Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Phải chăng là cuộc chiến khốc liệt trong cái lò nhà sản?


Dạo này đọc báo, nghe đài, đâu đâu cũng thấy nói đến vụ Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, rồi câu chuyện của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa,  ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank… Là một công nhân thợ điện (xin nghỉ mất sức), giờ ngồi bán nước trà đá vỉa hè để mưu sinh nhưng tôi cũng rất quan tâm theo dõi diễn biến các vụ việc có thể nói là “tiếng tăm” ấy. Hơn nữa, hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều người, đủ mọi đối tượng (cán bộ, công chức, viên chức, người già, người trẻ, công nhân, xe ôm…) nên bản thân cũng nghe được nhiều thông tin, dư luận từ nhiều phía.
Mới đây, đọc bài “Cuộc chiến khốc liệt trong cái lò nhà sản” của ông (bà) Hải âu nào đó, với những gì nghe được, nắm được và thực tâm suy nghĩ của mình, tôi muốn trao đổi với bạn đọc vài điều.
Ông (bà) hải âu cho rằng việc ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí Thư - chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những sai phạm của vụ Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Trầm Bê, Phan Huy Khang, Hồ Thị Kim Thoa…, hay như mới đây là việc kỷ luật ông Đinh La Thăng là “chiến dịch “làm sạch hệ thống” đảng cộng sản của Nguyễn Phú Trọng” để “cố bằng mọi giá giữ vững chiếc ghế của mình bằng một chiến dịch thanh trừng những kẻ có thể gây hại đến vị thế tổng bí thư của mình”.
Trước hết, phải nói rằng, một mình ông Trọng thì không thể lấy ý kiến cá nhân để tự quyết định được tất cả, theo kiểu “một tay che cả bầu trời” được. Bởi lẽ, không riêng gì tổ chức đảng mà các cơ quan, đơn vị, hay bất cứ tổ chức nào, đơn giản như tổ dân phố ở chỗ tôi cũng vậy, làm việc gì cũng phải dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, phải nghe ý kiến của mọi người rồi cuối cùng mới đi đến thống nhất và thiểu số phải phục tùng đa số. Ở đây, đúng là ông Trọng làm Tổng Bí thư – người đứng đầu ĐCSVN, nhưng tôi được biết với cơ quan Đảng thì “tập trung dân chủ” là nguyên tắc tổ chức cao nhất, chính vì vậy mọi cán bộ đảng viên đều phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc này, theo đó thì thiểu số phải phục tùng đa số, Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Ðảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Do đó, nếu chỉ có một mình ông TRọng đồng ý, hoặc là có thêm vài người khác nhất trí thì cũng không thể quyết định được việc kỷ luật hay không kỷ luật, trong khi đó còn có cả tập thể Bộ chính trị 19 người (nay còn 18 người) và tập thể BCH Trung ương 200 người (180 người chính thức). Hơn nữa, đối với các vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Trầm Bê, Phan Huy Khang, Hồ Thị Kim Thoa… lại là những vụ việc lớn, dư luận đặc biệt quan tâm thì càng không thể làm qua loa, làm cho có, cho xong được mà phải tiến hành một cách thận trọng, đúng quy trình, bài bản, đúng người, đúng tội, phải đảm bảo công bằng, khách quan.
Thứ hai, công bằng mà nói, thời gian gần đây Bộ chính trị đã rất quan tâm chỉ đạo sát sao công tác phòng chống tham nhũng – vấn đề mà nhân dân đặc biệt quan tâm và có nhiều bức xúc. Nhiều vụ việc lớn, gây hậu quả nghiêm trọng được chỉ đạo điều tra làm rõ và từng bước xử lý kỷ luật. Dư luận nhân dân rất đồng tình ủng hộ và hoan nghênh. Hằng ngày ngồi bán trà đá vỉa hè, tôi cũng được nghe không ít những ý kiến của  rất nhiều người, đủ mọi đối tượng. Dù cho mỗi người nói theo những cách khác nhau, đánh giá ở các khía cạnh khác nhau, nhưng tựu chung lại thì đều phấn khởi, đồng tình trước sự quyết tâm, kiên quyết, tập trung, thống nhất của Bộ chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương, trong đó có vai trò của người đứng đầu là ông Trọng. Việc làm này của Bộ chính trị, BCH TW đã khiến cho cá nhân tôi và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng và niềm tin với Đảng.
Rõ ràng như vậy thì việc làm cho ra, cho được các vụ việc tham nhũng lớn là ý chí, quyết tâm của cả tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TW chứ không phải là ý kiến cá nhân của ông Trọng hay của bất cứ một ai khác. Cho nên không thể nào là “chiến dịch “làm sạch hệ thống” đảng cộng sản của Nguyễn Phú Trọng” để “cố bằng mọi giá giữ vững chiếc ghế của mình bằng một chiến dịch thanh trừng những kẻ có thể gây hại đến vị thế tổng bí thư của mình” như lời ông (bà) hải âu nói.
Thứ ba, về câu nói của ông Trọng trong bài phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (phiên họp thứ 12): “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” cần được hiểu cho đúng. Đây là câu nói mà khi tiếp xúc cử tri ông Trọng hay nói để ví von một cách hình ảnh. Tôi chỉ là một tay công nhân thợ điện (nghỉ mất sức), không phải người học rộng tài cao, nhưng tôi cũng hiểu được câu nói của ông Trọng dụng ý muốn nói về công tác phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay là việc làm cấp thiết, cần làm có bài bản, có quy trình, làm cho kỳ được và không phải là việc của riêng cá nhân ai mà là của cả hệ thống, của các cấp, các ngành. Có như vậy mới thành công được. Vậy nên không thể quy kết câu nói này của ông Trọng là “một thông điệp gửi đến tất cả đảng viên cộng sản rằng Trọng vẫn là kẻ nắm giữ quyền lực cao nhất và không cho phép bất cứ đối tượng nào gây nguy hại đến mình” như lời ông (bà) hải âu nói.
Thứ tư, dù cho là thời ông Trọng làm tổng Bí thư hay bất cứ ai lên làm tổng Bí thư đi chăng nữa thì việc xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh để tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là công việc hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi lẽ, nếu không nhận được sự đồng thuận của nhân dân thì dù cho bộ máy lãnh đạo có tài giỏi đến mấy cũng khó để lãnh đạo thành công được. Vì thế, việc Bộ chính trị, Ban Bí thư, BCH TW sát sao chỉ đạo và cương quyết trong công tác phòng, chống tham nhũng là việc làm cần thiết và tất yếu. Vậy nên không thể nói đây là “nội bộ cộng sản đảng đang có một cuộc chiến quyền lực thật sự thảm khốc”, là “Chiến dịch đốt củi “làm sạch đồng chí thù địch” của cá nhân ông Trọng như lời của ông (bà) hải âu.
Trong cái thời buổi công nghệ thông tin lên ngôi như ngày nay, có rất nhiều kẻ đã lợi dụng hệ thống mạng, lợi dụng những trang thông tin không chính thống để viết bài tuyên truyền, xuyên tạc với dụng ý kích động, chia rẽ dân tộc, bôi nhọ, nói xấu, hạ uy tín... Vì vậy mọi người cần tỉnh táo, lựa chọn thông tin chính thống, cần suy nghĩ cho thật thấu đáo để hiểu vấn đề một cách đúng nhất, thực chất nhất, tránh bị tâm lí đám đông, lung lay dao động.
Ngô Văn Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét