Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

“Nói đi đôi với làm” - phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh


  

Trong phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, Người luôn nêu cao quan điểm “nói đi đôi với làm”, lý luận gắn liền với thực tiễn. Quan điểm này cần được đề cao trong giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, một số cán bộ, đảng viên đã có những biểu hiện suy thoái và cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ với đạo đức cách mạng và mắc các khuyết điểm, như: không giữ được lập trường, muốn nghỉ ngơi, sợ gian khổ, lười học tập, thiếu cảnh giác, kém kỷ luật, lãng phí, tham ô, hủ hóa, quan liêu, v.v. Trước tình hình đó, cuối năm 1958, Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” và được Nhà xuất bản Sự thật in thành sách và phát hành trong tháng 12-1958. Tác phẩm đề cập đến nhiều nội dung trong đó tập trung chủ yếu vào vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng, Người nhấn mạnh: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[1]. Người cũng chỉ ra những khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên còn thấp kém về phẩm chất đạo đức, nhất là căn bệnh “chủ nghĩa cá nhân”. Đồng thời, xác định trách nhiệm của đảng cầm quyền là phải lãnh đạo, giáo dục, kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng: “Học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc,… Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”[2], chứ không phải như: “có đồng chí học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Họ cho mình là hiểu biết chủ nghĩa Mác – Lê-nin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế, thì họ hoặc là máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói việc làm của họ không nhất trí,… Đó cũng là chủ nghĩa cá nhân”[3]. Do đó, phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thường xuyên, đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cá nhân. Người còn nêu ra: nguyên tắc nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức trong quá trình thực hiện. Và chính bản thân Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc, đầy đủ nhất trong suốt cả cuộc đời mình. Hơn thế, có nhiều vấn đề về đạo đức Người làm mà không nói. Người khẳng định: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm. Bác kêu gọi toàn dân tiết kiệm, bản thân Người nghiêm túc thực hiện, từ việc ăn, mặc đến sinh hoạt, làm việc hằng ngày, Bác đều gương mẫu. Hình ảnh Bác - Vị Chủ tịch nước mặc quần áo giản dị, đi dép cao su, làm việc trong ngôi nhà sàn đơn sơ, hay tuần nhịn một bữa ăn để ủng hộ phong trào “Hũ gạo kháng chiến” là một trong những ví dụ điển hình minh chứng cho điều đó. Tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh đã làm cho Người trở thành một con người toàn vẹn với một cuộc sống mẫu mực tự nhiên trong suốt cả cuộc đời - một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đúng như quan điểm của Người: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[5]. Chính vì vậy mà tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Người đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc, mãi mãi là tấm gương để chúng ta học tập và phấn đấu làm theo.
 Tấm gương đạo đức của Người chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc Việt Nam mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh đã viết trên báo Sao Mai của Đảng Cộng sản Anh, ngày 05-9-1969: tất cả những người cộng sản bất cứ ở đâu cũng đều tự hào về tấm gương của đồng chí Hồ Chí Minh. Đồng chí là tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong phong trào vĩ đại của chúng ta. Đồng chí là một nhà cách mạng, một nhà yêu nước, một người giàu lòng nhân đạo, một nhà hoạt động quốc tế tận tụy. 
Nói đi đôi với làm là một yêu cầu hàng đầu đối với cán bộ, đảng viên
Sinh thời, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính[6], nếu không thì không thể nói ai được. Đây là nội dung của phong cách nêu gương về mọi mặt của cán bộ, đảng viên. Hiện nay, nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những yếu tố tích cực cũng có cả những yếu tố tiêu cực tác động đến các giá trị xã hội nói chung và giá trị đạo đức nói riêng. Bên cạnh những người biết trọng cả nghĩalợi, biết kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chỉ chạy theo lợi ích cá nhân, dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống, làm tổn hại uy tín của Đảng và Nhà nước trước nhân dân. Cho nên, việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để không ngừng nâng cao nhận thức và “làm theo” phương pháp “nêu gương” của Bác, phải trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết trong tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.
Thấm nhuần lời chỉ dẫn của Bác về “nói đi đôi với làm” trong phong cách nêu gương và thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề năm 2018 về “xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mỗi cán bộ, đảng viên cần:
Thực hiện tốt “nói đi đôi với làm”. Đây là phương châm, nguyên tắc chỉ đạo hoạt động, được Hồ Chí Minh coi là một trong những tiêu chí quan trọng khi thực hành “nêu gương”. Đồng thời, là biểu hiện cụ thể, sinh động về bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng ta, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đứng vững và vượt qua trước mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hiện nay, trước những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, các dạng biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội về chính trị, kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, “nói đi đôi với làm” theo đúng tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cách mạng càng trở nên cần thiết đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong hoạt động thực tiễn, mỗi người cần học tập và “làm theo” phong cách làm việc thận trọng, tỉ mỉ, giờ nào việc ấy, tinh thần trách nhiệm cao, đi sâu đi sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng của Bác. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những biểu hiện trái với tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho phương pháp “nêu gương” mất ý nghĩa, tác dụng trong giáo dục đạo đức, lối sống ngay trong nội bộ tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội, như: quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, xa rời quần chúng; không dám nói, không dám hành động, “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đường làm một nẻo”, hoặc ngồi chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm, v.v.
Đẩy mạnh thực hiện tự phê bình và phê bình. Đây là vũ khí sắc bén, là động lực bên trong giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng vươn lên hoàn thiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và là một biện pháp hữu hiệu của phương pháp “nêu gương”. Trong tình hình mới, khi lợi ích cá nhân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm, nhất là khi quyền lợi vật chất luôn gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức nói chung, thì công tác tự phê bình và phê bình càng phải được quán triệt và thực hiện nghiêm. Thực tiễn cho thấy do lợi ích và uy tín cá nhân mà không ít cán bộ, đảng viên đã dấu giếm khuyết điểm của mình và khi phê bình, góp ý về những khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp thì lại xuê xoa, “hòa cả làng”, vì sợ họ cũng sẽ động chạm đến lợi ích và uy tín chính trị của mình. Điều đó dẫn đến chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa “bè phái” trong các tổ chức đảng, làm giảm sút sức chiến đấu của Đảng. Hơn nữa, quần chúng nhân dân luôn chú ý tới lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên để xem có nên noi theo hay không. Vì thế, cán bộ, đảng viên càng giữ vị trí cao, vị trí quan trọng, nhất là người đứng đầu, càng phải hết sức nêu gương tự phê bình và phê bình về phẩm chất đạo đức, lối sống ở mọi lúc, mọi nơi.
“Làm theo” trong thực hiện nêu gương khi tiến hành tự phê bình và phê bình cần phải có phương pháp để bảo đảm tính khách quan, khoa học, phù hợp và hiệu quả. Đó là: tự phê bình và phê bình phải từ trên xuống; cấp ủy đảng các cấp phải thường xuyên nêu gương tự phê bình và phê bình cho cấp dưới và quần chúng noi theo; phải trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của cấp dưới, kể cả những ý kiến trái ngược nhau, ý kiến của những người ngoài Đảng, của các tổ chức chính trị - xã hội.
Nâng cao ý thức tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Theo Hồ Chí Minh: đạo đức cách mạng không phải ở trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng nh­ư: ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Như vậy, việc nêu gương tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên thực chất là một quá trình tự luyện vàng, để không ngừng hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức và phẩm chất cách mạng. Thực tế cho thấy, sống trong cơ chế thị trường, nếu không kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, không thường xuyên tự giáo dục, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng, thì người cán bộ, đảng viên rất dễ bị sa ngã trước áp lực của đồng tiền, của những lợi ích vật chất luôn vây quanh mình. Do vậy, quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên phải luôn gắn với việc tự sửa chữa khuyết điểm của mình, giống như­ thói quen “rửa mặt hằng ngày”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu cụ thể, tỉ mỉ, sát với nhiệm vụ, chức trách được giao và phải được thể hiện bằng những việc làm thiết thực hằng ngày, có như­ vậy mới thực sự được tôi luyện, mới trở thành tấm gương để quần chúng noi theo.
Trước yêu cầu mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt việc “nói đi đôi với làm”, chấp hành nghiêm Quy định 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, tự giác đi đầu, thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình đến quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ. Trong thực hiện phải kết hợp chặt chẽ với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, tạo sự lan tỏa, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng./.

         
Luận Lý


[1]- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 601.
[2] - Sđd, Tập 11, tr. 611.
[3] - Sđd, Tập 11, tr. 611.
[4] - Sđd, Tập 11, tr. 606.
[5] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 284.
[6] - Sđd, Tập 6, tr. 130.

1 nhận xét:

  1. đạo đức cách mạng không phải ở trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng nh­ư: ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Như vậy, việc nêu gương tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên thực chất là một quá trình tự luyện vàng, để không ngừng hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức và phẩm chất cách mạng. Thực tế cho thấy, sống trong cơ chế thị trường, nếu không kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, không thường xuyên tự giáo dục, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng, thì người cán bộ, đảng viên rất dễ bị sa ngã trước áp lực của đồng tiền, của những lợi ích vật chất luôn vây quanh mình. Do vậy, quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên phải luôn gắn với việc tự sửa chữa khuyết điểm của mình, giống như­ thói quen “rửa mặt hằng ngày”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu cụ thể, tỉ mỉ, sát với nhiệm vụ, chức trách được giao và phải được thể hiện bằng những việc làm thiết thực hằng ngày, có như­ vậy mới thực sự được tôi luyện, mới trở thành tấm gương để quần chúng noi theo.

    Trả lờiXóa