Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

“Đứng dậy mà đi” về đâu?



       
Trường kỳ kháng chiến chống Pháp 9 năm kết thúc với trận Điện Biên Phủ 1954 chấn động địa cầu. Nhưng sau đó, đất nước Việt Nam diễn ra sự phân đôi về lãnh thổ và chính trị: miền Bắc là con đường chủ nghĩa xã hội của Đảng cộng sản của Hồ Chí Minh có sự ủng hộ của Liên Xô, còn ở miền Nam là con đường tư bản của chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Từ đó, làm xuất hiện những vấn đề rắc rối: tư bản và cộng sản, theo bên nào, ai chính nghĩa, ai thắng ai, ai kế tục truyền thống phục vụ lợi ích dân tộc?... Thế rồi, sinh ra đối lập giữa những người “Việt cộng” những người được gọi là “ngụy quyền, ngụy quân”; những người đi theo Đảng cộng sản của Hồ Chí Minh đấu tranh thống nhất Tổ quốc với ngụy quyền, ngụy quân đi theo Mỹ, công tội ra sao?...
Câu chuyện cứ kéo dài cho đến tận sau hơn 40 năm kể từ ngày 30/4/1975. Thường xuất hiện nhiều bài viết nói về những vấn đề quá khứ ấy. Phần đa số cho rằng đi theo Hồ Chí Minh là chính nghĩa, đất nước Việt Nam đi theo con đường cộng sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, hợp quy luật. Nhưng cũng có người phản bác điều đó, cố tình đưa ra đủ lí lẽ để bảo vệ chế độ Việt Nam cộng hòa của Ngô Đình Diệm, kêu gọi người dân Việt Nam lật đổ chế độ cộng sản. Dưới đây xin lấy câu chuyện “Dậy mà đi” của năm 1966 và “Đứng dậy mà đi” của năm 2018 làm ví dụ minh họa.
1. “Dậy mà đi” của Nguyễn Xuân Tân   
Năm 1966, dưới chế độ “Việt Nam Cộng hòa”, các đô thị ở Miền Nam nước ta xuất hiện phong trào Du ca với mục tiêu: Du ca phải là những bài ca của tuổi trẻ có ý thức trong một xã hội đầy biến động, trong một đời sống âm nhạc với những bài ca sầu não. Nhưng “nỗi buồn nhược tiểu” ít hoặc nhiều, nông hoặc sâu vẫn đè nặng hoặc ám ảnh trong tâm trí của những du ca sĩ.
Vì chưa thỏa mãn, đã có không ít, thanh niên, sinh viên tìm về một hướng khác: những bài hát yêu nước trước Cách mạng tháng 8- 1945, đặc biệt là những nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoàng Qúy như: Nước non Lam Sơn, Chùa Hương, Ngày xưa trên Sông Bạch Đằng... Thế là một đêm nhạc Hoàng Qúy được tổ chức tại Bộ Thanh niên (31/7/1966). Và nữa, trong đêm lửa trại (ngày 5/11/1967) của đoàn Văn nghệ thanh niên, sinh viên, học sinh Nguồn sống tổ chức nhận kỷ niệm hai năm ngày ra đời (Với khẩu hiệu: Văn hóa là nguồn sống của dân tộc; Hãy hãnh diện về lịch sử oai hùng của dân tộc!), những người tham dự đã nghe rất say sưa những làn điệu dân ca (mà có người gọi là quốc nhạc) đã ngắm nghía với thái độ ngưỡng mộ những bộ y phục dân tộc trong các điệu múa dân gian của cả ba miền. Họ được tắm mình và sống lại với lịch sử trong những ca khúc hoạt cảnh (múa, hát, kịch) Hội Nghị Diên Hồng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng...
Trong vô vàn trào lưu ca hát, với rất nhiều đường hướng khác nhau, Phạm Duy đề xướng Tâm ca với tuyên ngôn “mình hát cho mình nghe”, vừa diễn đạt trung thực nỗi niềm của người hát, vừa gây cho người hát một ảo tưởng hành động, xoa dịu cái cảm thức bất lực. Chính trong bối cảnh đó, Tôn Thất Lập không muốn “mình hát cho mình nghe” mà anh muốn “Hát cho dân tôi nghe” nên đã đề xướng và cũng là người sáng lập phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe  trong sinh viên, học sinh những năm 1968-1975.  Hưởng ứng, đồng thời là những người cộng sự đắc lực, chiến hữu của Tôn Thất Lập, có Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Tân, Trần Quang Long, Nguyễn Văn Sanh, Miên Đức Thắng...
Những năm tháng ấy, nếu như trên những nẻo đường của nửa nước phía Nam đất nước vang động câu hát: “Dậy mà đi, dậy mà đi! Dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi?” của Tôn Thất Lập, thì trên sóng phát thanh và truyền hình, trên các sàn diễn của nửa nước phía Bắc cũng cất cao và hòa chung câu hát đó. Tác phẩm “Dậy mà đi" là một bài hát được nhạc sĩ Tôn Thất Lập phổ nhạc từ bài thơ cùng tên trong tập thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1941 (Tôn Thất Lập ký tên là Phan Xuân Tân) nhằm hưởng ứng Phong trào hát cho đồng bào tôi nghe. Lời bài hát kêu gọi thanh niên đứng dậy vì sự nghiệp chung là đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất Tổ quốc với lời lẽ thống thiết: Ai chiến thắng không hề chiến bại/ Ai nên khôn không khốn một lần/ Dậy mà đi, dậy mà đi/ Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà/ Bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà/Dậy mà đi, dậy mà đi…
Lâu nay, tôi nghe bài hát Dậy mà đi và tôi thấy nhiều người đều đánh giá cao về mặt tư tưởng của bài hát khi đặt nó trong trào lưu chung của xã hội và trong dòng chảy văn hóa dân tộc, lấy mục tiêu thống nhất Tổ quốc là trên hết. Do đó, “Dậy mà đi” để cùng nhau bảo vệ non song gấm vóc của ông cha mình đã dày công vun đắp; “Dậy mà đi” để rửa nhục cho dân tộc nô lệ, chia cắt, để tiêu trừ cái thói đời “ăn cơm nhà người để làm hại nhà mình”. Nhưng gầy đây, tôi thấy một số người đang hiểu sai, hoặc là cố ý, hoặc là vô tình đẩy ý nghĩa của bài hát đó sang một hướng khác, mà tôi gọi là “Dậy mà đi” của năm 2018.
2. “Đứng dậy mà đi” của Bảo Giang.
Trên facebook và một số trang mạng xã hội xuất hiện một số bài viết phân tích bài hát Dậy mà đi, đặt trong tình hình hiện nay để lái ý thức nhân dân sang một hướng khác với ý nghĩa của nó. Ví như tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa có bài đăng ở trang Dấu bước thăng trầm, lý giải một số ý về bài Dậy mà đi; tác giả Phùng Mai viết bài “Có nên tắt đài bài ca Dậy Mà Đi?”; trang điện tử Đời Sống Việt - viendongdaily.com có bài phân tích “Dậy mà đi” là “Gậy ông đập lưng ông”…
Một số bài trên trang điện tử của tạp chí Danlambao còn kêu gọi nhân dân nổi dậy lật đổ chế độ cộng sản, bác bỏ giá trị của Hồ Chí Minh. Ví dụ, có người cho rằng, bài hát Dậy mà đi của Tôn Thất Lập - một cán bộ tuyên giáo của cộng sản là để chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích 1968, là công cụ của cộng sản Bắc Việt. Những người dân oan họ không cần biết Tôn Thất Lập là ai, nguồn gốc bài hát từ đâu, họ chỉ biết trong lời bài hát có đoạn: "Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà. Bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà." Thật xót xa, họ bị nhà cầm quyền cộng sản cướp hết đất đai, nhà cửa, không còn đường sống, họ quẫn bách họ đến với nhau, xuống đường, biểu tình, kêu oan khắp nơi và hát bài “Dậy mà đi”. Thậm chí tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa còn cho rằng, bài “Dậy mà đi” là niềm đau của dân tộc; là cáo trạng của một sự lường gạt tri thức; là vết hằn của một lớp người từng bị nó dẫn dụ xuống đường, nổi dậy để tiêu diệt tự do của chính mình, và lôi cả nước vào vòng ô nhục, quẫn bách. Nó, đã góp phần dựng nên cái bạo quyền mà chúng ta đang vận động để giải thể”. Tác giả còn đánh giá: Tôn Thất Lập mang theo công tác gieo mầm chống Mỹ trong giới sinh viên Việt Nam ở Âu Châu, hòa nhập với phong trào phản chiến lan tràn khắp nơi trên thế giới. Bên trong Việt Nam là một xã hội rối bời do những hoạt động khuấy rối của đảng cộng sản Việt Nam, bên ngoài là làn sóng phản đối chiến tranh do cộng sản quốc tế yểm trợ, cuối cùng miền Nam mất vào tay cộng sản.
Đặc biệt, bài “Đứng dậy mà đi” của tác giả Bảo Giang, đăng báo điện tử Danlambao phân tích ở một góc cạnh rất lạ. Có thể nói, tác giả Bảo Giang đã dày công nghiên cứu, so sánh về Các Mác và Hồ Chí Minh; trình bày một bài viết theo các mục rất rõ rằng, mạch lạc, có dẫn chứng. Tôi rất thích cách viết bài khúc chiết như vậy. Tuy nhiên, thay vì phân tích tiểu sử, quá trình hoạt động và cống hiến của Mác và Hồ Chí Minh cho lịch sử nhân loại cũng như chỉ ra mặt hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy hành động của nhân dân tiến đến một thế giới tốt đẹp, thì tác giả Bảo Giang lại thiên về chỉ trích để đi đến phế bỏ, kêu gọi nhân dân hợp tác với thế lực bên ngoài để lật đổ cộng sản, dựng lên một cái gì đó chưa biết.
Tác giả viết: ai là người Việt Nam, còn nghĩ đến tiền đồ của tổ quốc, còn nghĩ đến công lao khó nhọc dựng nước và giữ nước của cha ông ta và còn muốn bảo tồn mảnh đất này cho con cháu mai sau thì xin hãy ngồi lại bên nhau. Xin bớt đi đôi ba lời nói nhưng thêm vào là những bàn tay. Để rồi, cùng nắm chặt lấy tay nhau, cùng đứng dậy, đạp đổ thành trì gian ác cũng như chế độ vô luân của cộng sản mà đi”. Trong đoạn viết ấy, tôi đồng tình với tác giả ở vế đầu, rằng cùng nhau chung sức, đồng lòng, hợp tác với nhau để bảo vệ biên cương của Tổ quốc, làm cho Việt Nam không bị lệ thuộc ngoại bang; xây dựng Việt Nam giàu có, lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Nhưng tôi không đồng ý ở vế sau rằng, “đạp đổ chế độ vô luân cộng sản mà đi”. Theo tôi, tác giả Bảo Giang nên kêu gọi ngặn chặn, đẩy lùi những mặt trái, xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái, tiêu cực, làm cho bộ máy Đảng, nhà nước trong sạch, gọn nhẹ, hiệu quả cho dân được nhờ. Thế mới là có tính xây dựng, và kêu gọi nhân dân ai cũng muốn đứng dậy làm điều hợp với lợi ích chung của dân tộc.
Tác giả cho rằng, cuộc sống cơ cực ở Việt Nam, thúc dục nhiều người ra nước ngoài tìm tự do hạnh phúc. Điều này, tôi nghĩ là không đúng. Sống ở đâu thì phải tuân theo pháp luật ở đó, không vi phạm thế là có tự do rồi. không phải như Bảo Giang viết: “thân nhân hoặc con cái Việt cộng thì lại có hàng chục ngàn, hoặc hơn thế, tìm đủ mọi cách để “di cư” sang các nước Tự Do như Anh, Mỹ, Úc, Canada… Tại sao thế nhỉ? Cha mẹ chúng thờ Tàu, chúng lại theo Mỹ ư? Ngay trong nhà chúng đối chọi, lừa đảo nhau như thế thì làm sao có thể tử tế với người ngoài?” Từ đó, Bảo Giang kêu gọi: “Nếu không có cuộc cách mạng từ chính lòng người Việt Nam, đất nước này sẽ được tập đoàn cộng sản HCM từ từ dẫn vào lòng Trung cộng. Ở đó, người Việt Nam khác gì lũ nô lệ cho Tàu ngay trên quê hương mình?” “Bạch đằng Giang, Đống Đa lả thành lũy của dân tộc còn đây thì những kẻ như Hồ chí Minh, Lê chiêu Thống và hôm nay là những Trọng, Ngân, Phúc, Quang… rước voi về dày mả tổ”.
Tôi cho rằng, tác giả Bảo Giang viết về lịch sử mà chưa hiểu lịch sử, nên đã đem ý tốt của bài hát mà chuyển sang hướng xấu cho đất nước hiện tại. Chắc là tác giả biết rõ bài hát Dậy mà đi những năm 70 của thế kỷ XX mang đến cho tuổi trẻ nhiệt huyết thực hiện mục tiêu cứu nước, cứu dân, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, giành lại độc lập, tự do, không bị lệ thuộc đế quốc. Nhưng hiện nay, Bảo Giang kêu gọi Đứng dậy mà đi với ý nghĩ kêu gọi nhân dân phủ nhận con đường cách mạng của Hồ Chí Minh, nổi dậy lật đổ chế độ mà Việt Nam đang xây dựng, nhưng lại không vạch ra được con đường đi đến hạnh phúc, tự do, ấm no, độc lập. Điều đó cũng giống như kêu gọi nhân dân đứng dậy mà đi trong đêm tối, đạp phá bỏ thành quả đã phấn đấu xây dựng từ bấy lâu nay, phá bỏ cuộc sống bình yên để đi vào một đêm tối, mất phương hướng.
Có một điều mà ai cũng hiểu: Suy nghĩ không tốt thì làm sao có những bài viết hay và khi lời nói không chính tâm thì làm sao có hành động hợp đạo người? Chắc là Bảo Giang dẫn dần sẽ hiểu!



Lê Quốc Huy,
Cầu Giấy, Hà Nội


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét