng tàn và chẳng thể nào qua được cơn đói, diễu binh hoành tráng, vũ khí hiện đại nhưng lòng người không theo thì có ích gì, rồi thì "lòng yêu nước bị cưỡng ép", "vui mừng gì khi mà "có độc lập nhưng chưa tự do"! "có độc lập đâu mà ăn mừng, bao năm qua VN vẫn Hán thuộc"!!!!! Thậm chí có người còn kêu gọi kiểu như "50 triệu là 1 cần câu cơm, vậy thì 600 tỷ đồng sẽ là 12.000 cần câu giúp 12.000 hộ nghèo thoát nghèo. Nếu trung bình mỗi hộ có bốn nhân khẩu thì sẽ có 48.000 người được thoát nghèo". Đơn giản như đan rổ! haaa hiiiii
 Đọc mà thấy mệt nhoài vì buồn và cười!
Tôi, một người không thích chính trị và nói thẳng là cũng không muốn dây dưa với chính trị. Tuy nhiên, trong vụ duyệt binh cũng như kỷ niệm Quốc khánh này tôi vote 1 lá phiếu ủng hộ cho ông Nhà nước cùng hơn 30.000 người tham gia lễ duyệt binh cùng số tiền được cho là 600 tỉ cho ngày lễ. Chắc đọc đến đây nhiều người sẽ “ưu ái” đội cho cái mũ đỏ, và đặt cho cái tên "yêu Đảng" cho tôi. Tôi không phải là người thích nói những điều đao to búa lớn. Lại càng không thuộc lòng những lời lẽ hùng hồn cao cả có đầy trên báo đài sách vở, mà nhiều đoàn viên đảng viên có thể tuôn ra dạt dào bất cứ lúc nào. Tôi chỉ biết yêu quê hương Tổ quốc theo cách của tôi. Tình yêu này bắt đầu từ tổ tiên, được nuôi dưỡng và truyền lại qua bao đời đến tôi và rồi chắc chắn sẽ đến con cháu tôi, chứ không phải từ sách vở, nghị quyết hay chính sách gì gì đó! Tôi chỉ biết tôi yêu vô cùng ngày 2/9, kính trọng vô cùng và mãi mãi Bác Hồ, bất luận đất nước này do thể chế chính trị nào lãnh đạo. Ngày đó, và con người đó, đã làm thay đổi cuộc sống của ông bà tôi, gia đình tôi, người dân tôi và quê hương đất nước tôi... Tôi lớn lên với niềm tự hào trong những câu chuyện của chính gia đình tôi về những cơ cực lầm than trong quá khứ và chứng kiến những đổi mới trong thời này. Vì vậy, khi đọc những lời bình phẩm tiêu cực của nhiều người viết về lễ diễu binh và ngày Quốc Khánh, cảm giác của tôi là mệt mỏi, buồn và thất vọng! Tôi thương gia đình dòng tộc tôi với những mất mát hy sinh cống hiến cho Tổ Quốc, tôi thương cả đồng bào tôi máu đỏ da vàng đã ngã xuống để bảo vệ giang sơn đất nước. Và trên tất cả tôi thương nhớ vô cùng đến người mà cả gia đình tôi từ già đến trẻ vẫn yêu kính gọi bằng Bác.
Đúng là tôi không hiểu nhiều và cũng không muốn quan tâm để ý đến chính trị, cuộc sống dạy tôi tin một điều rằng, khi chiến tranh xảy ra thì mất mát sẽ rất lớn và trong cuộc chiến tranh sẽ rất khó để rạch ròi phân định ai đúng ai sai! Cuộc sống luân hồi trong đạo Phật dạy rằng, để tái sinh một nghìn người này có thể đồng nghĩa với việc làm chết đi rất nhiều người khác. Dường như đó là quy luật của cuộc sống! Người bị mất sẽ khóc, còn người được sẽ cười! Đó là vẻ bề ngoài nhưng điều đó không hoàn toàn nói lên điều gì. Chỉ nghe ông bà tôi kể lại, giờ này cách đây 70 năm, người dân Việt Nam nói chung trên toàn quốc rất vui sướng, rất hồ hởi! Niềm vui sướng được cho là ngưng đọng và vỡ òa! Rất nhiều người dân trong đó có gia đình tôi đã thật sự rất biết ơn cái ngày này 70 năm trước!
Do đó, vì lý do nào đó vẫn còn có những người có ác cảm với Bác Hồ, với thể chế chính trị ở Việt Nam, vẫn hằn học với ngày Quốc khánh hay ngày Độc lập. Tôi tôn trọng cảm xúc cá nhân của họ vì tôi cùng gia đình vui mừng kỷ niệm nhân ngày đất nước được khai sinh hay độc lập cũng không thể bắt họ cũng phải có những cảm xúc giống như chúng tôi. Nhưng tôi mong họ bình tĩnh và khách quan hơn trong những bình luận của mình, để cho niềm vui của đại đa phần người dân Việt Nam như tôi được thêm phần trọn vẹn mặc dù những lời bình luận kiểu đó không thể làm giảm sút tình cảm yêu kính của người dân với Bác Hồ, ân nhân của đại đa phần người Việt Nam. Sẽ không gì có thể làm tôi ghét ngày Quốc khánh 2-9. Và vì thế, ngày thứ tư tới đây, gia đình tôi sẽ lốc nhốc kéo nhau đi tận hưởng niềm vui xa xỉ mà to lớn của lễ duyệt binh mừng Quốc khánh. Chẳng còn dịp nào tuyệt vời hơn để truyền lại niềm tự hào và lòng yêu quê hương đất nước cho các con cháu của tôi, về  nghe về một phần lịch sử quan trọng của dân tộc, lý do để có lễ diễu binh này.
Từ nay trở về sau, mỗi mùa Vu lan tới, thay cho cài hoa hồng, tôi sẽ treo cờ Tổ quốc!
Trương Thị Hằng

1 nhận xét:

  1. Theo tôi cảm nhận Tết độc lập - có lẽ chỉ những con người nào hoặc đất nước nào đã trải qua những đau thương của chiến tranh của đô hộ, mất mát mới có thể nhận ra được giá trị đích thực của ngữ nghĩa "Tết độc lập". 70 năm Quốc khánh nước nhà. Nhìn lớp lớp người trong đội hình diễu binh, diễu hành với khí thế hào hùng của những lớp người dân đất việt trong hàng ngũ ấy, ta như cảm nhận thêm được giá trị đích thực độc lập của dân tộc. Hòa chung với khí thế ấy, tôi nghe được một cụ già đứng gần đó thổ lộ tình cảm với mọi người "không còn gì hạnh phúc hơn khi chúng ta đang sống trong hào khí của những ngày cách mạng tháng Tám và Quốc khánh của dân tộc. Trong thời điểm lịch sử này, chúng ta càng biết ơn, tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta cũng không quên những hy sinh của những người mẹ Việt Nam anh hùng, những anh hùng, liệt sỹ và biết bao đồng bào ta đã ngã xuống để bảo vệ đất nước để chúng ta có cuộc sống thanh bình và hạnh phúc như ngày nay". Một ngày có ý nghĩa thiêng liêng biết nhường nào.

    Trả lờiXóa